Bệnh Viêm Da Tiết Bã
Bệnh viêm da tiết bã là tình trạng viêm da mãn tính với tổn thương dạng hồng ban, bề mặt nhiều dầu và có lớp vảy bong màu trắng, vàng, nâu. Bệnh lành tính nhưng vô cùng dai dẳng, hay tái phát gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Đây là lý do cần phải tìm hiểu về căn bệnh này để chủ động trong điều trị, phòng ngừa.
Tổng quan
Viêm da tiết bã (Seborrheic Dermatitis) còn được gọi là viêm da dầu hay viêm da tiết bã nhờn. Đây là một dạng viêm da mãn tính có vai trò quan trọng của các loại nấm thường trú trên da như Malassezia. Viêm da tiết bã được xếp vào nhóm eczema - chàm do có liên quan đến yếu tố cơ địa và suy giảm hàng rào bảo vệ da.
Đặc trưng của bệnh là tổn thương dạng hồng ban, bề mặt sần sùi có nhiều vảy bong, xuất hiện chủ yếu ở những vùng da tiết nhiều dầu như da đầu, má, cằm, lông mày. Tổn thương da có thể gây ngứa ngáy nhẹ hoặc không.
Viêm da tiết bã gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến ở trẻ sơ sinh và người từ 30 - 70 tuổi. Dù được gọi là viêm da dầu nhưng tuyến bã nhờn của da hoạt động bình thường, không có hiện tượng tăng tiết. Giống như các bệnh viêm da do cơ địa, viêm da tiết bã có tính chất dai dẳng, hay tái phát, đặc biệt là khi có những yếu tố thuận lợi như khí hậu khô lạnh, căng thẳng, hệ miễn dịch suy yếu.
Viêm da dầu là bệnh da liễu lành tính mặc dù hay tái phát, khó điều trị. Tổn thương da ít gây ngứa hơn so với tổ đỉa, viêm da cơ địa nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Để tự tin hơn trong cuộc sống, nên điều trị và có các biện pháp chăm sóc phù hợp.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Khoảng 3 - 5% dân số có biểu hiện của viêm da tiết bã và nguy cơ cao hơn ở nam giới. Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này vẫn chưa được xác định. Kết quả từ nhiều nghiên cứu cho thấy, viêm da dầu hiếm khi xảy ra do một nguyên nhân mà là kết quả của nhiều yếu tố cộng hưởng.
Các yếu tố được xác định có thể gây ra bệnh viêm da tiết bã nhờn:
- Nấm Malassezia: Malassezia là loại nấm thường trú trên da có đặc tính ưa lipid và keratin. Ở trạng thái bình thường, loại nấm này có vai trò duy trì sự cân bằng của hệ vi sinh trên da. Tuy nhiên, ở người bị viêm da dầu nhận thấy số lượng nấm Malassezia tăng và có đáp ứng viêm với các chất chuyển hóa của loại nấm này.
- Gia tăng bã nhờn: Viêm da dầu xảy ra chủ yếu ở những vùng da tiết nhiều dầu. Bã nhờn tiết ra nhiều sẽ tạo điều kiện cho các loại nấm ưa lipid như Malassezia phát triển mạnh.
- Giảm hàng rào bảo vệ da: Các bệnh chàm (eczema) nói chung và viêm da dầu nói riêng đều có liên quan đến giảm hàng rào bảo vệ da. Cấu trúc da được quy định bởi gen nên các bệnh eczema đều có tính chất di truyền. Khi hàng rào bảo vệ suy giảm, da dễ bị mất nước. Nấm men vì thế dễ dàng tấn công gây ra phản ứng viêm, bong vảy lớp sừng bên ngoài.
- Di truyền: Không có gen gây bệnh viêm da tiết bã nhờn. Tuy nhiên, gen quy định cấu trúc da và cách thức hoạt động của hệ miễn dịch. Vì vậy, nếu gia đình có tiền sử bị viêm da dầu hoặc các bệnh do cơ địa như nổi mề đay, viêm da cơ địa… nguy cơ mắc bệnh sẽ gia tăng đáng kể.
- Các yếu tố thuận lợi: Viêm da dầu có thể bùng phát hoặc trở nên nghiêm trọng hơn khi có các yếu tố như căng thẳng, thời tiết lạnh, khô hanh, mắc các bệnh rối loạn thần kinh (bệnh Parkinson), hệ miễn dịch suy giảm, mất cân bằng dinh dưỡng…
Triệu chứng và chẩn đoán
Viêm da tiết bã nhờn khởi phát từ từ, không đột ngột như nổi mề đay. Tổn thương da xuất hiện chủ yếu ở vùng đầu, mặt và nửa trên thân mình. Tùy trường hợp mà có thể đi kèm biểu hiện ngứa hoặc không. Triệu chứng của viêm da tiết bã có thể khác nhau ở từng đối tượng.
Các dấu hiệu nhận biết viêm da dầu ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 12 tháng tuổi:
- Tổn thương chủ yếu xuất hiện ở vùng da đầu và lông mày, đặc trưng bởi tình trạng hồng ban, bề mặt có nhiều vảy bong màu trắng, vàng nhạt cho đến nâu đen.
- Một số trẻ bị viêm da dầu ở má, xung quanh mũi và phía sau tai.
- Tổn thương da có dấu hiệu đỏ ửng và ngứa hơn khi tiết nhiều dầu, đổ mồ hôi.
Ở trẻ lớn và người trưởng thành, viêm da tiết bã nhờn có triệu chứng điển hình hơn. Các dấu hiệu nhận biết bao gồm:
- Tổn thương da có hình đa cung, hình tròn, mảng với màu hồng nhạt hoặc hồng cam.
- Bề mặt có nhiều dầu, vảy bong có màu trắng, vàng nhạt hoặc nâu.
- Viêm da tiết bã chủ yếu xuất hiện ở vùng da nhiều dầu nên bề mặt khá dính, vảy bong dính vào da thay vì rơi ra như bệnh vảy nến.
- Ở người trưởng thành, viêm da tiết bã nhờn xuất hiện ở nhiều vị trí hơn như ống tai, sau tai, da đầu, hai bên má, mũi, lông mày, trước ngực…
- Viêm da dầu ít khi gây ngứa nhưng vẫn có trường hợp ngứa ngáy nhẹ, đặc biệt là khi thời tiết nóng, da đổ nhiều mồ hôi.
- Tổn thương cũng có thể xuất hiện ở vùng bẹn, kẽ mông, vùng da dưới cánh tay và nếp gấp dưới ngực. Nếu xảy ra ở những vị trí này, tổn thương thường có hình cánh bướm, bề mặt ẩm ướt, ngứa ngáy.
- Ở những người bị nhiễm HIV/ AIDS, viêm da dầu có thể lan tỏa trên diện rộng. Bề mặt da viêm nặng và rỉ dịch.
Viêm da tiết bã là bệnh viêm da lành tính, đôi khi không cần điều trị. Trường hợp nhẹ có thể thuyên giảm sau khi dùng thuốc không kê toa và loại trừ các yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên nếu tổn thương da xảy ra trên diện rộng, ngứa ngáy nhiều, dai dẳng, việc thăm khám làm cần thiết.
Để chẩn đoán bệnh viêm da dầu, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, hỏi về tiền sử bệnh lý của cá nhân, gia đình, lịch sử dùng thuốc. Ngoài ra, xét nghiệm mô bệnh học và soi nấm cũng được thực hiện trước khi đưa ra chẩn đoán chính thức.
Biến chứng và tiên lượng
Giống như các dạng chàm - eczema khác, viêm da tiết bã nhờn có đặc tính dai dẳng, hay tái phát. Tuy nhiên, căn bệnh này khá lành tính, hiếm khi gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tiên lượng bệnh tốt nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Đa phần trẻ sơ sinh đều mắc bệnh trong 12 tháng đầu đời nhưng rất ít trường hợp khởi phát bệnh ở giai đoạn trưởng thành. Cũng có nhiều trường hợp khi nhỏ không bị viêm da dầu nhưng lại có biểu hiện khi lớn lên.
Một số ít trường hợp bệnh diễn tiến trầm trọng, thường gặp ở người bị nhiễm HIV. Viêm da có thể lan tỏa trên diện rộng kèm theo rỉ dịch, nặng hơn là đỏ da toàn thân tróc vảy. Da tổn thương trên diện rộng sẽ gây rối loạn điều hòa thân nhiệt và nhịp tim nhanh.
Tỷ lệ bệnh diễn biến nặng là tương đối hiếm. Đa phần đều lành tính, ít đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, tính chất bệnh dai dẳng, hay tái phát nên gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống, đặc biệt là yếu tố thẩm mỹ.
Điều trị
Viêm da tiết bã không thể điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên ở một vài trường hợp, bệnh thuyên giảm sau khi dùng thuốc và gần như không tái phát về sau. Vì cơ chế bệnh sinh và căn nguyên có nhiều điểm chưa rõ ràng nên người bệnh phải chấp nhận sống chung với căn bệnh này.
Dù vậy, viêm da dầu là bệnh lành tính, có thể kiểm soát triệu chứng bằng thuốc và thay đổi thói quen. Sau khi triệu chứng thuyên giảm, nên chủ động phòng ngừa để giảm tần suất tái phát, gia tăng chất lượng cuộc sống.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm da tiết bã bao gồm:
Sử dụng thuốc
Dùng thuốc vẫn là phương pháp điều trị chính đối với bệnh viêm da tiết bã. Lựa chọn ưu tiên vẫn là thuốc dùng ngoài, thuốc uống chỉ được sử dụng trong trường hợp nặng, tổn thương da lan rộng.
Các loại thuốc dùng trong điều trị viêm da dầu:
- Dầu gội chống nấm: Nếu viêm da tiết bã xảy ra ở vùng đầu, có thể dùng dầu gội chứa Ketoconazole 2% hoặc dùng dầu gội chứa Selenium sulfide 2.5%, Zinc pyrithione 1% để tránh hiện tượng kháng thuốc. Nên dùng 2 lần/ tuần cho đến khi sạch thương tổn, sau đó dùng duy trì 1 lần/ tuần.
- Thuốc kháng nấm: Kem bôi chứa hoạt chất kháng nấm (Ketoconazole, Ciclopirox) được sử dụng trong trường hợp tổn thương không quá lớn. Tùy tổn thương da, có thể dùng thuốc bôi dạng gel hoặc kem. Kem bôi kháng nấm được khuyên dùng với tần suất 2 lần/ ngày và dùng duy trì 2 lần/ tuần. Trường hợp nặng sẽ được cân nhắc dùng thuốc chống nấm đường uống.
- Thuốc bôi tiêu sừng: Thuốc bôi tiêu sừng thường chứa axit salicylic. Loại thuốc này có tác dụng làm sạch vảy bong trên bề mặt và sát khuẩn tại chỗ. Thuốc bôi tiêu sừng thường được dùng ở dạng thuốc mỡ hoặc kem để loại bỏ vảy bong và hạn chế tình trạng khô da.
- Kem bôi chứa corticosteroid: Viêm da tiết bã nhờn gây viêm dai dẳng với biểu hiện là hồng ban. Do đó, điều trị sẽ bao gồm dùng corticosteroid dạng bôi ngoài (lotion, kem, thuốc mỡ). Thuốc được dùng với tần suất 1 - 2 lần/ ngày trong thời gian ngắn (tối đa khoảng 2 tuần nếu không có chỉ định của bác sĩ).
- Thuốc ức chế calcineurin: Thuốc ức chế calcineurin có tác dụng điều hòa miễn dịch tại chỗ, chỉ định dùng trong điều trị các dạng chàm - eczema. Đối với viêm da tiết bã, các loại thuốc ức chế calcineurin như Pimecrolimus, Tacrolimus… được dùng khi thuốc kháng nấm không có đáp ứng tốt hoặc được dùng xen kẽ với corticosteroid để hạn chế tác dụng phụ.
- Kháng sinh: Trường hợp bội nhiễm vi khuẩn sẽ phải dùng kháng sinh đường uống. Hai loại kháng sinh thông dụng nhất là Flucloxacillin và Erythromycin.
- Isotretinoin: Isotretinoin được sử dụng trong trường hợp kháng trị. Thuốc có tác dụng giảm viêm, dày sừng, bong vảy do viêm da tiết bã gây ra. Tuy nhiên, Isotretinoin có rất nhiều tác dụng phụ (đặc biệt là với nữ giới) nên cần được tư vấn kỹ trước khi dùng.
ĐỪNG BỎ LỠ: Bị viêm da tiết bã nên uống thuốc gì nhanh khỏi?
Liệu pháp ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng được cân nhắc cho những trường hợp không đáp ứng với thuốc. Liệu pháp UVB giúp kiểm soát tổn thương da, hạn chế tình trạng lan rộng. Hiện tượng hồng ban, dày sừng, bong vảy cũng có cải thiện đáng kể nếu thực hiện đều đặn.
Các biện pháp hỗ trợ
Viêm da tiết bã có thể điều trị nhưng gần như không thể chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh dễ tái phát, tiến triển dai dẳng, kéo dài gây ra nhiều phiền toái.
Sử dụng thuốc mang lại hiệu quả cao nhưng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ khi lạm dụng. Do đó, điều trị viêm da dầu bắt buộc phải kết hợp thêm với các biện pháp hỗ trợ như:
- Nên tắm bằng nước ấm để hỗ trợ làm sạch vảy bong.
- Dưỡng ẩm da hằng ngày sau khi tắm và rửa mặt. Cung cấp độ ẩm sẽ giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da, tránh trường hợp viêm da lan rộng ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.
- Có chế độ ăn hợp lý, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu để tăng cường sức đề kháng.
- Nên kiêng đường, chất béo, cà phê và rượu bia. Bởi đây đều là những loại thực phẩm, thức uống làm tăng mức độ viêm, ngứa do viêm da tiết bã gây ra.
- Uống đủ nước.
- Hạn chế căng thẳng thần kinh, tránh thức khuya.
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố dị ứng như phấn hoa, lông chó mèo, mủ thực vật, dịch của các loài côn trùng, thức ăn…
- Đeo bao tay khi tiếp xúc với hóa chất, xà phòng để tránh khiến da mất nước và bong tróc.
- Hạn chế trang điểm, ưu tiên dùng các sản phẩm da hữu cơ với thành phần lành tính và an toàn.
- Không gãy, chà xát lên vùng da tổn thương.
- Mặc trang phục rộng, chất liệu mềm thoáng để giảm ma sát lên da.
Kết hợp giữa các phương pháp y tế và lối sống hợp lý có thể giải quyết cơ bản triệu chứng của viêm da dầu. Đồng thời ngăn chặn tái phát và phục hồi cấu trúc da, mang đến sự tự tin về ngoại hình.
Phòng ngừa
Viêm da tiết bã có liên quan đến yếu tố cơ địa, di truyền nên không thể phòng ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể hạn chế nguy cơ bùng phát bệnh bằng các biện pháp đơn giản sau:
- Phòng tránh dị ứng thức ăn, thời tiết.
- Không nên để căng thẳng thần kinh kéo dài. Bên cạnh đó, cần điều trị tích cực lo âu, trầm cảm, bệnh Parkinson.
- Dưỡng ẩm cho da khi thời tiết khô hanh, độ ẩm giảm thấp.
- Vệ sinh da 2 lần/ ngày để tránh sự phát triển quá mức của nấm Malassezia.
- Hệ miễn dịch khỏe mạnh là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát tốt các bệnh da liễu liên quan đến cơ địa. Vì vậy, nên tổ chức lại lối sống để nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ bị viêm da dầu.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Viêm da tiết bã có nguy hiểm không? Ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống?
2. Viêm da tiết bã có lây không?
3. Điều trị viêm da tiết bã mất bao lâu?
4 .Chữa viêm da tiết bã hết bao nhiêu? Tổng chi phí
5. Có cần tái khám sau khi điều trị viêm da tiết bã?
6. Nếu gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc phải làm sao?
7. Cần ăn gì, kiêng gì để cải thiện viêm da tiết bã hiệu quả?
Viêm da tiết bã nhờn là bệnh da liễu khá phổ biến và lành tính. Tuy nhiên, vì tổn thương xuất hiện ở vùng đầu và mặt nên ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Dù không có phương pháp đặc hiệu nhưng kết hợp giữa dùng thuốc và điều chỉnh lối sống có thể quản lý bệnh hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm:
- Bật mí 6 cách trị viêm da tiết bã tại nhà an toàn dễ thực hiện
- Người bị viêm da tiết bã nên ăn gì, kiêng ăn gì để mau khỏi?