Bệnh Papilome thanh quản
Bệnh Papilome thanh quản do virus gây ra, trong đó hai tuýp chính là HPV 6 và HPV 11. Người mắc bệnh gặp phải triệu chứng điển hình là khàn tiếng do không khí bị cản trở lưu thông bởi các u nhú bên trong thanh quản. Đây là một dạng tổn thương lành tính, tuy nhiên người bệnh cần thăm khám để theo dõi phòng rủi ro biến chứng.
Tổng quan
Bệnh Papilome thanh quản hay còn gọi là bệnh u nhú thanh quản, bệnh được xếp vào nhóm các u nhú lành tính bên trong thanh quản, khí quản. Mỗi bệnh nhân sẽ có các diễn biến lâm sàng khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ phát triển của khối u.
Nguyên nhân gây hình thành u nhú thanh quản liên quan đến chủng virus HPV ở người. Đặc biệt là loại HPV 6 và HPV 11, các tế bào vảy sản sinh quá mức tạo ra các khối sùi nổi lên bề mặt thanh quản, khí quản.
Mặc dù biết đến là bệnh lành tính, tuy nhiên bệnh nhân không thể chủ quan. Trường hợp virus tấn công lan rộng có thể khiến khối u hình thành trên nhiều khu vực lân cận làm ảnh hưởng hoạt động của hệ hô hấp nghiêm trọng.
Phân loại
Bệnh Papilome thanh quản có thể xảy ra ở người lớn và trẻ em. Mỗi trường hợp khởi phát bệnh sẽ có triệu chứng khác nhau. Dưới đây là 2 dạng u thanh quản thường gặp:
- Papilome thanh quản ở trẻ em: Ở trẻ em khi soi thanh quản sẽ thấy các u nhú hình thành với hình dạng như trái dâu, có cuống và trải rộng. Khi tiến triển hơn chúng sẽ dần lan rộng xuống vùng hạ thanh môn, tiền đình thanh quản và ra các vị trí khác. Dây thanh quản lúc này vẫn sẽ di động bình thường, thông qua thăm khám tai mũi họng mới phát hiện.
- Papilome thanh quản ở người lớn: Đối với người lớn thông thường bệnh cảnh sẽ khác so với trẻ nhỏ. Các khối u thường chỉ là một khối duy nhất. Bệnh xảy ra ở người từ 40 tuổi và xuất hiện đa số ở nam giới hơn so với nữ giới. Các triệu chứng lâm sàng xuất hiện, thông qua nội soi thanh quản sẽ phát hiện những u nhú có màu trắng xám, màu hồng, chúng mọc ở trên dây thanh hoặc một số trường hợp nhô ra băng thanh thất.
Ngoài cách phân loại dựa trên độ tuổi, bệnh Papilome thanh quản còn được phân thành 2 loại tương ứng:
- Thể lành tính: Những khối u xuất hiện ở vùng thanh quản hoặc hạ thanh môn. Trường hợp trẻ em mắc bệnh đến tuổi dậy thì các u nhú tự động biến mất mà không cần điều trị.
- Thể xâm lấn: U nhú có khả năng lan rộng đến vùng khí quản, chúng có khả năng tiến triển thành dạng ác tính, lớn hơn về kích thước theo thời gian.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Như đã đề cập, bệnh Papilome thanh quản hay u thanh quản là một dạng u lành tính. Nguyên nhân hình thành là do sự tấn công của virus HPV ở người. Hai loại gây bệnh chính là HPV 6 và HPV 11. Ngoài gây tổn thương ở vùng thanh quản, khí quản, virus còn gây nhiều u nhú ở âm đạo, tử cung và các khu vực khác.
Virus HPV có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường tình dục. Bệnh Papilome mặc dù là u nhú lành tính tuy nhiên chúng có thể lan rộng, phát triển kích thước theo thời gian. Trên thực tế không phải trường hợp nào tiếp xúc với virus cũng hình thành u nhú.
Đối với trường hợp bị Papilome thanh quản, các yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạn đọc cần lưu ý:
- Bệnh có xu hướng xuất hiện ở trẻ em, liên quan đến việc nhiễm HPV ở người mẹ, trẻ sinh theo đường âm đạo có khả năng bị nhiễm phải virus từ người mẹ.
- Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, ăn uống thiếu chất khiến sức khỏe suy nhược tăng điều kiện cho các virus xâm nhập tấn công cơ thể.
- Khả năng miễn dịch kém, kháng thể tạo ra tấn công nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh.
- Người có thói quen hút thuốc lá, tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên.
Papilome thanh quản là các nốt u nhú tương tự như mụn cơm, mụn cóc, hình thành do nhiễm phải virus gây bệnh. Bệnh nhân khi phát hiện triệu chứng cơ thể bất thường cần chủ động thăm khám, xác định nguyên nhân để có biện pháp kiểm soát phù hợp.
Nhiều trường hợp không có biểu hiện lâm sàng dẫn đến việc phát hiện Papilome thanh quản muộn. Khi đó các u nhú có thể lan rộng, phát triển lớn về kích thước ảnh hưởng đến khả năng nói, hô hấp của bệnh nhân.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Papilome thanh quản hay u nhú thanh quản là các u sùi lành tính. Chúng hình thành do tác động của virus gây tăng sinh gai nhú của lớp biểu mô. Một số trường hợp hình thành u nhú do sự rối loạn nội tiết tố. Bất kỳ đối tượng nào cũng có khả năng mắc phải bệnh lý này.
Khi đó, người bệnh gặp các triệu chứng điển hình như:
- Cơn ho khan kéo dài không rõ nguyên nhân mặc dù đã sử dụng thuốc điều trị tuy nhiên không thấy thuyên giảm
- Người bệnh bị khó thở khi khối u nhú bắt đầu phát triển kích thước và số lượng. Chúng gây tắc nghẽn đường hô hấp, người bệnh trở nên thở khó và thở gấp.
- Giọng nói có sự thay đổi, người bệnh nói chuyện khó nghe, âm thanh nhỏ hơn, trở nên vô cảm,...
- Khàn giọng là một trong những triệu chứng điển hình bệnh nhân mắc Papilome thanh quản gặp phải. Lúc này giọng nói trở nên yếu hơn, không phát ra âm thanh được rõ ràng như trước.
- Một số trường hợp khác người bệnh có thể nghe thấy tiếng ồn khi nói, khi thở. Đây là giai đoạn u nhú phát triển ồ ạt gây tắt nghẽn đường hô hấp.
Các nốt sần thanh quản kích thước nhỏ hình thành, nếu không phát hiện, khi chúng gặp điều kiện thuận lợi sẽ ngày càng lan rộng, sản sinh nhiều u nhú hơn. Bề mặt thanh quản, khí quả trở nên sần sùi, trường hợp kéo dài, bệnh chuyển biến nặng có thể khiến niêm mạc thanh quản, khí quản rớm máu.
Mặc dù được xếp vào các dạng u nhú lành tính, thế nhưng ở một vài trường hợp bùng phát u nhú thanh quản ở người lớn, chúng có thể tiến triển sang dạng ác tính nếu gặp điều kiện thuận lợi. Trường hợp ở trẻ em ít chuyển biến xấu hơn, tuy nhiên người bệnh vẫn cần được theo dõi và điều trị y tế.
Chẩn đoán
Bệnh nhân khai báo triệu chứng với bác sĩ, sau đó thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh lý và điều trị sớm. Các biện pháp thăm khám cận lâm sàng bao gồm:
- Nội soi: Sử dụng ống mềm nội soi thanh quản cho bệnh nhân. Loại ống thường dùng như Fibroscope, Optique, Stroboscope,... Mục đích của việc nội soi giúp bác sĩ nhận diện tổn thương trong dây thanh quản, xác định vị trí u nhú nếu có.
- Xét nghiệm tìm HPV: Sử dụng biện pháp PCR tìm virus gây bệnh, đây là một thử nghiệm thực hiện khuếch đại chuỗi axit nucleic thành các bản sau giúp phát hiện virus kích thức siêu nhỏ. Thông qua biện pháp này, bác sĩ có thể nhận biết bệnh có liên quan đến virus hay không, đồng thời cũng biết được tuýp virus bệnh nhân đang gặp phải để có hướng điều trị phù hợp.
- Chụp X quang, CT cổ ngực: Đây cũng là biện pháp chẩn đoán được áp dụng phổ biến. Thông qua đó, bác sĩ có thể xác định được tình trạng u nhú đã lan rộng hay chưa để kịp thời ngăn chặn, phòng tránh biến chứng.
Ngoài các phương pháp chẩn đoán kể trên, bác sĩ còn chỉ định người bệnh thực hiện một vài kiểm tra nhằm phân biệt bệnh Papilloma với các u nhú thanh quản khác. Sau khi kết luận chẩn đoán, chỉ định điều trị bệnh bằng biện pháp phù hợp cho bệnh nhân.
Biến chứng và tiên lượng
U nhú thanh quản hay Papilloma thanh quản là khối u lành tính, không nguy hiểm trực tiếp đến tình mạng người bệnh. Tuy nhiên, khi chúng hình thành, chức năng của thanh quản trở nên suy yếu. Điều này dẫn đến việc giọng nói của người bệnh bị thay đổi, khàn đặc, khó thở và các biểu hiện khó chịu khác.
Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Bên cạnh đó, các u nhú cũng có khả năng xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào tại thanh quản. Một số bệnh nhân còn bị u nhú bộ phận sinh dục, u nhú trên các bộ phận cơ thể liên quan đến sự tấn công của virus HPV.
Papilloma thanh quản kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, đời sống của người bệnh. Mặc dù được xếp vào nhóm u nhú lành tính, tuy nhiên một số trường hợp người lớn mắc Papilloma có nguy cơ tiến triển thành ác tính.
Do đó, để giảm các phiền toái do u nhú thanh quản gây ra, bệnh nhân nên chủ động đến gặp bác sĩ nếu phát hiện cơ thể có các biểu hiện bất thường. Điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, kết hợp chăm sóc cơ thể điều trị u nhú thanh quản, phòng ngừa bệnh tái phát hoặc lan rộng.
Điều trị
Bệnh nhân được thăm khám và chỉ định biện pháp điều trị Papilloma. Mỗi trường hợp sẽ có phác đồ riêng, bệnh nhân nên tuân thủ theo hướng dẫn, điều trị kết hợp chăm sóc tốt cơ thể để sớm đẩy lùi được chứng bệnh này.
Nguyên tắc điều trị bao gồm loại bỏ u nhú thanh quản tại chỗ, khắc phục tình trạng ngạt thở cho bệnh nhân, điều trị nội khoa để ngăn ngừa Papilloma lan rộng hoặc tái phát sau một thời gian. Trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp ngoại khoa kết hợp nội khoa.
Dưới đây là phác đồ điều trị cơ bản:
- Đối với trường hợp nhẹ:
Đa số các trường hợp u nhú thanh quản sẽ không thể hoàn toàn điều trị triệt để. Phẫu thuật ở giai đoạn nhẹ có thể giúp bệnh nhân loại bỏ u khỏi thanh quản, khai thông đường thở, giúp người bệnh lấy lại được giọng nói trong trẻo bình thường.
Các biện pháp can thiệp ngoại khoa truyền thống sẽ để lại sẹo sau điều trị, cho nên hiện nay phương pháp phẫu thuật bằng laser được áp dụng rộng rãi. Hai loại thường được dùng là laser carbon dioxide và laser kali titanyl phosphate.
Bác sĩ sử dụng Microdebrider, dùng lực hút giữ khối u lại sau đó cắt bỏ u nhú. Sau điều trị Papilloma vẫn có khả năng tái phát, bệnh nhân thường phải phẫu thuật nhiều lần. Tùy mỗi trường hợp bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh trở lại bệnh viện để tiếp tục thực hiện cắt Papilloma khi cần thiết.
- Đối với trường hợp nặng:
Khối u lúc này đã có sự tiến triển nặng hơn, điều trị bằng biện pháp laser có thể không mang lại hiệu quả tối ưu. Theo đó, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định người bệnh áp dụng biện pháp phẫu thuật cắt khí quản để tránh biến chứng trở nên nặng nề hơn.
Mở khí quản bằng cách rạch một đường ở cổ người bệnh, sau đó đưa ống thở vào bên trong, ống khí quản này sẽ giúp bệnh nhân tiếp nhận không khí thay vì hít thở bình thường bằng đường mũi, miệng. Sử dụng ống khí quản thay thế là biện pháp tạm thời.
Đối với bệnh nhân nặng, không thể loại bỏ ống khí quản sẽ phải sử dụng trong thời gian dài. Mục đích giúp đường thở được mở đưa không khí vào bên trong cơ thể. Khi sử dụng ống khí quản, bệnh nhân sẽ khó nói chuyện, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách sử dụng giọng nói trong quá trình đặt ống khí quản thông qua van nói hỗ trợ.
- Phương án điều trị không can thiệp ngoại khoa:
Ngoài hai biện pháp xâm lấn kể trên, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị Papilloma thanh quản thông qua sử dụng thuốc kháng virus. Trong đó, loại thường dùng là Interferon hay Cidofovir đường tiêm. Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của virus gây bệnh.
Mỗi trường hợp bệnh nhân sẽ được hướng dẫn điều trị bằng biện pháp tương ứng, đảm bảo an toàn và hiệu quả cao. Người bệnh nên chủ động đến bệnh viện kiểm tra, tuân thủ điều trị y tế nếu cơ thể nhận thấy các dấu hiệu bất thường.
Phòng ngừa
Bệnh Papilloma thanh quản xảy ra có liên quan để chủng virus HPV. Chính vì thế, để phòng bệnh bạn nên chủ động tiêm ngừa sớm. Hiện nay trên thị trường đã có vắc xin phòng nhiễm virus HPV là Gardasil. Bạn nên tiêm phòng sớm để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Vắc xin có khả năng phòng ngừa các chùng virus HPV gây bệnh u nhú cơ thể, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục,... Tuy nhiên cho đến nay phương pháp này không mang tính phòng bệnh tuyệt đối. Bên cạnh tiêm phòng, bạn đừng quên một số lưu ý như sau:
- Đối với bà bầu, nên thăm khám định kỳ, xét nghiệm HPV để tránh tình trạng sinh con đường âm đạo làm lây nhiễm virus cho bé.
- Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên thăm khám, kiểm tra sức khỏe sinh sản. Nếu phát hiện nguy cơ nên điều trị dứt điểm các vấn đề phụ khoa để tránh gây ảnh hưởng đến quá trình mang thai và sinh nở.
- Trẻ em nên được theo dõi sức khỏe định kỳ, thăm khám khi trẻ có các biểu hiện khàn tiếng, khàn giọng. Hạn chế việc tùy tiện sử dụng thuốc cho trẻ nhỏ để tránh gây tác dụng phụ ảnh hưởng sự phát triển và sức khỏe của trẻ.
- Người lớn và trẻ nhỏ nên có lối sống khoa học và lành mạnh, ăn uống đủ chất, tập luyện vận động để cơ thể trao đổi chất tốt hơn. Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm bệnh.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi bị khàn giọng, khó thở có phải do Papilloma thanh quản không?
2. Triệu chứng bệnh Papilloma thanh quản là gì?
3. Nguyên nhân gây bệnh Papilloma thanh là gì?
4. Tôi cần làm các xét nghiệm gì để chẩn đoán Papilloma thanh quản?
5. Nếu tôi không điều trị u nhú thanh quản có tự khỏi không?
6. Tôi có sử dụng thuốc chữa Papilloma thanh quản không?
7. Khi nào tôi cần cắt Papilloma thanh quản?
8. Rủi ro tôi có thể gặp phải khi phẫu thuật Papilloma là gì?
9. Tôi cần làm gì trong thời gian điều trị Papilloma thanh quản để bệnh mau khỏi?
10. Chi phí điều trị bệnh Papilloma thanh quản là bao nhiêu?
Bệnh Papilloma thanh quản hay u nhú thanh quản thông thường là dạng lành tính. Tuy nhiên khi các u nhú tiến triển nặng hơn, bệnh nhân có thể gặp phải nhiều vấn đề ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe. Do đó, khi phát hiện bất thường bệnh nhân nên chủ động đến gặp bác sĩ. Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp điều trị phù hợp cho từng người bệnh.
Tham khảo thêm:
- Bệnh hẹp thanh quản: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách trị
- Hạt xơ dây thanh quản là gì? Chữa trị như thế nào?