Bệnh Viêm tuyến nước bọt

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ BÁC SĨ ĐỖ THANH HÀ – Khoa Tai Mũi HọngTrưởng khoa phụ Bệnh viện Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Viêm tuyến nước bọt là bệnh nhiễm trùng một hoặc nhiều tuyến nước bọt do viêm nhiễm, ảnh hưởng từ bệnh tự miễn hoặc sỏi tuyến. Tình trạng viêm này khiến tuyến nước bọt tổn thương, ngưng hoạt động và gây các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Đa số các trường hợp viêm tuyến nước bọt thường khỏi sau 1 tuần khi chăm sóc tích cực hoặc nếu nhiễm trùng nặng có biến chứng phải điều trị y tế. 

Tổng quan

Viêm tuyến nước bọt (Sialadenitis) là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm, bệnh nhân có thể bị viêm một hoặc nhiều tuyến nước bọt ở tuyến mang tai, tuyến dưới hàm hoặc tuyến dưới lưỡi. Ngoài ra, còn hàng trăm tuyến nước bọt nhỏ khác nằm ở nhiều vị trí khác như môi, má, niêm mạc miệng, cổ họng.

Viêm tuyến nước bọt là tình trạng tuyến nước bọt trong khoang miệng bị viêm nhiễm và ngưng hoạt động

Tình trạng này có thể xảy ra cấp tính hoặc mãn tính, tái phát liên tục lặp đi lặp lại không thể trị khỏi dứt điểm. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm tuyến nước bọt. Nhưng phổ biến nhất là ở những người trên 50 tuổi, nhất là ở những người có tiền sử mắc bệnh sỏi tuyến nước bọt.

Khi bị viêm tuyến nước bọt, bệnh nhân thường có các triệu chứng như sưng, đau họng, đau nhức 2 bên mang tai... Tình trạng này khiến nhiều người nhầm lẫn với bệnh quai bị. Tuy nhiên, đây là 2 căn bệnh khác nhau, riêng viêm tuyến nước bọt tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính gây bệnh viêm tuyến nước bọt là do nhiễm khuẩn, đặc biệt là Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus pyogenes. Ngoài ra, virus và nấm cũng có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng ở các tuyến. Trong đó, virus gây bệnh quai bị là một ví dụ điển hình về tình trạng nhiễm trùng tuyến mang tai.

Viêm tuyến nước bọt thường là do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc virus

Ngoài ra, một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ khởi phát viêm tuyến nước bọt như:

  • Sỏi nước bọt hoặc tắc nghẽn trong ống tuyến;
  • Mất nước;
  • Tác dụng phụ của các loại thuốc như thuốc kháng histamin, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta...;
  • Hội chứng Sjogren, một bệnh lý tự miễn dịch;
  • Vệ sinh răng miệng kém gây khô miệng;
  • Những người bị suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng;
  • Thói quen nghiện hút thuốc lá;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh viêm tuyến nước bọt bao gồm:

Bệnh nhân bị viêm tuyến nước bọt thường có cảm giác sưng đau khó chịu, khô miệng, hôi miệng, khó nuốt, sốt...

  • Sưng đau và thay đổi màu sắc tuyến nước bọt;
  • Sốt do nhiễm trùng;
  • Giảm tiết nước bọt;
  • Đau họng, khó nuốt;
  • Khô miệng;
  • Có mùi hôi trong miệng;
  • Sưng phù vùng má, cổ;

Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh viêm tuyến nước bọt, trước tiên bác sĩ thường đánh giá các triệu chứng lâm sàng cho bệnh nhân cung cấp. Đồng thời, thăm khám sức khỏe và khai thác tiền sử bệnh cá nhân. Kết hợp thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm và chụp cắt lớp vi tính CT scan. Các kỹ thuật này giúp phát hiện tình trạng tắc nghẽn tuyến nước bọt hoặc xác định vị trí khối u nước bọt.

Ngoài ra, trong những trường hợp cần thiết bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm thường quy khác như xét nghiệm máu hoặc sinh thiết tuyến nước bọt bị ảnh hưởng để xác nhận chẩn đoán.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm tuyến nước bọt là tình trạng viêm nhiễm đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến tuyến nước bọt và cả tình trạng sức khỏe chung. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng nhiễm trùng có thể lan rộng đến các mô vùng cổ và đầu. Các chuyên gia cảnh báo đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, bắt buộc phải nhập viện cứu để điều trị kịp thời.

Đa số các trường hợp viêm tuyến nước bọt đều không quá nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời

Tiên lượng với đa số các trường hợp bị viêm tuyến nước bọt mức độ nhẹ và được điều trị tích cực ngay từ đầu thường tốt hơn. Bệnh nhân thường cảm thấy tốt hơn trong khoảng 1 tuần sau điều trị bảo tồn hoặc hơn 2 tuần để giảm sưng, bầm tím nếu phải phẫu thuật.

Tùy theo nguyên nhân gây ra mà bệnh viêm tuyến nước bọt có thể lây hoặc không. Trường hợp viêm do vi khuẩn, virus thì bạn có thể lây nhiễm bệnh cho người khác khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của người bệnh. Còn nếu bị viêm tuyến nước bọt do sỏi tuyến thì không có khả năng lây truyền.

Điều trị

Mục tiêu điều trị viêm tuyến nước bọt nhằm loại bỏ nhiễm trùng, cải thiện triệu chứng và xử lý các biến chứng tổn thương khác (nếu có) để ngăn chặn tiến triển bệnh ngày càng nặng.

Một số biện pháp điều trị chính đối với tình trạng này như:

Dùng thuốc 

Sử dụng thuốc kháng sinh là chỉ định điều trị phổ biến nhất đối với hầu hết các trường hợp bị viêm tuyến nước bọt. Một số loại kháng sinh thường dùng như:

  • Dicloxacillin;
  • Cephalosporin;
  • Clindamycin;

Dùng thuốc kháng sinh là cách điều trị nhiễm trùng hiệu quả nhất đối với viêm tuyến nước bọt

Ngoài ra, các loại thuốc kháng virus hoặc chống nấm khác cũng được chỉ định tùy theo tác nhân gây nhiễm trùng. Để đạt kết quả điều trị cao, bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ định dùng thuốc đúng liều, đúng loại, tránh tự ý tăng giảm liều tùy tiện để tránh gây ra các tác dụng phụ khó lường.

Phẫu thuật

Trong trường hợp nặng, việc truyền nước và tiêm kháng sinh tĩnh mạch không đạt hiệu quả tốt sau 48 giờ. Bác sĩ thường chỉ định chích rạch dẫn lưu tuyến nước bọt để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Hoặc phẫu thuật cũng được chỉ định nhằm loại bỏ sự phát triển của sỏi trong tuyến nước bọt.

Hiện nay, kỹ thuật phẫu thuật viêm tuyến nước bọt được áp dụng phổ biến nhất là nội soi. Tuy nhiên, với những khối sỏi lớn bắt buộc phải can thiệp mổ hở xâm lấn để đạt hiệu quả như mong đợi.

Chăm sóc tại nhà

Bên cạnh các biện pháp điều trị y tế, bạn cũng có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà để kiểm soát triệu chứng viêm tuyến nước bọt. Chẳng hạn như:

Uống nhiều nước giúp làm ẩm khoang miệng và xoa dịu kích ứng tại vị trí viêm tổn thương

  • Chườm ấm giảm cảm giác sưng, đau;
  • Uống nhiều nước (khoảng 8 - 10 ly/ ngày) xoa dịu khó chịu và làm ẩm khoang miệng, tăng khả năng giữ nước cho tuyến nước bọt;
  • Nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm các loại kẹo cứng nhằm kích thích nước bọt tiết ra nhiều hơn, giảm khô miệng;
  • Massage nhẹ nhàng tuyến nước bọt ở 2 bên mang tai giảm đau;
  • Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối ấm hoặc nước muối sinh lý;

Phòng ngừa

Mỗi người đều có thể tự phòng ngừa bệnh viêm tuyến nước bọt bằng các biện pháp sau:

  • Uống nhiều nước mỗi ngày giúp làm ẩm khoang miệng.
  • Giữ vệ sinh răng miệng tốt.
  • Thiết lập lối sống khoa học với các thói quen sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi và tập thể dục điều độ nâng cao sức đề kháng.
  • Không hút thuốc lá hoặc các sản phẩm thuốc lá điện tử khác để giảm nguy cơ viêm tuyến nước bọt.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị sưng đau hai bên mang tai, khô miệng, hôi miệng, sốt... là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân tại sao tôi bị viêm tuyến nước bọt?

3. Bệnh viêm tuyến nước bọt có nguy hiểm không?

4. Bệnh viêm tuyến nước bọt có tự khỏi nếu không điều trị không?

5. Tôi nên điều trị viêm tuyến nước bọt bằng phương pháp nào tốt nhất?

6. Điều trị viêm tuyến nước bọt mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

7. Tôi cần lưu ý những gì trong quá trình điều trị viêm tuyến nước bọt?

8. Bệnh viêm tuyến nước bọt có tái phát lại sau điều trị không?

Đa số các trường hợp viêm tuyến nước bọt đều không quá nghiêm trọng, có thể dễ dàng kiểm soát bằng các biện pháp bảo tồn. Rất hiếm trường hợp phải can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, khuyến cáo bệnh nhân không nên chủ quan, phải tích cực thăm khám sớm và điều trị ngay khi phát hiện triệu chứng.