Bệnh Ung thư niêm mạc miệng
Ung thư niêm mạc miệng là một trong những ung thư đầu cổ hiếm gặp. Chúng khởi phát từ niêm mạc má trong của miệng và dần lan sang nhiều vị trí trong cơ thể (ung thư di căn). Thói quen sử dụng thuốc lá hoặc rượu là những yếu tố nguy cơ chính phát triển căn bệnh nguy hiểm này. Ngoài ra, nguy cơ phát triển bệnh thường phổ biến hơn ở những người trên 40 - 50 tuổi.
Tổng quan
Ung thư niêm mạc miệng (Buccal Mucosa Cancer) là một dạng ung thư hiếm gặp, phát triển từ các lớp niêm mạc bên trong miệng. Vị trí niêm mạc má kéo dài từ bên trong môi, má và nướu. Ban đầu chỉ khởi phát ở lớp bên trong môi nhưng theo thời gian, chúng dần lan rộng đến điểm cuối cùng của răng.
Dạng ung thư này xảy ra phổ biến ở người lớn tuổi (thường là > 50 tuổi) và được đánh giá nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Theo thống kê, ước tính có khoảng 15.000 ca ung thư miệng được chẩn đoán mỗi năm tại Hoa Kỳ, trong đó bao gồm nhiều loại và có cả ung thư niêm mạc miệng (chiếm khoảng 10% trong tổng số các ca mắc).
Phân loại
Bệnh ung thư niêm mạc miệng được phân chia làm nhiều dạng khác nhau, bao gồm:
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Đây là dạng ung thư niêm mạc miệng phổ biến nhất chiếm tỷ lệ khoảng 90% trong tất cả các trường hợp bệnh. Tế bào vảy là những tế bào phẳng, mỏng được tạo thành từ lớp trên cùng của niêm mạc miệng.
- Ung thư biểu mô nang Adeno: Hiếm gặp hơn, chiếm tỷ lệ khoảng 10% trong tổng số các trường hợp bệnh.
- Một số dạng ung thư niêm mạc miệng khác:
- Ung thư hạch: Sự phát triển của các tế bào bạch huyết bên trong niêm mạc miệng. Các tế bào u lympho có thể phát triển trở thành tế bào ung thư.
- Khối u ác tính ở da: Ung thư có thể xảy ra ở các tế bào da là tế bào hắc tố trong niêm mạc miệng.
- Ung thư biểu mô mụn cóc: Thể ung thư này phát triển bên trong miệng, tiến triển rất chậm và có tiên lượng tốt khi được điều trị sớm
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tương tự như các bệnh ung thư khoang miệng khác, nguyên nhân chính xác gây ung thư niêm mạc miệng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các chuyên gia khoa học đã xác định được một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khởi phát dạng ung thư này. Chẳng hạn như:
- Hút thuốc lá: Đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu làm khởi phát ung thư niêm mạc miệng. Bất kỳ loại thuốc lá nào như điếu, xì gà, tẩu hoặc thuốc lá không khói, các sản phẩm thuốc lá điện tử như vape, pod... đều có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư niêm mạc miệng.
- Uống nhiều rượu: Sử dụng rượu nặng với tần suất thường xuyên với lượng lớn cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát ung thư niêm mạc miệng. Đặc biệt, những người vừa hút thuốc vừa uống rượu, sử dụng cần sa còn càng làm tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
- Nhiễm trùng HPV: Human Papillomavirus (HPV) là một loại virus có khả năng lây nhiễm qua đường tình dục, phía sau cổ họng có khả năng phát triển thành ung thư, bao gồm cả bệnh ung thư niêm mạc miệng.
- Vệ sinh răng miệng kém: Thói quen lười vệ sinh răng miệng hoặc vệ sinh kém, không sạch sẽ, không dùng nước súc miệng và chỉ nha khoa thường xuyên cũng có nguy cơ phát triển bệnh ung thư niêm mạc miệng cao hơn những người bình thường.
- Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Việc tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời có chứa lượng tia cực tím cao, đặc biệt là ở vùng môi miệng cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển tổn thương ung thư niêm mạc miệng.
- Yếu tố di truyền: Một số trường hợp phát triển ung thư niêm mạc miệng do liên quan đến yếu tố di truyền chưa được xác định rõ.
- Các yếu tố rủi ro khác:
- Chế độ ăn uống không lành mạnh;
- Thói quen nhai trầu cau ở một số quốc gia châu Á, châu Phi;
- Những người lón tuổi > 50 tuổi thường có nguy cơ phát triển bệnh ung thư niêm mạc miệng;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng ung thư niêm mạc miệng thường không biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần sau đó các dấu hiệu của bệnh bao gồm các triệu chứng rõ ràng tùy thuộc vào giai đoạn ung thư. Cụ thể gồm:
- Xuất hiện các vết loét hoặc khối u trong miệng và không thể tự lành;
- Dễ chảy máu nướu răng, nhất là sau khi ăn hoặc đánh răng;
- Đau nhức khó chịu bên trong khoang miệng, gây khó nhai, nhó nuốt;
- Xuất hiện các mảng màu trắng hoặc đỏ trên lưỡi, nướu và niêm mạc miệng;
- Có mùi hôi trong miệng;
- Tê bì và ngứa ran toàn bộ vùng môi;
- Sưng hàm, sưng cổ;
Chẩn đoán
Các triệu chứng tổn thương về nướu, răng có thể được phát hiện thông qua thăm khám kiểm tra nha khoa định kỳ. Trường hợp nghi ngờ ung thư, bệnh nhân sẽ được chỉ định đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và thực hiện các biện pháp xét nghiệm cận lâm sàng nhằm xác nhận chẩn đoán ung thư niêm mạc miệng.
Cụ thể bao gồm:
- Sinh thiết: Một mẫu mô nhỏ được lấy ra từ vị trí niêm mạc bị ảnh hưởng và kiểm tra phân tích dưới kính hiển vi. Kỹ thuật này giúp phát hiện có sự hiện diện của các tế bào ung thư hay không.
- Xét nghiệm hình ảnh: Chẳng hạn như chụp X quang, chụp CT scan hoặc chụp cộng hưởng từ MRI giúp xác định mức độ xâm lấn lan rộng, di căn của các tế bào ung thư. Hoặc đánh giá nguy cơ lây lan ung thư sang các bộ phận khác của cơ thể.
Biến chứng và tiên lượng
Ung thư niêm mạc miệng tuy hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Tuy nhiên, ngay cả khi được phát hiện sớm, tiên lượng cho tình trạng này cũng không quá khả quan do thời điểm phát hiện bệnh trễ.
Một thống kê cho thấy, trung bình 30 người mắc bệnh ung thư niêm mạc miệng, chỉ có khoảng 53% trường hợp còn sống sót sau 5 năm điều trị. Nhưng 50% trong các trường hợp này có thể tái phát ung thư niêm mạc miệng trở lại. Do đó, hãy chủ động thăm khám sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường của ung thư niêm mạc miệng để duy trì sức khỏe, ngăn chặn biến chứng khó lường, giảm nguy cơ tử vong.
Tham khảo thêm: Ung thư lưỡi là gì? Dấu hiệu và cách điều trị
Điều trị
Phác đồ điều trị ung thư niêm mạc miệng phụ thuộc vào vị trí phát triển tế bào ung thư, giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị hiệu quả bao gồm:
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính đối với những bệnh nhân mắc ung thư niêm mạc miệng, nhất là trong giai đoạn đầu. Được thực hiện nhằm mục đích loại bỏ các mô chứa tế bào ung thư càng nhiều càng tốt, giúp ngăn chặn sự lan rộng của khối u ung thư. Trong quá trình phẫu thuật, các hạch bạch huyết vùng cổ cũng được loại bỏ vì ung thư thường lan rộng đến khu vực này.
Xạ trị
Phương pháp này sử dụng một số chùm tia năng lượng cao nhằm mục đích thu nhỏ khối u hoặc loại bỏ tế bào ung thư. Tác dụng chính của xạ trị là phá hủy DNA của tế bào ung thư, ức chế sự phát triển và nhân lên của chúng. Phương pháp này cũng được chỉ định kết hợp với phẫu thuật để tăng hiệu quả điều trị.
Hóa trị
Hóa trị cũng là phương pháp điều trị ung thư niêm mạc miệng hiệu quả. Sử dụng kết họp nhiều loại thuốc hoặc hóa chất có tác dụng mạnh để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này thường được chỉ định trước khi phẫu thuật giảm kích thước khối u ung thư hoặc sau khi phẫu thuật nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại.
Trong trường hợp ung thư niêm mạc miệng tiến triển, phương pháp hóa trị liệu có khả năng làm chậm sự phát triển của khối u và cải thiện triệu chứng.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp này được chỉ định điều trị nhằm mục đích nâng cao hệ thống miễn dịch của cơ thể, tăng khả năng chống lại các tế bào ung thư. Tùy mức độ ung thư nhẹ hay nặng, bác sĩ sẽ kê toa thuốc với liều lượng phù hợp để tăng cường miễn dịch. Phương pháp này thường được chỉ định áp dụng khi các liệu pháp khác không đạt hiệu quả.
Liệu pháp nhắm mục tiêu
Loại thuốc nhắm mục tiêu được chỉ định sử dụng phổ biến trong điều trị ung thư niêm mạc miệng là Erbitux (cetuximab). Thuốc hoạt động bằng cách tác động đến một loại protein nằm trong các tế bào ung thư (còn được gọi là yếu tố tăng trưởng biểu bì EGFR). Đây là yếu tố quan trọng giúp các tế bào ung thư phát triển và nhân đôi.
Do đó, khi sử dụng loại thuốc này, loại thuốc này giúp quá trình phát triển ung thư có thể bị chặn đứng lại. Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư, dùng thuốc cetuximab có thể được kết hợp với phương pháp xạ trị hoặc hóa trị để đạt hiệu quả cao hơn.
Các biện pháp chăm sóc tích cực
Ngoài các biện pháp điều trị y tế, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp tại nhà giúp kiểm soát các triệu chứng ung thư niêm mạc miệng như:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm mềm, lỏng và dễ nuốt;
- Chườm lạnh lên má giúp giảm cảm giác sưng, đau;
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, acetaminophen, ibuprofen...;
Phòng ngừa
Cho đến nay, chưa có biện pháp đặc hiệu nào giúp phòng ngừa bệnh ung thư niêm mạc miệng. Nhưng bạn vẫn có thể thực hiện các biện pháp tích cực dưới đây để giảm nguy cơ phát triển căn bệnh này, bao gồm:
- Nói không với thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác.
- Bảo vệ làn da, che chắn kỹ lưỡng khi ra ngoài, tránh tiếp xúc quá mức với ánh nắng mặt trời bằng cách đội mũ, áo khoác, khẩu trang, kem chống nắng...
- Giữ vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, đánh răng, súc miệng và dùng chỉ nha khoa để giảm nguy cơ phát triển bệnh.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc, uống nhiều nước... tăng cường chất chống oxy hóa để giảm nguy cơ phát triển ung thư niêm mạc miệng.
- Thăm khám nha khoa định kỳ, kiểm tra khoang miệng, niêm mạc má, môi, răng nướu... để sớm phát hiện các tổn thương bất thường để sớm phát hiện các dấu hiệu ung thư hoặc tiền ung thư.
Có thể bạn quan tâm: Viêm niêm mạc miệng: Nguyên nhân và cách điều trị
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi thường xuyên bị đau nhức do các vết loét niêm mạc, chảy máu, hôi miệng, sưng hàm... có phải là dấu hiệu của ung thư niêm mạc miệng không?
2. Nguyên nhân khiến tôi bị ung thư niêm mạc miệng?
3. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán ung thư niêm mạc miệng?
4. Bệnh ung thư niêm mạc miệng có nguy hiểm không?
5. Tôi bị ung thư niêm mạc miệng sống được bao lâu?
6. Phương pháp điều trị tốt nhất đối với tình trạng bệnh của tôi?
7. Tôi nên phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị liệu để kiểm soát tế bào ung thư?
8. Mất bao lâu tôi có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn?
9. Chi phí điều trị ung thư niêm mạc miệng tốn bao nhiêu?
10. Bệnh ung thư niêm mạc miệng có tái phát lại sau điều trị không?
Ung thư niêm mạc miệng là dạng ung thư khoang miệng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Các chuyên gia cho rằng, phát hiện sớm tình trạng này là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả. Điều trị càng sớm tiên lượng bệnh càng tốt, kéo dài sự sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.