Bệnh Polyp Mũi
Bệnh polyp mũi là hiện tượng niêm mạc mũi - xoang tăng sinh tạo thành khối u mềm, nhỏ, không đau. Bệnh không có triệu chứng điển hình nên rất khó phát hiện khi chưa phát sinh biến chứng. Tùy theo vị trí và kích thước của polyp, phương pháp điều trị được chỉ định có thể là sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật.
Tổng quan
Bệnh polyp mũi (Nasal Polyps) là một dạng u lành tính xuất hiện ở niêm mạc mũi hoặc xoang. Đặc điểm của polyp là không gây đau, mềm, có màu hồng nhạt giống như màu của niêm mạc.
Polyp mũi là kết quả của hiện tượng viêm dai dẳng do nhiễm trùng và dị ứng kéo dài. Vì vậy, bệnh lý này thường gặp ở người bị viêm xoang, viêm mũi dị ứng, hen phế quản.
Tổ chức polyp mũi thực chất là khối u lành tính nên gần như không gây ra bất cứ triệu chứng gì. Tuy nhiên, polyp có thể cản trở quá trình lưu thông mũi - xoang dẫn đến tái phát nhiều vấn đề hô hấp, giảm khứu giác... Chỉ khi phát sinh những biến chứng này, polyp mũi mới vô tình được phát hiện.
Điều trị bệnh polyp mũi không quá phức tạp. Nhưng như đã nói, polyp là kết quả của phản ứng viêm mạn tính. Chính vì vậy, ngay cả khi điều trị dứt điểm, polyp vẫn có thể tái phát nếu không kiểm soát tốt các bệnh viêm đường hô hấp.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Polyp mũi là khối u mềm, lành tính hình thành từ niêm mạc mũi hoặc xoang. Khối u này là kết quả từ phản ứng viêm mãn tính do dị ứng, kích ứng hoặc nhiễm trùng.
Khi niêm mạc bị viêm sẽ làm tăng tính thấm mao mạch gây tích nước trong các mô. Theo thời gian, các mô ứ nước sẽ bị kéo xuống do tác động của trọng lượng, từ từ dồn lại tạo thành polyp.
Nguyên nhân gây ra bệnh polyp mũi vẫn chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, một số yếu tố sau đây đã được xác định có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Bị hen suyễn
- Viêm xoang mãn tính
- Viêm mũi dị ứng
- Dị ứng thời tiết
- Mắc bệnh xơ nang
- Di truyền từ gia đình
- Mắc hội chứng Churg-Strauss
- Cơ địa dị ứng, nhạy cảm với Aspirin và thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Thiếu vitamin D cũng được xem là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh polyp mũi
Bệnh polyp mũi có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp hơn ở người lớn, đặc biệt là người trên 40 tuổi.
Triệu chứng và chẩn đoán
Polyp là khối u lành tính nên gần như không có triệu chứng. Tuy nhiên, vì xuất hiện ở bên trong niêm mạc mũi - xoang nên khối u sẽ gây chèn ép, cản trở quá trình hô hấp. Khi kích thước khối u gia tăng, chức năng hô hấp bị ảnh hưởng sẽ làm xuất hiện một số triệu chứng.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh polyp mũi:
- Sổ mũi thường xuyên
- Chảy dịch mũi sau
- Nghẹt mũi, thường nghẹt cố định một bên mũi
- Giảm hoặc thậm chí là mất khứu giác
- Ngáy to
- Có cảm giác nặng ở vùng mặt
- Khi khối u lớn dần, vùng mũi xoang sẽ có cảm giác đau và nặng. Cơn đau đôi khi lan ra khắp vùng răng hàm trên.
- Polyp xuất hiện ở vùng xoang gần mắt có thể gây giảm thị lực
Các triệu chứng của polyp mũi thường không quá rõ rệt. Phần lớn các trường hợp đến khám đều do bị viêm xoang, viêm mũi lâu ngày, tái phát thường xuyên. Nếu nghi ngờ bị bệnh polyp mũi, bạn nên thăm khám sớm để được điều trị. Tránh trường hợp triệu chứng nghiêm trọng dần theo thời gian gây giảm chức năng hô hấp và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.
Bệnh polyp mũi gây ra triệu chứng mờ nhạt, không điển hình. Vì vậy, ngoài khám lâm sàng, cần thực hiện nội soi mũi và chụp CT để xác định vị trí, kích thước của polyp. Vì khối u không chỉ xuất hiện một mà đôi khi có từ 2 - 5 polyp ở bên trong niêm mạc mũi - xoang.
Bên cạnh đó, một số trường hợp có thể phải xét nghiệm máu để đo nồng độ vitamin D, xét nghiệm xơ nang và test dị ứng. Các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ giúp xác định nguyên nhân gây bệnh polyp mũi. Từ đó có hướng điều trị phù hợp và có thể chủ động phòng ngừa polyp tái phát.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh polyp mũi có tiên lượng tốt nếu được điều trị. Sau khi dùng thuốc hoặc phẫu thuật cắt bỏ, các triệu chứng sẽ thuyên giảm hoàn toàn. Tuy nhiên, polyp có thể tái đi tái lại nên cần phải kiểm soát tốt các bệnh hô hấp mãn tính.
Nếu không được điều trị, kích thước của polyp sẽ lớn dần gây chèn ép và cản trở chức năng hô hấp. Bệnh polyp mũi có thể tắc nghẽn khi ngủ dẫn đến mất ngủ, ngủ ngáy, ngủ không sâu giấc. Ngoài ra, bệnh lý này còn là yếu tố thuận lợi để các bệnh tai mũi họng tái đi tái lại.
Các vấn đề ở đường hô hấp trên có mối liên hệ mật thiết với nhau. Viêm xoang, viêm mũi dị ứng gia tăng nguy cơ mắc bệnh polyp mũi. Ngược lại, sự hiện diện của polyp cũng khiến cho các bệnh lý trên tái phát thường xuyên và tiến triển mãn tính. Vì vậy, cần phải kiểm soát polyp cùng với các bệnh lý liên quan để mang lại hiệu quả cao nhất.
Điều trị
Điều trị bệnh polyp mũi có hai lựa chọn là sử dụng thuốc và phẫu thuật loại bỏ khối u. Dựa vào kích thước khối u và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Mục tiêu của điều trị là làm giảm kích thước hoặc ngăn chặn sự gia tăng kích thước của polyp. Từ đó kiểm soát triệu chứng và đảm bảo quá trình hô hấp được diễn ra thuận lợi.
Sử dụng thuốc
Thuốc được sử dụng để cải thiện nghẹt mũi, hỗ trợ giảm kích thước của poyp và một số triệu chứng khó chịu đi kèm. Thường dùng nhất là thuốc dạng xịt/ nhỏ mũi, tuy nhiên thuốc tiêm và uống cũng được cân nhắc trong trường hợp cần thiết.
Các loại thuốc dùng trong điều trị bệnh polyp mũi:
- Thuốc xịt mũi chứa corticosteroid: Thuốc xịt mũi chứa corticosteroid bao gồm Beclomethasone, Triamcinolone, Budesonide... được sử dụng để giảm viêm, phù nề trong niêm mạc mũi. Từ đó có thể cải thiện tình trạng nghẹt mũi dai dẳng do polyp mũi gây ra. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng vì corticosteroid có thể gây khô mũi, gia tăng nguy cơ bội nhiễm và thậm chí là chảy máu mũi.
- Corticosteroid đường uống/ tiêm: Khi corticosteroid dạng xịt không mang lại hiệu quả, corticosteroid đường uống/ tiêm sẽ được cân nhắc. Thuốc mang lại hiệu quả cao trong việc chống viêm, phù nề. Tuy nhiên, corticosteroid đường uống gây ra nhiều tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng khi thật sự cần thiết.
- Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin được sử dụng để giảm một số triệu chứng do bệnh polyp mũi gây ra như ngứa mũi, hắt hơi,... Nhóm thuốc này khá an toàn, ít tác dụng phụ khi dùng ngắn ngày. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng an thần nên có thể gây buồn ngủ, giảm tập trung khi sử dụng.
- Dupilumab: Dupilumab là kháng thể đơn dòng được dùng để điều trị các bệnh dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, chàm... Trường hợp bệnh polyp mũi có liên quan đến viêm xoang hoặc hen suyễn, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng Dupilumab để cải thiện tình trạng nghẹt mũi và làm giảm kích thước của polyp mũi.
Sử dụng thuốc có hiệu quả với những trường hợp polyp mũi có kích thước nhỏ, chưa phát triển quá lớn. Đối với những trường hợp polyp lớn, dùng thuốc gần như không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp polyp có kích thước quá lớn và điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả. Trường hợp polyp do xơ nang phổi sẽ được ưu tiên phẫu thuật thay vì dùng thuốc.
Phương pháp phẫu thuật được lựa chọn sẽ phụ thuộc vào số lượng và kích thước của polyp. Trường hợp polyp có kích thước nhỏ, mọc đơn độc, có thể loại bỏ bằng máy vi cắt lọc hoặc hút bằng dụng cụ cơ học.
Nếu polyp có kích thước lớn hơn, bắt buộc phải nội soi xoang để có thể loại bỏ polyp một cách dễ dàng. So với phẫu thuật truyền thống, mổ nội soi có mức độ xâm lấn thấp hơn, thời gian phục hồi ngắn và ít biến chứng.
Phẫu thuật giúp loại bỏ hoàn toàn polyp bên trong niêm mạc mũi - xoang. Tuy nhiên, cần phải điều trị song song với các bệnh viêm đường hô hấp. Có như vậy, mới có thể ngăn viêm xoang, viêm mũi dị ứng tái đi tái lại và phòng ngừa bệnh polyp mũi tái phát.
XEM THÊM: Phẫu thuật cắt polyp mũi có đau không? Hết bao nhiêu tiền?
Phòng ngừa
Bệnh polyp mũi có thể tái phát ngay cả khi được điều trị hoàn toàn. Để chủ động bảo vệ sức khỏe, nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh polyp mũi sau đây:
- Tích cực điều trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng và các bệnh tai mũi họng thường gặp khác.
- Người có cơ địa dị ứng nên cần tránh tiếp xúc với các yếu tố như phấn hoa, lông chó mèo, mạt bụi, thức ăn (hải sản, đậu phộng, đậu nành, sữa, lòng trắng trứng...).
- Vệ sinh răng miệng, tai mũi họng đúng cách để phòng ngừa các bệnh viêm đường hô hấp do virus, nấm, vi khuẩn.
- Rửa sạch tay sau khi tiếp xúc với các vật dụng công cộng. Đeo khẩu trang y tế khi đến bệnh viện và những nơi đông người.
- Nâng cao hệ miễn dịch bằng chế độ ăn cân bằng, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên cũng là cách phòng ngừa polyp mũi hiệu quả.
- Khi thời tiết khô hanh, nên sử dụng máy tạo độ ẩm duy trì độ ẩm cho niêm mạc mũi - xoang.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Vì sao tôi mắc bệnh polyp mũi?
2. Cần phải thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh polyp mũi?
3. Bệnh polyp mũi có nguy hiểm không? Gây ra biến chứng gì?
4. Phương pháp nào tốt nhất cho bệnh polyp mũi?
5. Điều trị bệnh polyp mũi tốn bao nhiêu? Có được BHYT chi trả?
6. Khi bị polyp mũi có cần kiêng gì không?
7. Phải làm sao khi gặp phải tác dụng phụ của thuốc điều trị polyp mũi?
8. Phẫu thuật polyp mũi có cần thiết? Nằm viện trong bao lâu?
Bệnh polyp mũi là kết quả do viêm niêm mạc mũi - xoang kéo dài. Dù polyp là khối u lành tính nhưng gây cản trở đáng kể đến chức năng hô hấp. Nếu nghi ngờ mắc chứng bệnh này, nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xem thêm:
- Sau phẫu thuật mổ polyp mũi kiêng ăn gì để bệnh mau hồi phục
- Polyp mũi có nên mổ không? Khi nào cần mổ? Bác sĩ giải đáp