Bệnh nấm ống tai ngoài

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Tai Mũi HọngGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Nấm ống tai ngoài có thể xảy ra với bất kỳ ai. Người bị nhiễm nấm thường có các triệu chứng như ngứa ngáy ống tai liên tục, xuất hiện tình trạng ù tai, đau tai,... Người bệnh cần thăm khám và điều trị diệt nấm để ngăn nguy cơ xảy ra các biến chứng không có lợi.

Tổng quan

Bệnh nấm tai ngoài (Otomycosis) là bệnh thường gặp, nhiều người mắc phải. Bệnh xảy ra do ống tai ngoài bị nhiễm vi nấm Aspergillus, nấm Candida Abicans,... Chúng lưu trú, phát triển bên trong ống tai gây ra triệu chứng ngứa ngáy khó chịu.

Nấm ống tai ngoài có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào

Những đối tượng dễ mắc bệnh là người không vệ sinh ống tai thường xuyên, sử dụng nguồn nước không đảm bảo và nhiều lý do khác. Nếu không điều trị, cơn ngứa ngáy kéo dài, trở nên dữ dội hơn có thể kéo theo nhiều vấn đề nguy hại khác cho sức khỏe và đời sống.

Các khu vực phát hiện số lượng bệnh nhân mắc nấm ống tai ngoài thường là vùng nhiệt đới nóng ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường. Mặc dù không nguy hiểm tính mạng, tuy nhiên các triệu chứng nấm ngứa trong ống tai khá khó chịu, cần khám và điều trị sớm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều vi nấm có thể lưu trú và gây ra tình trạng nấm ống tai ngoài. Trong đó, như đã đề cập 2 loại nấm gây bệnh thường gặp nhất là Aspergillus và Candida. Bất kỳ đối tượng nào cũng có khả năng mắc bệnh lý này, bởi nấm có khả năng phát triển nhanh nếu ống tai không được vệ sinh thường xuyên.

Những yếu tố tăng nguy cơ nhiễm nấm ống tai ngoài kể đến như:

  • Không thường xuyên vệ sinh tai sạch sẽ.
  • Người có nền ráy tai ẩm ướt vi khuẩn, nấm có điều kiện tấn công gây bệnh.
  • Nấm ống tai ngoài xảy ra phổ biến ở khu vực thời tiết nóng ẩm, nhiệt đới.
  • Người sử dụng thuốc kháng sinh tại chỗ, thuốc điều trị bệnh quá liều gặp tác dụng phụ gây tổn thương niêm mạc ống tại, tạo điều kiện cho hại khuẩn tấn công.
  • Người sống ở nơi bị ô nhiễm nguồn nước, sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.
  • Bơi trong bể bơi tập thể không vệ sinh thường xuyên dễ mắc bệnh ngoài da, trong đó có tình trạng nấm ống tai ngoài.
  • Người lấy ráy tai ở tiệm không đảm bảo, bị nhiễm nấm từ những khách hàng trước đó do dụng cụ lấy ráy không được vệ sinh đúng cách.
  • Bệnh nhân nữ bị nhiễm nấm Candida âm đạo có thể là nguồn lây nhiễm bệnh.

Ngoài các yếu tố trên, bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch có khả năng mắc bệnh cao. Người bị nhiễm vi nấm sẽ cảm nhận các cơn ngứa ngáy vô cùng khó chịu khi nấm tấn công. Do đó, cần thăm khám, xác định nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Người bị nấm ống tai ngoài không gặp nguy hiểm đe dọa an toàn tính mạng. Tuy nhiên triệu chứng của bệnh khá khó chịu làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trường hợp viêm ngứa kéo dài có thể phát sinh biến chứng, bệnh nhân không thể chủ quan.

Nấm phát triển trong ống tai gây ngứa ngáy, đôi khi đau nhức, ù tai

Những triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Ngứa ngáy tai liên tục là biểu hiện điển hình của tình trạng nhiễm nấm ống tai ngoài. Tùy mức độ nấm phát triển, cơn ngứa ngáy có thể ở trạng thái nhẹ hay nặng nề. Bệnh nhân ngứa ngáy liên tục dẫn đến việc cào gãi, ngoáy tai tăng rủi ro tổn thương ống tai ngoài. Điều này vô tình tạo điều kiện cho vi nấm tấn công sâu và phát triển thuận lợi hơn.
  • Nấm ống tai khi phát triển nhanh, lan rộng có thể gây cản trở luồng âm thanh vào tai. Chính vì thế nhiều trường hợp bệnh nhân bị nấm ống tai bị ù tai, giảm thính giác.
  • Bệnh nhân có cảm giác đau tai âm ỉ kèm theo cơn ngứa ngáy khó chịu. Triệu chứng này càng rõ nét hơn khi người bệnh ngáp hoặc ăn uống nhai thức ăn. Quan sát quanh ống tai ngoài, vành tai bị đỏ bất thường.
  • Trường hợp nặng người bệnh còn nhận thấy bên trong tai có chất dịch lạ tiết ra, chúng có màu sắc vàng nâu, trắng, đôi khi ghỉ bẩn chảy ra ngoài.

Bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ nếu phát hiện ống tai có các dấu hiệu bất thường trên. Tùy tình hình nấm ống tai ngoài, bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc hoặc các biện pháp can thiệp khác. Không nên chủ quan bởi nấm ống tai ngoài tiến triển nhanh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng cho đời sống bệnh nhân.

Chẩn đoán

Người bệnh khi đến bệnh viện thăm khám cần khai báo các triệu chứng đang gặp phải một cách trung thực. Bên cạnh đó, nên thông tin đến bác sĩ các thuốc đang sử dụng, nơi ở, môi trường sống và các vấn đề liên quan để góp phần giúp việc chẩn đoán hiệu quả hơn.

Tiến hành nội soi ống tai ngoài để xác định nguyên nhân gây ra các cơn ngứa ngáy khó chịu cho người bệnh. Hình ảnh nội soi ống tai phát hiện tình trạng sưng, có dịch mủ bệnh trong, tìm thấy các sợi tơ nấm, mảng nấm.

Bệnh nhân sẽ được chỉ định biện pháp điều trị theo tình trạng sức khỏe. Đa số các trường hợp nấm tai có thể khỏi khi điều trị bằng thuốc bôi hoặc uống. Những trường hợp nặng hơn, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phác đồ phù hợp, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Biến chứng và tiên lượng

Như đã đề cập, tình trạng bệnh nấm ống tai ngoài thường không gây nguy hiểm tính mạng người bệnh. Mặc dù vậy, đa số các ca nhiễm nấm đều bị ngứa ngáy khó chịu, trong đó nấm ống tai ngoài cũng không tránh khỏi các cơn ngứa ngáy.

Điều này sẽ gây ra không ít ảnh hưởng đời sống người bệnh. Đồng thời nấm phát triển nhanh có thể làm thu hẹp ống tai gây khó nghe, suy giảm giảm thánh giác nặng. Bên cạnh đó, đối với các đối tượng bị nấm ống tai ngoài sau khi mắc HIV, tiểu đường,... các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Bệnh có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng chức năng nghe

Chẳng hạn như nguy cơ thủng màng nhỉ, hoại tử xương chũm, lãng tai hoặc điếc, viêm màng não,... Do đó bạn đọc không nên chủ quan đối với chứng bệnh này. Vi nấm một khi phát triển mạnh mẽ có thể gây ra nhiều hệ lụy đến đời sống và sức khỏe của bệnh nhân, cần được thăm khám và điều trị sớm.

Điều trị

Đa số các triệu chứng bệnh nấm ống tai ngoài có thể kiểm soát bằng thuốc. Mỗi trường hợp sẽ có phác đồ điều trị riêng. Người bệnh nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên lạm dụng hoặc sử dụng thuốc bừa bãi. Các loại như:

  • Thuốc bôi trị nấm ống tai ngoài: Sử dụng thuốc bôi dạng kem hoặc thuốc mỡ bôi lên vị trí bị nấm ống tai nhằm tiêu diệt vi nấm gây hại. Trong đó Terbinafine được dùng phổ biến. Thuốc có công dụng diệt nấm tại chỗ, tác dụng nhanh chóng. Không sử dụng thuốc cho đối tượng bị dị ứng hoặc da đang có tổn thương. Liều dùng mỗi người được bác sĩ chỉ định phù hợp, bôi lên vùng da nấm, không để thuốc dính vào vùng mắt.
  • Thuốc nhỏ trị nấm ống tai ngoài: Bên cạnh thuốc bôi, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc dạng nhỏ để loại bỏ vi nấm sâu bên trong. Thuốc chứa các hoạt chất ức chế hoạt động của vi nấm. Các loại như Clotrimazole, Fluconazole, Axit Axetic. Dùng nhỏ trực tiếp vào tai, liều lượng và cách sử dụng tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thuốc uống trị nấm ống tai ngoài: Ngoài dùng thuốc dạng bôi, thuốc nhỏ ống tai, bệnh nhân có thể được bác sĩ kê đơn dùng kết hợp thuốc dạng uống. Thuốc có tác dụng bên trong, loại bỏ hoàn toàn các vi nấm đang tấn công cơ thể. Những loại thường dùng bao gồm Itraconazole, Acetaminophen, thuốc chống viêm,... Dùng thuốc theo hướng dẫn, không dùng tùy tiện tránh tác dụng phụ.

Bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân bị nấm ống tai ngoài có thể được chỉ định thực hiện các tiểu phẩu nhằm loại bỏ nấm ống tai phát triển bên trong. Chỉ định cho nhóm bệnh nhân có nấm ống tai nặng, xuất hiện tình trạng hoại tử,...

Phương pháp can thiệp ngoại khoa có tác dụng tại chỗ, nhanh chóng xử lý các vấn đề người bệnh gặp phải. Tuy nhiên biện pháp này cũng tiềm ẩn các ưu và nhược điểm riêng. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có biện pháp điều trị hợp lý và hiệu quả nhất.

Phòng ngừa

Bệnh nấm ống tai mặc dù không nguy hiểm tính mạng người bệnh nhưng gây ra không ít vấn đề ảnh hưởng đời sống, sức khỏe. Đặc biệt là cơn ngứa ngáy khó chịu gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, kèm theo tình trạng đau và các rủi ro biến chứng khác.

Chăm sóc tai phòng ngừa nguy cơ nhiễm nấm gây hại

Do đó, mỗi người nên chủ động phòng tránh nấm ống tai ngoài. Một số lưu ý như sau:

  • Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, giữ vệ sinh ống tai ngoài, làm vệ sinh bằng dụng cụ chuyên dụng, được khử trùng sạch sẽ.
  • Không sử dụng chung đồ ngoáy lỗ tay, dụng cụ làm sạch ráy tai với người khác. Đặc biệt trường hợp đến tiệm lấy ráy tai phải chọn nơi uy tín, chất lượng, đảm bảo các dụng cụ đã được khử khuẩn sạch sẽ tránh trường hợp lây vi nấm chéo.
  • Điều trị các vấn đề về tai từ sớm, không chần chừ để tránh nguy cơ viêm tai và các trường hợp khác làm suy giảm chức năng tai, tăng nguy cơ bị nấm ống tai ngoài.
  • Sau khi tắm nhớ lau khô tai, lựa chọn hồ bơi sạch sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh ngoài da và bệnh nấm tai. Tránh để trầy niêm mạc trong tai.
  • Kiểm tra các dấu hiệu bất thường trên cơ thể thường xuyên, chủ động thăm khám y tế và điều trị để phòng ngừa các rủi ro ảnh hưởng đời sống và sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh nấm ống tai ngoài là gì?

2. Tôi có thể nhận biết nấm ống tai ngoài qua triệu chứng nào?

3. Nguyên nhân gây nấm ống tai ngoài?

4. Bệnh nấm ống tai ngoài có lây không?

5. Bệnh nấm ống tai ngoài nguy hiểm như thế nào?

6. Nếu không điều trị nấm ống tai ngoài có tự khỏi không?

7. Sử dụng thuốc bôi nấm ống tai ngoài có khỏi hoàn toàn không?

8. Sử dụng thuốc trong bao lâu có hiệu quả?

9. Tôi cần làm gì để tránh lây nhiễm nấm ống tai ngoài cho người thân?

10. Trường hợp nào tôi cần can thiệp ngoại khoa?

Bệnh nấm ống tai ngoài gây ra các cơn ngứa ngáy khó chịu. Bệnh nhân thường không bị nguy hại tính mạng khi nhiễm vi nấm ống tai, tuy nhiên lại gặp không ít vấn đề làm ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống, sức khỏe. Do đó, khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, bạn đọc nên thăm khám sớm phòng ngừa rủi ro.