Bệnh xốp xơ tai
Bệnh xốp xơ tai là một dạng bệnh lý rối loạn chuyển hóa xương. Người mắc phải chứng bệnh này gặp các triệu chứng như ù tai, nghe kém, ống tai khô, màng nhĩ mỏng,... Nếu không phát hiện và chữa trị sớm, thính giác kém hơn dẫn đến nhiều rủi ro ảnh hưởng đời sống và sức khỏe.
Tổng quan
Bệnh xốp xơ tai (Otosclerosis) là bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa xương. Xương tai phát triển không bình thường tại vùng quanh xương bàn đạp ở tai giữa, làm cố định xương. Trong khi đó, xương bàn đạp trong tai lại cần phải di chuyển để thực hiện chức năng nghe.
Mặc dù không phải vấn đề phát triển xương bàn đạp bất thường gây ra lãng tai và các bệnh lý về tai, tuy nhiên khu vực này đóng vai trò rất quan trọng. Theo đó, quá trình nghe sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn phức tạp. Âm thanh được truyền từ ống tai ngoài vào trong, chạm màng nhĩ.
Các rung động tại màng nhĩ sẽ truyền qua xương nhỏ của tai giữa, đến xương búa, xương đe, sau đó là xương bàn đạp. Dịch trong tai chuyển động ngay khi xương bàn đạp di chuyển. Khi đó các tế bào lông sẽ bị kích thích, kết nối dây thần kinh thính giác mang thông tin đến não bộ.
Sự chuyển hóa xương bất thường xung quanh xương bàn đạp sẽ gây rối loạn tiếp nhận thính giác, khả năng nghe của người bệnh kém hơn. Nếu không phát hiện tình trạng xốp xơ tai sớm, xương bàn đạp bị tổn thương có thể gây mất thính giác và nhiều vấn đề liên quan khác.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh xốp xơ tai thường xuất hiện khi có sự bất thường xảy ra ở khu vực xương tai giữa, trong đó đặc biệt là sự cố kẹt xương bàn đạp. Rối loạn chuyển hóa xương vùng tai là nguyên nhân gây ra vấn đề này. Xương bị cố định không di chuyển để đón nhận thông tin âm thanh, người bệnh bị giảm thính lực theo thời gian.
Tuy nhiên cho đến nay, nguyên nhân thật sự gây bệnh xốp xơ tai vẫn còn là ẩn số. Các nhà khoa học nghiên cứu và chỉ ra nhiều vấn đề có khả năng là yếu tố gây bệnh, thường gặp nhất là đối tượng bị nhiễm sởi trước đó. Viêm nhiễm do virus sởi gây ra có thể làm xương bàn đạp tăng sinh quá mức, kéo theo hiện tượng xốp xơ tai.
Dưới đây là một vài yếu tố khác có liên quan:
- Xốp xơ tai có thể hình thành do sự suy giảm hệ miễn dịch cơ thể. Bệnh nhân gặp phải nhiều vấn đề khi hệ miễn dịch rối loạn, suy giảm hoạt động, trong đó bao gồm chứng xốp xơ tai.
- Một số trường hợp nhận thấy bệnh di truyền từ thế hệ phụ huynh sang con cái. Nếu gia đình có người mắc bệnh lý này, nguy cơ con cái sinh ra cũng mang gen bệnh của bố hoặc mẹ hoặc cả bố và mẹ.
- Sự tương tác giữa các Cytokinh dẫn đến bệnh xốp xơ tai. Ba tế bào khác nhau bị mất cân bằng khiến cho tế bào xương phát triển không ổn định.
Đa số các trường hợp mắc bệnh xốp xơ tai được chẩn đoán ở độ tuổi trung niên. Đây là nguyên nhân khiến họ bị suy giảm thính lực càng nặng khi tuổi tác càng cao. Ít trường hợp trẻ em mắc bệnh. Trong tổng số bệnh nhân thì nữ giới là đối tượng chiếm số lượng nhiều nhất.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bệnh xốp xơ tai giai đoạn đầu thường không gây triệu chứng nặng nề. Tuy nhiên ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân sẽ nhận thấy càng rõ ràng vấn đề về thính giác. Nếu không chữa trị, xốp xơ tai có thể làm suy giảm khả năng nghe nghiêm trọng.
Các triệu chứng tương ứng với giai đoạn bệnh như sau:
- Giai đoạn đầu: Bệnh nhân vẫn còn nghe bình thường, tuy nhiên sau đó cơn ù tai xuất hiện thường xuyên hơn làm thính lực suy giảm. Người bệnh gần như không phát hiện được ở giai đoạn sớm do sự chủ quan.
- Giai đoạn tiến triển: Triệu chứng ù tai ngày càng tăng, xuất hiện thường xuyên. Bệnh nhân nghe kém, mức độ nghe ở hai bên tai có sự chênh lệch, ngoài ra người bệnh còn bị choáng, chóng mặt, mất thăng bằng.
- Giai đoạn muộn: Người bệnh lúc này cảm thấy khó khăn hơn trong việc giao tiếp. Tình trạng ù tai tiếp diễn, nghe không rõ, đôi khi còn bị điếc một bên tai.
Bệnh xốp xơ tai diễn biến nặng ảnh hưởng đến khả năng nghe, làm giảm hiệu quả công việc, ảnh hưởng sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Chính vì thế, khi phát hiện cơ thể có biểu hiện bất thường, bạn nên thăm khám và điều trị sớm.
Chẩn đoán
Xốp xơ tai gây ra các triệu chứng bất thường về thính lực. Tuy nhiên chứng bệnh này không gây đau nhức hoặc chảy dịch nước trong tai như một số vấn đề khác. Bạn cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng rối loạn chuyển hóa xương đang gặp phải.
Bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp chẩn đoán bao gồm:
- Soi tai bằng máy để phát hiện điểm hồng đặc trưng của bệnh xốp xơ tai. Điểm này nằm ở góc sau trên màng nhĩ.
- Kiểm tra thính lực bằng máy chuyên dụng, thực hiện các thủ thuật nhằm kiểm tra chức năng, khả năng phản xạ của cơ bàn đạp.
- Chụp CT xương thái dương giúp phát hiện các vấn đề bất thường ở khu vực này.
Chẩn đoán phân biệt xốp xơ tai với các bệnh lý khác nhằm giúp bác sĩ tìm hướng khắc phục phù hợp cho từng người bệnh. Nhằm phòng ngừa các rủi ro bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để khám chữa trị sớm.
Biến chứng và tiên lượng
Xốp xơ tai là tình trạng phát triển xương bất thường ảnh hưởng đến thính lực. Giai đoạn đầu các triệu chứng dễ nhầm lẫn với biểu hiện thính giác thông thường, có thể phục hồi sau một thời gian. Tuy nhiên, việc điều trị không đúng cách có thể làm tình trạng suy giảm thính lực nặng nề hơn.
Người bệnh xốp xơ tai có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó các trường hợp thường gặp như:
- Suy giảm thính lực nặng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày, công việc và sức khỏe của bệnh nhân.
- Một số trường hợp bị điếc một hoặc cả hai bên tai làm người bệnh khó khăn trong giao tiếp, công việc bị ảnh hưởng nặng.
- Ù tai xuất hiện từ nhẹ đến nặng nề, kèm theo hiện tượng choáng váng, chóng mặt dễ khiến người bệnh bị ngã, tai nạn nguy hiểm.
Ngoài những rủi ro kể trên, bệnh nhân còn có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng khác nếu tình trạng xốp xơ tai kéo dài và trở nên nặng nề. Do đó ngay khi nhận thấy thính lực gặp vấn đề, bạn nên chủ động thăm khám và chữa trị càng sớm càng tốt.
Điều trị
Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả chẩn đoán để chỉ định giải pháp điều trị phù hợp cho từng người bệnh. Đối với trường hợp xốp xơ tai không tiến triển thêm, thính lực vẫn được đảm bảo, bệnh nhân thường không cần can thiệp chuyên sâu.
Tuy nhiên đối với trường hợp khả năng nghe giảm, thính lực theo thời gian trở nên kém hơn phải chữa trị để tránh biến chứng. 3 giải pháp được sử dụng trong việc hỗ trợ bệnh nhân bị xốp xơ tai cải thiện tình trạng kể đến như:
Phương pháp nội khoa
Chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc giúp cải thiện thính lực, giảm tình trạng hình thành xương bất thường. Đặc biệt, qua thăm khám nếu phát hiện có sự tăng hoặc giảm quá trình tái tạo, hình thành xương, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc đúng lúc.
Các loại cần bổ sung bao gồm thuốc chứa canxi, vitamin, florua,... Chúng có tác dụng giúp người bệnh ức chế quá trình phát triển xương không ổn định, giảm nguy cơ xốp xơ tai nghiêm trọng hơn. Mặc dù vậy cho đến nay việc sử dụng thuốc điều trị xốp xơ tai vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, còn nhiều tranh cãi về hiệu quả.
Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị xốp xơ tai chính được áp dụng. Qua phẫu thuật, tình trạng phát triển xương bất thường sẽ được cải thiện lên đến 90%. Dựa vào tình hình của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Có 2 kỹ thuật chính được thực hiện như mở đế xương bàn đạp hoặc thay thế xương bàn đạp. Cụ thể:
- Phẫu thuật mở đế xương bàn đạp cần sử dụng trụ dẫn bằng các vật liệu an toàn. Bác sĩ có thể chỉ định dùng trụ dẫn bằng nhựa teflon hay trụ bằng titanium.
- Phẫu thuật thay thế xương bàn đạp giúp tăng thính lực cho bệnh nhân xốp xơ tai. Vật liệu được dùng trong thay thế xương là gốm y học hoặc sử dụng xương đồng chủng.
Qua phương pháp phẫu thuật, bệnh nhân có thể duy trì được khả năng nghe. Tuy nhiên mỗi biện pháp can thiệp sẽ có ưu và nhược điểm riêng. Sau phẫu thuật người bệnh có thể gặp phải các di chứng kể đến như:
- Khả năng nghe hạn chế, một số trường hợp bị mất thính lực hoàn toàn do xảy ra vấn đề trong quá trình phẫu thuật.
- Biến chứng mất vị giác do tổn thương dây thần kinh thừng nhĩ khi phẫu thuật, tuy nhiên đa số các trường hợp mất vị giác chỉ xuất hiện tạm thời, sau đó có thể cải thiện.
- Tăng mức độ ù tai, đôi khi phù nề, chóng mặt nhiều hơn sau phẫu thuật.
Liệt mặt, nhiễm trùng,... cũng có thể xảy ra nếu phẫu thuật xốp xơ tai không đúng kỹ thuật hoặc xảy ra sai sốt trong quá trình thực hiện. Vì thế tốt hơn hết bạn nên đến bệnh viện uy tín, có bác sĩ tay nghề giỏi để được khám và điều trị, đảm bảo an toàn.
Sử dụng máy trợ thính
Máy trợ thính có công dụng khuếch đại âm thanh, phù hợp với bệnh nhân bị xốp xơ tai. Người bệnh có thể sử dụng máy này để tăng khả năng nghe, hỗ trợ người bệnh trong sinh hoạt và các công việc đời sống.
Máy thường được chỉ định cho bệnh nhân gặp vấn đề thính giác, bệnh nhân xốp xơ tai dùng khi không thể phẫu thuật. Ngoài ra, máy cũng được dùng khi khu vực bệnh nhân sinh sống không đảm bảo kỹ thuật phẫu thuật giỏi, nhằm hạn chế các tai biến sau mổ.
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại máy trợ thính, bạn đọc ham khảo ý kiến người có chuyên môn để lựa chọn máy phù hợp. Sử dụng đúng cách, kết hợp tái khám định kỳ để kiểm soát bệnh hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ cho bản thân.
Phòng ngừa
Bệnh xốp xơ tai xảy ra do rối loạn chuyển hóa xương, chấn thương trong phẫu thuật và nhiều yếu tố có liên quan. Chủ động phòng ngừa bệnh lý này có tác dụng giảm rủi ro bị suy giảm thính lực, bảo vệ an toàn sức khỏe. Một số lưu ý:
- Bổ sung đủ dinh dưỡng cho cơ thể, hạn chế ăn những món ăn, thực phẩm gây dị ứng. Không ăn quá nhiều đường, đồ ăn quá béo, quá mặn, không nên sử dụng chất kích thích, uống nhiều đồ uống có cồn có gas.
- Những bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật điều trị nên dành thời gian nghỉ ngơi, không vận động mạnh tránh ảnh hưởng đến thính lực.
- Không đến những nơi có quá nhiều tiếng ồn lớn, hạn chế đến công trường, nhà máy,... nếu bạn đang gặp vấn đề thính giác.
- Không nên bơi lội, sử dụng chung đồ ngoáy tai, hạn chế đi máy bay trong những trường hợp mới phẫu thuật chưa phục hồi.
- Không xì mũi mạnh, chỉ nên sử dụng thuốc theo đơn hàng của bác sĩ.
- Chăm sóc cơ thể đúng cách, kết hợp thăm khám sức khỏe tổng thể giúp bạn sớm phát hiện bất thường. Điều trị nếu xốp xơ tai nặng và có thể gây hại cho khả năng nghe.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Bệnh xốp xơ tai là gì?
2. Tôi gặp phải triệu chứng nào nếu bị xốp xơ tai?
3. Bệnh xốp xơ tai do nguyên nhân nào gây ra?
4. Chẩn đoán xốp xơ tai bằng phương pháp nào?
5. Nếu không điều trị xốp xơ tai có tự khỏi không?
6. Khi nào tôi phải phẫu thuật điều trị xốp xơ tai?
7. Những biến chứng khi phẫu thuật xốp xơ tai là gì?
8. Điều trị trong bao lâu tai phục hồi hoàn toàn?
9. Chi phí phẫu thuật tai là bao nhiêu?
10. Bệnh xốp xơ tai có tái phát không?
Xốp xơ tai là bệnh lý nhiều người đang mắc phải. Nếu không phát hiện và điều trị, bệnh có khả năng lan rộng gây hại cho sức khỏe, làm suy giảm thính lực nặng nề. Do đó, tốt nhất bạn nên điều trị càng sớm càng tốt khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu nghi ngờ.
Có thể bạn quan tâm:
- Bệnh viêm tai giữa có tự khỏi được không hay phải chữa trị?
- Viêm tai giữa thanh dịch: Bạn đã biết gì về căn bệnh này?