Bệnh Viêm Họng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Tai Mũi HọngGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Bệnh viêm họng xảy ra khi niêm mạc họng bị viêm, phù nề do nhiễm trùng hoặc do dị ứng, kích ứng. Căn bệnh này rất phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ cách điều trị và phòng ngừa. Trong bối cảnh chất lượng không khí ngày càng suy giảm, trang bị kiến thức về các bệnh viêm đường hô hấp nói chung và viêm họng nói riêng là vô cùng cần thiết.

Tổng quan

Viêm họng (Sore Throat) là bệnh viêm đường hô hấp thường gặp nhất, cả trẻ em và người lớn đều có thể mắc chứng bệnh này. Bệnh xảy ra khi niêm mạc họng bị sưng, phù nề do nhiễm trùng hoặc kích ứng, dị ứng. Sưng niêm mạc họng gây ra tình trạng đau họng, đờm nhiều, ho, nuốt vướng, nghẹt mũi,...

bệnh viêm họng là gì
Viêm họng xảy ra khi phần niêm mạc họng bị sưng, phù nề do nhiều nguyên nhân khác nhau

Họng là cửa ngõ bảo vệ cơ thể nói chung và cơ quan hô hấp nói riêng. Khi virus, nấm, vi khuẩn,... xâm nhập sẽ phải đi qua họng trước khi xâm nhập vào những cơ quan khác. Vì thế, cổ họng là cơ quan dễ gặp phải các vấn đề khi thời tiết thay đổi, chuyển lạnh.

Viêm họng được chia thành 2 loại chính là cấp tính và mãn tính. Trong đó, viêm họng cấp thường gặp ở trẻ nhỏ và người trưởng thành dễ bị viêm họng mãn tính. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng nên phải điều trị đúng cách mới giúp triệu chứng thuyên giảm nhanh và không gây lờn thuốc.

Phân loại bệnh

Giống như các bệnh hô hấp khác, viêm họng được chia thành hai dạng là cấp tính và mãn tính.

Viêm họng cấp tính

Viêm họng cấp tính thường xảy ra do virus hoặc vi khuẩn. Có thể xuất hiện riêng biệt hoặc cũng có thể đi kèm với viêm amidan, viêm VA, cúm, ho gà,... Viêm họng cấp xuất hiện đột ngột, tiến triển nhanh và cũng thuyên giảm nhanh.

Trong viêm họng cấp được chia thành khá nhiều loại như viêm họng đỏ, viêm họng do liên cầu hay còn gọi là viêm họng trắng,...

Viêm họng mãn tính

Viêm họng mãn tính gặp chủ yếu ở người trưởng thành, ít gặp ở trẻ em. Bệnh xảy ra khi niêm mạc họng bị phù nề, sưng viêm lâu ngày do yếu tố cơ địa và tiếp xúc thường xuyên với chất kích thích.

Viêm họng mãn tính được chia thành 3 loại là viêm họng xuất tiết, viêm họng quá phát (viêm họng hạt) và viêm họng teo. Triệu chứng khởi phát từ từ nhưng dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nhiều người lầm tưởng viêm họng xảy ra do nhiễm vi khuẩn, tuy nhiên phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều do virus. Bên cạnh đó, dị ứng, kích ứng và một số yếu tố cơ địa cũng gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

nguyên nhân bệnh viêm họng
Nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm họng và các bệnh viêm đường hô hấp trên

Nguyên nhân gây bệnh viêm họng thường gặp bao gồm:

  • Do nhiễm trùng: Virus cúm, sởi, liên cầu, phế cấu hoặc một số vi khuẩn thường trú trong khoang họng có thể là tác nhân gây nhiễm trùng họng. Trong một số trường hợp, viêm họng có thể xảy ra do nhiễm nấm nhưng tương đối ít gặp.
  • Tiếp xúc với yếu tố kích thích: Ngoài nhiễm trùng, viêm họng cũng có thể xảy ra do thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố kích thích như hóa chất, mạt bụi, sợi bông, thuốc lá và rượu bia. Đây cũng là lý do những người làm công việc thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, hóa chất sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Cấu trúc khoang mũi, họng bất thường: Các dị tật như lệch vách ngăn, polyp mũi xoang,... là điều kiện để phát triển bệnh viêm họng và một số vấn đề tai mũi họng khác. Dị hình khoang mũi làm cản trở lưu thông dịch tiết khiến chất nhầy thường xuyên chảy xuống họng. Đây là yếu tố để virus, vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng niêm mạc họng.
  • Do mắc các bệnh hô hấp mãn tính: Người mắc các bệnh hô hấp mãn tính như viêm amidan, viêm thanh quản, viêm VA,... sẽ có nguy cơ bị viêm họng mãn tính. Bởi tai mũi họng là các cơ quan nằm liền kề và nối thông với nhau. Bất cứ vấn đề xảy ra với cơ quan nào cũng sẽ ảnh hưởng đến những cơ quan còn lại.
  • Yếu tố cơ địa: Thể địa dị ứng là yếu tố thuận lợi gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp, bao gồm cả bệnh viêm họng. Ngoài ra, người bị suy gan, tiểu đường, hệ miễn dịch suy giảm, rối loạn nội tiết,... cũng sẽ dễ bị viêm họng hơn so với bình thường.

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm họng, trong đó phổ biến nhất là do virus. Với viêm họng mãn tính, nguyên nhân chủ yếu là do dị ứng, kích ứng với hóa chất, khói thuốc lá, lạm dụng rượu bia.

Triệu chứng và chẩn đoán

Viêm họng có thể nhận biết thông qua biểu hiện đau họng, cổ họng sưng nề, nuốt vướng và khàn tiếng. Tuy nhiên, mỗi loại viêm họng sẽ có thêm những triệu chứng đi kèm khác.

nguyên nhân bệnh viêm họng
Đau rát cổ họng, họng khô, nuốt vướng,... là những triệu chứng điển hình của bệnh viêm họng

Các triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm họng bao gồm:

  • Viêm họng cấp thường bắt đầu với triệu chứng sốt cao, đau nhức cơ thể, ớn lạnh
  • Cổ họng khô nóng, đau rát, cảm giác đau tăng lên khi nuốt và giao tiếp. Trường hợp nặng có thể đau nhói lên tai.
  • Họng có nhiều đờm, nghẹt mũi
  • Ho khan
  • Khàn tiếng
  • Quan sát cổ họng nhận thấy niêm mạc họng đỏ, xung huyết hoặc xuất hiện các bựa trắng. Nếu là viêm họng mãn tính, phía sau cổ họng sẽ xuất hiện dịch tiết nhầy, đôi khi là các hạt (trụ giả) do tế bào lympho tăng sinh...
  • Viêm họng mãn có triệu chứng không đột ngột, rầm rộ như viêm họng cấp. Cổ họng nóng rát, khô, thường xuyên cảm thấy vướng họng và ngứa họng.
  • Có thói quen khạc nhổ, đằng hắng do cổ họng luôn có đờm nhầy.

Viêm họng là bệnh hô hấp thường gặp nên không nhất thiết phải đến bệnh viện. Các trường hợp viêm họng do virus có thể thuyên giảm sau 3 - 4 ngày nếu được chăm sóc đúng cách.

Tuy nhiên trường hợp sốt cao, cổ họng đau rát, nuốt vướng và xuất hiện bựa trắng, nên chủ động tìm gặp bác sĩ. Bởi rất có thể là do viêm họng trắng (viêm họng do liên cầu). Ngoài ra, viêm họng kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần cũng cần được thăm khám để điều trị dứt điểm.

Chẩn đoán viêm họng dựa vào biểu hiện lâm sàng (triệu chứng toàn thân, triệu chứng cơ năng và bệnh tích ở niêm mạc họng). Trường hợp nghi ngờ viêm họng do liên cầu khuẩn sẽ được xét nghiệm máu và soi cấy bệnh phẩm.

Biến chứng và tiên lượng

Tiên lượng của các loại viêm họng không giống nhau. Viêm họng cấp do virus có tiên lượng tốt nhất mặc dù triệu chứng xuất hiện đột ngột, rầm rộ.

Nếu sức đề kháng tốt, triệu chứng có thể thuyên giảm trong 3 - 4 ngày, trường hợp không chú ý chăm sóc sẽ mất khoảng 7 - 10 ngày để phục hồi hoàn toàn. Nặng hơn có thể gây bội nhiễm phế cầu, tụ cầu, liên cầu dẫn đến biến chứng viêm mũi, viêm tai, viêm phế quản.

nguyên nhân triệu chứng của bệnh viêm họng
Nếu chăm sóc tốt, các triệu chứng viêm họng có thể thuyên giảm nhanh sau 3 - 4 ngày

Ngược lại với viêm họng cấp do virus, viêm họng do liên cầu cần phải được điều trị bằng kháng sinh. Mất khoảng 10 ngày triệu chứng mới thuyên giảm hoàn toàn. Nếu chủ quan để bệnh kéo dài sẽ gây ra các biến chứng như thấp tim, viêm thận, nhiễm trùng huyết, các bệnh viêm đường hô hấp khác,...

Viêm họng mãn tính tuy dai dẳng nhưng ít gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm họng cấp. Nếu xác định và loại trừ được nguyên nhân, triệu chứng có thể thuyên giảm hoàn toàn.

Viêm họng mãn sẽ tiến triển qua các giai đoạn là xuất tiết, quá phát (viêm họng hạt) và viêm họng teo. Biến chứng thường thấy của viêm họng mãn là gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề hô hấp khác, suy nhược cơ thể do ho nhiều vào ban đêm.

Viêm họng là bệnh hô hấp thường gặp nên hay bị xem nhẹ, ít trường hợp chủ động thăm khám dù triệu chứng nghiêm trọng. Để tránh biến chứng, nên tìm gặp bác sĩ khi triệu chứng nặng hoặc khi viêm họng tái đi tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Điều trị

Điều trị viêm họng phụ thuộc phần lớn vào nguyên nhân. Với các trường hợp thông thường, bệnh thuyên giảm nhanh sau khi dùng thuốc điều trị triệu chứng và chăm sóc đúng cách. Nếu có ý định dùng kháng sinh hoặc can thiệp phẫu thuật, bắt buộc phải tìm gặp bác sĩ.

Các phương pháp điều trị bệnh viêm họng bao gồm:

Sử dụng thuốc

Thuốc vẫn là lựa chọn hàng đầu khi điều trị viêm họng. Đa số các loại thuốc được sử dụng đều là thuốc giảm triệu chứng, ngoại trừ trường hợp viêm họng do vi khuẩn. Để tránh tác dụng phụ, không nên tùy tiện dùng thuốc - nhất là với kháng sinh. Nên trao đổi với bác sĩ/ dược sĩ để được chỉ định các loại thuốc phù hợp.

nguyên nhân triệu chứng của bệnh viêm họng
Bệnh viêm họng thường thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc giảm triệu chứng và kháng sinh (nếu do vi khuẩn)

Các loại thuốc điều trị viêm họng:

  • Thuốc hạ sốt, giảm đau (Paracetamol, Aspirin,...)
  • Sử dụng các dung dịch súc họng như Clorat Kali 1%, nước muối sinh lý,... để làm dịu cổ họng.
  • Chấm họng bằng Glycerin Borat
  • Khí dung họng với kháng sinh và hydrocortison
  • Kháng sinh đường uống (Gentamicin, Amikacin, Cephalothin,...)
  • Có thể bổ sung thêm viên uống chứa vitamin C, kẽm và một số khoáng chất khác để gia tăng sức đề kháng, hỗ trợ đẩy lùi triệu chứng nhanh chóng.

ĐỌC NGAY: Các loại thuốc kháng sinh chữa viêm họng – Lợi ích và tác hại

Phương pháp xâm lấn

Sử dụng thuốc hiệu quả nhất với viêm họng do vi khuẩn. Những trường hợp viêm họng cấp tái phát thường xuyên và viêm họng mãn tính đôi khi phải can thiệp các phương pháp xâm lấn.

Các phương pháp xâm lấn được cân nhắc trong điều trị bệnh viêm họng:

  • Đốt nóng, đốt nito lạnh: Trường hợp viêm họng hạt sẽ được nốt nóng hoặc đốt nito lạnh để loại bỏ các đám hạt ở thành họng sau. Phương pháp này có ưu điểm là ít xâm lấn và hiệu quả khá tốt trong việc giảm cảm giác vướng, khó chịu ở vùng cổ họng.
  • Cắt amidan: Cắt amidan được chỉ định khi viêm họng tái phát quá 5 lần/ năm và gây ra hiện tượng phì đại amidan. Sau khi phẫu thuật, tần suất viêm họng và viêm amidan tái phát sẽ được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí khá cao, bệnh nhân phải nghỉ dưỡng nên chỉ được thực hiện khi cần thiết.
  • Chỉnh lệch vách ngăn, cắt polyp mũi: Nếu phát hiện có dị hình ở mũi, các bác sĩ cũng sẽ khuyến khích phẫu thuật để điều trị dứt điểm viêm họng và các vấn đề hô hấp thường gặp khác. Mục đích của các phương pháp này là đảm bảo sự lưu thông tốt của mũi - họng, hạn chế ứ đọng dịch tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển.

Tránh các yếu tố kích thích

Trong kế hoạch điều trị bệnh viêm họng, cần phải tránh các yếu tố kích thích bên cạnh các phương pháp y tế. Như vậy, hiện tượng viêm ở niêm mạc họng và amidan mới có thể thuyên giảm hoàn toàn.

điều trị bệnh viêm họng
Trong thời gian điều trị, nên đeo khẩu trang để tránh tiếp xúc với hóa chất và khó bụi

Khi điều trị viêm họng cấp tính lẫn mãn tính, cần tránh những yếu tố kích thích như:

  • Kiêng rượu bia, thuốc lá, cà phê, các loại thức ăn và thức uống có nhiều gia vị.
  • Đeo khẩu trang để tránh khói bụi, hóa chất.
  • Không dùng các loại thực phẩm gây dị ứng.
  • Tránh tiếp xúc với phấn hoa, lông chó mèo, vệ sinh không gian sống thường xuyên để tránh mạt bụi, bào tử nấm mốc.

Ngoài ra, các biện pháp chăm sóc như uống nước ấm, dùng trà gừng, mật ong, súc họng bằng nước muối,... cũng cải thiện đáng kể triệu chứng của bệnh viêm họng.

Phòng ngừa

Viêm họng là bệnh hô hấp phổ biến, gặp ở trẻ em và người lớn ở mọi độ tuổi. Hiện nay, môi trường sống suy giảm, nồng độ các chất dị ứng, bụi mịn,... trong không khí gia tăng kéo theo nhiều vấn đề hô hấp.

Để bảo vệ sức khỏe, nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:

  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài, mặc đồ bảo hộ khi phải tiếp xúc với hóa chất.
  • Tập thói quen vệ sinh mũi, súc họng hằng ngày (đặc biệt là khi đi từ bên ngoài về nhà).
  • Giữ vệ sinh răng miệng cũng là cách phòng ngừa viêm họng và các bệnh hô hấp hiệu quả.
  • Nâng cao sức đề kháng bằng chế độ ăn hợp lý, tập thể dục thường xuyên, đảm bảo chất lượng giấc ngủ và hạn chế stress. Miễn dịch tốt giúp cơ thể chống lại các tác nhân có hại, từ đó phòng ngừa hiệu quả các bệnh viêm đường hô hấp.
  • Tiêm ngừa cúm, ho gà, viêm phổi,...
  • Cai thuốc lá, kiêng rượu bia để bảo vệ cổ họng.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Viêm họng có phải triệu chứng Covid không?

2. Viêm họng có lây không?

3. Bị viêm họng có nên ăn gì, kiêng ăn gì?

4. Viêm họng có nhất thiết phải uống kháng sinh?

5. Bị viêm họng cần phải kiêng gì trong sinh hoạt?

6. Nếu viêm họng tái đi tái lại phải làm sao?

7. Bị viêm họng có nên cắt amidan?

8. Phòng viêm họng cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bằng cách nào?

9. Bị viêm họng khi mang thai phải làm sao?

Viêm họng là bệnh hô hấp phổ biến nên thường bị xem nhẹ. Khi có dấu hiệu đau họng, cần chú ý triệu chứng toàn thân để xác định có cần đến bệnh viện hay không. Tuyệt đối không chủ quan khiến cho bệnh tiến triển dai dẳng, gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và làm giảm chất lượng cuộc sống.

THÔNG TIN HỮU ÍCH