Bệnh Viêm Mê Đạo Tai

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ BÁC SĨ ĐỖ THANH HÀ – Khoa Tai Mũi HọngTrưởng khoa phụ Bệnh viện Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Viêm mê đạo tai là một trong những dạng nhiễm trùng tai trong phổ biến. Thường xảy ra do virus hoặc thứ phát từ các dạng nhiễm trùng khác. Bệnh đặc trưng với hàng loạt các dấu hiệu bất thường như hoa mắt, chóng mặt và suy giảm thính lực. Để đạt kết quả điều trị cao, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám và chẩn đoán xác định căn nguyên. 

Tổng quan

Viêm mê đạo tai (Labyrinthitis) là tình trạng nhiễm trùng tai trong kèm theo các rối loạn chức năng tai trong. Tác nhân gây nhiễm trùng chính thường là do virus, điển hình là các loại virus cảm cúm hoặc cảm lạnh. Một số trường hợp cũng có thể xảy ra do nhiễm trùng vi khuẩn.

Viêm mê đạo tai là một dạng rối loạn tổn thương dẫn đến viêm nhiễm cấu trúc vùng tai trong

Khác với tình trạng viêm dây thần kinh tiền đình, viêm mê đạo tai phát triển khi cả hai nhánh dây thần kinh tiền đình ở ốc tai và tai trong đều bị nhiễm trùng. Điều này gây ảnh hưởng đồng thời đến cả chức năng thính giác và khả năng giữ thăng bằng. Còn đặc điểm của viêm dây thần kinh tiền đình là khi chỉ có một nhánh dây thần kinh ốc tai bị tổn thương, gây ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng.

Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ cao mắc phải viêm mê đạo tai, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Nhưng phổ biến nhất là những người trong độ tuổi từ 30 - 60, tỷ lệ chẩn đoán mắc viêm mê đạo tai ởn nữ giới cao gấp đôi so với nam giới. Bệnh lý này hiếm khi xảy ra ở trẻ em.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tai trong là khu vực quan trọng, là nơi tồn tại của hệ thống ốc tai (thính giác) và tiền đình (khả năng cân bằng). Bất kỳ tổn thương nào xảy ra tại đây đều có thể gây ra tác động rối loạn và suy giảm chức năng từ đơn giản đến phức tạp. Một trong số đó là tình trạng nhiễm trùng tai trong, hay trong thuật ngữ y học được gọi là viêm mê đạo tai.

Nguyên nhân

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng đến khu vực tai trong và gây viêm mê đạo tai. Có thể kể đến một số tác nhân như:

Nhiễm virus hoặc vi khuẩn là nguyên nhân chính gây ra viêm mê đạo tai

  • Nhiễm virus: Xảy ra khi virus tấn công và xâm nhập vào tai trong, làm kích thích phản ứng viêm. Có nhiều loại virus liên quan đến tình trạng này, phổ biến nhất là virus cúm hoặc hoặc cảm lạnh. Một vài trường hợp ít gặp hơn có thể là do nhiễm virus herpes simple, virus varicella zoster gây hội chứng Ramsay Hunt.
  • Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn cũng là tác nhân có khả năng gây viêm mê đạo tai, nhưng ít gặp hơn so với virus. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập được vào tai giữa, khởi phát phản ứng viêm, sau đó lan sang tai trong. Dạng này tuy ít gặp nhưng lại cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến viêm màng não, mộ bệnh nhiễm trùng não và tủy sống cực kỳ nguy hiểm.
  • Chấn thương: Trong một số trường hợp, viêm mê đạo tai cũng có thể xảy ra sau các chấn thương, va chạm mạnh ở vùng đầu. Chấn thương hoặc hậu chấn thương gây tổn thương tai trong, kích thích phản ứng viêm.
  • Tiếp xúc với hóa chất: Những người thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, nhất là trong sản xuất hóa chất công nghiệp rất dễ mắc phải nhiều bệnh lý. Trong đó có bệnh viêm mê đạo tai do hệ thống miễn dịch suy giảm nghiêm trọng, tạo điều kiện cho các tác nhân virus, vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể và gây viêm.

Yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân trên, còn một số yếu tố khác liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho viêm mê đạo tai phát triển. Bao gồm:

  • Mắc phải một số bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh thông thường;
  • Nhiễm virus sởi hoặc herpes;
  • Tiền sử viêm phế quản hoặc dị ứng;
  • Tiền sử mắc các bệnh lý tự miễn hoặc suy giảm miễn dịch như HIV, giang mai;
  • Có các bất thường bẩm sinh ở tai trong;
  • Các vấn đề về rối loạn sức khỏe thể chất như mệt mỏi mãn tính, nghiện rượu, hít nhiều khói hoặc căng thẳng kéo dài;
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc tân dược như thuốc chống viêm, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc điều trị bệnh tiểu đường;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Mức độ của các triệu chứng viêm mê đạo tai có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi người, từ nhẹ đến nặng. Có người phải chịu đựng các triệu chứng này trong vài giờ hoặc vài ngày, nhưng cũng có những trường hợp nghiêm trọng kéo dài lâu hơn, khoảng vài tuần.

Bệnh nhân thường xuyên bị chóng mặt, dễ mất thăng bằng kèm theo ù tai, buồn nôn và nghe kém

Về cơ bản, các triệu chứng viêm mê đạo tai điển hình thường xảy ra bao gồm:

  • Chóng mặt nghiêm trọng, đột ngột, nhất là khi vừa thức dậy vào buổi sáng;
  • Mất thăng bằng;
  • Mắt tự di chuyển, làm giảm khả năng tập trung;
  • Chóng mặt quá mức phát triển kèm theo buồn nôn, nôn ói;
  • Ù tai hoặc mất thính giác ở bên tai bị ảnh hưởng;

Chẩn đoán

Việc chẩn đoán xác nhận viêm mê đạo tai thường được đưa ra thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng và khám thực thể. Quá trình này bao gồm các bước cụ thể như kiểm tra sức khỏe tổng quát, đo thính lực kết hợp với các xét nghiệm cần thiết trong phòng thí nghiệm.

Kiểm tra thính lực kết hợp đánh giá tổn thương thông qua chụp CT hoặc MRI giúp xác nhận bệnh viêm mê đạo tai

Quá trình chẩn đoán cụ thể bao gồm các phương pháp sau:

  • Nghiệm pháp Dix-Hallpike: Đây là một trong những công cụ chính cho phép chẩn đoán bệnh viêm mê đạo tai. Kỹ thuật này liên quan đến việc di chuyển đầu của bệnh nhân sang nhiều vị trí khác nhau, đột ngột và liên tục nhằm gây ra cảm giác chóng mặt. Từ đó giúp đánh giá mức độ và quan sát sự chuyển động của mắt.
  • Đo thính lực: Đây là hình thức chẩn đoán đem lại giá trị cao, giúp đánh giá mức độ tổn thương dây thần kinh thính giác và cụ thể hơn là suy giảm thính lực. Kiểm tra thính giác có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau tùy theo chỉ định của bác sĩ.
  • Xét nghiệm máu: Trong một vài trường hợp cần thiết, xét nghiệm máu có thể được chỉ định nhằm kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu phát hiện bất thường, kết hợp lấy mẫu phẩm bệnh (dịch tai trong) để phân tích nuôi cấy xác định tác nhân gây nhiễm trùng là gì.
  • Các xét nghiệm khác: Bệnh nhân cũng có thể được chỉ định thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm liên quan để loại trừ các vấn đề sức khỏe khác. Chẳng hạn như:
    • Đo điện não đồ (EEG) đánh giá chức năng hoạt động điện của não;
    • Đo điện động đồ (ENG) hoặc videonystagmography (VNG) đo chuyển động mắt và đánh giá triệu chứng chóng mặt có phải xuất phát từ các vấn đề tổn thương tai trong hay không;
    • Chụp CT scan hoặc MRI đầu để quan sát các tổn thương có liên quan hoặc loại trừ đột quỵ;
    • Đo điện tâm đồ (EKG) giúp ghi lại hoạt động điện tim của bạn và loại trừ các vấn đề về sức khỏe tim mạch;
    • Kích thích calo được thực hiện bằng cách làm mát hoặc làm ấm tai trong bằng nước, không khí nhằm kiểm tra phản xạ mắt;
  • Chẩn đoán phân biệt: Cần chẩn đoán chính xác viêm mê đạo tai và loại trừ các bệnh lý dưới đây để đạt kết quả điều trị cao. Chẳng hạn như:
    • Viêm dây thần kinh tiền đình;
    • Bệnh Meniere;
    • Hội chứng chóng mặt tư thế lành tính;
    • U dây thần kinh thính giác hoặc dây thần kinh tiền đình;
    • Dị tật tai trong;
    • CVA hố sau;
    • Xuất huyết tai trong;
    • U xương thái dương;
    • Bệnh đa xơ cứng;
    • Gãy xương tạm thời;

Biến chứng và tiên lượng

Viêm mê đạo tai là bệnh lý nhiễm trùng tai phổ biến và hiếm khi gây ra những nguy hiểm quá nghiêm trọng. Nguyên nhân là vì các triệu chứng có thể được kiểm soát một cách hiệu quả khi được phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp điều trị đúng cách. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều trường hợp chủ quan, cho rằng tổn thương nhiễm trùng tai trong có thể tự khỏi mà không cần điều trị, hậu quả gây ra hàng loạt các biến chứng khó lường.

Tổn thương viêm mê đạo tai nghiêm trọng có thể dẫn đến điếc hoàn toàn nếu không điều trị kịp thời

Có thể kể đến một số biến chứng nguy hiểm sau:

  • Phát triển rối loạn tiền đình, suy giảm chức năng tiền đình hai bên. Đây là biến chứng thường gặp do viêm màng não bởi vi khuẩn. Biến chứng này gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và kéo theo nhiều phiền phức trong đời sống sinh hoạt hàng ngày;
  • Suy giảm thính lực từ từ;
  • Điếc hoàn toàn tạm thời hoặc vĩnh viễn (thường là do các tác nhân nhiễm trùng như virus hoặc vi khuẩn);
  • Tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý khác như viêm xương chũm hoặc viêm màng não nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng;

Theo đánh giá của các chuyên gia, tiên lượng về bệnh viêm mê đạo tai khác nhau ở từng người. Nhưng trong phần lớn các trường hợp, tình trạng nhiễm trùng và tổn thương tai trong có thể nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng vài ngày. Nhưng đối với chức năng thính giác, có thể phải mất hơn 6 tuần hoặc lâu hơn mới có thể phục hồi.

Ngoài ra, quá trình điều trị cũng cần chú ý tập trung thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu tích cực để phục hồi chức năng tiền đình. Mục đích nhằm kiểm soát triệu chứng chóng mặt, lấy lại khả năng giữ thăng bằng và sớm quay trở về cuộc sống bình thường. So với người trẻ, người lớn tuổi thường có thời gian phục hồi lâu hơn.

Điều trị

Việc điều trị viêm mê đạo tai cần đảm bảo thực hiện đúng dựa theo nguyên nhân, mức độ triệu chứng, thể trạng sức khỏe... của từng bệnh nhân.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị hiệu quả được bác sĩ chuyên khoa chỉ định áp dụng phổ biến:

Điều trị bằng thuốc

Sau khi đã xác định chính xác tác nhân gây nhiễm trùng tai trong, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê toa sử dụng các loại thuốc phù hợp để loại bỏ chúng. Chẳng hạn như:

Dùng thuốc nhằm loại bỏ tác nhân virus hoặc vi khuẩn gây viêm mê đạo tai và cải thiện đáng kể các triệu chứng liên quan

  • Đối với virus: Nếu bị viêm mê đạo tai do virus, cần sử dụng thuốc kháng virus. Thuốc có tác dụng giúp cơ thể bạn chống lại và ức chế sự phát triển của các loại virus.
  • Đối với vi khuẩn: Nếu tác nhân nhiễm trùng là vi khuẩn, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc kháng sinh. Các loại kháng sinh mạnh sẽ được bác sĩ chỉ định dùng dưới dạng uống hoặc tiêm truyền trực tiếp, nhưng trong thời gian ngắn để hạn chế tác dụng phụ.

Một vài loại thuốc khác cũng được chỉ định dùng nhằm hỗ trợ cải thiện đáng kể các triệu chứng viêm mê đạo tai, gồm:

  • Thuốc Corticosteroid: Giúp hỗ trợ giảm hiệu quả triệu chứng sưng viêm. Loại thường dùng nhất là diphenhydramine hoặc fexofenadine, liều dùng và thời gian sử dụng do bác sĩ chỉ định cụ thể.
  • Thuốc ức chế tiền đình: Những trường hợp bị chóng mặt nghiêm trọng, có thể sử dụng thuốc ức chế tiền đình như meclizine (Antivert) hoặc diazepam (Valium). Tuy nhiên, nhóm thuốc này thường chỉ được chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn để giảm thiểu tác dụng phụ. Ngoài ra, nếu triệu chứng chóng mặt đã thuyên giảm, việc tiếp tục dùng thuốc này có thể làm chậm quá trình phục hồi chức năng tiền đình.
  • Các loại khác: Chẳng hạn như thuốc chống buồn nôn, thuốc giảm chóng mặt... Chẳng hạn như nhóm thuốc benzodiazepin hoặc thuốc kháng histamine, thuốc chống say tàu xe.

Biện pháp hỗ trợ thính lực

Để cải thiện các triệu chứng ù tai, mất thính lực tạm thời, một số bệnh nhân có thể được khuyến nghị sử dụng các thiết bị trợ thính hoặc mặt nạ ù tai. Những thiết bị này giúp hỗ trợ ổn định chức năng nghe và giảm mức độ nghiêm trọng của các cơn chóng mặt, ù tai đột ngột. Đồng thời hỗ trợ định vị lại ống tủy bằng cách di chuyển đầu theo quy trình, cách này giúp định vị lại các tinh thể ở tai trong, nhờ đó giúp giảm triệu chứng chóng mặt.

Sử dụng thiết bị trợ thính hoặc đeo mặt nạ chống ù tai giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng viêm tai trong

Ngoài ra, các bài tập vật lý trị liệu cũng có thể giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng viêm mê đạo tai và hỗ trợ phục hồi chức năng tiền đình. Các chuyên gia có kinh nghiệm sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân thực hiện các bài tập giúp cải thiện sự cân bằng, cải thiện triệu chứng chóng mặt.

Can thiệp ngoại khoa

Để ngăn chặn biến chứng gây điếc hoàn toàn hoặc giảm nguy cơ phát triển viêm xương chũm, viêm màng não, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được chỉ định thực hiện phương pháp này rất ít.

Các thủ tục phẫu thuật có thể được chỉ định như:

  • Phẫu thuật cắt bỏ xương chũm và tạo hình màng nhĩ;
  • Phẫu thuật cắt bỏ tai trong vĩnh viễn đối với những trường hợp viêm mê đạo tai thứ phát do khối u cholesteatoma;

Chăm sóc tại nhà

Bệnh nhân cũng có thể thử áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà dưới đây để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng viêm mê đạo tai:

  • Chườm ấm trực tiếp lên tai;
  • Thường xuyên súc miệng bằng nước muối ấm giúp làm sạch và giảm tắc nghẽn ở ống eustachian;
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và nằm yên một chỗ, hạn chế đi lại nhiều, nhất là thực hiện các chuyển động hoặc thay đổi vị trí đột ngột;
  • Tránh tiếp xúc những nơi có ánh sáng mạnh hoặc xem TV, đọc sách mỗi khi lên cơn hoa mắt, chóng mặt;
  • Từ bỏ rượu bia, thuốc lá;
  • Thực hiện các kỹ thuật quản lý căng thẳng như thiền định hoặc yoga, hít thở sau giúp kiểm soát căng thẳng;
  • Hạn chế lái xe hoặc điều khiển, vận hành máy móc hạng nặng trong giai đoạn điều trị bệnh;
  • Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và uống nhiều nước, vì mất nước và dinh dưỡng kém có thể làm tăng nặng các triệu chứng viêm mê đạo tai;

Phòng ngừa

Viêm mê đạo tai xảy ra rất phổ biến, nhưng có không ít trường hợp nó xuất phát thứ phát từ các dạng nhiễm trùng khác. Do đó, để phòng ngừa tối đa những biến chứng ngoài ý muốn, hãy chủ động thực hiện các biện pháp tích cực dưới đây để giảm nguy cơ mắc phải.

Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và hạn chế tiếp xúc với người bị cảm lạnh, cảm cúm để giảm nguy cơ lây nhiễm

  • Bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân gây cảm cúm, cảm lạnh thông qua các biện pháp thực hành vệ sinh kỹ lưỡng và các hành vi xã hội tốt.
  • Hạn chế tiếp xúc với những âm thanh lớn hoặc môi trường phát ra nhiều tiếng ồn lớn để giảm nguy cơ tổn thương tai cũng như viêm mê đạo tai.
  • Kiểm soát tốt các yếu tố dị ứng có liên quan đến viêm mê đạo tai.
  • Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng ngừa cúm và các bệnh lý nhiễm trùng khác để giảm nguy cơ phát triển viêm mê đạo tai.
  • Thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đa dạng thực phẩm giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, vận động thể chất thường xuyên và cân bằng thời gian làm việc, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc... Những yếu tố này góp phần nâng cao hệ thống miễn dịch tự nhiên cho cơ thể, chống lại các tác nhân gây bệnh.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi đột nhiên có cảm giác chóng mặt dữ dội, buồn nôn, ù tai, dễ mất thăng bằng và giảm thính lực?

2. Những xét nghiệm nào cần thiết cho việc chẩn đoán căn nguyên gây bệnh?

3. Lý do tại sao tôi bị viêm mê đạo tai?

4. Tình trạng viêm mê đạo tai của tôi có nghiêm trọng không?

5. Có cần điều trị viêm mê đạo tai hay không? Hay bệnh tự khỏi?

6. Phương pháp điều trị viêm mê đạo tai hiệu quả nhất dành cho tôi?

7. Thời gian điều trị viêm mê đạo tai mất bao lâu thì khỏi hẳn?

8. Tôi cần thực hiện những biện pháp nào để cải thiện triệu chứng viêm mê đạo tai tại nhà?

9. Chi phí điều trị viêm mê đạo tai tốn bao nhiêu? BHYT có hỗ trợ chi trả không?

10. Tôi có cần tái khám trở lại sau khi đã điều trị khỏi viêm mê đạo tai không?

Viêm mê đạo tai là căn bệnh hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe là rất đáng lo ngại. Trong đó, biến chứng nghiêm trọng nhất là dẫn đến điếc hoàn toàn. Do đó, hãy khám bệnh và điều trị ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất ổn của bản thân tại những cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm soát bệnh hiệu quả.