Bệnh Meniere
Bệnh Meniere kéo dài mãn tính gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, sức khỏe của bệnh nhân. Cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Các triệu chứng thường gặp khi mắc Meniere bao gồm chóng mặt, mất thính lực, ù tai và nhiều biểu hiện khác. Bệnh nhân cần được kiểm tra và điều trị y tế.
Tổng quan
Bệnh Meniere là một dạng bệnh lý về tai trong với sự rối loạn làm suy giảm thính lực. Mặc dù không phổ biến nhưng khi xuất hiện bệnh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nghe, kèm theo nhiều biểu hiện khó chịu khác.
Bệnh nhân thường bị ù tai, nghe kém, chóng mặt, quay cuồng. Đây được xem là bệnh có liên quan đến chứng rối loạn tiền đình ngoại biên. Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nằm trong độ tuổi từ 40-60, nam giới có khả năng mắc bệnh thấp hơn so với nữ giới.
Theo thống kê, bệnh Meniere chỉ chiếm khoảng 1% các trường hợp mắc bệnh về tiền đình ngoại biên. Người mắc bệnh có thể gặp phải nhiều ảnh hưởng đời sống, sức khỏe khi Meniere kéo dài không có biện pháp khắc phục phù hợp.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Meniere có liên quan đến quá trình tụ dịch bên trong hệ thống mê nhĩ ở tai trong. Khu vực này là nơi có nhiều cơ quan như ống bán khuyên, cầu nang có nhiệm vụ giữ thăng bằng, và hệ thống thính giác gồm ốc tai. Mê nhĩ được phân thành mê cung xương và cung màng.
Cơ thể được giữ thăng bằng thông qua hệ thống tiền đình. Khi đó chất nội dịch trong mê đạo màng sẽ chuyển động với dạng sóng bên trong hệ thống mê nhĩ. Hiện tượng tụ dịch bất thường sẽ gây ra các vấn đề tại mê nhĩ, ảnh hưởng đến hoạt động tai trong và não bộ.
Những yếu tố nguy cơ làm tăng rủi ro tồn đọng nhiều nội dịch trong mê nhĩ như:
- Sự co giãn mạch máu: Đây là một trong những yếu tố có khả năng dẫn đến bệnh Meniere, dịch ứ đọng bên trong mê nhĩ tăng lên khi thiếu máu não, giãn mạch máu não. Bệnh nhân có thể bị thoái hóa mô đệm hoặc thậm chí bị tiền đình và nhiều rối loạn ảnh hưởng đến chức năng ốc tai.
- Nhiễm virus: Sự tấn công của một số nhóm virus gây hại cho cơ thể liên quan đến bệnh Meniere. Bệnh nhân cần được kiểm tra xác định bệnh lý liên quan đến chủng virus nào để có biện pháp điều trị phù hợp.
- Ảnh hưởng bệnh tự miễn: Đây cũng được cho là nguyên nhân gây bệnh Meniere. Theo các thống kê, nhiều người mắc bệnh Meniere liên quan đến sự rối loạn hoạt động tự miễn. Các kháng thể tấn công nhầm lẫn tế bào khỏe mạnh ảnh hưởng chức năng tai trong dẫn đến nhiều triệu chứng làm suy giảm khả năng nghe.
- Yếu tố di truyền: Ngoài những nguyên nhân kể trên, nhiều trường hợp ghi nhận bệnh Meniere do di truyền. Bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ đều mắc bệnh có khả năng sinh con ra bị di truyền gen bệnh từ bố mẹ.
Meniere có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, trong đó nhóm người từ 40-60 tuổi có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, bệnh có khả năng xảy ra ở nữ giới cao hơn so với nam giới. Bệnh nhân cần thăm khám khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường để được hỗ trợ điều trị khắc phục bằng giải pháp phù hợp và an toàn.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Mỗi trường hợp mắc bệnh Meniere có triệu chứng không hoàn toàn giống nhau. Tùy thuộc vào mức độ bệnh, thời gian phát bệnh, các triệu chứng biểu hiện theo giai đoạn từ thấp lên cao. Bệnh nhân thường bị chóng mặt chóng váng kèm theo buồn nôn một cách vô cớ.
Những biểu hiện bất thường có thể xảy ra và thuyên giảm trong vòng 1 ngày hoặc hơn. Chuyên gia gọi đây là các đợt tấn công của Meniere. Khoảng cách giữa các đợt tái phát tấn công của bệnh có thể ngắn trong vòng vài ngày hoặc kéo dài vài tháng, vài năm.
Sau đợt bùng phát tiến triển hiện tượng chóng mặt có thể thuyên giảm, nhưng thay vào đó các tổn thương tiếp tục xảy ra, dẫn đến một số chức năng bị mất dần. Trong đó bao gồm khả năng nhìn, giữ thăng bằng giảm ảnh hưởng đến đời sống của bệnh nhân.
Những biểu hiện ban đầu như chóng mặt, buồn nôn dần thuyên giảm sau một thời gian rồi thay dần bằng các cơn choáng váng xuất hiện, tiếp diễn liên tục. Người bệnh còn bị ù một bên tai hoặc hai bên tai, mất thính lực ngày càng nặng.
Các giai đoạn chính tương ứng với triệu chứng như:
Giai đoạn sớm:
- Chóng mặt từng đợt
- Thính lực giảm nhưng không cố định
- Cảm giác đầy tai, ù tai
Cảm giác đầy tai một số trường hợp xảy ra trước các cơn chóng mặt. Sau đó cảm giác của tai sẽ trở lại bình thường, tiếp tục bất thường khi bùng phát đợt tấn công tiếp theo.
Giai đoạn trung gian:
- Chóng mặt xuất hiện tuy nhiên có dấu hiệu thuyên giảm, ít nghiêm trọng hơn giai đoạn tấn công đầu tiên.
- Người bệnh bị mất cân bằng, chóng mặt nhất là khi di chuyển.
- Mất thính lực vĩnh viễn, kèm theo chóng mặt, ù tai nặng dần, tăng theo từng đợt tấn công.
Giai đoạn muộn:
- Mất thính lực tăng
- Chóng mặt giảm hoặc mất hẳn
- Méo tiếng, khó chịu đối với âm thanh
- Khả năng giữ thăng bằng kém, nặng hơn khi đi trong bóng tối
- Các triệu chứng choáng váng sau đó giảm dần
Khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu kể trên, bạn nên đến gặp bác sĩ. Tùy vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ có giải pháp can thiệp tương ứng. Tránh sự chủ quan gây biến chứng nặng ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống.
Chẩn đoán
Bệnh nhân đến bệnh viện tai mũi họng thăm khám khi phát hiện thính lực giảm, đầu thường xuyên bị choáng váng, buồn nôn,... Bác sĩ sẽ thăm hỏi triệu chứng lâm sàng, chỉ định biện pháp khám cận lâm sàng để xác định bệnh lý người bệnh gặp phải.
Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Meniere, thực hiện kiểm tra thính lực, chụp CT, MRI để xác định hình ảnh bên trong tai. Dựa trên kết quả chẩn đoán, điều trị bệnh Meniere theo hướng dẫn để ngăn chặn biến chứng ảnh hưởng đến khả năng nghe và hệ thống tiền đình.
Biến chứng và tiên lượng
Meniere được xác định là vấn đề liên quan đến hệ thống tiền đình ốc tai. Người mắc bệnh gặp phải các triệu chứng như chóng mặt, ù tai, khả năng nghe giảm kèm theo buồn nôn, giữ thăng bằng kém. Mặc dù không nguy hiểm trực tiếp tính mạng, thế nhưng căn bệnh này lại gây ra nhiều hệ lụy đối với đời sống người bệnh.
Bệnh nhân bị giảm thính lực nặng có tâm lý bất an, không chỉ gây hại cho chất lượng công việc, đời sống, bệnh còn gây ra hệ lụy đối với tinh thần của người bệnh. Ngoài ra, những cơn tấn công khiến bệnh nhân bị choáng, dễ té ngã dẫn đến nhiều chấn thương thứ phát khác.
Khả năng giao tiếp của người mắc Meniere giảm, nghe kém, làm việc không hiệu quả. Tình trạng này khiến bệnh nhân ngày càng xa cách xã hội. Nhiều trường hợp mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu,... khi bị Meniere trong thời gian dài.
Không những thế, nhiều trường hợp ghi nhận bệnh nhân bị tiền đình ốc tai trong ngã quỵ đột ngột, nhận thức kém hoặc mất nhận thức hoàn toàn. Trương lực khi đó giảm cùng nhiều biến chứng khác cần được kiểm soát và điều trị, người bệnh không nên chủ quan.
Điều trị
Hiện nay, bệnh Meniere vẫn chưa có thuốc đặc trị hoặc biện pháp chữa trị dứt điểm, ngăn tái phát hoàn toàn. Người bệnh được khám và tư vấn phương pháp kiểm soát triệu chứng, cải thiện sức khỏe một cách phù hợp và hiệu quả theo từng giai đoạn phát bệnh.
Dưới đây là 4 cách điều trị chứng Meniere được áp dụng phổ biến:
Điều trị bằng thuốc:
Người bệnh được chỉ định thuốc Tây giúp kiểm soát triệu chứng, ngăn nguy cơ tổn thương, viêm nhiễm. Một số loại chính được dùng kể đến như:
- Thuốc kê đơn: Chỉ định đối phó với cơn chóng mặt, không buồn nôn. Thuốc có tác dụng ổn định tiền đình, an thần, chống nôn. Mỗi loại có tác dụng và phản ứng phụ nhất định, bệnh nhân không nên tùy tiện sử dụng để tránh gây ra các phản ứng không mong muốn. Các loại như meclizine, glycopyrrolate hay lorazepam. Khi dùng các triệu chứng sẽ có biểu hiện giảm nhẹ giúp bệnh nhân thoải mái hơn.
- Thuốc lợi tiểu: Thuốc có tác dụng kiểm soát cơn chóng mặt. Cơ chế hoạt động của thuốc giúp cơ thể giảm lượng nước tích trữ, ngăn nguy cơ ứ nước tại mê nhĩ. Áp dụng hiệu quả ở giai đoạn bệnh Meniere mới khởi phát.
- Thuốc corticosteroid: Tác dụng chính giảm tổn thương do viêm tai trong. Sử dụng cho các trường hợp bùng phát cấp tính theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc Tây có tác dụng kiểm soát triệu chứng nhanh. Tuy nhiên nếu sử dụng không đúng cách người bệnh có thể gặp phải tác dụng phụ ảnh hưởng sức khỏe. Do đó, bệnh chỉ nên dùng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị ngoại khoa:
Chỉ định biện pháp ngoại khoa điều trị Meniere theo tình hình sức khỏe bệnh nhân. Đặc biệt cần áp dụng trong trường hợp không điều trị nội khoa thành công, tình trạng ứ nội dịch, tổn thương tai ngày càng nặng.
Dựa vào kết quả chẩn đoán, tuổi của người bệnh, sức khỏe thực tế mỗi người để có phương pháp can thiệp ngoại khoa hợp lý và an toàn. Các biện pháp thường được dùng như:
- Phẫu thuật cắt mê nhĩ: Sử dụng thuốc để phá hủy chức năng tiền đình được áp dụng trong điều trị bệnh Meniere. Phương pháp phẫu thuật cắt mê nhĩ bằng thuốc có tác dụng phòng tránh biến chứng bệnh. Thuốc được sử dụng phù hợp, dùng theo đường tiêm xuyên nhĩ.
- Phẫu thuật giải áp túi nội dịch: Mục đích thực hiện giảm áp lực trong túi nội dịch và hệ thống mê nhĩ. Người bệnh vẫn có thể nghe được sau điều trị. Các triệu chứng sau đó cũng thuyên giảm tích cực. Cơn chóng mặt được kiểm soát đến 75%.
- Phẫu thuật cắt dây thần kinh tiền đình: Chức năng nghe vẫn được bảo tồn, trong khi cơn chóng mặt thuyên giảm hẳn sau khi dây thần kinh tiền đình được loại bỏ. Tuy nhiên đối với phương án này, bệnh nhân phải trải qua phẫu thuật mở sọ. Do đó, bệnh nhân nên tìm đến bệnh viện lớn, có bác sĩ tay nghề giỏi để thực hiện, giảm rủi ro trong quá trình thực hiện.
- Phẫu thuật tiệt căn mê nhĩ: Đây cũng là giải pháp ngoại khoa được sử dụng trong điều trị bệnh Meniere. Áp dụng cho đối tượng nghe kém, gặp phải di chứng của bệnh Meniere. Toàn bộ hệ thống tiền đình ở tai bị ảnh hưởng được loại bỏ, các triệu chứng được kiểm soát.
Biện pháp hỗ trợ nhận thức:
Trị liệu nhận thức cho bệnh nhân mắc Meniere là giải pháp điều trị được áp dụng phổ biến. Người bệnh được chuyên gia trò chuyện, thông qua đó tháo gỡ các vấn đề trong đời sống, cơ thể. Nhiều bệnh nhân đã phục hồi được nhận thức, giải tỏa cơn choáng váng, chóng mặt, giảm lo âu hiệu quả sau khi áp dụng biện pháp hỗ trợ này.
Các giải pháp khác:
Ngoài các biện pháp ngoại khoa, nội khoa và liệu pháp tâm lý, bệnh nhân có thể được chỉ định phương pháp điều trị khác phù hợp với tình trạng sức khỏe. Ngoài điều trị theo phác đồ, người bệnh còn được hướng dẫn điều chỉnh lối sống, thói quen sao cho bệnh mau chóng được kiểm soát, ngăn chặn các biến chứng nguy hại sức khỏe.
Phòng ngừa
Cho đến nay chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh Meniere tuyệt đối. Do bệnh liên quan đến hệ thống tiền đình, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tác động. Chính vì thế, bạn có thể tự bảo vệ bản thân bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, kết hợp ăn uống và tập luyện thể dục phù hợp.
Đặc biệt nên hạn chế căng thẳng, áp lực kéo dài, nên giải tỏa bằng cách nghỉ ngơi, trò chuyện với người thân quen, đi du lịch,... Hạn chế việc lạm dụng các chất kích thích, đồ uống chứa cồn hoặc ăn uống vô tội vạ để tránh gây hại sức khỏe.
Khám sức khỏe tổng quát định kỳ cũng là biện pháp giúp bạn phòng bệnh và sớm phát hiện bệnh để điều trị. Nhận biết Meniere từ sớm tạo điều kiện cho bạn chữa khỏi bệnh, bảo vệ sức khỏe trước các triệu chứng, tai biến do bệnh gây ra.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Bệnh Meniere là gì? Tôi bị chóng mặt có phải mắc Meniere không?
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh Meniere là gì?
3. Nguyên nhân gây bệnh Meniere?
4. Tôi cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh Meniere?
5. Bệnh Meniere không điều trị có tự khỏi không?
6. Biến chứng bệnh Meniere nguy hiểm như thế nào?
7. Tôi dùng thuốc gì để điều trị bệnh Meniere?
8. Sử dụng thuốc trong bao lâu thì có kết quả?
9. Trường hợp nào tôi phải phẫu thuật khi mắc bệnh Meniere?
10. Tôi cần trở lại bệnh viện tái khám khi nào?
Bệnh Meniere gây ra triệu chứng giảm thính lực, chóng mặt, buồn nôn và nhiều vấn đề khác đi kèm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe. Người bệnh không nên chủ quan, thay vào đó hãy đến gặp bác sĩ sớm khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu nghi ngờ. Điều trị kiểm soát bằng biện pháp phù hợp giúp bệnh nhân duy trì chức năng các cơ quan, phòng ngừa biến chứng hại sức khỏe và đời sống.
Xem thêm:
- Viêm tai giữa giai đoạn xung huyết có thể gây giảm thính lực
- 7 Mẹo chữa viêm tai giữa bằng phương pháp dân gian bạn nên thử