Chữa viêm xoang bằng thuốc tây có loại nào, cần lưu ý điều gì?
Viêm xoang là bệnh lý đường hô hấp trên phổ biến, xảy ra khi các xoang cạnh mũi bị tắc nghẽn. Người bị viêm xoang thường xuyên phải đối mặt với các triệu chứng đau nhức đầu, mặt, sổ mũi, ngạt mũi, mất khứu giác… Để khắc phục vấn đề trên, chữa viêm xoang bằng thuốc tây là biện pháp được chuyên gia chỉ định.
Các loại thuốc tây điều trị bệnh viêm xoang
Viêm xoang là tình trạng xoang bị viêm nhiễm do bị bít tắc bởi dịch nhầy ứ đọng, làm tắc hẹp lỗ thông xoang. Thủ phạm gây hiện tượng trên gồm có:
- Vi khuẩn, nấm: Nấm, vi khuẩn hoạt động và phát triển trong xoang mũi có thể gây ứ đọng dịch nhầy, cản trở không khí lưu thông.
- Cơ địa dị ứng: Người có thể trạng dị ứng với hóa chất, lông chó mèo, phấn hoa, mạt bụi… cũng dễ khiến niêm mạc mũi bị sưng, phù nề, bít tắc các lỗ thông xoang.
- Sức đề kháng kém: Cơ thể suy nhược, hệ thần kinh rối loạn có thể khiến cho cơ thể không đủ sức chống lại các tác nhân gây viêm xoang.
- Bệnh đường hô hấp: Viêm xoang thường xuất hiện sau một đợt cảm lạnh, cúm, viêm mũi dị ứng hay các bệnh lý đường hô hấp khác. Lúc này, hệ thống chất nhầy của niêm mạc xoang hoạt động quá mức trong khi hệ thống các chất nhầy trong xoang hoạt động kém..
- Nguyên nhân khác: Sâu răng, chấn thương, nhiễm trùng hàm trên cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm xoang.
Mục đích chung của việc điều trị bằng thuốc đều hướng đến việc khắc phục tình trạng bít tắc xoang mũi, tăng cường dẫn lưu xoang, cải thiện triệu chứng. Đối với những nguyên nhân gây bệnh khác nhau, sẽ có những loại thuốc điều trị tương ứng, các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh viêm xoang gồm có:
Thuốc thông mũi
Thông mũi là bước đầu tiên trong việc khắc phục triệu chứng. Các loại thuốc thông mũi được điều chế nhằm mục đích giảm bít tắc đường thở, cải thiện khả năng hô hấp.
Thuốc thông mũi dạng xịt
Pseudophedrine, naphazoline, phenylephrine, chlorzoxazone là các loại thuốc thông mũi dạng xịt được dùng phổ biến hiện nay. Thuốc cho tác dụng nhanh chỉ sau 1 – 3 phút sử dụng. Tuy nhiên, sử dụng liên tục có thể gây tình trạng phụ thuộc và nhờn thuốc điều trị.
Thuốc thông mũi đường uống (dạng viên hay dung dịch uống)
Thuốc chứa các hoạt chất giả phenylephrine hoặc ephedrine, thường phát huy hiệu quả điều trị sau 30 – 60 phút sử dụng. Tương tự như thuốc dạng xịt, thuốc thông mũi đường uống có thể kém hiệu quả hơn khi dùng lâu dài. Hiện lượng lờn thuốc có thể xảy ra nhưng không đại trà như các loại dạng xịt.
Dù ở hình thức nào, thuốc thông mũi cũng đều tiềm ẩn các tác dụng không mong muốn như: tăng huyết áp, tăng nhịp tim, căng thẳng, mất ngủ, lo âu, co giật, nhức đầu, nhìn mờ, bí tiểu.. Với bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh đường tiết niệu… nên tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi dùng. Việc điều trị phối hợp thuốc thông mũi với các loại thuốc có tác dụng phụ tương tự cũng làm tăng nguy cơ mắc phải một số biến chứng nguy hiểm.
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh được chỉ định trong trường hợp tác nhân gây bệnh là vi khuẩn. Mục tiêu chính của thuốc điều trị là quét sạch vi trùng ra khỏi các xoang viêm nhiễm nhằm giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
Đối với trường hợp viêm xoang cấp tính chưa có biến chứng, penicillin tổng hợp như amoxicillin có thể được chỉ định. Loại kháng sinh này đặc hiểu với nhiều chủng vi khuẩn thông thường. Tuy nhiên, thuốc cũng có thể gây kích ứng dạ dày hay làm xuất hiện phản ứng dị ứng (sưng họng, phát ban). Nếu như dị ứng với penicillin, bệnh nhân có thể được chỉ định một số kháng sinh chứa sulfur như sulfamethoxazole/ trimethoprim hoặc SMX/ TMP (như cotrim, bactrim hoặc septra).
Với những đối tượng điều trị viêm xoang cấp nhiều lần hoặc người bị viêm xoang mạn tính đề kháng với TMP/SMX và amoxicillin, bạn có thể sử dụng cephalosporin và một số loại penicillin tổng hợp mới để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
Việc điều trị viêm xoang bằng kháng sinh phổ rộng thường xuyên và kéo dài có thể dẫn đến tính trạng vi khuẩn kháng kháng sinh. Kháng sinh đường uống chỉ nên dùng từ 14 – 21 ngày, không dùng quá thời gian quy định. Không ngưng thuốc giữa liệu trình điều trị rồi dùng lại sau đó vì điều này làm tăng nguy cơ nhờn thuốc.
Thuốc kháng histamin
Đối với trường hợp tác nhân gây viêm xoang là do cơ địa dị ứng, bạn sẽ được chỉ định thuốc kháng histamin để giảm sưng, phù nề niêm mạc xoang. Thuốc có tác dụng ngăn cản sự giải phóng bạch cầu trong máu và histamin – chất trung gian gây viêm, nhờ vậy mà làm giảm triệu chứng bệnh.
Chuyên gia khuyên người bệnh không nên dùng thuốc kháng histamin có tác dụng an thần vì chúng có xu hướng tăng độ đặc của chất đờm và khiến mũi bị khô, khiến cho quá trình dẫn lưu xoang trở nên khó khăn hơn. Thay vào đó, bệnh nhân viêm xoang nên dùng một số loại thuốc kháng histamin không có tác dụng an thần hiện nay như fexofenadine, desloratadine, loratadine.
Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau chứa paracetamol hoặc một số loại thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) có thể khắc phục triệu chứng đau nhức xoang mũi, đau đầu khi bị viêm xoang. Các loại thuốc được chuyên gia chỉ định phổ biến gồm có: aspirin, acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin).
Không dùng dược phẩm trên trong thời gian dài vì thuốc có thể gây tác dụng phụ lên đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày.
Thận trọng khi dùng Aspirin cho trẻ em hoặc đối tượng thanh thiếu niên bởi thuốc có liên quan đến hội chứng Reye – một tình trạng sức khỏe ở trẻ em hiếm gặp nhưng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trong trường hợp thuốc giảm đau không kê đơn không phát huy tác dụng, chuyên gia có thể chỉ định bạn dùng một số loại thuốc kê đơn khác với hoạt lực giảm đau mạnh hơn.
Thuốc Corticosteroid
Thuốc Corticosteroid tác động trực tiếp lên niêm mạc ở hốc xoang và mũi, cải thiện tình trạng sưng viêm tại đây. Các loại thuốc được dùng phổ biến gồm có: flnomasone (Flonase, Veramyst), budesonide (Rhinocort), mometasone (Nasonex) và beclomethasone (Beconase AQ, Qnasl).
So với thuốc thông mũi, thuốc Corticosteroid không làm giảm ngay triệu chứng nhưng khi đạt đến liều điều trị thì biểu hiện của bệnh sẽ được cải thiện mà không cần dùng đến thuốc thông mũi.
Ngoài ra, Corticosteroid cũng được dùng trong điều trị dự phòng viêm xoang và giữ cho xoang ẩm, dẫn lưu tốt.
Trên đây là một số thuốc tây điều trị viêm xoang được dùng phổ biến, giúp làm giảm triệu chứng ở bệnh nhân viêm xoang. Bệnh nhân cần dùng đúng liều lượng, tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ để thu được hiệu quả cao. Đối với một số trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa, cần thăm khám, thực hiện xét nghiệm… để xem xét tình trạng viêm nhiễm và cân nhắc đến giải pháp can thiệp ngoại khoa.
Có thể bạn quan tâm
- 17 cách chữa viêm xoang tại nhà hiệu quả – Không cần thuốc
- 10 cách chữa viêm xoang bằng thuốc Nam, cây cỏ quanh nhà
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!