Viêm xoang cấp tính là gì? Nguy hiểm không? Cách điều trị
Viêm xoang cấp tính là bệnh lý chỉ tình trạng nhiễm trùng, sưng viêm, tăng nghẽn trong xoang. Các triệu chứng bệnh thường kéo dài không quá 4 tuần. Tuy nhiên, việc điều trị viêm xoang cấp nếu chậm trễ hoặc không đúng cách có thể khiến người bệnh phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Viêm xoang cấp là gì?
Viêm xoang cấp là một trong các thể thường gặp của viêm xoang. Bệnh lý này xảy ra khi có hiện tượng viêm nhiễm, phù nề ảnh hưởng đến một hay nhiều xoang cạnh mũi. Bất cứ ai cũng có thể mắc căn bệnh này, đặc biệt là các trường hợp có cơ địa dị ứng, thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn hoặc có vấn đề bất thường ở mũi xoang.
Khi bị viêm xoang cấp, người bệnh thường bị nghẹt mũi kéo dài dẫn đến khó thở, đau đầu, đau nhức mặt, sốt hoặc chảy nhiều dịch mũi đặc… Các triệu chứng trên có thể kéo dài trong 4 tuần trở lại. Bệnh nếu không được kiểm soát tốt có thể tiến triển qua giai đoạn bán cấp tính ( từ 4 đến 12 tuần) hoặc mãn tính ( từ 12 tuần trở lên) cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
→Xem thêm: Top 7+ thuốc xịt mũi trị viêm xoang tốt nhất và cách sử dụng
Nguyên nhân gây viêm xoang cấp
Nguyên nhân gây viêm xoang cấp khá đa dạng. Sự khởi phát của căn bệnh này có liên quan đến nhiều yếu tố như môi trường sống, tình trạng sức khỏe, chấn thương mũi hay điều kiện thời tiết…
Dưới đây là các “thủ phạm” gây bệnh viêm xoang cấp thường gặp:
- Nhiễm virus: Nhiễm trùng virus là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh viêm xoang cấp. Căn bệnh này có thể khởi phát sau khi bị nhiễm virus cảm cúm, cảm lạnh hoặc nhiều chủng virus khác.
- Vi khuẩn: Tác nhân gây bệnh này có thể tấn công vào khoang mũi và gây ra một đợt viêm xoang cấp tính ở những cá nhân có thói quen ngoáy mũi hoặc vệ sinh mũi không đúng cách.
- Nhiễm trùng nấm: Khi xét nghiệm dịch mũi của một số bệnh nhân bị viêm xoang giai đoạn cấp tính, các bác sĩ chuyên khoa cũng tìm thấy sự hiện diện của nấm.
- Do ảnh hưởng của các bệnh lý về răng miệng: Khi bị sâu răng, viêm lợi hay áp xe nướu,… vi khuẩn có thể tấn công lên các xoang cạnh hàm gây nhiễm trùng xoang cấp.
- Các bất thường trong cấu trúc mũi: Khi bị lệch, vẹo vách ngăn mũi quá trình dẫn lưu dịch tiết trong xoang sẽ bị cản trở. Tình trạng này kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Viêm xoang cấp do dị ứng: Tình trạng dị ứng có thể xảy ra khi bạn tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc lá, phấn hoa, lông thú nuôi trong nhà. Phản ứng này sẽ kích hoạt phản ứng viêm ở một hay nhiều xoang.
- Các bệnh ở xoang mũi: Viêm xoang cấp có thể khởi phát sau khi mắc các bệnh lý như polyp mũi xoang, u mũi hay viêm mũi dị ứng.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xoang cấp
Bên cạnh các nguyên nhân trên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xoang cấp hoặc khiến bệnh thêm trầm trọng. Bao gồm:
- Môi trường sống và làm việc bị ô nhiễm, nhiều khói bụi, khí thải công nghiệp hay hóa chất độc hại.
- Nghiện hút thuốc lá hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc
- Thời tiết lạnh, thay đổi thời tiết quá đột ngột hoặc không khí khô hanh khiến niêm mạc xoang bị mất nước và tiết dịch nhiều hơn, từ đó dễ dẫn đến viêm xoang cấp.
- Suy giảm khả năng miễn dịch khiến vi khuẩn virus hay nấm dễ dàng phát triển mạnh và tấn công vào trong xoang gây nhiễm trùng cấp.
- Chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu chất dinh dưỡng
- Các chấn thương ở xoang mũi hay vùng hàm mặt.
Một số trường hợp, bệnh viêm xoang cấp xảy ra với sự kết hợp của nhiều nguyên nhân cùng lúc. Điều này gây khó khăn cho công tác phòng ngừa và điều trị bệnh.
Triệu chứng viêm xoang cấp
Khi tiến triển mạnh, bệnh viêm xoang cấp có thể gây ra nhiều triệu chứng rõ ràng. Người bệnh thường có cảm giác đau nhức rõ ràng ở một vùng mặt chứa xoang bị viêm. Kèm theo đó là các triệu chứng sau:
- Tắc nghẹt mũi do dịch tiết trong xoang không thoát ra ngoài được. Tình trạng này dẫn đến khó thở, giảm khứu giác, mất khả năng ngửi mùi tạm thời.
- Hắt hơi sổ mũi. Dịch mũi thường đặc quánh, có màu vàng hoặc màu xanh lục. Hầu hết các trường hợp dịch mũi thoát ra ngoài theo cửa mũi. Tuy nhiên, một số người lại chảy dịch xuống mặt sau cổ họng nhiều hơn.
- Sốt do nhiễm trùng
- Đau hoặc nhạy cảm ở các vị trí quanh mắt, mũi hay trán, má. Tình trạng này tăng nặng hơn khi cúi thấp đầu xuống.
- Đau đầu, đau nhức ở hàm trên hoặc răng
- Tăng áp suất ở tai
- Giảm vị giác, mất cảm giác ngon miệng khi ăn
- Dịch mũi chảy xuống cổ họng có thể kích thích các cơn ho, nhất là vào ban đêm
- Cơ thể mệt mỏi
Khi nào bạn nên tới bệnh viện khám?
Bệnh viêm xoang cấp nếu không được điều trị sớm sẽ có khuynh hướng ngày càng tiến triển nặng hơn. Chính vì vậy, bạn nên đi khám bác sĩ ngay khi xuất hiện bất cứ triệu chứng nào nghi ngờ mắc bệnh, nhất là khi có các dấu hiệu sau:
- Sốt cao kéo dài dai dẳng
- Các dấu hiệu bệnh không cải thiện sau vài ngày
- Viêm xoang gây nghẹt mũi, khó thở, đau nhức nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như giấc ngủ
- Có tiền sử bị viêm xoang trước đây.
Bệnh viêm xoang cấp có nguy hiểm không?
Khi không được kiểm soát tốt, bệnh viêm xoang cấp có thể tiến triển thành viêm xoang mãn tính và gây ra nhiều biến chứng khác như:
- Nhiễm trùng hốc mắt
- Viêm màng não
- Áp xe ngoài màng cứng, áp xe não
- Tắc tĩnh mạch xoang hang
- Khối sưng phồng của Pott
Chẩn đoán viêm xoang cấp
Nhiều phương pháp được thực hiện để chẩn đoán bệnh viêm xoang cấp tính. Bao gồm:
– Thăm khám lâm sàng:
Bác sĩ ghi nhận các triệu chứng người bệnh đang gặp phải, kiểm tra tiền sử bệnh, môi trường sống, nghề nghiệp để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.
– Chẩn đoán hình ảnh:
- Nội soi mũi: Thông qua hình ảnh nội soi, bác sĩ sẽ trực tiếp quan sát được tình trạng tổn thương cũng như sự thay đổi bất thường trong cấu trúc xoang mũi, đồng thời xác định vị trí các xoang bị viêm.
- Chụp CT Scanner: Phim chụp CT có thể phản ánh chi tiết cấu trúc vùng xoang mũi.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này ít khi được chỉ định nhưng chụp MRI có thể giúp phát hiện các biến chứng hoặc phân biệt viêm xoang cấp với các bệnh lý khác như u mũi.
– Xét nghiệm máu:
Sự gia tăng của số lượng bạch cầu trong máu có thể cho thấy tình trạng nhiễm trùng trong xoang.
– Chẩn đoán phân biệt:
Bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng và một số kỹ thuật khác để chẩn đoán phân biệt viêm xoang cấp với một số bệnh lý khác có dấu hiệu tương tự. Chẳng hạn như:
- Cảm cúm
- Viêm mũi dị ứng hoặc viêm mũi do virus
- Khối u tân sinh trong xoang
- Đau nhức thái dương hàm
- Hội chứng đau nửa đầu…
Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân, vị trí xoang bị viêm và mức độ tổn thương trong xoang, từ đó xây dựng được phác đồ điều trị viêm xoang cấp phù hợp với mỗi bệnh nhân.
→Tham khảo ngay: 10 cách chữa viêm xoang bằng thuốc Nam, cây cỏ quanh nhà
Điều trị viêm xoang cấp tính
Bệnh viêm xoang cấp tính chủ yếu được điều trị bằng phương pháp nội khoa. Phẫu thuật có thể làm thay đổi cấu trúc xoang nên chỉ được thực hiện khi thật sự cần thiết.
Các phương pháp đang được lựa chọn để chữa viêm xoang cấp tính bao gồm:
1. Thuốc trị viêm xoang cấp
Thuốc điều trị viêm xoang cấp có thể được bào chế dưới dạng xịt, nhỏ mũi hay viên uống. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống nhiễm khuẩn hoặc một số thuốc khác để cải thiện triệu chứng cho bạn.
+ Thuốc kháng sinh
Phác đồ điều trị viêm xoang cấp bằng thuốc kháng sinh có thể được áp dụng trong thời gian từ 10 – 14 ngày đối với các trường hợp bị bệnh do vi khuẩn. Trường hợp bị nhiễm trùng xoang ở mức trung bình và không dùng thuốc kháng sinh trong thời gian gần, bác sĩ thường kê đơn các thuốc như:
- Amoxicillin/clavulanate
- Cefpodoxime
- Cefuroxime
- Cefdinir
Trường hợp có dùng thuốc kháng sinh trong thời gian gần, các thuốc quinolone đường hô hấp hay cillin/clavulanate và ceftriaxone thường được lựa chọn trong đợt điều trị tấn công. Bác sĩ cũng có thể kết hợp thuốc kháng sinh phổ rộng cho người lớn để tiêu diệt vi khuẩn gây viêm xoang cấp hiệu quả hơn.
+ Thuốc corticoid
Các loại thuốc corticoid ở dạng xịt như Fluticasone, Beclomethasone hay Mometasone có thể giúp cải thiện tình trạng viêm nhiễm trong xoang, giảm tắc nghẹt mũi.
Đôi khi, liệu pháp corticoid toàn thân ( ví dụ như Guaifenesin) có thể được áp dụng cho người bị viêm xoang cấp nặng. Thuốc có tác dụng chống viêm mạnh nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
+ Nước muối sinh lý:
Dùng nước muối sinh lý xịt nhỏ mũi nhiều lần trong ngày có thể giúp làm loãng chất nhầy trong xoang, tạo điều kiện để loại bỏ dịch nhầy ra ngoài một cách dễ dàng thông qua hoạt động xì mũi hay hút mũi.
Bên cạnh đó, nước muối còn phát huy công dụng sát trùng, làm sạch niêm mạc mũi xoang, giúp tổn thương viêm trong xoang nhanh lành.
+ Thuốc giảm đau:
Bao gồm:
- Aspirin
- Acetaminophen
- Tylenol
- Ibuprofen
- Motrin IB®…
Những loại thuốc trên có tác dụng hạ sốt, làm giảm triệu chứng đau liên quan đến bệnh viêm xoang. Tuy nhiên, thuốc Aspirin không được sử dụng cho trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là các trường hợp có tiền sử mắc bệnh thủy đậu hoặc bị cảm cúm.
+ Thuốc kháng histamin:
Loại thuốc này thường được chỉ định để điều trị viêm xoang cấp do dị ứng. Thuốc cũng giúp kiểm soát các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi cho bạn.
2. Phẫu thuật chữa viêm xoang cấp
Phẫu thuật xoang được chỉ định cho các đối tượng sau:
- Điều trị bằng nội khoa từ 4 – 6 tuần nhưng không có hiệu quả
- Viêm xoang cấp tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng đến chất lượng sống, sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh.
- Viêm xoang cấp gây biến chứng
- Sự phát triển của bệnh có liên quan đến tính trạng lệch, vẹo vách ngăn mũi, u mũi hay các chấn thương cần được phẫu thuật.
Có nhiều phương pháp phẫu thuật được lựa chọn để điều trị viêm xoang cấp tính, trong đó mổ nội soi thường được lựa chọn do ít xâm lấn, không làm mất nhiều máu và có thời gian phục hồi nhanh.
Chăm sóc bệnh nhân viêm xoang cấp
Khi bị viêm xoang cấp, bạn nên tuân thủ dùng thuốc theo đúng hướng dẫn trong đơn của bác sĩ, về liều lượng và thời gian dùng thuốc. Tránh tự ý thay đổi thuốc, ngưng uống hoặc tăng liều làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị và gây ra nhiều tác dụng phụ có hại. Ngoài ra, cần chú ý tái khám đúng hẹn khi hết thuốc và chăm sóc bản thân đúng cách để tình trạng nhiễm trùng trong xoang nhanh được chữa khỏi.
Cách chăm sóc bệnh nhân viêm xoang cấp tại nhà như sau:
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý ấm mỗi ngày ít nhất 2 – 3 lần theo hướng dẫn của bác sĩ
- Đánh răng, súc họng với nước muối pha loãng hàng ngày
- Không dùng tay ngoáy mũi hoặc chạm lên mũi miệng
- Uống nhiều nước ấm để làm loãng dịch nhầy trong mũi, cải thiện tình trạng nghẹt mũi
- Tăng cường ăn trái cây, rau xanh, các thực phẩm giàu vitamin C ( cam, chanh, chuối, cà chua,…) và các thực phẩm chứa chất giảm đau, chống viêm tự nhiên ( cá béo, gừng, húng quế,…) để cải thiện sức đề kháng và hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng bệnh.
- Nghỉ ngơi nhiều. Tránh lao động hay tập luyện thể thao quá sức trong những ngày bị bệnh.
- Không hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như bụi bẩn, hóa chất, phấn hoa…
- Mang khẩu trang để bảo vệ cho mũi khi ra ngoài đường hay khi đến những nơi có nhiều bụi bẩn.
Phòng ngừa viêm xoang cấp tính
Để ngăn ngừa viêm xoang cấp và giảm nguy cơ tái phát bệnh trong tương lai, bạn có thể áp dụng một số cách sau:
- Kiểm soát tốt và điều trị triệt để các vấn đề ở đường hô hấp trên, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng, viêm VA, viêm tai giữa hay viêm amidan…
- Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Sớm điều trị các bệnh lý nha chu nếu có
- Không hút thuốc lá hoặc uống nhiều bia rượu
- Tránh tiếp xúc với môi trường có nhiều khói bụi
- Vệ sinh mũi họng hàng ngày với nước muối sinh lý, nhất là sau khi từ ngoài trở về nhà
- Trong những ngày thời tiết lạnh cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng mũi xoang
- Lao động vừa sức, ngủ đủ giấc, tránh stress
- Tập thể dục hàng ngày kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể khi bị các tác nhân gây bệnh viêm xoang cấp tính tấn công.
Có thể bạn quan tâm
- 5 món ăn hỗ trợ trị viêm xoang hay lại vô cùng dễ làm
- Rượu tỏi chữa viêm xoang – Làm đúng cách mới hiệu quả
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!