Bệnh Viêm Xoang
Viêm xoang là bệnh hô hấp thường gặp, khởi phát chủ yếu vào thời điểm giao mùa. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng có thể do nhiễm vi khuẩn, nấm, virus và đôi khi do kích ứng, dị ứng. Điều trị bệnh có nhiều lựa chọn nhưng cần áp dụng phương pháp phù hợp với nguyên nhân để đạt kết quả tốt nhất.
Tổng quan
Bên cạnh viêm mũi dị ứng, viêm xoang (Sinusitis) cũng là bệnh hô hấp phổ biến. Bệnh lý này xảy ra khi xoang (lớp niêm mạc bao bọc các bộ phận như mũi, mắt và trán) bị sưng viêm, phù nề. Nguyên nhân gây bệnh khá đa dạng, có thể là do nhiễm trùng hoặc do dị ứng, kích ứng.
Khi xoang bị phù nề sẽ dẫn đến hiện tượng tăng tiết dịch, gây cản trở quá trình lưu thông dịch tiết hô hấp. Từ đó dẫn đến một loạt các triệu chứng như chảy nước mũi thường xuyên, mũi, hốc mắt đau nhức, nghẹt mũi, khó thở,...
Ở nước ta, tỷ lệ người bị viêm xoang khá cao do khí hậu ẩm ướt, thay đổi thất thường. Bệnh bùng phát mạnh vào mùa xuân, đặc biệt là thời điểm giao mùa. Hiện nay, chất lượng không khí giảm thấp, môi trường ô nhiễm là những yếu tố khiến cho tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng.
Phân loại
Viêm xoang được chia thành 2 loại là viêm xoang cấp tính và viêm xoang mãn tính dựa vào thời gian tiến triển.
Viêm xoang cấp tính
Viêm xoang cấp thường khởi phát đột ngột với nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn và virus. Các triệu chứng khởi phát rầm rộ nhưng thuyên giảm nhanh sau khi được điều trị. Thời gian tiến triển thường là 4 tuần, nếu không điều trị có thể chuyển sang viêm xoang mãn tính và gây ra nhiều biến chứng.
Viêm xoang cấp được chia thành nhiều loại nhỏ phụ thuộc vào vị trí xoang bị phù nề, sưng viêm:
- Viêm xoang trán
- Viêm xoang sàng
- Viêm xoang bướm
- Viêm đa xoang
Viêm xoang mãn tính
Viêm xoang mãn tính/ viêm xoang mạn thường do dị ứng, kích ứng với nấm mốc, mạt bụi, hóa chất có trong không khí. Niêm mạc xoang bị viêm dai dẳng cũng gây ra các triệu chứng khó chịu như ngứa mũi, đau mũi, nghẹt mũi,... Đặc điểm của viêm xoang mạn là tiến triển dai dẳng trong nhiều tháng nhưng triệu chứng nhẹ, ít rầm rộ hơn viêm xoang cấp.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây viêm xoang rất đa dạng, trong đó được chia thành 2 nhóm chính là nguyên nhân do nhiễm trùng và không do nhiễm trùng. Tuy nhiên, bệnh chỉ khởi phát ở những đối tượng có các yếu tố thuận lợi (cơ địa nhạy cảm, cấu trúc mũi bất thường, vệ sinh tai mũi họng kém, sinh sống trong môi trường ô nhiễm,...).
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm
- Dị ứng, kích ứng (thường do phấn hoa, mạt bụi, hóa chất, thuốc lá, bào tử nấm mốc,...)
Ngoài các nguyên nhân trực tiếp, viêm xoang có thể khởi phát khi có những yếu tố nguy cơ sau:
- Cơ địa mẫn cảm, dễ dị ứng
- Lệch vách ngăn mũi, polyp mũi
- Bị viêm amidan, viêm họng, viêm thanh quản dai dẳng
- Nhiễm trùng răng cũng là gia tăng nguy cơ viêm xoang
- Sinh sống trong môi trường ô nhiễm, không khí nhiều bụi mịn, hóa chất độc hại
- Người làm các công việc phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, bụi vải,... sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
- Mắc chứng xơ nang
- Bên cạnh đó, tinh thần căng thẳng, cơ thể suy nhược, rối loạn nội tiết,... cũng là điều kiện để vi khuẩn, virus xâm nhập gây phù nề niêm mạc xoang. Hệ miễn dịch suy giảm cũng là yếu tố thuận lợi gây ra phản ứng quá mức với các dị nguyên, gây phù nề niêm mạc mũi xoang.
Triệu chứng và chẩn đoán
Viêm xoang có triệu chứng khá đa dạng, biểu hiện và mức độ có thể khác nhau ở từng trường hợp. Tuy nhiên, nhìn chung người mắc bệnh lý này sẽ có những biểu hiện như sau:
- Đau nhức vùng xoang (có thể là vùng mũi, đau ở hốc mắt hoặc vùng trán)
- Chảy nước mũi hoặc chảy dịch mũi sau
- Nghẹt mũi, có thể nghẹt 1 hoặc cả 2 bên mũi gây khó thở, thở bằng miệng
- Điếc mũi (khứu giác giảm, thậm chí không cảm nhận được mùi)
- Đau đầu
- Sốt nhẹ đến sốt cao (trường hợp do nhiễm trùng)
- Xoang phù nề tạo cảm giác nặng ở vùng mặt, thường là phía sau mắt, má, trán và mũi
Viêm xoang có triệu chứng khá điển hình, nếu chú ý có thể phát hiện và điều trị bệnh sớm. Ngoài các triệu chứng chính, bệnh nhân cũng có thể gặp phải các triệu chứng phụ như:
Các triệu chứng của viêm xoang có mức độ từ nhẹ đến nặng. Trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân gần như không thể làm việc do đau đầu, giảm thị lực, cơ thể mệt mỏi và buồn ngủ quá mức.
Chẩn đoán viêm xoang bước đầu sẽ bao gồm khám lâm sàng, khai thác triệu chứng, bệnh sử,... Ngoài việc soi đèn vào khoang mũi, bệnh nhân có thể phải nội soi mũi, chụp CT, MRI để bác sĩ đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm xoang là bệnh hô hấp phổ biến, nhất là khi mà chất lượng không khí ngày càng xấu, lượng bụi mịn, hóa chất gia tăng. Các vấn đề hô hấp thường bị xem nhẹ, bệnh nhân ít chủ động thăm khám và điều trị khi triệu chứng mới xuất hiện.
Viêm xoang dù không phải là bệnh lý quá nguy hiểm nhưng điều trị sớm là cần thiết. Hệ thống xoang mũi, trán, xoang sàng, xoang bướm nối liền với nhau. Tình trạng viêm, phù nề xoang mũi không được điều trị sẽ làm phù nề các mô xoang lân cận.
Viêm niêm mạc xoang gây ứ đọng dịch, gia tăng nguy cơ bội nhiễm, tạo cảm giác đau nhức và nặng ở vùng mặt. Trường hợp chủ quan không điều trị, thị giác, khứu giác và cả vị giác đều bị ảnh hưởng.
Tình trạng nghẹt mũi, ho, chảy nước mũi,... làm gián đoạn quá trình học tập, làm việc, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Một số biến chứng khác của viêm xoang phải kể đến như hôi miệng, viêm họng, viêm amidan, polyp mũi, viêm thanh quản,...
Viêm xoang mãn tính, tái phát nhiều lần còn gây biến dạng cấu trúc xương hàm do thở bằng miệng trong một thời gian dài. Nghẹt mũi thường xuyên còn gây thiếu oxy lên não dẫn đến trí nhớ giảm, khó ngủ,...
Với viêm xoang cấp do vi khuẩn, biến chứng có thể gặp phải bao gồm viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, áp xe não, viêm tắc xoang tĩnh mạch dọc trên, áp xe ngoài màng cứng… Vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan khi bị viêm xoang và các vấn đề hô hấp khác.
Nhìn chung, những trường hợp thăm khám và điều trị sớm đều có đáp ứng tốt. Viêm xoang do virus, vi khuẩn có thể kiểm soát bằng thuốc. Trường hợp do dị ứng, kích ứng cần thực hiện các biện pháp tránh tiếp xúc với dị nguyên để kiểm soát và phòng ngừa tái phát.
Điều trị
Có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh viêm xoang. Phương pháp được chỉ định phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ triệu chứng. Các phương pháp được cân nhắc trong điều trị viêm xoang bao gồm:
Sử dụng thuốc
Dùng thuốc là lựa chọn đầu tay trong điều trị các vấn đề hô hấp nói chung và viêm xoang nói riêng. Sử dụng thuốc giúp giảm đáng kể các triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi, hỗ trợ giảm sốt và đau nhức. Trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn sẽ được chỉ định kháng sinh.
Các loại thuốc dùng trong điều trị viêm xoang:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt (Ibuprofen, Acetaminophen)
- Thuốc xịt có tác dụng co mạch, giảm phù nề ( Phenylephrine hoặc Pseudoephedrine)
- Thuốc xịt mũi chứa corticoid có tác dụng chống viêm, kháng dị ứng (Fluticasone, Mometasone)
- Kháng sinh
- Thuốc kháng dị ứng histamin H1
- Thuốc co mạch chống xuất tiết đường uống
Thông thường, các bác sĩ sẽ ưu tiên dùng thuốc tại chỗ và các loại thuốc uống không kê toa để hạn chế tác dụng phụ. Lưu ý cần dùng thuốc đúng chỉ định, liều lượng,... không lạm dụng gây lờn thuốc và tăng tỷ lệ kháng kháng sinh trong cộng đồng.
Liệu pháp miễn dịch dị ứng
Trường hợp viêm xoang do dị ứng tái phát thường xuyên, dai dẳng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sẽ được cân nhắc liệu pháp miễn dịch dị ứng. Trước khi thực hiện, bệnh nhân cần test thử để xác định dị nguyên.
Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm hoặc nhỏ dị nguyên bên dưới lưỡi để kích hoạt phản ứng dị ứng. Nồng độ dị nguyên ban đầu thường rất thấp và bác sĩ sẽ tăng dần lên theo thời gian. Mục tiêu của phương pháp này là giúp cơ thể thích nghi với các chất dị ứng, qua đó giảm tần suất viêm xoang và các bệnh cơ địa tái phát.
Phẫu thuật
Trường hợp viêm xoang mãn tính gây polyp mũi xoang sẽ được chỉ định can thiệp ngoại khoa. Ngoài ra, viêm xoang tái phát nhiều lần do lệch vách ngăn mũi, xơ nang và các khối bên trong cũng sẽ phải phẫu thuật để hạn chế tái phát.
Phẫu thuật viêm xoang được thực hiện với mục đích chỉnh sửa vách ngăn, khắc phục tình trạng vách ngăn lệch. Loại bỏ khối u và polyp ở bên trong mũi xoang để đảm bảo dịch tiết hô hấp lưu thông thuận lợi, hạn chế tình trạng ứ đọng tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus phát triển.
Các biện pháp chăm sóc
Các biện pháp chăm sóc có thể cải thiện đáng kể những triệu chứng của viêm xoang. Kết hợp các phương pháp y tế với chăm sóc hợp lý sẽ giúp kiểm soát bệnh nhanh chóng, hiệu quả, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, bệnh tái đi tái lại gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Các biện pháp chăm sóc viêm xoang tại nhà:
- Dùng máy tạo độ ẩm, uống nhiều nước để giảm tình trạng khô mũi và khô họng.
- Chườm đắp khăn ẩm lên vùng mũi nhằm thúc đẩy lưu thông xoang, hỗ trợ giảm đau và nghẹt mũi.
- Kê cao đầu khi nằm.
- Uống nước ấm, có thể bổ sung các loại nước ép từ trái cây, rau xanh để tăng cường sức đề kháng.
- Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên giúp thông mũi, giảm đờm.
- Giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh, đeo khẩu trang và quấn kín cổ khi ra ngoài.
- Kiêng rượu bia, cà phê, thức ăn cay nóng, nhiều gia vị, thuốc lá trong quá trình điều trị viêm xoang.
Phòng ngừa
Viêm xoang dễ tái phát, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa, khi cơ thể suy nhược, stress và hệ miễn dịch suy giảm. Như đã đề cập, dù không quá nguy hiểm nhưng các triệu chứng của bệnh lý này gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống. Vì thế sau khi điều trị, nên trang bị các biện pháp phòng ngừa để tránh tình trạng tái phát:
- Nâng cao hệ miễn dịch bằng lối sống lành mạnh (tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, ăn uống khoa học, kiêng cữ rượu bia, thuốc lá).
- Hạn chế tiếp xúc với phấn hoa, bụi bẩn, mạt bụi, hóa chất, bụi vải, thuốc lá và các hóa chất độc hại.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là khi đến bệnh viện và những nơi đông người.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc các bệnh hô hấp.
- Tiêm vaccine ngừa cúm hằng năm có thể giảm tỷ lệ tái phát viêm xoang và các bệnh hô hấp thường gặp.
- Dùng máy tạo độ ẩm, thiết bị lọc không khí vào thời tiết hanh khô hoặc thời điểm có nhiều phấn hoa.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Viêm xoang có lây không?
2. Bệnh viêm xoang có chữa được không? Nguy hiểm không?
3. Viêm xoang có di truyền không?
4. Viêm xoang có ảnh hưởng đến mắt không?
5. Bị viêm xoang có sốt, gây ho hay không?
6. Nên ăn gì, kiêng gì để cải thiện viêm xoang?
7. Bị viêm xoang khi mang thai, sau khi sinh nên lưu ý gì?
8. Có nhất thiết phải dùng kháng sinh khi điều trị viêm xoang hay không?
9. Viêm xoang và viêm mũi dị ứng có khác nhau không?
Viêm xoang gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Trong bối cảnh không khí ô nhiễm, môi trường sống thiếu trong lành như hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, nếu có kiến thức, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát triệu chứng và chủ động trong việc phòng ngừa bệnh tái phát.
Xem thêm:
- 11 Thuốc Trị Viêm Xoang Tốt Nhất Thường Dùng Và Lưu Ý
- 9 Mẹo chữa viêm xoang bằng phương pháp dân gian hiệu quả và lành tính