Ợ nóng đầy bụng khó tiêu là bị gì? Làm sao hết?
Ợ nóng đầy bụng khó tiêu là các triệu chứng tiêu hóa thường đi kèm với nhau. Nó có thể là hệ quả của chế độ ăn uống và sinh hoạt kém điều độ. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp còn là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý cần sớm thăm khám và điều trị.
Ợ nóng đầy bụng khó tiêu là bị gì?
Ợ nóng đầy bụng khó tiêu là các triệu chứng bất thường liên quan đến hoạt động tiêu hóa. Có thể do dạ dày tiết quá nhiều acid kèm theo thức ăn không tiêu hóa hết ứ đọng trong dạ dày và đường ruột.
Các triệu chứng này thường gây ra nhiều khó chịu. Đôi khi người bệnh có thể không ăn nhưng bụng vẫn có cảm giác bị căng cứng, phình to và kèm theo chứng ợ nóng, ợ chua.
Các biểu hiện ợ nóng đầy bụng khó tiêu cụ thể như sau:
- Ợ nóng: Tình trạng acid dạ dày có xu hướng trào ngược lên thực quản. Từ đó gây ra cảm giác nóng rát, khó chịu ở vùng xương ức và ngực. Sau khi ợ nóng, người bệnh có thể thấy đắng hay chua miệng.
- Đầy bụng, khó tiêu: Thức ăn được tiêu thụ vào không được tiêu hóa hết mà tồn đọng lại ở dạ dày và đường ruột kết hợp với 1 lượng lớn hơi do nuốt không khí vào. Điều này gây ra cảm giác bị căng cứng, chướng bụng, khó chịu. Đôi khi không ăn nhưng bụng vẫn không thấy đói, chỉ thấy nôn nao, căng tức.
- Đau bụng: Triệu chứng ợ nóng đầy bụng khó tiêu có thể còn kèm theo đau bụng. Cơn đau lúc âm ỉ lúc quặn thắt rất khó chịu. Thường có cảm giác đau nhiều hơn ở vùng thượng vị, sau khi ăn còn dễ có cảm giác đau thắt ngực.
- Buồn nôn: Đây là tình trạng rất khó tránh khỏi khi người bệnh liên tục ợ nóng. Mùi thức ăn và acid dịch vị trào lên dễ gây cảm giác buồn nôn, đôi khi còn nôn ói nhiều.
Tham khảo thêm: Mẹo Chữa Đau Dạ Dày Bằng Lá Mơ Cực Nhanh Khỏi
Vì sao bị ợ nóng đầy bụng khó tiêu? Có phải do bệnh lý
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ợ nóng đầy bụng khó tiêu. Thường liên quan đến vấn đề ăn uống, căng thẳng thần kinh, lạm dụng thuốc Tây… Tuy nhiên trong nhiều trường hợp các triệu chứng này còn là hệ quả của nhiều vấn đề bệnh lý. Các nguyên nhân gây ợ nóng đầy bụng khó tiêu cụ thể như sau:
1. Thói quen ăn uống thiếu khoa học
Đây là vấn đề mà rất nhiều người gặp phải. Việc ăn uống thiếu khoa học ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động đồng hồ sinh học của dạ dày. Đặc biệt là làm rối loạn hoạt động bài tiết acid dạ dày để tiêu hóa thức ăn.
Các thói quen xấu có ảnh hưởng trực tiếp bao gồm:
- Ăn uống không đúng bữa, đúng giờ giấc
- Ăn nhanh, ăn vội và không nhai kỹ
- Ăn uống không tập trung, vừa ăn vừa nói chuyện hay xem ti vi
- Nằm ngay khi vừa ăn xong
- Vận động mạnh, chạy nhảy liền sau bữa ăn
- Có thói quen ăn đêm
2. Tiêu thụ các thức ăn không phù hợp
Thực đơn bữa ăn hằng ngày là yếu tố đặc biệt quan trọng với hoạt động của hệ tiêu hóa. Thường xuyên tiêu thụ các thực phẩm không phù hợp có thể khiến dạ dày tiết nhiều acid. Hơn nữa còn gây khó tiêu, đầy hơi và chướng bụng rất khó chịu. Dưới đây là một số loại đồ ăn thức uống dễ gây ợ nóng đầy bụng khó tiêu:
- Đồ ăn chiên xào có chứa nhiều dầu mỡ
- Thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn
- Thức ăn chứa nhiều tinh bột có men nở
- Thực phẩm khó tiêu như ngũ cốc, các loại đậu, bắp cải, súp lơ…
- Các chất kích thích
- Đồ uống, nước ngọt có gas
- Tiêu thụ ít chất xơ từ rau xanh và trái cây
3. Căng thẳng tâm lý
Các chuyên gia cho biết, tâm lý căng thẳng, stress cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho dạ dày tiết nhiều acid dịch vị hơn.
Đồng thời, tâm lý căng thẳng còn khiến nhu động ruột bị chậm lại, quá trình tiêu hóa trở nên kém hiệu quả. Từ đó làm phát sinh các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu. Cộng thêm việc dạ dày tiết nhiều acid gây ợ nóng, ợ hơi và đau rát thượng vị.
4. Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa cũng được cho là liên quan đến các triệu chứng ợ nóng đầy bụng khó tiêu. Tình trạng này thường xảy ra khi bị dị ứng với thực phẩm hay khi cơ thể tiếp xúc với độc tố trong thức ăn.
Lúc này, dạ dày có thể tăng tiết acid dịch vị. Hơn nữa các hại khuẩn trong đường ruột cũng hoạt động mạnh hơn. Từ đó không chỉ gây ợ nóng, buồn nôn, nôn ói. Nhiều trường hợp người bệnh còn bị đầy bụng, khó tiêu, táo bón hay tiêu chảy.
Tham khảo thêm: Thực Đơn Tốt Cho Người Đau Dạ Dày – Ăn Ngon, Ngủ Khỏe
5. Tác dụng phụ của thuốc Tây
Sử dụng thuốc Tây, nhất là dùng kéo dài thường rất khó tránh khỏi các vấn đề rủi ro ngoại ý. Thường gặp nhất là các tác dụng phụ lên hoạt động của hệ tiêu hóa.
Các loại thuốc kháng sinh, giảm đau, chống viêm… có thể tiêu diệt nhầm cả các lợi khuẩn trong dạ dày và đường ruột. Đồng thời gây kích thích niêm mạc dạ dày. Từ đó khiến dạ dày tăng tiết acid và hoạt động kém hiệu quả dẫn đến các triệu chứng bất thường. Điển hình như đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ nóng…
6. Ợ nóng đầy bụng khó tiêu là bệnh gì?
Các triệu chứng ợ nóng đầy bụng và khó tiêu đi kèm với nhau thường liên quan đến hoạt động tiêu hóa. Chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý tiêu hóa cần sớm được can thiệp điều trị. Bao gồm:
– Trào ngược dạ dày thực quản:
Trào ngược dạ dày thực quản được cho là nguyên nhân chính của các chứng ợ nóng, ợ hơi, ợ chua. Đặc trưng bởi tình trạng acid dạ dày bài tiết quá nhiều có xu hướng trào ngược lên trên thực quản và miệng. Ngoài thường xuyên bị ợ nóng thì người bệnh còn bị nóng rát vùng thượng vị, đầy bụng, đau dạ dày, buồn nôn, trớ thức ăn…
Tình trạng này nếu kéo dài còn gây hôi miệng, sâu răng. Trường hợp không nghiêm túc điều trị sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên mãn tính.
– Viêm loét dạ dày tá tràng:
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý tiêu hóa thường gặp. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm nhiễm kích hoạt ngay tại niêm mạc dạ dày và ruột non. Phản ứng viêm phát triển có thể làm phát sinh nhiều triệu chứng khó chịu.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau tức thượng vị, ợ chua, ợ nóng, buồn nôn, khó tiêu, đầy bụng, ăn uống kém… Chúng thường bùng phát mạnh khi bụng quá no hay quá đói, căng thẳng quá mức, tiêu thụ các thực phẩm không phù hợp.
– Bệnh sỏi mật:
Sỏi mật là bệnh lý hình thành do sự mất cân bằng của một số thành phần có trong dịch mật. Từ đó gây ra tình trạng kết tụ cholesterol. Đây là bệnh lý thường gặp ở những người thừa cân – béo phì, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu cholesterol, giảm hoạt động túi mật…
Bệnh có thể gây ra các triệu chứng như ợ nóng, chậm tiêu, buồn nôn, đầy bụng, chán ăn. Nhiều người bệnh còn bị đau bụng hay đau vùng mạn sườn và đau nhiều khi ăn. Các triệu chứng đặc trưng khác như vàng da, nước tiểu vàng, vàng mắt, sốt nếu có nhiễm trùng ở túi mật…
– Hội chứng Zollinger-Ellison:
Hội chứng Zollinger-Ellison xảy ra khi tuyến tụy xuất hiện quá nhiều khối u gastin. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến dạ dày bài tiết quá nhiều acid.
Chính vì vậy, ợ nóng, buồn nôn, khó tiêu hay đầy bụng có thể là dấu hiệu cảnh báo hội chứng Zollinger-Ellison. Nếu không can thiệp phẫu thuật kịp thời thì hội chứng này có thể dẫn tới loét hay thủng dạ dày.
Cách khắc phục chứng ợ nóng đầy bụng khó tiêu
Ợ hơi đầy bụng khó tiêu không phải là triệu chứng quá nghiêm trọng, đặc biệt là có thể khắc phục hoàn toàn. Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của triệu chứng mà sẽ có cách khắc phục phù hợp. Dưới đây là các giải pháp có thể đáp ứng:
1. Chữa chứng ợ nóng đầy bụng khó tiêu tại nhà
Nhiều trường hợp tình trạng ợ nóng đầy bụng khó tiêu không phải do vấn đề bệnh lý. Nó đơn giản chỉ là bắt nguồn từ thói quen ăn uống và sinh hoạt kém điều độ. Lúc này, các giải pháp khắc phục tại nhà có thể giúp ích.
– Dùng baking soda:
Baking soda có chứa lượng lớn natri bicarbonat. Ngoài giúp trung hòa acid dạ dày thì thành phần này còn có tác dụng khắc phục tình trạng khó tiêu. Bạn chỉ cần hòa tan khoảng 1/2 thìa cà phê baking soda rồi pha với 150ml nước ấm và uống trực tiếp.
Lưu ý, sau khi uống baking soda trong vòng 2 tiếng đồng hồ bạn không nên uống thêm bất cứ loại thuốc nào khác. Bởi nguyên liệu này có thể gây tương tác và thay đổi cơ chế hoạt động của các loại thuốc.
– Uống trà gừng:
Gừng cũng là nguyên liệu lành tính bạn có thể tận dụng để làm giảm các triệu chứng ợ nóng đầy bụng khó tiêu. Gừng có vị cay, tính ấm giúp kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa. Đồng thời ức chế tình trạng trào ngược acid dịch vị để làm giảm chứng buồn nôn.
Bạn chỉ cần dùng gói trà gừng túi lọc hãm trong nước nóng và uống. Nếu không có thể cắt vài ba lát gừng tươi, cho vào 150ml nước sôi già. Đậy cốc nước lại hãm khoảng 15 phút rồi uống khi trà còn ấm.
Tham khảo thêm: Đu Đủ Chữa Trào Ngược Dạ Dày Có Tốt Không? – Giải Đáp
– Bổ sung các thực phẩm dễ tiêu:
Đây cũng là cách tốt giúp hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa. Bạn nên tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn. Đặc biệt là nguồn chất xơ từ rau củ và trái cây tươi. Đồng thời mỗi ngày tiêu thụ 1 hũ sữa chua cũng rất hữu ích.
– Chườm nóng:
Trong một số trường hợp, các triệu chứng ợ nóng đầy bụng khó tiêu còn kèm theo đau tức bụng. Lúc này chườm nóng là giải pháp rất hữu ích. Ngoài giúp giảm đau thì cách này còn hỗ trợ điều hòa nhu động ruột. Từ đó tránh kích thích và giúp làm giảm chứng đầy bụng khó tiêu.
– Uống trà hoa cúc:
Ngoài tác dụng an thần thì trà hoa cúc còn rất tốt cho hoạt động của hệ tiêu hóa. Nó giúp làm giảm co thắt dạ dày, trung hòa acid dịch vị. Hơn nữa còn hỗ trợ khắc phục tình trạng ợ nóng, buồn nôn và đầy bụng. Uống trà hoa cúc còn giúp làm giảm căng thẳng, mệt mỏi và chăm sóc tốt hơn cho giấc ngủ.
Cần chuẩn bị khoảng 5 – 7 bông hoa cúc nhỏ đem rửa sạch rồi sấy khô. Cho vào ấm tích nước tráng qua với 1 ít nước sôi. Thêm vào 150ml nước sôi già hãm trong 20 phút rồi uống khi trà còn ấm.
2. Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn bác sĩ
Trong nhiều trường hợp, các giải pháp tại nhà thường không đáp ứng tốt với triệu chứng ợ nóng đầy bụng khó tiêu. Lúc này có nguy cơ cao là bạn đang sống chung với các vấn đề bệnh lý. Nên chủ động thăm khám bác sĩ khi:
- Ợ nóng, đầy bụng, khó tiêu kéo dài dai dẳng.
- Người bệnh bị khó thở, choáng váng, đổ mồ hôi lạnh.
- Nôn ói nhiều, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Đau bụng quặn thắt, dữ dội.
- Đi ngoài ra phân đen, nôn ra máu.
- Sút cân không rõ nguyên nhân.
Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để chẩn đoán bệnh lý nguyên nhân. Tùy thuộc vào từng bệnh lý mà sẽ có cách điều trị khác nhau. Tuy nhiên, một số loại thuốc sau có thể được chỉ định để giúp khắc phục nhanh triệu chứng:
- Thuốc chống acid
- Thuốc làm giảm tiết acid dạ dày
- Thuốc kháng H2
- Thuốc hỗ trợ tiêu hóa
- Thuốc làm giảm đầy hơi chướng bụng
Người bệnh cần chú ý dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối tránh tình trạng tự ý mua thuốc về dùng hay tăng giảm liều dùng khi chưa nhận được hướng dẫn. Việc dùng thuốc không đúng cách, thiếu cẩn trọng có thể khiến triệu chứng nặng nề thêm. Hơn nữa còn tăng nguy cơ phát sinh các vấn đề ngoại ý.
Tham khảo thêm: Trào Ngược Dạ Dày Nổi Hạch Có Nguy Hiểm Không?
3. Một số vấn đề cần lưu ý
Bên cạnh việc dùng thuốc và áp dụng các giải pháp điều trị tại nhà thì bạn cần chú ý thêm một số vấn đề như sau:
– Ăn uống khoa học:
Tránh tình trạng ăn quá no. Tốt nhất chỉ nên ăn khoảng 60% lượng thức ăn. Kèm theo đó có thể kết hợp ăn thêm các bữa phụ. Lượng thức ăn nhỏ sẽ giúp làm giảm áp lực cho dạ dày và đường ruột.
Ngoài ra cần chú ý ăn uống đúng giờ. Điều này giúp tạo nhịp sinh học ổn định cho dạ dày, tránh gây kích thích làm tăng tiết acid dư thừa. Tuyệt đối không ăn bữa tối quá muộn, đừng nên tiêu thụ bất cứ loại đồ ăn thức uống nào sau 9h tối.
Cần bổ sung các thực phẩm lành mạnh. Tăng cường rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên cám… Tránh ăn đồ cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn. Đồng thời không tiêu thụ các thức uống có gas, có cồn hay chất kích thích.
– Tránh căng thẳng tâm lý:
Áp lực, căng thẳng thần kinh ảnh hưởng xấu đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Từ đó làm tăng nguy cơ phát sinh các triệu chứng bất thường. Để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, bạn cần chú ý cân bằng cuộc sống. Cần làm việc và nghỉ ngơi điều độ. Trường hợp bị căng thẳng kéo dài thì nên tìm đến bác sĩ để được giúp đỡ.
– Các vấn đề khác:
Để làm dịu cảm giác khó chịu khi bị ợ nóng, đầy bụng và khó tiêu, bạn nên hít thở sâu và từ từ. Tập thở sâu khoảng 30 phút mỗi ngày cũng có thể làm giảm lượng acid trào ngược. Hơn nữa còn kích thích hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên dành thời gian cho các hoạt động thể chất. Rèn luyện thể dục thể thao không chỉ giúp nâng cao thể trạng mà còn tăng cường quá trình chuyển hóa, kích thích nhu động ruột. Từ đó ngăn ngừa sự phát sinh của các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa.
Ợ nóng đầy bụng khó tiêu có thể do nhiều nguyên nhân gây ra bao gồm cả vấn đề bệnh lý. Khi các giải pháp tại nhà và việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt không giúp ích thì bạn cần thăm khám ngay. Nghiêm túc điều trị theo phác đồ bác sĩ để tránh các vấn đề không mong muốn phát sinh.
Có thể bạn quan tâm
- Bụng nóng cồn cào khi mang thai phải làm sao?
- Đau dạ dày có nên uống sữa tươi không? Uống thế nào tốt?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!