Bệnh chàm bội nhiễm ở trẻ em: cách phòng ngừa và điều trị
Chàm bội nhiễm ở trẻ em đề cập đến tình trạng tổn thương da do nhiễm virus Herpes simplex 1 và 2. Chàm bội nhiễm có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Tổng quan về bệnh chàm bội nhiễm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng chủ yếu mắc bệnh chàm bội nhiễm. Bệnh lý này đề cập đến tình trạng nhiễm trùng da hiếm gặp do virus Herpes simplex 1 và 2 gây ra.
Chàm bội nhiễm ít xuất hiện ở người trưởng thành và những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Bệnh thường phát sinh ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và đối tượng có hệ miễn dịch suy giảm (mắc bệnh HIV, AIDS, Parkinson,…).
1. Dấu hiệu nhận biết
Các triệu chứng của chàm bội nhiễm không xuất hiện ngay mà chỉ phát sinh từ 5 – 12 ngày sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh.
Các triệu chứng đặc trưng:
- Phát ban gây ra mụn nước: Dấu hiệu đầu tiên của bệnh chàm bội nhiễm là phát ban mụn nước xuất hiện thành cụm và lây lan trên phạm vi da rộng. Các mụn nước này gây ngứa, đau dữ dội. Khi mụn nước vỡ ra, trẻ có thể bị chảy máu và sưng viêm nghiêm trọng.
- Trẻ mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, sốt, ớn lạnh: Những triệu chứng này phát sinh trong thời gian da xuất hiện mụn nước.
Xem ngay: Bệnh chàm dị ứng ở trẻ là gì? Tiến triển của bệnh và cách chữa trị
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh chàm bội nhiễm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là do virus Herpes simplex 1 và 2. Virus này có khả năng lây lan cao.
Nhiễm virus Herpes simplex thường gây ra bệnh mụn rộp ở môi và bộ phận sinh dục. Tuy nhiên khi virus xâm nhập vào vùng da mắc bệnh chàm sữa, viêm da tiếp xúc, viêm da tiết bã,… virus lại có xu hướng hình thành bệnh chàm bội nhiễm.
3. Biến chứng
Chàm bội nhiễm không gây nguy hiểm nếu được kiểm soát tốt. Tuy nhiên nếu để kéo dài, bệnh có thể gây ra một số biến chứng.
Biến chứng của bệnh chàm bội nhiễm ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh:
- Sẹo vĩnh viễn do các mụn nước lớn gây ra.
- Viêm giác mạc và có thể gây mù lòa.
- Tổn thương nội tạng.
- Có thể gây tử vong (trường hợp này hiếm khi xảy ra).
Chẩn đoán bệnh chàm bội nhiễm ở trẻ em
Chàm bội nhiễm ở trẻ nhỏ thường được chẩn đoán qua quan sát trực quan và sinh thiết mô. Bệnh lý này thường gây ra các triệu chứng có mức độ nghiêm trọng hơn các tình trạng da mãn tính. Vì vậy bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh qua những biểu hiện lâm sàng.
Trong trường hợp triệu chứng trên da không đặc trưng, bác sĩ có thể sinh thiết mô để xác định sự hiện diện của virus.
Gợi ý: Bệnh chàm khô ở trẻ em: Nguyên nhân, cách điều trị và chăm sóc hiệu quả
Điều trị chàm bội nhiễm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Mỗi đợt bùng phát của bệnh chàm bội nhiễm thường kéo dài từ 2 – 6 tuần hoặc có thể lâu hơn. Trẻ bị nhiễm virus Herpes simplex không thể điều trị dứt điểm.
Virus sẽ tiềm ẩn trong cơ thể và bùng phát khi có điều kiện thích hợp (thường do hệ thống miễn dịch suy giảm). Vì vậy việc điều trị chàm bội nhiễm chỉ có mục đích kiểm soát mức độ ảnh hưởng của virus Herpes simplex.
Trẻ bị chàm bội nhiễm thường được điều trị bằng Acyclovir. Bác sĩ có thể đề nghị trẻ sử dụng thuốc dạng đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch tùy vào mức độ của các triệu chứng.
Trong trường hợp vùng da bội nhiễm có dấu hiệu nhiễm vi khuẩn Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Streptococcus pyogenes,… bác sĩ kê toa thuốc kháng sinh kết hợp với Acyclovir. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra nhiễm trùng ở mắt và một số cơ quan có khả năng để kịp thời điều trị.
Sau khi virus được kiểm soát, bạn có thể sử dụng một số loại kem bôi ngoài da để cải thiện những triệu chứng trên da của trẻ như ngứa rát, chảy dịch, khô ráp, sần sùi,…
Tuy nhiên, làn da non nớt của trẻ luôn rất nhạy cảm với các loại thuốc bôi chứa corticoid nên phụ huynh cần hết sức cẩn trọng. Việc lạm dụng hoặc sử dụng thuốc bôi không đúng cách có thể tiềm ẩn những tác dụng phụ không mong muốn.
Xem thêm: 4 loại kem bôi trị bệnh chàm tốt nhất và lời khuyên bổ ích
Chăm sóc và ngăn ngừa bệnh chàm bội nhiễm ở trẻ em
Ngoài việc sử dụng thuốc, bạn cần thực hiện các biện pháp nhằm chăm sóc và ngăn ngừa bệnh chàm bội nhiễm tái phát ở trẻ nhỏ.
Các biện pháp chăm sóc và dự phòng tái phát:
- Cắt móng tay, móng chân và mang vớ, đeo bao tay cho trẻ nhằm hạn chế tình trạng trẻ cào, gãi vào vùng da tổn thương.
- Giữ vệ sinh vùng da bị bệnh. Nên mặc quần áo có chất liệu thoáng mát và rộng rãi để giảm ma sát lên vùng da này.
- Lựa chọn những sản phẩm làm sạch dịu nhẹ dành riêng cho trẻ nhỏ.
- Với những trẻ dễ dị ứng, bạn cần tránh để trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, lông thú nuôi, nước bẩn,…
- Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung trái cây, rau xanh và những thực phẩm lành mạnh.
- Hạn chế đưa trẻ đến những nơi công cộng như bệnh viện.
- Hướng dẫn trẻ cách giữ vệ sinh cá nhân.
Chàm bội nhiễm ở trẻ em có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, bạn cần chủ động đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi nhận thấy những triệu chứng của bệnh. Tình trạng chủ quan ở một số phụ huynh có thể khiến bệnh chuyển biến nặng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Có thể bạn quan tâm
- Chàm thể tạng ở trẻ sơ sinh và cách điều trị hiệu quả
- Bệnh chàm sữa ở trẻ do đâu? Cách trị và chăm sóc cho trẻ
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!