Bệnh béo phì

Béo phì có thể xảy ra ở cả nam lẫn nữ, không phân biệt độ tuổi. Người bị béo phì thường có lượng mỡ cao, cơ thể yếu, cân nặng vượt mức ảnh hưởng đến các hoạt động trong đời sống. Không những thế, tỷ lệ mỡ không phù hợp cũng là yếu tố gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Tổng quan

Béo phì (Obesity) là hiện tượng cơ thể tích mỡ quá mức so với bình thường, dẫn đến việc tỷ lệ mỡ trong cơ thể quá nhiều gây ra hại sức khỏe. Hiện nay, theo thống kê hàng năm cho thấy số lượng người bệnh béo phì ngày càng gia tăng do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau.

Bệnh béo phì
Béo phì là bệnh lý có liên quan đến nhiều yếu tố, nếu kéo dài gây ra không ít vấn đề hại sức khỏe

Để xác định một người có bệnh béo phì hay không, người ta dựa vào chỉ số khối cơ thể, gọi tắc là BMI. Chỉ số này sẽ giúp xác định mức độ dư cân, béo phì mà người bệnh đang gặp phải. Công thức tính đơn giản: BMI = Cân nặng (kg)/(chiều cao x chiều cao)(m).

Mỗi quốc gia, thể trạng, cơ địa sẽ được phân theo từng nhóm người với mức chỉ số BMI khác nhau. Theo đó, với những người khu vực châu Á, BMI lớn hơn hoặc bằng 25, khu vực châu Âu lớn hơn hoặc bằng 30 được đánh giá là béo phì. Hàng năm trên thế giới có vô số trường hợp phát hiện bệnh béo phì.

Chứng bệnh này không chỉ gây ra những ảnh hưởng về mặt ngoại hình, tâm lý, hoạt động hàng ngày của người bệnh mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe. Việc điều chỉnh cân nặng, ổn định mức BMI của cơ thể là hết sức cần thiết để cải thiện sức khỏe, ngăn ngừa các rủi ro không mong muốn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh béo phì. Theo đó, tỷ lệ bệnh nhân từ 5-19 tuổi mắc bệnh ngày càng gia tăng. Theo thống kê hàng năm cho thấy số lượng người bị béo phì ngày một tăng. Những yếu tố dưới đây có thể là nguyên nhân gây bệnh:

  • Do di truyền: Bệnh béo phì có liên quan đến yếu tố gia đình. Theo khảo sát, trong gia đình có bố, mẹ hoặc anh chị em sinh đôi mắc bệnh béo phì thì người con tiếp theo có khả năng mang gen gi truyền, khả năng bị béo phì cao hơn những đứa trẻ khác.
  • Ảnh hưởng nội tiết tố: Một số trường hợp tăng cân không kiểm soát, mắc bệnh béo phì ở tuổi trung niên giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Ngoài ra, béo phì cũng có thể xảy ra do người bệnh bị rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa đường. Vòng xoắn bệnh hình thành khi mô mỡ phát triển bất thường, ồ ạt kéo theo sự rối loạn các chỉ số cơ thể, điều này khiến bệnh nhân có khả năng gặp nhiều biến chứng.
  • Ảnh hưởng từ chế độ ăn uống: Việc sử dụng quá nhiều thức ăn chứa chất bảo quản, chất phụ gia, dầu mỡ,... là yếu tố dẫn đến thừa cân, béo phì nhiều người gặp phải. Ngoài ra, một số trường hợp uống quá nhiều đường, nước uống có gas cũng khiến cơ thể tăng hàm lượng đường, tạo điều kiện cho quá trình tích mỡ diễn ra.
  • Yếu tố tâm lý: Ngoài các vấn đề kể trên, tình trạng béo phì có thể xảy ra do ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý. Người bệnh bị stress, căng thẳng quá mức khiến cho cơ thể có cảm giác thèm ăn, ăn không thấy no, thích ăn đồ ngọt, uống nước ngọt có gas,... Việc này kéo dài khiến cơ thể ngày càng tăng cân, dễ dẫn đến hiện tượng béo phì.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Người đang dùng thuốc điều trị các bệnh như bệnh tiểu đường, các vấn đề về tâm lý, thần kinh có thể gặp phải tác dụng phụ, trong đó là hiện tượng thừa cân, béo phì. Thuốc khiến cơ thể giảm khả năng trao đổi chất, ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ bệnh nhân, tăng cảm giác thèm ăn.
  • Thói quen lười vận động: Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, hiện tượng thừa cân, béo phì còn xảy ra do người bệnh lười vận động, không tập luyện thể dục.

Còn rất nhiều yếu tố khác gây nên tình trạng béo phì. Việc cân nặng tăng một cách không kiểm soát có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, công việc. Chính vì thế, khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, tốt hơn hết bệnh nhân nên kiểm tra, xác định nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân gây béo phì
Tình trạng béo phì có thể xuất hiện do liên quan đến nhiều yếu tố

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Béo phì có thể nhận biết thông qua những thay đổi về mặt ngoại hình, cân nặng. Ngoài ra còn nhiều triệu chứng cảnh báo khác bạn không thể bỏ qua, chẳng hạn như:

  • Tăng cân trong thời gian ngắn: Đây là một trong những biểu hiện cho thấy bạn đang có nguy cơ mắc bệnh béo phì. Cân nặng đột ngột tăng quá mức, tăng không kiểm soát trong thời gian ngắn.
  • Xuất hiện cơn đau lưng: Bệnh nhân bị béo phì có cân nặng quá khổ, tăng áp lực lên hệ thống xương khớp khiến cơ thể mệt mỏi, đau nhức.
  • Thay đổi tâm lý: Ngoài các biểu hiện bên ngoài, tâm lý người bị béo phì cũng có nhiều thay đổi. Ngoại hình quá khổ khiến họ ngại khi tiếp xúc với người ngoài, không muốn đứng trước đám đông, tự ti,... Những yếu tố này ngày càng kéo dài càng khiến tình trạng béo phì nghiêm trọng hơn, không những thế còn dễ dẫn đến trầm cảm, bệnh thần kinh.
  • Cảm giác khó thở thường xuyên: Người dư cân, béo phì có biểu hiện khó thở thường xuyên. Nguyên nhân là do tỷ lệ mỡ quá nhiều, cơ thể mệt mỏi, đường thở bị chèn ép, lượng không khí đi vào cơ thể thấp. Người bị béo phì gần như hít thở một cách khó khăn, đặc biệt là trường hợp quá béo, cân nặng quá khủng.
  • Các dấu hiệu tiêu hóa: Cơ thể người bệnh béo phì khó chuyển hóa, chính vì thế khả năng gặp phải các vấn đề tiêu hóa cao. Một số biểu hiện có thể xảy ra như trào ngược dạ dày, ợ hơi, ợ nóng,...
  • Những dấu hiệu khác: Ngoài các triệu chứng điển hình cảnh báo rủi ro mắc bệnh béo phì kể trên, bệnh nhân còn có thể gặp phải các vấn đề khác như ngáy khi ngủ, da bị rạn ở đùi, bụng, vùng mong, suy tĩnh mạch, xúa hiện nhiều mạch máu ở đùi, kinh nguyệt không điều, mắc bệnh huyết áp,...

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh béo phì thông qua chỉ số BMI và các thông số khác. Xác định nguyên nhân béo phì, chỉ số thừa cân, dạng béo phì... Sau khi nhận định tình hình sức khỏe của người bệnh là béo phì, bác sĩ sẽ đưa ra hướng khắc phục, điều chỉnh cân nặng phù hợp hơn cho bệnh nhân.

Những đối tượng đang dùng thuốc chữa bệnh bị tác dụng phụ gây béo phì sẽ có phác đồ điều trị riêng, thuốc được kê đơn mới để giảm thiểu các rủi ro không mong muốn. Bên cạnh điều trị người bệnh cũng được hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ cơ thể ngăn ngừa biến chứng.

Biến chứng và tiên lượng

Béo phì có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe. Theo đó, những tác hại có thể xảy ra khi tình trạng béo phì không được kiểm soát kể đến như:

  • Tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp khi bệnh nhân bị béo phì.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, biến chứng tiểu đường ở người trên 40 tuổi.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, suy giảm trí nhớ, rối loạn tiêu hóa.
  • Tăng rủi ro hình thành tế bào ác tính.

Những biến chứng bệnh béo phì gây bao gồm: Bệnh thoái hóa khớp, rối loạn da, bệnh trào ngược dạ dày, ngưng thở khi ngủ, rối loạn sinh sản, vô sinh, hiếm muộn, buồng trứng đa nang,... Việc chủ động kiểm soát cân nặng, thăm khám và điều trị bệnh sớm là cách giúp bệnh nhân phòng tránh những rủi ro không mong muốn.

Điều trị

Dựa vào tình hình sức khỏe của người bệnh bác sĩ sẽ hướng dẫn cách khắc phục bệnh béo phì hiệu quả. Mỗi trường hợp sẽ có phác đồ riêng, mục đích duy trì mức cân nặng phù hợp cho người bệnh, phòng ngừa các biến chứng khác. Dưới đây là những biện pháp điều trị bệnh được áp dụng:

Điều trị bệnh béo phì
Tập thể dục, ăn uống đều độ, duy trì thói quen sống lành mạnh để cải thiện tình trạng béo phì

Chăm sóc điều trị tại nhà:

  • Điều chỉnh thói quen ăn uống, khẩu phần ăn hợp lý hơn để cân nặng trở lại ổn định, phù hợp với thể trạng. Cắt giảm bớt lượng đường nạp vào cơ thể, bớt ăn đồ dầu mỡ, hạn chế các thực phẩm, thức uống không có lợi cho sức khỏe.
  • Người bị béo phì nên chăm ăn những thực phẩm chứa chất xơ, ngũ cốc nguyên cám để tăng cường chuyển hóa, tốt cho dạ dày, tiêu hóa, hỗ trợ quá trình giảm cân, giảm mỡ.
  • Chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt có thể được xây dựng cho bệnh nhân béo phì nhằm siết cân, giảm nguy cơ tăng cân ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng đời sống.
  • Ngoài thay đổi chế độ ăn uống, về vận động và thói quen sinh hoạt hàng ngày người bệnh cũng cần điều chỉnh sao cho phù hợp hơn. Tăng cường tập luyện thể dục để cơ thể trao đổi chất, đốt cháy lượng calo dư thừa, ngăn quá trình tích tụ mỡ thừa trong cơ thể.

Sử dụng thuốc theo phác đồ: Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số trường hợp người bị béo phì được kê đơn Orlistat hỗ trợ việc giảm cân. Để tăng cường hiệu quả, người bệnh cần kết hợp với việc luyện tập, ăn uống khoa học để cân nặng sớm trở về trạng thái ổn định.

Phương pháp phẫu thuật: Trường hợp cần thiết bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phẫu thuật nhằm loại bỏ mỡ thừa, giảm nguy cơ biến chứng béo phì. Biện pháp được sử dụng phổ biến kể đến như cắt bỏ dạ dày, cắt tạo hình dạ dày,... Mỗi biện pháp có ưu và nhược điểm riêng, bệnh nhân sẽ được trao đổi trước khi thực hiện.

Phòng ngừa

Bệnh béo phì gây ra không ít vấn đề về sinh hoạt hàng ngày lẫn sức khỏe. Nếu không kiểm soát cân nặng, người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng ảnh hưởng sức khỏe. Số lượng bệnh nhân béo phì mỗi năm được ghi nhận khá cao. Do đó, chuyên gia khuyên mỗi người cần chủ động phòng tránh, kiểm soát cân nặng.

Một số lưu ý như sau:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cơ thể cần, tuy nhiên cần chọn lọc sản phẩm, thực phẩm có lợi cho sức khỏe.
  • Hạn chế ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn chiên rán, thức uống chứa ga, chứa cồn,...
  • Chia nhỏ bữa ăn, ăn với lượng vừa đủ, không nên ăn quá nhiều, ăn cố.
  • Theo dõi các chỉ số cơ thể, sớm xử lý kịp thời khi có vấn đề phát sinh.
  • Duy trì chế độ luyện tập, thể dục thể thao nâng cao đề kháng, sức khỏe.
  • Khám tổng quát, kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhận biết các bất thường và điều trị sớm.

Có thể bạn quan tâm: Yếu sinh lý do béo phì: Cách khắc phục và lưu ý

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh béo phì là gì? Có nguy hiểm không?

2. Nguyên nhân nào gây béo phì?

3. Triệu chứng nhận biết bệnh béo phì?

4. Các xét nghiệm, kiểm tra bệnh béo phì?

5. Làm cách nào để điều trị bệnh béo phì?

6. Tôi có cần kiêng gì khi bị béo phì không?

7. Tôi cần tập thể dục như thế nào để giảm cân?

8. Tôi có dùng thuốc trị bệnh béo phì được không?

9. Trường hợp bệnh béo phì biến chứng nguy hiểm như thế nào?

10. Tôi cần tái khám khi nào?

Bệnh béo phì là tình trạng cân nặng tăng nhanh một cách không kiểm soát, tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao. Bệnh có khả năng gây ra các biến chứng ảnh hưởng sức khỏe. Chính vì thế, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên chủ động bảo vệ sức khỏe, duy trì cân nặng ở mức cân đối.