Bệnh Barrett thực quản
Barret thực quản là bệnh lý đường tiêu hóa thường xảy ra ở những người bị trào ngược dạ dày thực quản lâu năm. Tình trạng này khiến thực quản tổn thương theo thời gian, gây ra các triệu chứng như ợ nóng, khó nuốt, đau họng, đau ngực... Các biện pháp điều trị bao gồm dùng thuốc, điều chỉnh thói quen ăn uống hoặc nặng hơn phải can thiệp phẫu thuật.
Tổng quan
Barret thực quản (Barret's esophagus) là tình trạng thay đổi ở lớp lót bên trong thực quản (niêm mạc thực quản). Thực quản là ống dẫn thức ăn có lớp niêm mạc phẳng màu hồng nối với dạ dày. Dưới sự tác động của trào ngược axit trong thời gian dài, niêm mạc thực quản sẽ bị tổn thương, sưng viêm và dày lên.
Những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) được khẳng định có mối liên hệ mật thiết với bệnh Barret thực quản. Căn bệnh này còn làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thực quản, tuy nhiên tỷ lệ khá hiếm gặp. Ước tính tỷ lệ mắc Barret thực quản khá ít, chỉ khoảng 1.6 - 3% dân số.
Phân loại
Dựa vào vị trí tổn thương, Barret thực quản được phân chia làm 2 dạng là đoạn ngắn và đoạn dài.
- Barret thực quản đoạn ngắn: Xảy ra khi các tổn thương niêm mạc xuất hiện ở phần dưới thực quản.
- Barret thực quản đoạn dài: Tổn thương được tìm thấy ở phần trên của dạ dày. Dạng này thường có tính chất nghiêm trọng hơn và có nguy cơ cao phát triển thành ung thư.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Thực quản là ống dẫn thức ăn, kết nối giữa miệng với dạ dày. Đặc trưng của bệnh là những tổn thương sưng tấy, viêm đỏ, bề mặt trơn láng ban đầu được thay thế bằng các mô khác có tính chất tương tự như bề mặt ruột. Đây cũng chính là lý do vì sao sự thay đổi này còn được gọi là hiện tượng chuyển sản ruột.
Một số nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát Barret thực quản bao gồm:
- Trào ngược axit: Hiện tượng trào ngược axit tiêu hóa và dịch mật từ dạ dày ngược lên thực quản là tác nhân hàng đầu gây ra viêm nhiễm. Cuối cùng khởi phát bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) nếu bệnh nhân bị trào ngược kéo dài (thường là trên 5 năm), hậu quả phát triển thành Barret thực quản. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị GERD cũng gây ra Barret thực quản.
- Một số yếu tố rủi ro khác: Ngoài GERD, còn nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khởi phát Barret thực quản bao gồm:
- Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới gấp 2 lần;
- Người lớn tuổi, thường là > 50 tuổi;
- Thừa cân - béo phì;
- Nghiện hút thuốc lá;
- Lạm dụng thuốc aspirin và một số loại thuốc chống viêm khác;
- Mắc bệnh thoát vị hoành;
- Chế độ ăn uống sử dụng nhiều các loại thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ, thức ăn cay nóng, socola, bạc hà, cà phê, đồ uống có cồn...;
- Tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh lý này;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Đa số các trường hợp bị Barret thực quản thường không có triệu chứng đặc hiệu, mà tương tự với các triệu chứng GERD. Bao gồm:
- Ợ nóng ít nhất 2 lần/ tuần;
- Kèm theo cảm giác nóng rát cổ họng;
- Nôn mửa;
- Có vị chua trong miệng hoặc hơi thở có mùi;
- Đau cổ họng, khó nuốt;
- Có cảm giác mắc kẹt thức ăn trong thực quản;
- Đại tiện ra máu, phân đen, nát...;
- Sụt cân ngoài ý muốn;
Chẩn đoán
Chẩn đoán Barret thực quản thường dựa vào thăm khám, kiểm tra sức khỏe toàn diện và đánh giá các triệu chứng lâm sàng. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm:
- Nội soi thực quản dạ dày tá tràng (EGD): Được thực hiện bằng cách luồn một ống nội soi nhỏ có gắn đèn qua cổ họng và đi vào thực quản. Hình ảnh nội soi cho phép đánh giá các tổn thương thực quản Barret đặc trưng như mô niêm mạc ửng đỏ, mềm...
- Sinh thiết: Nội soi thực quản kết hợp lấy mẫu mô tế bào để làm sinh thiết, kiểm tra những thay đổi bất thường, kiểm tra sự hiện diện của biểu mô trụ, xác định dấu hiệu loạn sản. Đây là một trong những thay đổi bất thường có liên quan đến các đặc điểm tiền ung thư.
- Xét nghiệm hình ảnh: Chẳng hạn như chụp X quang hoặc chụp cắt lớp vi tính CT scan ngực, bụng,... Kỹ thuật này giúp phát hiện khối u, áp xe hoặc dị vật gây tắc nghẽn bên trọng thực quản và dạ dày.
- Xét nghiệm thường quy: Đây là những xét nghiệm bổ sung giúp đánh giá các triệu chứng bệnh và xác nhận chẩn đoán Barret thực quản, bao gồm:
- Xét nghiệm máu giúp đánh giá công thức máu trong trường hợp mất máu nghiêm trọng do xuất huyết thực quản;
- Xét nghiệm phân giúp phát hiện máu trong phân, đây có thể là dấu hiệu của xuất huyết hoặc ung thư trong ống tiêu hóa;
Biến chứng và tiên lượng
Barret thực quản là căn bệnh đường tiêu hóa hiếm gặp, được đánh giá nguy hiểm do có nguy cơ phát triển ung thư thực quản. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất thấp vì theo thống kê, đa số các trường hợp mắc bệnh đều không phát triển thành ung thư thực quản (tỷ lệ hơn 90%).
Tuy nhiên, bệnh nhân tuyệt đối không nên chủ quan, vẫn nên tích cực thăm khám, theo dõi và điều trị bệnh dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Việc này nhằm giảm bớt những ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe thể chất, cuộc sống hàng ngày và kịp thời phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của ung thư.
Điều trị
Mục tiêu điều trị Barret thực quản phụ thuộc vào mức độ tổn thương niêm mạc thực quản và có sự hiện diện của các triệu chứng loạn sản (tiền ung thư) hay không.
Điều trị trường hợp tổn thương mô nhẹ
Những trường hợp nhẹ không nhất thiết phải can thiệp điều trị, chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, theo dõi sát sao, kết hợp điều chỉnh thói quen ăn uống, chia nhỏ bữa ăn, tránh ăn sát giờ đi ngủ và tư thế ngủ nghiêng cũng giúp cải thiện đáng kể triệu chứng.
Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kiểm soát GERD là được. Một số loại thuốc được kê toa sử dụng như:
- Thuốc kháng axit như Maalox, Rolaids, Tum, Mylanta, Gaviscon...;
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI) như: lansoprazole, omeprazole hoặc esomeprazole);
- Thuốc kháng axit như Alka-Seltzer, TUMS, Pepto-Bismol...;
- Thuốc chẹn H2 như axit AR (nizatidine) hoặc Pepcid AC (famotidine);
Một số trường hợp có thể được khuyến nghị thực hiện phẫu thuật thắt chặt cơ dạ dày để ngăn chặn sự trào ngược acid dạ dày. Điều này giúp ức chế hoặc làm chậm tiến triển của bệnh Barret thực quản khá hiệu quả.
Điều trị trường hợp tổn thương mô nặng
Những trường hợp có sự thay đổi nghiêm trọng trong niêm mạc thực quản hoặc phát hiện sự hiện diện của các tế bào tiền ung thư, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân theo dõi thường xuyên bằng phương pháp nội soi từ 6 tháng - 1 năm. Nếu đã phát hiện các tổn thương nặng và lan tỏa, khuyến nghị bệnh nhân cần thực hiện các thủ thuật cắt bỏ các mô bị hư hỏng.
Một số phương pháp cắt bỏ mô niêm mạc bị tổn thương ở bệnh nhân bị Barret thực quản bao gồm:
- Cắt bỏ bằng tần số vô tuyến: Đây là phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến nhất. Sử dụng sóng vô tuyến để tạo ra nguồn nhiệt nóng đốt cháy các mô niêm mạc phát triển bất thường.
- Kỹ thuật áp lạnh: Sử dụng nitơ lỏng để đóng băng các phần niêm mạc thực quản bị tổn thương để kích thích nó tự bong ra.
- Kỹ thuật quang động: Bác sĩ sẽ tiêm vào cơ thể một chất hóa học kích quang là profimer nhằm làm cho các tế bào niêm mạc bất thường phát sáng lên. Sau đó, kết hợp sử dụng tia laser để tiêu diệt và loại bỏ chúng.
- Phẫu thuật nội soi: Cắt bỏ nội soi là phương pháp sử dụng các thiết bị nội soi để loại bỏ các tế bào tổn thương. Kỹ thuật này thường được thực hiện đồng thời khi xét nghiệm kiểm tra loạn sản và ung thư.
- Phẫu thuật cắt bỏ thực quản: Trường hợp niêm mạc thực quản bị tổn thương nghiêm trọng hoặc ung thư được đề nghị cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa chứng Barret thực quản, cần thực hiện các biện pháp tích cực sau:
- Kiểm soát tình trạng trào ngược axit dạ dày bằng cách tránh ăn các loại thực phẩm dễ gây kích ứng, gây viêm (thức ăn cay nóng, nhiều chất béo, caffein, nước ngọt có gas), tránh nằm ngay sau khi ăn hoặc ăn quá no.
- Tốt nhất nên chia nhỏ các bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ, ăn ít nhưng ăn nhiều lần và đợi ít nhất 2 tiếng sau ăn mới đi nằm.
- Cai thuốc lá, thực hiện lối sống lành mạnh và khoa học, vận động nhẹ nhàng sau khi ăn và tập luyện thể dục thể thao hàng ngày để nâng cao thể trạng.
- Duy trì cân nặng phù hợp với thể trạng, ngăn ngừa nguy cơ thừa cân béo phì giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát các vấn đề bệnh lý và kịp thời điều trị (nếu có) để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi thường xuyên bị ợ nóng, đau họng, khó nuốt, nôn mửa, đi ngoài ra máu... là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh Barret thực quản?
3. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán Barret thực quản?
4. Tôi bị Barret thực quản có phát triển thành ung thư không?
5. Tình trạng tổn thương niêm mạc thực quản của tôi có nặng không? Có chữa khỏi được không?
6. Phương pháp điều trị Barret thực quản tốt nhất dành cho tôi?
7. Tôi nên dùng loại thuốc nào để trị bệnh? Thuốc có gây tác dụng phụ không?
8. Tôi bị Barret thực quản khi nào cần phẫu thuật? Có rủi ro nào không?
9. Tôi nên điều chỉnh chế độ ăn uống như thế nào để cải thiện bệnh?
10. Bệnh Barret thực quản có tái phát sau điều trị không?
Bệnh nhân bị Barret thực quản đa số đều không quá nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh có thể tác động đến hệ tiêu hóa, khả năng ăn uống và làm suy giảm thể trạng, sức khỏe của bệnh nhân. Một số trường hợp có thể phát triển thành ung thư nguy hiểm. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân cần chủ động thăm khám để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời.