Ợ nóng là gì? – Mọi điều bạn nên biết về triệu chứng này
Ợ nóng (tên tiếng Anh: heartburn) là một trong những vấn đề của hệ tiêu hóa, tuy nhiên triệu chứng của nó khiến người ta dễ bị lầm tưởng là có liên quan đến tim. Ợ nóng có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, miễn là nằm trong nhóm nguy cơ gây bệnh của nó.
I. Ợ nóng là một hiện tượng như thế nào?
Hiện tượng ợ nóng chỉ cảm giác bỏng rát xảy ra ở lồng ngực (ngay sau xương ức) có thể ảnh hưởng đến một số hoạt động bình thường của cơ thể và trong vài trường hợp, ợ nóng có thể liên quan đến các tình trạng sức khỏe khác. Cơn đau có chiều hướng tồi tệ hơn sau khi ăn, vào buổi tối hoặc khi bạn nằm xuống, cúi xuống.
Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể bị ợ nóng, thi thoảng hoặc thường xuyên. Sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng nếu bạn thi thoảng bị ợ nóng, nhưng nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên thì đó có thể là triệu chứng của các vấn đề rối loạn tiêu hóa tiềm tàng (thường gặp nhất là bệnh trào ngược dạ dày thực quản).
II. Ợ nóng – những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp
Rất nhiều người có sức khỏe bình thường thỉnh thoảng gặp phải các triệu chứng của ợ nóng, thường là sau bữa ăn lớn hoặc khi ăn cay.
Tình trạng này bắt đầu bằng cảm giác nóng rát ở vùng bụng sau xương ức, cơn đau di chuyển từ cơ hoành lên đến phía sau cổ họng và thường sẽ đi kèm với vị chua và đắng đọng lại trong miệng. Mỗi lần ợ nóng, bạn sẽ cảm thấy cổ họng và miệng của mình hơi rát.
Cảm giác đau sẽ trở nên tồi tệ hơn sau những vận động và bạn có thể cảm thấy rõ ràng rằng thức ăn quay trở lại vào miệng. Các triệu chứng đau âm ỉ có thể kéo dài hàng giờ.
Chứng ợ nóng thường hay xuất hiện vào ban đêm và là một trong những nguyên nhân khiến giấc ngủ của chúng ta bị gián đoạn. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc và sự tập trung vào ngày hôm sau.
Nếu bạn cảm thấy chứng ợ nóng xuất hiện trên cơ thể mình kéo dài thành vài lần trong tuần thì có thể bạn đã bị ợ nóng mãn tính. Chứng ợ nóng mãn tính bao gồm các đợt trào hơi nóng kèm với nước, đồ ăn với lượng rất nhỏ, xảy ra vài lần trong tuần hoặc nhiều lần trong ngày.
Vì vậy, ngay khi nhận thấy cơ thể có những triệu chứng dưới đây, bạn cần thiết phải liên hệ với bác sĩ để được điều trị sớm:
- Thường xuyên cảm thấy đau ngực.
- Cảm thấy khó thở, khó khăn khi nuốt thức ăn.
- Tình trạng ợ nóng xảy ra nhiều lần trong ngày, cả khi đói lẫn khi no.
- Không thể kiểm soát được cơn đau với các loại thuốc giảm đau không kê đơn.
- Thường có cảm giác buồn nôn và nôn nhiều lần trong tuần.
- Giảm vị giác, chán ăn dẫn đến sụt cân nhanh chóng.
Tình trạng ợ nóng mãn tính có thể sẽ dẫn đến những biến chứng nếu như không được điều trị. Cụ thể, sự hiện diện liên tục của acid trong dạ dày sẽ có thể dẫn đến các tình trạng như: Barrett thực quản, viêm thực quản ăn mòn, hẹp thực quản và nặng hơn là ung thư thực quản.
Tìm hiểu thêm: Ợ nóng đầy bụng khó tiêu là bị gì? Làm sao hết?
III. Nguyên nhân hình thành hiện tượng ợ nóng
Trong khi lối sống của bạn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hiện tượng ợ nóng thì bản chất của bệnh lý này là một tình trạng y tế, với nguyên nhân sinh học.
Cụ thể, chứng ợ nóng xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới (nằm giữa thực quản và dạ dày) bị suy yếu hoặc không đóng mở được một cách thích hợp. Điều này dẫn đến việc acid dạ dày và thức ăn bị trào ngược lên thực quản và gây ra tình trạng ợ nóng một cách thường xuyên.
Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp khiến cho bạn bị ợ nóng thường xuyên:
- Bệnh GERD (trào ngược dạ dày thực quản), đây là lý do chính dẫn đến tình trạng ợ nóng.
- Chứng rối loạn nhu động tiêu hóa, chứng này sẽ làm chậm đi việc làm rỗng dạ dày.
- Các điều kiện liên quan đến tình trạng ợ nóng bao gồm thoát vị Hiatal, hen suyễn và tiểu đường.
- Những áp lực quá mức lên dạ dày có thể gây ra triệu chứng ợ nóng như mang thai, tăng cân đột ngột, béo phì, thường xuyên mặc quần áo chật, thực hiện động tác cuối xuống nâng lên nhiều lần.
- Một số loại thuốc có thể gây ra triệu chứng ợ nóng, bao gồm thuốc chống lo âu, ma túy, steroid, kháng sinh, aspirin.
Theo đó, ợ nóng là một tình trạng phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bất cứ đối tượng nào. May mắn là chúng ta có thể kiểm soát ợ nóng bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, cụ thể bao gồm:
- Ăn quá nhiều trong bữa chính
- Ăn sát giờ ngủ
- Thói quen hút thuốc
- Căng thẳng kéo dài
- Ăn nhiều thực phẩm có hại cho dạ dày như rượu bia, đồ chiên, thức ăn nhiều dầu mỡ, thức uống có gas, gia vị cay nóng, cà phê v.v…
Bạn cần biết: Những thực phẩm gây ợ nóng bạn nên hạn chế sử dụng
IV. Các kỹ thuật chẩn đoán nguyên nhân gây ợ nóng
Để có thể xác định nguyên nhân chính xác gây bệnh, đặc biệt là chứng ợ nóng của bạn có phải là do trào ngược dạ dày thực quản gây ra hay không, các bác sĩ sẽ tiến hành các kỹ thuật sau:
- Chụp X-quang: Mục đích của hình ảnh X-quang là giúp bác sĩ kiểm tra hình dạng và tình trạng của thực quản, dạ dày của bạn.
- Nội soi thực quản – dạ dày: Để kiểm tra xem các bất thường ở trong ống thực quản và túi dạ dày của bạn, bác sĩ sẽ dùng ống nội soi và lấy ra 1 mẫu mô sinh thiết để phân tích.
- Các xét nghiệm thăm dò acid: Với mục đích xác định lưu lượng acid dạ dày trong thực quản của bạn.
- Kiểm tra nhu động thực quản: Bác sĩ sẽ có thể đo được chuyển động và áp lực trong thực quản của bạn một cách chính xác thông qua kiểm tra này.
Ngoài ra, ợ nóng thường xuyên còn là nguyên nhân của các vấn đề khác ngoài dạ dày. Do đó bạn cần gặp bác sĩ và đề nghị khám tổng quát để được đánh giá và chẩn đoán. Đây là cơ hội để có thể kiểm tra các vấn đề khác như đau thắt ngực, bệnh động mạch vành và phát hiện sớm nếu bạn có bất cứ yếu tố nguy cơ nào đối với bệnh tim.
V. Ợ nóng và những phương pháp điều trị
Điều trị chứng ợ nóng phải bắt đầu bằng việc điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống. Cụ thể là việc ngừng hút thuốc, tập thể dục để giảm đi lượng cân nặng dư thừa, hạn chế bia rượu và tránh các thực phẩm gây ra chứng ợ nóng v.v…
Bệnh nhân cần chú ý chia nhỏ bữa ăn chính ra thành những bữa nhỏ hơn và không ăn trong 2-3h trước khi đi ngủ, đây cũng là một cách giúp hỗ trợ điều trị chứng ợ nóng.
Nếu cảm thấy tình trạng này lặp đi lặp lại khiến bạn cảm thấy khó chịu, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn. Cụ thể là các loại thuốc kháng acid như Rolaids, Mylanta, Tums hoặc Gaviscon có thể trung hòa acid dạ dày và được sử dụng để giảm đau nhanh khi bạn cảm thấy khó chịu.
Lưu ý là các loại thuốc trên không nên được sử dụng trong hơn 2 tuần, đồng thời phụ nữ đang mang thai nên tránh các loại thuốc kháng acid có chứa sodium bicarbonate hoặc magiê trisilicate.
Bên cạnh đó, có nhiều loại thuốc không kê đơn cũng có khả năng giảm chứng ợ nóng một cách hiệu quả, bao gồm:
- Thuốc đối kháng acid: Giúp trung hòa acid dạ dày và giảm đau nhanh chóng, nhưng không thể chữa lành thực quản bị tổn thương bởi acid dạ dày.
- Thuốc đối kháng thụ thể H2 (H2RA): Thuốc có thể làm giảm acid dạ dày, tuy không hoạt động nhanh như các thuốc kháng acid nhưng lại giảm đau được lâu hơn.
- Thuốc ức chế bơm proton: Các thuốc như lansoprazole (Prevacid 24HR) và omeprazole (Nexium 24HR, Prilosec OTC) cũng có thể làm giảm acid dạ dày một cách nhanh chóng.
Bỏ túi: Những mẹo chữa ợ nóng giúp bạn giảm đau tức thì
VI. Làm thế nào để ngăn cho ợ nóng không xảy ra?
Để có thể ngăn ngừa được những triệu chứng của ợ nóng xảy ra và tái phát, bạn cần thiết lập lại chế độ ăn uống, lối sống và những thói quen của mình theo hướng có lợi nhất cho sức khỏe của dạ dày và tim mạch.
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý: Tùy thuộc vào chiều cao mà bạn sẽ có thể biết được mình cần nặng bao nhiêu kg là phù hợp. Thừa cân sẽ gây áp lực cho các cơ quan nội tạng mà đặc biệt là dạ dày, tạo điều kiện cho acid trào ngược từ dạ dày lên thực quản.
- Lựa chọn quần áo thoải mái: Để tránh gây áp lực lên bụng và cơ thắt thực quản dưới, bạn không nên mặc quần áo quá chật mà ngược lại hãy chọn cho mình loại vải mềm và có độ rộng vừa phải.
- Hình thành các thói quen tốt xoay quanh bữa ăn: Tránh nằm ngay lập tức sau khi ăn, ăn muộn, đồng thời hạn chế tối đa việc ăn các loại thực phẩm có thể gây ra chứng ợ nóng và chia nhỏ bữa ăn là những việc bạn cần làm để ngăn ngừa bệnh.
- Nâng đầu giường lên cao: Nếu bạn thường xuyên bị ợ nóng vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ, hãy nâng đầu giường của mình lên cao hơn bình thường để phần cơ thể từ thắt lưng được cao hơn phần dưới. Cách này được chứng minh là có thể giảm được chứng ợ nóng rất hiệu quả.
- Không hút thuốc và uống rượu bia: Cả hút thuốc và uống rượu bia đều có thể làm giảm khả năng hoạt động của cơ thắt thực quản dưới, từ đó tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản.
Hy vọng những thông tin về chứng ợ nóng trên đây có thể giúp bạn chủ động hơn trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh. Lưu ý, thuocdantoc.vn không đưa ra bất cứ lời khuyên nào về y khoa và vì vậy với những thắc mắc phát sinh, bạn cần đến gặp bác sĩ để được giải đáp.
Có thể bạn quan tâm
- Cách giảm ợ nóng sau khi ăn thật đơn giản
- Tìm hiểu chứng ợ nóng khi mang thai và cách khắc phục
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!