Viêm khớp vẩy nến: Tổng quan về bệnh và cách điều trị
Viêm khớp vẩy nến là chứng bệnh tự miễn mãn tính, xảy ra khi có sự kết hợp giữa tình trạng da bị viêm (bệnh vẩy nến) và sự sưng đau của các khớp. Nắm rõ các thông tin về bệnh sẽ giúp cho bạn xác định được cách điều trị phù hợp và chủ động đề ra được những biện pháp ngăn ngừa cho bản thân.
I/ Tổng quan về bệnh viêm khớp vảy nến
Thông thường, nhiều người mắc bệnh vẩy nến vẫn mang tâm lý chủ quan và cho rằng chứng bệnh không gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cũng như tính mạng của bản thân.
Tuy nhiên ít ai biết rằng, ngoài việc gây ra những phiền toái trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nó còn kéo theo sự xuất hiện của nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Một trong những căn bệnh có liên quan đến vẩy nến mà chúng ta không thể không nhắc đến đó chính là viêm khớp vẩy nến. Những thông tin mà chúng tôi cung cấp dưới đây sẽ giúp cho các bạn hiểu rõ về tình trạng này.
Viêm khớp vảy nến là gì?
Theo một số nghiên cứu cho thấy có khoảng 30% dân số mắc phải tình trạng này, do đó có thể nói đây là bệnh không phải hiếm gặp. Hiểu một cách đơn giản, viêm khớp vẩy nến (Psoriatic Arthritis – PsA) là một dạng viêm khớp có liên quan đến bệnh vẩy nến. Điều này cũng có nghĩa những người mắc bệnh vẩy nến sẽ có nguy cơ mắc viêm khớp vẩy nến rất cao. Vùng da bị bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng thường phổ biến nhất ở vị trí khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân, bàn chân, bàn tay.
Tùy vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà vẩy nến có thể liên quan đến một hoặc nhiều khớp. Tình trạng này không chỉ làm mất đi tính thẩm mỹ, gây ra cảm giác đau đớn, hạn chế sự vận động của người bệnh mà nó còn gây ra vô số những ảnh hưởng nghiêm trọng khác.
→Xem thêm: Viêm khớp nhiễm khuẩn là gì? Có nguy hiểm không ?
Các dạng của bệnh viêm khớp vẩy nến
Bệnh viêm khớp vẩy nến được chia thành 5 loại, mỗi loại lại có những đặc điểm riêng. Cụ thể như sau:
♦ Viêm khớp vẩy nến đối xứng:
Loại này thường xuất hiện ở các khớp đối xứng, giống nhau ở 2 bên cơ thể như 2 đầu gối, 2 khuỷu tay. Những triệu chứng của viêm khớp đối xứng tương tự như viêm khớp dạng thấp nhưng lại có xu hướng nhẹ hơn và gây ra các biến dạng ít hơn . Có đến 50% người bị viêm khớp vẩy nến mắc loại này, chiếm tỉ lệ cao nhất so với các loại còn lại.
♦ Viêm khớp vẩy nến không đối xứng:
Nếu như viêm khớp đối xứng ảnh hưởng đến các cặp khớp ở cả 2 bên cơ thể thì viêm khớp không đối xứng lại chỉ ảnh hưởng đến các khớp của một bên. Biểu hiện của bệnh là các khớp sẽ bị sưng đỏ, gây đau nhưng thường chỉ ở mức độ nhẹ. Người bị bệnh viêm khớp vẩy nến loại này chiếm khoảng 35%.
♦ Viêm cột sống dính khớp:
Đây là loại viêm khớp vẩy nến có liên quan đến cột sống của bạn. Khi bị viêm cột sống dính khớp thì cột sống từ cổ đến lưng đều bị ảnh hưởng. Tình trạng này khiến cho mọi cử động của bạn trở nên khó khăn vì chúng gây đau đớn. Ngoài ra bệnh cũng sẽ tác động đến các bộ phận khác như tay, chân, hông.
♦ Ưu thế ở các đốt ngón ở xa:
Viêm khớp vẩy nến loại này chỉ xảy ra ở những khớp gần nhất với các móng tay của bạn. Chỉ có khoảng 10% người bị viêm khớp vẩy nến mắc loại này.
♦ Viêm khớp vẩy nến mutilans:
Đây là một loại viêm khớp vẩy nến nghiêm trọng nhưng khá hiếm gặp, tỉ lệ người mắc bệnh chỉ có khoảng 5%. Viêm khớp vẩy nến mutilans thường ảnh hưởng đến tay và chân, đôi khi là cả cổ và lưng dưới của người bệnh. Nếu không được chữa trị sớm, chúng có thể gây thương tật vĩnh viễn.
Triệu chứng bệnh viêm khớp vẩy nến
Tùy vào từng cơ địa và mức độ bệnh của mỗi người khác nhau mà các triệu chứng cũng thể hiện ở những mức độ khác nhau. Các biểu hiện chung thường gặp ở những người bị viêm khớp vẩy nến có thể kể đến là:
♦ Đối với khớp:
- Sưng, đau các khớp.
- Thường bị cứng khớp vào buổi sáng.
- Ngón tay, ngón chân bị sưng phù.
- Cổ bị đau cứng.
♦ Gân:
Trong một số trường hợp, các cơ và gân ở những vị trí như gót chân, bàn tay cũng sẽ bị sưng đau khi đi bộ hoặc khi leo cầu thang.
♦ Mắt:
Viêm khớp vẩy nến cũng có thể làm ảnh hưởng đến đôi mắt, gây viêm kết mạc hoặc viêm màng bồ đào khiến mắt bị đỏ và đau.
♦ Móng tay, móng chân:
Người bị viêm khớp vẩy nến hay bị rỗ móng tay, móng chân. Trên móng tay và móng chân có các vết lõm nhỏ, đôi khi còn làm tróc cả móng.
Những triệu chứng bệnh mà chúng tôi liệt kê trên đây là một danh sách không đầy đủ. Ở mỗi loại viêm khớp vẩy nến có thể có những triệu chứng đặc trưng khác nữa không được chúng tôi nhắc đến. Để chắc chắn mình bị viêm khớp vẩy nến và bị loại nào thì tốt nhất hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác.
Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp vẩy nến
Đây là bệnh tự miễn mãn tính, xảy ra khi hệ miễn dịch trong cơ thể có sự rối loạn khiến cho chúng nhầm tưởng những tế bào khỏe mạnh trong cơ thể là các kháng nguyên lạ, từ đó quay lại tấn công các tế bào này gây nên tình trạng viêm ở các khớp và da. Cho đến nay người ta vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây rối loạn cơ chế miễn dịch. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng bệnh bắt nguồn từ quá trình hoạt động bất thường của các gen lympho T dưới sự tác động của các yếu tố môi trường bên ngoài. Một số yếu tố phổ biến có khả năng kích hoạt bệnh vẩy nến mà chúng ta có thể kể đến là:
- Bị bệnh vẩy nến: Đây được xem là yếu tố gây nguy cơ gây bệnh cao nhất. Vì viêm khớp vẩy nến có liên quan đến bệnh vẩy nến, do đó người bị vẩy nến sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
- Di truyền: Những đối tượng có cha hoặc mẹ đã từng bị viêm khớp vẩy nến có khả năng mắc bệnh cao người khác. Theo thống kê, những người bị bệnh do di truyền chiếm tới 40% tổng số những ca mắc viêm khớp vẩy nến.
- Độ tuổi: Mặc dù viêm khớp vẩy nến có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng độ tuổi mắc bệnh chủ yếu là từ 30 – 50.
- Do tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời: Khi để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu sẽ làm cho bệnh vẩy nến của bạn thêm trầm trọng từ đó dẫn đến viêm khớp vẩy nến.
- Bị nhiễm liên cầu khuẩn
- Do tác dụng phụ của thuốc của một số loại thuốc tây như thuốc trị rối loạn lưỡng cực, sốt rét, huyết áp cao.
- Sử dụng nhiều các chất kích thích
Ngoài ra sự thay đổi nội tiết tố, tình trạng căng thẳng mệt mỏi kéo dài, bị các tổn thương về da… cũng là những yếu tố có thể gây bệnh. Nắm được nguyên nhân sẽ tạo điều kiện cho việc khắc phục bệnh được diễn ra một cách dễ dàng.
Tham khảo thêm: 10 thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp tốt nhất hiện nay
II/ Chẩn đoán bệnh viêm khớp vẩy nến
Để chấn đoán viêm khớp vẩy nến, các bác sĩ sẽ loại trừ các nguyên nhân khác gây nên bệnh viêm khớp như viêm khớp dạng thấp hoặc gout, bằng việc áp dụng các phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh hoặc xét nghiệm máu. Cụ thể như sau:
♦ Chẩn đoán bằng hình ảnh:
- Chụp X – quang: Biện pháp này nhằm kiểm tra các tổn thương ở xương và khớp. Từ những hình ảnh các khớp do việc chụp X – quang mang lại mà bác sĩ có thể dễ dàng nhận ra những điểm bất thường ở các khớp và xương của người bệnh.
- MRI: Đây là phương pháp sử dụng sóng radio và các nam châm mạnh để chụp lại bộ phận bên trong cơ thể. Từ những hình ảnh thu được, các bác sĩ có thể nhận thấy được những tổn thương ở các khớp, gân hoặc dây chằng.
- Chụp CT scan, siêu âm: Chẩn đoán bệnh bằng các phương pháp này có tác dụng giúp cho bác sĩ biết được mức độ tiến triển của bệnh cũng như là mức độ tổn thương của các khớp.
♦ Xét nghiệm máu:
Những chất trong cơ thể được sử dụng để xét nghiệm trong trường hợp này bao gồm:
- Protein phản ứng với vitamin C: Xét nghiệm loại protein có khả năng phản ứng với vitamin C có thể xác định được bạn có đang bị viêm khớp vảy nến hay không. Vì chất này chỉ được gan tiết ra khi có sự xuất hiện của một quá trình viêm nhiễm nào đó xảy ra trong cơ thể.
- Chất dịch tại khớp: Các bác sĩ sẽ tiến hành chiết tách một lượng nhỏ chất nhầy tại các khớp được nghi ngờ là mắc bệnh rồi nuôi cấy chúng trong môi trường đặc biệt. Nếu thấy xuất hiện tinh thể acid uric thì có thể bạn đã bị gout thay vì bị viêm khớp vẩy nến.
- Kiểm tra tốc độ lắng của hồng cầu: Phương pháp này có thể kiểm tra được mức độ viêm ở bên trong cơ thể, tuy nhiên chúng lại không thể xác định được yếu tố gây nên tình trạng viêm là do viêm khớp vẩy nến hoặc do các nguyên nhân khác. Chính vì vậy mà kiểm tra tốc độ lắng của hồng cầu thường ít được áp dụng.
- Hồng cầu: Vì bệnh viêm khớp vẩy nến thường gây thiếu máu, do đó kiểm tra mật độ hồng cầu cũng là cách chẩn đoán bệnh thường được sử dụng.
- Kháng thể gây thấp khớp (RF): Các kháng thể gây thấp khớp thường xuất hiện ở những người bị viêm khớp dạng thấp (RA) nhưng lại không có ở những người bị viêm khớp vẩy nến (PsA). Vì thế, tiến hành xét nghiệm RF cũng có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh.
Những phương pháp chẩn đoán bệnh mà chúng tôi liệt kê trên đây luôn được sử dụng kết hợp với các biện pháp khác để thực hiện loại trừ nguyên nhân gây bệnh khác, từ đó đưa đến kết luận cuối cùng rằng bạn có đang bị viêm khớp vẩy nến hay không. Hãy trao đổi với các bác sĩ của bạn để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
III/ Điều trị viêm khớp vẩy nến
Tất cả các phương pháp điều trị viêm khớp vẩy nến đều nhằm vào một mục đích chung là làm giảm các triệu chứng bệnh, bao gồm cả các triệu chứng ngoài da và tổn thương của các khớp. Thông thường, bệnh được điều trị bằng các phương pháp như sau:
1. Điều trị bằng thuốc
Vì đây là bệnh có sự kết hợp giữa tình trạng da bị viêm và viêm khớp. Do đó, các loại thuốc được sử dụng cũng có nhiều loại khác nhau, tùy vào mục đích điều trị các triệu chứng bệnh.
♦ Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID):
Nếu bệnh viêm khớp của bạn đang ở mức độ nhẹ, các bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn các loại thuốc kháng viêm không chứa steroid. Chúng sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng đau khớp và sưng khớp.
Các loại thuốc này có thể được kê toa và không cần kê toa. Thông thường, các loại thuốc như ibuprofe và naproxen sẽ được chỉ định sử dụng để điều trị bệnh cho bạn. Nếu những thuốc này không mang lại hiệu quả, các bác sĩ sẽ kê cho bạn liều dùng cao hơn. Mặc dù không cần theo toa nhưng để đảm bảo an toàn, hãy hỏi ý kiến của các bác sĩ hoặc các dược sĩ để được hướng dẫn cụ thể trước khi sử dụng thuốc. Vì nếu không được sử dụng đúng cách, các loại thuốc kháng viêm không chứa steroid có thể gây ra những vấn đề không mong muốn như:
- Dạ dày bị kích thích
- Xuất huyết dạ dày
- Bị đau tim.
- Làm tổn thương đến gan, thận.
♦ Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs)
Trong trường hợp bệnh của bạn nặng, nhóm thuốc NSAID không mang lại hiệu quả chữa trị thì các loại thuốc DMARDs sẽ được chỉ định sử dụng. Chúng có tác dụng làm giảm viêm, ngăn chặn các tổn thương ở các khớp, từ đó làm chậm lại tiến triển của bệnh viêm khớp vẩy nến. Thông thường, thuốc này được dùng theo đường truyền hoặc tiêm.
Những loại thuốc DMARDs thường được sử dụng bao gồm:
- Methotrexate
- Leflunomide
- Sulfasalazine
Ngoài ra, thuốc Apremilast cũng là một loại DMARDs mới được sử dụng bằng đường uống nhằm chữa trị các triệu chứng viêm khớp vẩy nến. Loại thuốc này có tác dụng ức chế hoạt động của một loại enzyme liên quan đến tình trạng viêm mà bạn đang mắc phải, có tên là phosphodiesterase 4.
♦ Thuốc sinh học
Còn được gọi với cái tên “thuốc ức chế quá trình hoại tử khối u” (TNF -alpha), thuốc sinh học cũng thường được chỉ định trong điều trị viêm khớp vẩy nến. Với cơ chế hoạt động là ngăn chặn sự tác động của proten – alpha, thuốc có thể làm giảm đi tình trạng viêm, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh.
Thuốc sinh học có thể được dùng dưới dạng thuốc tiêm hoặc truyền. Vì chúng có khả năng làm giảm các phản ứng miễn dịch trong cơ thể nên nó cũng sẽ làm yếu đi hệ miễn dịch của cơ thể, khiến nguy cơ bị nhiễm trùng tăng lên. Ngoài ra, thuốc cũng có thể khiến bạn bị tiêu chảy hoặc buồn nôn.
Những loại thuốc này có giá thành khá đắt đỏ, do đó nó chỉ được chỉ định khi bạn sử dụng các loại thuốc khác mà không mang lại kết quả. Các loại thuốc thường được dùng bao gồm:
- Certolizumab (Cimzia)
- Adalimumab (Humira)
- Etanercept (Enbrel)
- Golimumab (Simponi)
- Infliximab (Remicade)
♦ Thuốc ức chế miễn dịch:
Để làm dịu các phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức khi bị viêm khớp vẩy nến, các bạn có thể sử dụng các loại thuốc như azathioprine hoặc cyclosporine. Tuy nhiên, khi dùng thuốc này có thể sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vì chúng cũng là loại thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch. Do đó, nhằm tránh gặp phải những tình huống không mong muốn, tốt nhất là bạn cần trao đổi với các bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này.
♦ Các loại thuốc điều trị tại chỗ:
Đây là biện pháp nhằm làm giảm các triệu chứng ngoài da do bệnh gây ra. Các loại kem, thuốc bôi, kem dưỡng da sẽ giúp cho tình trạng bong tróc, ngứa ngáy, khô ở vùng da bệnh bị giảm đi. Những loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:
- Axit salicylic
- Calcitriol hoặc calcipotriene (các dạng của vitamin D3).
- Kem steroid
- Tazarotene (dẫn xuất của vitamin A).
2. Sử dụng liệu pháp điều trị bằng laser
Khi bị vẩy nến, bạn có thể áp dụng cách chữa trị bằng laser Excimer. Đây là một phương pháp y học hiện đai, được sử dụng rộng rãi trong chữa trị nhiều chứng bệnh về da liễu, trong đó có bệnh vảy nến.
Bằng việc sử dụng ánh sáng cực tím B (UVB) có bước sóng 308 nm, các bác sĩ sẽ chiếu thẳng tia sáng vào vùng da bị tổn thương để làm giảm các triệu chứng bệnh. Vì đây là biện pháp được thực hiện bằng tay, có thể điều chỉnh được hướng đi của tia vì vậy sẽ không làm tổn thương cho các vùng da khỏe mạnh xung quanh như các liệu pháp truyền thống. Hãy chắc chắn là bạn đã tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi điều trị bằng biện pháp này để đảm bảo an toàn.
IV/ Biện pháp khắc phục/ ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh viêm khớp vẩy nến
Song song với việc áp dụng các phương pháp điều trị đặc trị, các bạn hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng bệnh của mình ngay tại nhà, đồng thời giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh cho bản thân bằng cách áp dụng các biện pháp sau đây:
- Hình thành thói quen tập thể dục thường xuyên
- Từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu bia…
- Tránh tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
- Thường xuyên chườm ấm hoặc chườm lạnh lên các vùng da hoặc khớp bị viêm. Chúng sẽ giúp làm giảm đi cảm giác đau đớn mà bệnh gây ra cho bạn.
- Bảo vệ các khớp của bạn bằng cách không làm việc quá sức, nâng đồ vật bằng 2 tay…
- Ăn nhiều các thực phẩm có tác dụng kháng viêm như omega – 3, chất béo tốt cho cơ thể, các loại trái cây chứa nhiều chất chống oxy hóa, ngũ cốc nguyên hạt.
- Tránh uống sữa, các thực phẩm gây viêm như đồ ăn cay nóng, thực phẩm được chế biến sẵn, hải sản, thực phẩm chứa gluten…
Thuocdantoc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm
- Viêm quanh khớp vai là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
- Viêm Khớp Thái Dương Hàm: Biểu Hiện và Cách Chữa Trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!