Bệnh vẩy nến thể mảng: Cách điều trị và thông tin cần biết
Vẩy nến thể mảng là tình trạng da tự miễn mãn tính gây xuất hiện những mảng da dày, đỏ và có vảy. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến viêm khớp vẩy nến.
Bệnh vẩy nến thể mảng là gì?
Bệnh vẩy nến thể mảng là một trong những dạng vẩy nến khá phổ biến. Theo ước tính có từ 80 – 90% người bị vẩy nến lâu năm thường phát triển thành những mảng bám. Có một số người sẽ có nhiều hơn một loại bệnh vẩy nến.
Sự xuất hiện của vẩy nến thể mảng khiến làn da bị tổn thương gây đỏ, nổi vảy và bong tróc. Bên cạnh đó, chúng còn gây ngứa ngáy tạo cho người bệnh cảm giác khó chịu. Theo các chuyên gia, đây không phải là căn bệnh nhiễm trùng. Và nó cũng không phải là bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, một khi mắc bệnh, các mảng vẩy nến bị kích thích gây tổn thương da và nhiễm trùng nặng. Bởi vậy, người bệnh không nên lơ là trong việc điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh vẩy nến thể mảng
Các nhà khoa học thường không biết chính xác yếu tố tác động gây nên bệnh vẩy nến thể mảng. Nhưng cũng giống như các loại vẩy nến khác, bệnh hình thành có thể là do sự rối loạn tự miễn dịch. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tin rằng một phần nguyên nhân gây vẩy nến thể mảng là do di truyền. Vì vậy, nếu những người thân trong gia đình bị bệnh, khả năng mắc bệnh ở bạn cũng khá cao.
Đối với trường hợp không có tiền sử gia đình bị bệnh nhưng vẩy nến thể mảng vẫn phát triển có thể là do những yếu tố sau:
- Do nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút: Những người thường xuyên bị viêm họng, đặc biệt là viêm họng liên cầu khuẩn thường có nhiều khả năng phát triển bệnh vẩy nến thể mảng hơn người khác. Bên cạnh đó, người bị nhiễm HIV cũng là đối tượng dễ bị bệnh tấn công.
- Béo phì: Đây cũng là một trong những nguyên nhân điển hình gây bệnh vẩy nến. Các mảng bám và vết loét liên quan đến bệnh vẩy nến thường phát triển chủ yếu ở các nếp nhăn và nếp gấp trên da.
- Khói thuốc lá: Sử dụng thuốc lá thường làm tăng nguy cơ phát triển bệnh vẩy nến, trong đó có vẩy nến thể mảng.
- Căng thẳng, stress: Hệ thống miễn dịch sẽ bị suy yếu nếu bạn thường xuyên gặp phải tình trạng căng thẳng, stress. Bên cạnh đó, nếu mức độ căng thẳng cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến.
Triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh vẩy nến thể mảng
Thông thường, để đo vùng bị ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng bệnh vẩy nến thể mảng trên cơ thể bác sĩ sẽ dựa vào chỉ số PASI. Ngoài ra, có thể đánh giá tỷ lệ phần trăm cơ thể bị ảnh hưởng của vẩy nến thể mảng bằng cách dùng lòng bàn tay để đo. Giả sử lòng bàn tay bằng một phần trăm diện tích trên bề mặt của cơ thể người.
Các bác sĩ thường phân loại mức độ nghiêm trọng của bệnh vẩy nến thể mảng như:
- Bệnh vẩy nến thể mảng ở mức độ nhẹ: Bệnh xuất hiện những mảng bám dưới 2% cơ thể trong một đợt bùng phát.
- Bệnh ở mức độ vừa phải: Trường hợp các mảng bám phát triển 3 – 10% cơ thể.
- Vẩy nến thể mảng ở mức độ nặng: Mảng bám chiếm 10% cơ thể hoặc hơn.
Biến chứng của bệnh vẩy nến thể mảng
Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Các mảng bám bị nhiễm trùng gây nứt nẻ, chảy máu. Ngoài ra, nếu vẩy nến thể mảng chuyển nặng có thể gây ra những bệnh lý sau đây:
- Rối loạn tự miễn dẫn đến các chứng bệnh như Crohn và bệnh celiac.
- Bệnh viêm khớp vẩy nến.
- Tăng huyết áp, bệnh tim, thận.
- Bệnh Parkinson.
- Béo phì và một số vấn đề liên quan đến mắt.
Ngoài những căn bệnh này, vẩy nến thể mảng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm lên đến 50%. Bên cạnh đó, bệnh có thể làm giảm lòng tự trọng và gây ra những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến cảm xúc và tinh thần của người bệnh.
Điều trị vẩy nến thể mảng
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ bệnh của mỗi người mà bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị khác nhau. Hầu hết các bác sĩ da liễu đều bắt đầu với phương pháp chữa trị đơn giản và ít xâm lấn. Có thể dùng thuốc bôi ngoài da, thuốc uống hoặc kết hợp cả hai để cải thiện bệnh. Và lựa chọn điều trị vẩy nến thể mảng thường bao gồm:
1. Thuốc bôi
Nếu bệnh ở mức độ nhẹ, chỉ xuất hiện một vài mảng, thuốc hoặc một vài loại kem bôi ngoài da theo toa có thể là giải pháp hữu ích. Hoặc bạn có thể sử dụng các loại thuốc mua bên ngoài như nhựa than đá, vitamin A, D, axit salicylic, corticosteroid hay anthralin,… để điều trị bệnh. Các loại thuốc này đều có công dụng chống viêm, làm chậm sự phát triển của tế bào da.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể thử một số loại sản phẩm làm mềm da hay thuốc bôi giảm ngứa như pyrithione kẽm, jojoba,… Để đạt được kết quả tốt, bệnh nhân nên thoa các chất làm mịn da sau khi tắm để giúp giữ ẩm, hạn chế tình trạng da khô gây ngứa.
2. Thuốc uống toàn thân
Trong trường hợp bệnh chuyển sang mức độ nghiêm trọng hơn, thuốc uống toàn thân sẽ mang lại kết quả tốt hơn trong điều trị. Chúng không những giúp làm dịu hệ thống miễn dịch mà còn giúp làm chậm sự phát triển của tế bào da. Tuy nhiên, thuốc uống toàn thân thường gây ra nhiều phản ứng phụ nghiêm trọng như trầm cảm. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp phải các vấn đề về bệnh gan, tăng khả năng ung thư da.
Một số loại thuốc uống toàn thân bao gồm:
- Acitretin (Soriatane)
- Cyclosporine
- Apremilast (Otezla)
- Methotrexate
3. Thuốc sinh học
Thuốc sinh học nhắm vào các bộ phận cụ thể của hệ thống miễn dịch. Chúng giúp ngăn chặn hoạt động của các tế bào miễn dịch gọi là tế bào T. Hoặc cũng có thể giúp ngăn chặn protein trong hệ miễn dịch, cụ thể như interleukin 23 và 12 hay interleukin 17-A.
Một số loại thuốc sinh học thường được dùng điều trị bệnh vẩy nến thể mảng đó là:
- Enbrel (etanercept)
- Simponi (golimumab)
- Stelara (ustekinumab): Thuốc được sử dụng dưới dạng tiêm để điều trị vẩy nến thể mảng hoặc viêm khớp vẩy nến.
- Remicade (Infliximab)
- Humira (adalimumab): Thuốc dùng dưới dạng tiêm được sử dụng để giảm viêm do bệnh viêm khớp gây nên.
- Cimzia (certolizumab pegol)
4. Điều trị vẩy nến thể mảng bằng liệu pháp ánh sáng
Nếu những mảng bám lan rộng khắp toàn thân và thuốc điều trị không khả quan. Lúc này, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân nên chữa trị bệnh bằng tia cực tím. Và biện pháp này được thực hiện ngay tại bệnh viện, dưới sự kiểm soát của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cải thiện bệnh bằng cách tắm dưới ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, để tránh làm tăng nguy cơ ung thư da, trước khi áp dụng, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Tham khảo thêm: Liệu pháp ánh sáng cho người bệnh vẩy nến
Biện pháp kiểm soát sự phát triển của vẩy nến thể mảng
Người bệnh có thể thực hiện các biện pháp sau đây để khắc phục và ngăn ngừa bệnh chuyển biến nghiêm trọng:
- Tránh xa các tác nhân gây bệnh: Như các bạn đều biết, thuốc lá, căng thẳng làm nguy cơ mắc và phát triển của vẩy nến thể mảng. Chính vì vậy, khi bị bệnh, bạn nên tránh xa những chất này. Đồng thời, vẩy nến thể mảng có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh, dị ứng, rượu, hormone,…
- Theo dõi chế độ ăn: Không có bằng chứng nào cho thấy thức ăn gây bệnh vẩy nến thể mảng. Nhưng nếu không kiểm soát lượng thực phẩm nạp vào cơ thể, nhất là những đồ ăn, thức uống xấu có thể khiến tình trạng viêm diễn ra ngày càng nặng.
- Lên kế hoạch chăm sóc da: Vệ sinh da sạch sẽ mỗi ngày. Tốt nhất nên tắm bằng nước ấm để giúp loại bỏ tế bào da chết. Bên cạnh đó, trong quá trình tắm có thể dùng thêm muối biển để làm dịu da. Sau khi tắm nên thoa kem dưỡng ẩm, giảm ngứa và giúp da mềm mịn hơn.
- Làm việc với bác sĩ: Bệnh vẩy nến thể mảng có thể gây tổn hại về mặt cảm xúc. Người bệnh có thể sẽ cảm thấy tự ti hơn về ngoại hình thẩm mỹ của bản thân. Bởi vậy, có rất nhiều người bị vẩy nến thể mảng mắc phải chứng trầm cảm. Và để khắc phục tình trạng này, người bệnh cần đến sự giúp đỡ từ bác sĩ. Các chuyên gia sẽ biết cách giúp bạn thay đổi một phương thuốc mới hay áp dụng cách điều trị khác để ngăn ngừa bệnh tiến triển xấu.
Nếu có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến bệnh vẩy nến thể mảng, bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ y khoa để được tư vấn cụ thể.
ThuocDanToc.Vn không đưa ra bất kỳ lời khuyên cũng như chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm
- Bệnh vảy nến có mấy loại? Đặc điểm nhận biết từng dạng
- 12+ cách trị bệnh vẩy nến tại nhà đơn giản, hiệu quả nhất
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!