Bệnh polyp dây thanh quản

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Tai Mũi HọngGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Polyp dây thanh quản khiến bệnh nhân bị khàn tiếng, nghẹn ở cổ họng, hơi ngắn, nói hụt hơi,.. và nhiều biểu hiện bất thường khác. Mặc dù được đánh giá là bệnh lành tính, tuy nhiên các triệu chứng của bệnh có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng đời sống và sức khỏe tinh thần của người bệnh.

Tổng quan

Polyp dây thanh quản là một dạng u lành tính, xuất hiện ở dây thanh quản. Chúng có kích thước to nhỏ khác nhau, đôi khi có cuống hoặc không. Khối u nổi cợm bên trong lòng niêm mạc dây thanh quản gây biến đổi giọng nói ở người bệnh.

Polyp dây thanh quản
Polyp dây thanh quản là một trong những loại u nhú lành tính, không nguy hiểm tính mạng

Chứng bệnh này có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt giới tính. Trong đó, độ tuổi người trưởng thành mắc bệnh chiếm số lượng lớn hơn trẻ nhỏ. Mặc dù được đánh giá là dạng u lành tính, tuy nhiên khi kích thước polyp lớn dần có thể gây ra nhiều ảnh ưởng sức khỏe của người bệnh.

Khối polyp không chuyển sang ung thư nhưng có thể làm cản trở quá trình ăn uống, sinh hoạt. Chính vì thế, bệnh nhân cần thăm khám, theo dõi sự phát triển của polyp. Khi cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp can thiệp loại bỏ nhằm phòng ngừa rủi ro cho người bệnh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây polyp dây thanh quản được chỉ ra như:

  • Trường hợp niêm mạc dây thanh quản bị tổn thương do ho kéo dài, viêm nhiễm dẫn đến hình thành các khối u bất thường. Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp gây bệnh polyp dây thanh quản. Các tổn thương phù nề có thể xảy ra do ảnh hưởng bởi tính chất công việc, nói liên tục, nói to, xảy ra ở người lạm dụng giọng nói, hát quá lớn,... và các viêm nhiễm đường hô hấp khác.
  • Polyp dây thanh quản cũng có thể xuất hiện do ảnh hưởng từ thói quen sinh hoạt không lành mạnh, hút thuốc lá thường xuyên, uống nhiều bia rượu. Các chất kích thích, độc tố làm bào mòn niêm mạc, tổn thương dây thanh quản. Nếu không kiểm soát khắc phục, tình trạng này kéo dài làm hình thành các khối u bất thường bên trong dây thanh quản.
  • Ngoài các nguyên nhân kể trên, tình trạng polyp cũng có thể hình thành do tác động cơ học, dây thanh quản bị kéo căng quá mức làm mạch máu nhỏ bị vỡ. Hiện tượng tích tụ máu trong thời gian nhất định hình thành khối polyp xuất huyết dây thanh quản.
  • Ảnh hưởng rối loạn nội tiết tố cũng là nguyên nhân gây bệnh. Đặc biệt là ở phụ nữ, thời kỳ mang thai, hành kinh, tiền mãn kinh,... cơ thể có sự thay đổi nội tiết. Lúc này thanh quản có thể bị ảnh hưởng, xuất hiện khối u xuất huyết nhẹ. Nhất là khi người bệnh phải sử dụng giọng nói nhiều, liên tục làm tăng nguy cơ tổn thương dây thanh quản.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản, cảm cúm, viêm họng, viêm dây thanh quản,... Không điều trị bệnh trong thời gian dài, dây thanh quản có thể bị viêm, xuất huyết hình thành các khối u bất thường.
  • Ngoài bệnh hô hấp, bệnh nhân cũng có thể bị polyp do ảnh hưởng từ bệnh suy giáp, hiện tượng trào ngược dịch vị,...

Nhằm có hướng điều trị phù hợp và ngăn ngừa tái phát, bệnh nhân cần đến bệnh viện kiểm tra, thăm khám để xác định nguyên nhân gây bệnh. Dựa vào kết quả chẩn đoán các bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách điều trị phù hợp.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Giai đoạn mới hình thành, kích thước u nhú nhỏ không gây nhiều triệu chứng bất thường cho bệnh nhân. Khi đó, chúng chưa chèn ép gây ảnh hưởng đến giọng nói. Cũng chính vì thế, bệnh nhân không phát hiện bệnh sớm thông qua triệu chứng lâm sàng, chỉ tình cờ nhận biết khi có xét nghiệm liên quan đến vùng thanh quản.

Triệu chứng polyp thanh quản
Người bệnh gặp phải các triệu chứng bất thường về giọng nói

Ở giai đoạn tiến triển, khối polyp tăng dần kích thước, xuất hiện tình tạng chèn ép dẫn đến các biểu hiện bất thường như sau:

  • Bệnh nhân bị khàn tiếng, tiết dịch dây thanh quản, đồng thời các khối u bắt đầu chèn ép xung quanh. Tuy nhiên nhiều người nhầm lẫn đây là bệnh liên quan đến đường hô hấp, khiến việc điều trị tiến hành không phù hợp. Kích thước khối u tăng trưởng dần, tác động lên dây thanh quản nặng nề có thể làm bệnh nhân nói không ra tiếng.
  • Sự xuất hiện của khối u trong thanh quản gây ra cảm giác nghẹn cổ họng. Vùng hầu họng bị ảnh hưởng bởi sự chèn ép của khối u khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc ăn uống, nuốt nước bọt khó, nghẹn cổ họng khó chịu.
  • Nói chuyện hụt hơi, hơi ngắn hơn bình thường kèm theo các cơ ho khán kéo dài không có nguyên nhân rõ ràng. Một số trường hợp bị đau vùng cổ, đau lan ra vùng mang tai.
  • Người bệnh bắt đầu có biểu hiện biến đổi giọng nói, phát âm thô, rít.

Thận trọng trước các dấu hiệu bất thường kể trên, tránh nhầm lẫn bệnh lý gây khó khăn cho quá trình điều trị về sau. Mặc dù polyp dây thanh quản thường là dạng u lành tính, tuy nhiên khi kích thước khối u lớn dần gây ra không ít rủi ro cho bệnh nhân. Do đó, người bệnh cần được thăm khám sớm.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán tình trạng polyp dây thanh quản, bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện nội soi thanh quản. Thực hiện bằng cách đưa ống nội soi mềm vào bên trong thanh quản bằng đường mũi hoặc dùng ống dạng cứng đưa vào từ đường miệng.

Kết quả cho thấy các bất thường trong thanh quản, xác định vị trí và số lượng polyp. Sau khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định giải pháp điều trị phù hợp với tình trạng của mỗi bệnh nhân, loại bỏ khối u nhằm giảm thiểu rủi ro gây hại sức khỏe người bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Như đã đề cập, polyp dây thanh quản thường không biến chuyển thành dạng khối u ác tính. Do đó bệnh nhân không phải quá lo lắng bệnh có thể gây hại cho tính mạng. Mặc dù vậy, khối polyp có thể gia tăng kích thước sau một thời gian khi bệnh nhân không phát hiện và điều trị.

Điều này gây ra các ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống của người bệnh. Nhất là những trường hợp cần sử dụng giọng nói liên tục như phát thanh viên, người dẫn chương trình truyền hình, ca sĩ, giáo viên, nhân viên bán hàng,...

Việc giọng nói thay đổi, khàn và hụt hơi thường xuyên làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Khối polyp không thể tự biến mất mà cần đến các tác động ngoại khoa để loại bỏ chúng. Vì vậy, khi nhận thấy giọng nói bất thường, cổ họng có biểu hiện lạ, bạn nên đến gặp bác sĩ thăm khám sớm.

Điều trị

Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị tương ứng cho người bệnh. Đối với trường hợp chưa có triệu chứng có thể không cần can thiệp điều trị vội vàng. Bệnh nhân được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe răng miệng, cổ họng để giảm nguy cơ viêm nhiễm ảnh hưởng dây thanh quản.

Điều trị polyp dây thanh quản
Cắt bỏ dây polyp dây thanh quản trong trường hợp kích thước u nhú quá lớn

Đồng thời, trong thời gian theo dõi kiểm soát polyp, bệnh nhân cần hạn chế việc nói chuyện to, nói chuyện liên tục để tránh tác động đến vùng thanh quan đang tổn thương. Trường hợp polyp dây thanh quản đã có kích thước lớn, tác động lên đời sống, sức khỏe cần áp dụng các can thiệp phù hợp, kể đến như:

Chỉ định điều trị nội khoa

Các biện pháp điều trị nội khoa nhằm hỗ trợ kiểm soát triệu chứng cho người bệnh, giảm thiểu các tác động của polyp lên dây thanh quản cũng như các khu vực xung quanh. Bệnh nhân cần tạm thời ngừng công việc đòi hỏi giao tiếp liên tục, hẹn chế nói chuyện mức tối đa.

Thuốc chống viêm, chống phù nề và thuốc kháng sinh sử dụng bằng khí dung để giúp bệnh nhân kiểm soát triệu chứng từ bên trong, ngăn chặn viêm nhiễm hoặc tổn thương dây thanh quản nghiêm trọng hơn.

Người bệnh cần tiếp tục theo dõi trong quá trình sử dụng thuốc điều trị. Nếu gặp phải các biểu hiện bất thường, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ để được chỉ định điều chỉnh thuốc, hoặc đổi cách can thiệp cho phù hợp.

Ngoài ra, trong thời gian này người bệnh cần chăm sóc sức khỏe đúng cách, bảo vệ cơ thể tránh cảm cúm, cảm lạnh ảnh hưởng đường hô hấp. Hạn chế việc nói chuyện lớn tiếng, nói chuyện quá nhiều để tránh khàn tiếng và giúp dây thanh quản sớm ổn định, duy trì chức năng.

Phương pháp điều trị ngoại khoa

Trường hợp kích thước khối polyp phát triển chèn ép dây thanh quản được chỉ định can thiệp ngoại khoa. Hiện nay có các phương pháp xâm lấn được áp dụng bao gồm:

  • Phẫu thuật nội soi gián tiếp: Sử dụng thiết bị nội soi, loại bỏ polyp thanh quản xâm lấn tối thiểu, thời gian phục hồi nhanh chóng, ít rủi ro. Đây là biện pháp điều trị polyp dây thanh quản được thực hiện phổ biến vào thời gian trước. Áp dụng hiệu quả trên polyp có cuống nhỏ. Tuy nhiên hiện nay biện pháp này dần ít được chỉ định hơn do có nhiều sự tiến bộ của y học hiện đại.
  • Vi phẫu thuật nội soi thanh quản: Cắt polyp bằng phương pháp nội soi vi phẫu được áp dụng nhằm loại bỏ u nhú cho bệnh nhân. Thiết bị nội soi và các dụng cụ cần thiết được xử lý vô trùng, sau đó đưa vào bên trong bóc tách u nhú. Polyp có thể được loại bỏ bằng dụng cụ nội soi hoặc tia laser co2. Áp dụng khi khối u có kích thước lớn, tình trạng mất giọng nặng, người bệnh gặp khó khăn khi ăn uống. Biện pháp ít xâm lấn mang lại hiệu quả cao, chính vì thế ngày càng được áp dụng rộng rãi.

Mỗi biện pháp phẫu thuật sẽ có ưu và nhược điểm nhất định, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế uy tín, tham khảo ý kiến của bác sĩ giỏi để điều trị sớm polyp dây thanh quản. Kết hợp điều trị và chăm sóc tại nhà đúng cách để sức khỏe cải thiện tốt nhất.

Phòng ngừa

Polyp dây thanh quản mặc dù không đe dọa tính mạng, tuy nhiên có thể gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đời sống, công việc và sức khỏe. Do đó, chuyên gia khuyến khích bạn nên chủ động bảo vệ dây thanh quản, phòng bệnh từ sớm. Một số lưu ý:

Phòng ngừa polyp dây thanh quản
Chủ động bảo vệ dây thanh quản, phòng ngừa polyp ảnh hưởng đến chất lượng đời sống, sức khỏe

  • Hạn chế việc làm dụng giọng nói, hét lớn, hát to liên tục trong thời gian dài, lặp lại nhiều ngày. Bởi việc lạm dụng có thể gây tổn thương dây thanh quản, tăng nguy cơ hình thành u nhú bất thường.
  • Kiểm soát thói quen, cần loại bỏ thói quen xấu và duy trì thói quen lành mạnh cho cơ thể. Không sử dụng thuốc lá, không uống nhiều bia rượu hoặc sử dụng chất kích thích không tốt cho sức khỏe.
  • Ăn uống đầy, bổ sung lượng chất lỏng cần thiết mỗi ngày, không nên uống nhiều nước ngọt có ga, thay vào đó bạn nên dùng nước lọc, nước ép hoa quả tươi không đường.
  • Hạn chế ăn đồ quá ngọt, đồ ăn chứa nhiều chất bèo, dầu mỡ,... Không bỏ bữa, nên ăn uống đúng giờ, có thể chia nhỏ bữa ăn trong ngày.
  • Bảo vệ cơ thể, đường hô hấp khỏi khói bụi, hóa chất độc hại. Sử dụng thiết bị bảo hộ lao động khi phải làm việc trong môi trường không đảm bảo.
  • Khám sức khỏe hàng năm, theo dõi các biểu hiện bất thường để có cách can thiệp sớm, bảo vệ an toàn sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Polyp dây thanh quản là gì?

2. Polyp dây thanh quản có phải ung thư không?

3. Triệu chứng nào nhận biết polyp dây thanh quản?

4. Nguyên nhân gây polyp dây thanh quản là gì?

5. Tôi cần làm các xét nghiệm chẩn đoán nào?

6. Không điều trị polyp dây thanh quản có được không?

7. Khi nào phải can thiệp phẫu thuật polyp?

8. Rủi ro khi phẫu thuật polyp dây thanh quản là gì?

9. Tôi cần làm gì trong thời gian điều trị polyp giúp bệnh sớm cải thiện?

10. Polyp dây thanh quản có tái phát không?

Bệnh polyp dây thanh quản không nguy hiểm tính mạng, tuy nhiên gây ra nhiều ảnh hưởng đời sống của bệnh nhân. Do đó, khi phát hiện cơ thể có biểu hiện bất thường, sự thay đổi giọng nói, khó khăn khi nói,... bạn nên sớm đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị khi cần thiết.