Bệnh Viêm Mũi Dị Ứng
Khoảng 10 - 20% dân số đang phải đối mặt với viêm mũi dị ứng và tỷ lệ không ngừng gia tăng do môi trường ô nhiễm, chất lượng không khí giảm thấp. Chủ động trang bị kiến thức về căn bệnh này sẽ giúp bạn đọc biết cách bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Tổng quan
Viêm mũi dị ứng (Allergic Rhinitis) là bệnh hô hấp thường gặp, xảy ra do dị ứng với các tác nhân có trong không khí như phấn hoa, bụi bẩn, bọ ve, bào tử nấm mốc,... gây viêm, phù nề niêm mạc mũi. Ngoài ra, hiện tượng viêm niêm mạc mũi cũng có thể bị kích hoạt bởi dị ứng thuốc, dị ứng thực phẩm, sang chấn tâm lý mạnh.
Viêm mũi dị ứng có liên quan đến cơ địa mẫn cảm. Những người có dạng cơ địa này dễ bị dị ứng với các tác nhân bên ngoài môi trường, dẫn đến phản ứng giải phóng histamin vào da và niêm mạc gây phù nề niêm mạc mũi. Kéo theo đó là một loạt các triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mắt,...
Vì có liên quan đến cơ địa nhạy cảm nên viêm mũi dị ứng thường đi kèm với nổi mề đay, hen suyễn, viêm xoang và viêm da cơ địa. Ngày nay, môi trường ô nhiễm, chất lượng không khí đi xuống khiến cho tỷ lệ bị viêm mũi dị ứng ngày càng gia tăng. Bệnh tiến triển mãn tính, dai dẳng gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Phân loại
Viêm mũi dị ứng được chia thành 2 loại là viêm mũi dị ứng theo mùa và viêm mũi dị ứng quanh năm. Cách phân loại này dựa vào thời điểm bệnh xuất hiện và tiến triển.
Viêm mũi dị ứng theo mùa
Viêm mũi dị ứng theo mùa là tình trạng bệnh khởi phát vào thời điểm nào đó trong năm. Thường có liên quan đến thời tiết lạnh hoặc mùa hoa. Dị nguyên thường là phấn hoa, bào tử nấm mốc… có trong không khí.
Viêm mũi dị ứng quanh năm
Viêm mũi dị ứng quanh năm có đặc điểm là khởi phát gần như quanh năm. Dị nguyên thường là những tác nhân có trong môi trường sống như lông chó mèo, côn trùng, mạt bụi…
So với viêm mũi dị ứng theo mùa, triệu chứng của viêm mũi dị ứng quanh năm không quá rõ rệt. Phổ biến nhất là hắt hơi, sổ mũi vào sáng sớm hoặc vào buổi tối khi nhiệt độ giảm thấp. Do bệnh khởi phát, tiến triển gần như quanh năm nên chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng đáng kể.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm mũi dị ứng là bệnh hô hấp có liên quan đến phản ứng dị ứng với các dị nguyên từ môi trường như phấn hoa, mạt bụi, bào tử nấm mốc,... Phản ứng viêm niêm mạc mũi được xác định là loại dị ứng qua trung gian của kháng thể IgE và có vai trò quan trọng của histamin.
Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra viêm mũi dị ứng. Trong đó, nguyên nhân gốc rễ được xác định là do cơ địa mẫn cảm. Chính yếu tố này khiến cho cơ thể phản ứng quá mức với các chất gây dị ứng bên trong không khí.
Các nguyên nhân, yếu tố gây viêm mũi dị ứng:
- Cơ địa mẫn cảm: Cơ địa mẫn cảm là nguyên nhân gây ra viêm mũi dị ứng và các vấn đề sức khỏe có liên quan đến phản ứng dị ứng như hen suyễn, chàm, nổi mề đay, viêm xoang… Cơ địa mẫn cảm thường do di truyền và do ảnh hưởng của một số gen.
- Tiếp xúc với dị nguyên: Triệu chứng của viêm mũi dị ứng sẽ bùng phát sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như mạt bụi, phấn hoa, lông chó mèo, hóa chất có trong không khí,... Mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau với các tác nhân nên đôi khi viêm mũi dị ứng có thể xảy ra do một số dị nguyên khác.
- Phản ứng dị ứng toàn thân: Không chỉ riêng dị nguyên trong không khí, viêm mũi dị ứng cũng có thể bùng phát do phản ứng dị ứng toàn thân như dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn,... Phản ứng này kích hoạt phản ứng viêm niêm mạc mũi dẫn đến một loạt các triệu chứng viêm mũi dị ứng.
- Các yếu tố khác: Khi có những yếu tố thuận lợi như rối loạn nội tiết, stress, suy nhược, mang thai, sau khi sinh,... viêm mũi dị ứng và các bệnh cơ địa rất dễ bùng phát. Đây đều là những yếu tố khiến cho hệ miễn dịch trở nên nhạy cảm hơn, dẫn đến phản ứng quá mức với các tác nhân có trong không khí.
Dị ứng là phản ứng thái quá của cơ thể với các tác nhân bên ngoài. Tuy nhiên, hiện tượng này không phải xảy ra với tất cả mọi người mà phụ thuộc vào cơ địa, di truyền. Đa phần, những người bị viêm mũi dị ứng đều có cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc chứng bệnh này.
Triệu chứng và chẩn đoán
Viêm mũi dị ứng gây phù nề niêm mạc mũi kéo theo một loạt các triệu chứng hô hấp. Mức độ triệu chứng phụ thuộc vào thể trạng và cơ địa của từng người.
Các triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng:
- Hắt hơi liên tục, đặc biệt có xu hướng nhảy mũi từng cơn khi tiếp xúc với dị nguyên
- Ngứa mũi, đôi khi đi kèm với ngứa mắt và ngứa tai
- Nghẹt mũi hai bên hoặc một bên
- Chảy nước mũi màu trong suốt (trường hợp bội nhiễm sẽ chuyển sang màu vàng đục)
Viêm mũi dị ứng gây ra triệu chứng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, hắt hơi, ngứa mũi xảy ra liên tục có thể gây ra nhiều phiền toái khi sinh hoạt, học tập, làm việc. Thậm chí, nhiều người bị mất ngủ, khó ngủ do hắt hơi liên tục.
Ngoài các triệu chứng điển hình, viêm mũi dị ứng còn có thể gây ra một số triệu chứng phụ như:
- Khịt mũi, ho, hắng giọng
- Chảy dịch mũi sau
- Nghẹt mũi dai dẳng dẫn đến tình trạng thở bằng miệng gây khô miệng và gia tăng các vấn đề hô hấp
- Mắt sưng đỏ, quầng thâm
- Xung quanh mũi bị đỏ, bong tróc do ngứa, xì mũi thường xuyên
Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng có thể xuất hiện theo mùa hoặc tiến triển dai dẳng quanh năm. Triệu chứng xảy ra liên tục có thể khiến người bệnh mệt mỏi, lờ đờ, thiếu tập trung.
Chẩn đoán viêm mũi dị ứng được thực hiện thông qua khám lâm sàng và khai thác tiền sử. Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số kỹ thuật như test kích thích, test lẩy da & dị ứng, định lượng IgE đặc hiệu.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm mũi dị ứng không quá nguy hiểm như các bệnh hô hấp do nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, tình trạng hắt hơi, ngứa mũi, ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi,... xảy ra thường xuyên sẽ kéo theo nhiều vấn đề. Tai - mũi - họng là các cơ quan nằm liền kề nhau nên vấn đề ở mũi sẽ là điều kiện để gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ở tai và họng.
Ảnh hưởng đầu tiên của viêm mũi dị ứng là gây ra phiền toái, cản trở trong cuộc sống. Hắt hơi, chảy nước mũi liên tục,... làm giảm sự tập trung khi học tập, làm việc, giấc ngủ bị ảnh hưởng. Một số người có xu hướng thở bằng miệng do nghẹt mũi, từ đó gia tăng nguy cơ viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản,...
Niêm mạc mũi bị phù nề trong một thời gian dài cũng tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển gây bội nhiễm, viêm tai giữa, viêm xoang,... Với những người bị viêm mũi dị ứng lâu năm, niêm mạc có thể phát triển quá sản gây polyp mũi, buộc phải can thiệp phẫu thuật.
Trong một số trường hợp, viêm mũi dị ứng gây đỏ, ngứa và phù nề mắt. Ảnh hưởng đáng kể đến thị giác gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sinh hoạt và công việc, học tập. Như đã đề cập, viêm mũi dị ứng là bệnh cơ địa nên có liên quan đến các bệnh lý có cơ chế tương tự như nổi mề đay, viêm da cơ địa, viêm xoang và hen suyễn. Nguy cơ hen ở người bị viêm mũi dị ứng cao hơn 3 lần bình thường.
Nhìn chung, viêm mũi dị ứng dù không nguy hiểm nhưng vẫn cần được điều trị và kiểm soát để phòng tránh biến chứng. Do bệnh liên quan đến cơ địa mẫn cảm nên nguy cơ tái phát là rất cao. Ngoài điều trị, chủ động phòng ngừa cũng là việc làm cần thiết để quản lý bệnh hiệu quả.
Điều trị
Viêm mũi dị ứng rất khó có thể điều trị dứt điểm vì liên quan đến yếu tố cơ địa. Một số trường hợp chỉ bùng phát bệnh vài đợt sau đó biến mất hoàn toàn, tuy nhiên cũng có nhiều người phải sống chung với bệnh suốt đời.
Có khá nhiều phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng, trong đó phổ biến nhất là các phương pháp sau:
Dùng thuốc tại chỗ
Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng xảy ra khi niêm mạc mũi bị phù nề và tăng tiết dịch hô hấp. Sử dụng các loại thuốc tại chỗ có thể làm giảm phản ứng viêm, qua đó cải thiện các triệu chứng đáng kể.
Những loại thuốc tại chỗ được dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm:
- Thuốc kháng histamin H1 dạng xịt (Azelastine)
- Thuốc chống co mạch giúp thông mũi (Oxymetazolin, Phenylephrine…)
- Thuốc xịt mũi chống viêm chứa corticoid (Budesonide, Mometasone, Fluticasone)
- Thuốc kháng cholinergic (Ipratropium)
- Thuốc bảo vệ dưỡng bào (Cromolyn)
Dù là được dùng tại chỗ nhưng các loại thuốc này vẫn có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng nếu lạm dụng. Thuốc cần được dùng đúng liều theo chỉ định của bác sĩ/ dược sĩ.
Sử dụng thuốc uống
Trường hợp nặng hơn sẽ được cân nhắc dùng thuốc uống. Loại thuốc thông dụng nhất là thuốc kháng histamin H1, trường hợp không có đáp ứng sẽ được cân nhắc những loại thuốc khác.
Các loại thuốc uống dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm:
- Thuốc kháng histamin H1 đường uống (Desloratadine, Cetirizin, Fexofenadine)
- Corticoid đường uống chỉ dùng ngắn ngày, trong các đợt cấp (Methylprednisolone, Prednisone)
- Thuốc kháng leukotriene (Montelukast)
Vệ sinh mũi họng
Các dị nguyên gây viêm mũi dị ứng thường là tác nhân có trong không khí. Do đó, cần vệ sinh mũi họng thường xuyên để làm sạch dị nguyên bên trong niêm mạc đường hô hấp. Bên cạnh đó, dung dịch vụ vệ sinh mũi họng còn giúp làm ẩm niêm mạc mũi, họng, giảm cảm giác ngứa và đau rát.
Có thể vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý hoặc các dạng chai xịt chứa nước biển sâu. Với cổ họng, có thể ngậm và súc miệng bằng nước muối pha loãng để sát khuẩn, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
HỮU ÍCH: Dùng Máy Chữa Viêm Mũi Dị Ứng Có Tốt Không? Giải Đáp Chi Tiết
Tránh tiếp xúc dị nguyên
Dị nguyên là yếu tố trực tiếp kích hoạt viêm mũi dị ứng bùng phát. Các loại dị nguyên cần tránh là bụi nhà, con mạt, phấn hoa, lông chó mèo, hóa chất, nấm mốc,... Những dị nguyên này thường có kích thước nhỏ nên có thể hạn chế tiếp xúc bằng cách:
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên
- Có thể dùng máy lọc không khí để lại bỏ dị nguyên trong không khí
- Hạn chế dùng thuốc, các loại thực phẩm, mỹ phẩm… có tiền sử dị ứng
Hạn chế tiếp xúc với dị nguyên là biện pháp hữu hiệu nhất giúp giảm triệu chứng và phòng ngừa viêm mũi dị ứng tái phát. Thay vì lạm dụng thuốc, nên kết hợp thêm những biện pháp kể trên để cải thiện bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giải mẫn cảm đặc hiệu
Trường hợp viêm mũi dị ứng nặng, tiến triển dai dẳng, liệu pháp miễn dịch (giải mẫn cảm đặc hiệu) sẽ được cân nhắc. Sau khi điều trị bằng thuốc và tránh tiếp xúc với dị nguyên thất bại, bác sĩ sẽ xác định dị nguyên của từng bệnh nhân bằng cách test thử.
Khi đã biết chính xác loại dị nguyên nào, bác sĩ sẽ giải mẫn cảm bằng cách tiêm dị nguyên vào da hoặc nhỏ dị nguyên dưới lưỡi. Nồng độ dị nguyên sẽ được tăng dần để cơ thể thích nghi và không còn phản ứng quá mức với tác nhân đó.
Liệu pháp miễn dịch cho hiệu quả cao lên đến 80-90%. Tuy nhiên, để tránh phản ứng dị ứng nặng, bác sĩ buộc phải tăng nồng độ từ từ. Vì thế, thời gian điều trị có thể kéo dài từ 4 - 5 năm và triệu chứng chỉ bắt đầu cải thiện sau khoảng 6 - 12 tháng.
Phòng ngừa
Viêm mũi dị ứng là bệnh mãn tính, dễ tái phát. Sau khi kiểm soát triệu chứng, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với phấn hoa, hóa chất, không sử dụng thuốc và thực phẩm gây dị ứng,...
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, có thể sử dụng thiết bị lọc không khí nếu chất lượng không khí xấu.
- Trường hợp bị vẹo vách ngăn mũi, nên phẫu thuật sớm để tránh tái phát viêm mũi dị ứng và các bệnh hô hấp khác.
- Nâng cao sức đề kháng bằng chế độ ăn hợp lý, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc. Hạn chế stress, luôn giữ tinh thần thoải mái cũng là cách phòng bệnh hiệu quả.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Viêm mũi dị ứng có chữa khỏi được không?
2. Bị viêm mũi dị ứng nên ăn gì, kiêng gì để cải thiện bệnh?
3. Viêm mũi dị ứng có nguy hiểm không? Có lây không?
4. Viêm mũi dị ứng có nên đi bơi?
5. Viêm mũi dị ứng có sốt không? Có gây chảy máu mũi không?
6. Bị viêm mũi dị ứng khi mang thai, cho con bú cần phải làm sao?
7. Dùng thuốc có điều trị viêm mũi dị ứng hoàn toàn được hay không?
8. Bị viêm mũi dị ứng có cần uống kháng sinh?
9. Viêm mũi dị ứng có chích ngừa Covid được không?
Viêm mũi dị ứng là bệnh hô hấp thường gặp, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Dù không quá nguy hiểm nhưng bệnh lý này có tính chất dai dẳng, mãn tính, gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Trang bị kiến thức sẽ giúp bạn chủ động điều trị, phòng ngừa để quản lý bệnh hiệu quả.
Gợi ý:
- 4 Món ăn chữa viêm mũi dị ứng cực hay lại vô cùng dễ làm
- Dùng gừng tươi chữa viêm mũi dị ứng đơn giản lại rẻ tiền