Bệnh viêm xoang hàm

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Tai Mũi HọngGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Viêm xoang hàm được phân thành viêm cấp, mãn tính và viêm do răng. Bệnh nhân gặp phải các triệu chứng khó chịu tại mũi, mặt, hai bên má, sốt kèm theo sưng nề,... Để phòng tránh biến chứng, người bệnh cần chủ động thăm khám y tế ngay khi có các biểu hiện bất thường.

Tổng quan

Bệnh viêm xoang hàm (Maxillary Sinusitis) là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc xoang. Người mắc bệnh gặp phải các triệu chứng như ngạt mũi, chảy nước mũi thường xuyên khi xoang bị viêm nhiễm. Bệnh lý có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt độ tuổi, giới tính.

Viêm xoang hàm là một trong những dạng viêm xoang phổ biến hiện nay

Xoang hàm là khu vực xoang dễ bị nhiễm trùng, các triệu chứng do viêm tại đây gây ra khá rộng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe bệnh nhân. Các trường hợp mắc bệnh thường tập trung ở nơi có khí hậu thay đổi thất thường. Tình trạng viêm cấp kéo dài có thể gây viêm mãn tính và kéo theo các biến chứng khác.

Phân loại

Bệnh viêm xoang hàm được phân thành 3 loại chính, bao gồm viêm xoang hàm cấp tính, viêm mãn tính và viêm do răng. Cụ thể:

  • Viêm xoang hàm cấp tính: Triệu chứng bùng phát dữ dội, đặc biệt vào buổi sáng, trưa, giảm dần khi trời tối. Cơn đau khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, cơ thể mệt mỏi, chảy nước mũi liên tục,... Các triệu chứng sẽ kéo dài trong khoảng 1 tháng rưỡi. Trường hợp bệnh nhân không kiểm soát tình trạng viêm cấp có thể chuyển thành bệnh mãn tính.
  • Viêm xoang hàm mãn tính: Người bệnh gặp phải các triệu chứng bất thường kéo dài. Thông thường mức độ bệnh ở giai đoạn mãn tính không dữ dội như cấp tính, tuy nhiên thời gian triệu chứng xảy ra sẽ dài hơn gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe bệnh nhân. Đối với tình trạng viêm mãn tính nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm.
  • Viêm xoang hàm do bệnh về răng: Đây là trường hợp viêm thứ phát xảy ra do các bệnh về răng miệng ảnh hưởng. Khi đó, dịch tiết ra sẽ có mùi hôi bất thường, cơn đau âm ĩ kéo dài ở hai bên má, ngày càng nặng dần làm bệnh nhân khó khăn trong việc ăn uống, cơ thể mệt mỏi, suy nhược,...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh viêm xoang hàm có thể xuất hiện do nhiều yếu tố tác động. Trong đó tình trạng nhiễm khuẩn từ đường mũi miệng là nguyên nhân chính gây ra bệnh lý này. Ngoài ra, một số trường hợp khác bị viêm do tổn thương niêm mạc xoang hàm, kích ứng,... Dưới đây là 5 yếu tố tác động chính:

Có nhiều nguyên nhân liên quan dẫn đến tình trạng viêm xong hàm

  • Thứ nhất viêm nhiễm xuất phát từ đường hô hấp trên gây ra viêm nhiễm niêm mạc xoang. Các bệnh lý như viêm họng, viêm mũi,... kéo dài không điều trị tạo điều kiện cho tác nhân gây hại tấn công sâu vào trong hốc xoang.
  • Thứ hai, các bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch như viêm mũi dị ứng, viêm xoang kéo dài tái phát liên tục làm xoang hàm bị viêm nhiễm. Đây là nguyên nhân thường gặp gây ra bệnh viêm xoang hàm.
  • Thứ ba, một số đối tượng có cấu trúc xoang hàm, vách ngăn mũi không bình thường. Đặc biệt nhiều trường hợp bị vẹo vách ngăn mũi gây viêm xoang hàm cấp, mãn tính.
  • Thứ tư, bệnh răng miệng kéo dài không điều trị có thể gây ra các biến chứng, trong đó ảnh hưởng đến xoang là trường hợp thường gặp. Đây cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm xoang hàm do bệnh về răng miệng. Các vấn đề như viêm lợi, bệnh sâu răng, áp xe răng,... là yếu tố gây bệnh phổ biến. Tác nhân gây hại lan rộng ảnh hưởng hốc xoang gây viêm niêm mạc xoang.
  • Thứ năm, những tổn thương xảy ra do chấn thương, tai nạn tại vùng hàm mặt không được điều chỉnh đúng cách dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm, ngoài ra còn nhiều vấn đề khác ảnh hưởng sức khỏe.

Bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ, thăm khám xác định nguyên nhân gây bệnh viêm xoang hàm để có biện pháp can thiệp điều trị sớm. Việc người bệnh chủ quan, triệu chứng kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng không mong muốn.

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao cần thận trong kể đến như:

  • Những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với phấn hoa, bụi, thực phẩm.
  • Người đã từng mắc các bệnh lý về xoang.
  • Bệnh nhân có vách ngăn mũi bất thường từ khi chào đời, hoặc bị ảnh hưởng bởi phẫu thuật, các chấn thương trong đời sống.
  • Bệnh nhân đã phẫu thuật xoang hàm hoặc từng can thiệp ngoại khoa điều trị các vấn đề tại vùng mũi miệng.
  • Bệnh nhân mắc bệnh lý răng miệng kéo dài.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh nhân gặp phải các triệu chứng bất thường như ngạt mũi, đau nhức hốc mắt, đau hai bên má cạnh mũi,... Mỗi trường hợp sẽ có mức độ bùng phát triệu chứng riêng. Cụ thể:

Triệu chứng viêm cấp tính:

  • Bệnh nhân bị đau đầu kèm theo đau vùng mặt.
  • Đau lan rộng ra hốc mắt đến khu vực thái dương.
  • Chảy nước mũi liên tục, nước mũi loãng sau đó đặc lại.
  • Nước mũi có màu vàng, một số trường hợp chảy nước mũi kèm mủ, mùi hôi khó chịu.

Triệu chứng viêm mãn tính:

  • Đau nhức mặt lan rộng.
  • Đau kèm theo nghẹt mũi, dịch mũi loãng chảy ra liên tục.
  • Nước mũi có màu xanh bất thường.

Triệu chứng viêm do bệnh về răng:

Trường hợp viêm do bệnh về răng có thể gây ra các dấu hiệu kèm theo triệu chứng ở vùng miệng. Trong đó dịch tiết vùng mũi thường chảy ra có mùi hôi khá khó chịu. Cơn đau hai bên má âm ỉ, kéo dài không thuyên giảm, ngày càng trở nên nặng nề hơn.

Trường hợp viêm do răng gây ra các triệu chứng khó chịu như sốt, đau nhức

Nếu nhận thấy cơ thể có các triệu chứng kể trên, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ điều trị sớm. Tình trạng viêm xoang hàm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó bệnh nhân không thể chủ quan.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh viêm xoang hàm, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp xét nghiệm bao gồm:

  • Chụp X quang: Kiểm tra hình ảnh bên trong xoang. Đây là phương pháp chẩn đoán được thực hiện phổ biến. Bác sĩ dựa vào hình ảnh thu được chẩn đoán tình hình bệnh lý người bệnh mắc phải.
  • Nội soi mũi: Đầu dò nội soi được đưa vào bên trong mũi, tiếp cận hốc xoang tiến hành thăm dò, thu chụp hình ảnh. Bác sĩ có thể phát hiện các bất thường bên trong mũi thông qua biện pháp nội soi.
  • Cấy dịch mũi - xoang: Đối với trường hợp dịch mũi có màu sắc và mùi hôi bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định định cấy dịch mũi - xoang để tìm vi khuẩn, virus gây bệnh. Phương pháp này thường được áp dụng sau khi bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh, tuy nhiên lại không có hiệu quả.

Dựa vào chẩn đoán cuối cùng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh cách can thiệp khắc phục viêm xoang hàm hiệu quả và an toàn nhất. Bệnh nhân nên thăm khám sớm, tránh tình trạng bệnh biến chứng gây hại sức khỏe nặng nề hơn.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm xoang hàm nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Những trường hợp viêm nhiễm kéo dài, chuyển biến nặng gây ra:

  • Biến chứng tại đường hô hấp tai - mũi - họng do tác nhân gây hại tấn công. Ngoài ra, vi khuẩn, virus có thể di chuyển đến các cơ quan khác trong đường hô hấp gây tổn thương, viêm nhiễm nặng. Lâu dần người bệnh có thể mắc các bệnh lý nặng khác bao gồm viêm tai giữa, viêm thanh quản, phế quản,...
  • Các vấn đề ở xoang nặng dần gây ảnh hưởng đến thị lực. Đăc biệt là xoang hàm nằm gần với hốc mắt, vì thế khi viêm nhiễm lan rộng sẽ gây ảnh hưởng đến vùng mắt. Tác nhân gây hại tấn công dẫn đến viêm mô liên kết hốc mắt, thậm chí một số trường hợp bị áp xe túi lệ hoặc mí mắt,...
  • Người bệnh có thể gặp biến chứng về xương khi tình trạng viêm xoang hàm kéo dài không được điều trị đúng cách. Cảm giác đau nhức ngày càng nặng hơn kèm theo tê mỏi tại vị trí xương hốc mắt. Tình trạng kéo dài có thể gây đau lan rộng vùng trán, đến đỉnh đầu.
  • Một số bệnh nhân viêm xoang hàm bị tổn thương hộp sọ do vi khuẩn, virus tấn công từ xoang hàm không được kiểm soát. Các biến chứng nội sọ khá nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.

Điều trị

Khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường như ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau nhức quanh má, hốc mắt,... bạn cần chủ động đến gặp bác sĩ. Dựa vào kết quả thăm khám, nếu bị mắc viêm xoang hàm bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách điều trị phù hợp.

Khám xoang chẩn đoán tình trạng viêm nhiễm và chỉ định điều trị cho người bệnh

Tùy tình trạng viêm nhẹ hoặc nặng nề mà các biện pháp can thiệp được áp dụng kể đến như:

Trường hợp viêm cấp tính:

Chỉ định sử dụng thuốc loại bỏ tác nhân gây hại. Mỗi trường hợp sẽ có phác đồ riêng, bệnh nhân nên tuân thủ theo liều dùng được hướng dẫn. Các nhóm thuốc chính:

  • Thuốc kháng sinh: Dùng trong trường hợp viêm xoang hàm do nhiễm khuẩn. Với mức độ nhẹ thời gian điều trị kháng sinh kéo dài từ 4-6 tuần, trường hợp nặng sử dụng liều cao trong 4-5 tuần. Thuốc thường dùng như Amoxicillin, Clavulanate, Cefuroxime, Ceftriaxone,... Dùng thuốc kết hợp theo phác đồ để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Thuốc corticoid đường uống: Chỉ định đối với tình trạng viêm nặng, không đáp ứng điều trị bằng thuốc xịt mũi thông thường. Sử dụng thuốc đường uống có tác dụng toàn thân, tuy nhiên thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ. Thuốc thường dùng kể đến như Prednisolon, Methylprednisolon, Dexamethason,... Sử dụng thuốc theo hướng dẫn, tránh lạm dụng.
  • Thuốc tan đầm nhầy: Chỉ định thuốc long đờm cho bệnh nhân giúp cải thiện tình trạng ngạt mũi, hạn chế dịch mũi gây khó thở, giúp hơi thở người bệnh thông thoáng hơn.
  • Thuốc kháng histamin: Nếu cần thiết bác sĩ có thể kê đơn kèm thuốc kháng histamin cho bệnh nhân. Mục đích giúp ức chế giải phóng histamin gây viêm, chỉ định cho bệnh nhân bị viêm xoang hàm liên quan đến yếu tố dị ứng. Các thuốc kể đến như Fexofenadine, Desloratadine,...
  • Thuốc giảm đau hạ sốt: Tác dụng giúp người bệnh giảm đau nhức đầu, đau hốc mũi, má, giảm sốt. Chỉ định cho bệnh nhân bị viêm xoang hàm kèm theo sốt trên 38 độ C.

Ngoài các thuốc kể trên bệnh nhân được chỉ định dùng kèm các sản phẩm vệ sinh mũi để làm sạch và khai thông đường thở. Đồng thời, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc tại nhà để phòng nguy cơ bệnh tái phát.

Trường hợp viêm mãn tính:

Sử dụng thuốc kiểm soát viêm nhiễm tương tự tình trạng viêm xoang hàm cấp tính. Trường hợp không khắc phục được tổn thương bên trong cần chỉ định can thiệp ngoại khoa. Phẫu thuật chỉnh sửa sai sót, tổn thương bên trong xoang giúp bệnh nhân cải thiện viêm nhiễm, ngăn nguy cơ tái phát và biến chứng.

Điều trị ngoại khoa cho bệnh nhân bị viêm xoang hàm bằng biện pháp nội soi

Biện pháp phẫu thuật thường được áp dụng kể đến như:

  • Nội soi: Phẫu thuật nội soi không xâm lấn, không gây vết thương trên cơ thể người bệnh. Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ nội soi đưa vào theo đường mũi tiếp cận vị trí cần điều trị. Tiến hành sửa chữa khắc phục vấn đề bên trong xoang hàm. Phương pháp này không gây mất máu, có thời gian phục hồi nhanh chóng.
  • Mổ mở xoang: Điều trị viêm xoang hàm bằng biện pháp mổ mở cho đối tượng bệnh nặng không đáp ứng điều trị nội soi. Mổ mở sẽ tiếp cận vị trí tổn thương hiệu quả hơn, tuy nhiên thời gian phục hồi chậm, bệnh nhân phải lưu lại bệnh viện theo dõi một thời gian.

Sau phẫu thuật người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các biện pháp chăm sóc hậu phẫu để tránh viêm nhiễm tái phát. Bệnh nhân nên đến bệnh viện lớn uy tín, có bác sĩ giỏi để khám và điều trị ngoại khoa, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Trường hợp viêm do bệnh về răng:

Dựa vào kết quả chẩn đoán chỉ định điều trị viêm xoang hàm do răng. Mỗi trường hợp sẽ có phác đồ riêng tương ứng, các biện pháp bao gồm:

  • Điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm kết hợp rửa mũi hàng ngày.
  • Phẫu thuật đối với trường hợp viêm nặng. Nội soi là phương pháp được thực hiện phổ biến. Tiến hành lấy mủ, loại bỏ dị vật tại xoang như các chất hàn răng, chân răng tụt,...
  • Chỉ định điều trị các vấn đề về răng gây ra viêm xoang hàm.

Bệnh nhân nên sớm kiểm tra sức khỏe và điều trị viêm xoang hàm nói riêng, bệnh viêm xoang nói chung để tránh gặp phải các biến chứng nguy hiểm. Trường hợp bệnh kéo dài không chỉ gây tổn thương xoang hàm mà còn khiến các cơ quan lân cận bị ảnh hưởng, đặc biệt là nội sọ.

Phòng ngừa

Bệnh viêm xoang hàm gây triệu chứng khó chịu làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống. Bệnh nhân cần điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng hại sức khỏe. Bên cạnh đó, chủ động ngăn bệnh tái phát cũng là việc các chuyên gia khuyến khích mỗi người cần thực hiện. Các lưu ý:

Bảo vệ sức khỏe đường hô hấp, giảm thiểu rủi ro mắc bệnh viêm xoang hàm

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Bổ sung cho cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh sử dụng nhiều bia rượu, tránh xa khói thuốc lá và các chất kích thích không có lợi cho sức khỏe.
  • Tập luyện thể dục thể thao nâng cao đề kháng cho cơ thể, giúp cơ thể dẻo dai, tăng cường sức khỏe hệ hô hấp.
  • Đeo khẩu trang, sử dụng đồ bảo hộ khi đến những nơi công cộng, làm việc trong các xí nghiệp, nhà máy có nhiều bụi, khí thải độc hại,...
  • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân, hạn chế tiếp xúc với những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm như bệnh ho lao, bệnh về đường hô hấp do virus,...
  • Vệ sinh răng miêng sạch sẽ mỗi ngày, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Điều trị bệnh về răng miệng theo hướng dẫn của bác sĩ nha khoa, tránh tình trạng viêm xoang hàm do răng.
  • Ngủ đủ giấc, đảm bảo chất lượng giấc ngủ giúp cơ thể phục hồi sau một ngày dài. Hạn chế stress, căng thẳng ảnh hưởng đến sức đề kháng.
  • Khám sức khỏe định kỳ, điều trị bệnh theo hướng dẫn y tế để bảo vệ an toàn sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Viêm xoang hàm là bệnh gì?

2. Tôi bị đau nhức hốc mắt, đau hai bên má có phải viêm xoang hàm không?

3. Triệu chứng viêm xoang hàm là gì?

4. Nguyên nhân gây viêm xoang hàm là gì?

5. Không điều trị viêm xoang hàm có tự khỏi không?

6. Dùng thuốc nào chữa viêm xoang hàm?

7. Sử dụng thuốc xịt trong bao lâu để cải thiện triệu chứng viêm xoang hàm?

8. Bệnh viêm xoang hàm có tái phát không?

9. Khi nào tôi cần phẫu thuật trị viêm xoang hàm?

10. Thời gian tái khám của tôi là khi nào?

Viêm xoang hàm kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, tốt hơn hết bạn nên khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ, tránh gặp phải các rủi ro ảnh hưởng đời sống và sức khỏe.