Bệnh Lao xương

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG – Khoa Xương khớpGiám đốc Chuyên môn Phòng khám đa khoa Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Lao xương là một trong những dạng lao ngoài phổi hiếm gặp. Người mắc bệnh lý này phải đối mặt với các tổn thương nghiêm trọng ở hệ thống xương khớp, cột sống, thậm chí biến dạng xương, liệt cơ, rối loạn thần kinh, đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Các chọn lựa điều trị bệnh lao xương chủ yếu là thuốc kháng lao và phẫu thuật. 

Lao xương là tình trạng nhiễm trùng và tổn thương xương khớp, cột sống do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra

Tổng quan

Lao xương (Bone Tuberculosis) là bệnh lao ngoài phổi ảnh hưởng đến hệ thống xương khớp và cột sống. Bệnh do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, con đường lây truyền thường là qua máu nếu tiếp xúc với dịch tiết hoặc dịch mủ của người bệnh. Hoặc xảy ra sau lao phổi hoặc lây lan trực khuẩn lao từ hệ tiêu hóa.

Theo thống kê, chỉ có khoảng 3% ca mắc lao xương trong tổng số các trường hợp mắc bệnh lao. Trong đó, có khoảng 60 - 70% trường hợp là lao cột sống, sau đó là lao khớp háng và khớp gối. Một trong những dạng phổ biến của bệnh lao xương cột sống là bệnh Pott.

Phân loại

Bệnh lao xương, bao gồm cả lao cột sống được phân chia thành từng giai đoạn cụ thể dựa vào tiến triển bệnh. Bao gồm:

  • Viêm bao hoạt dịch: Gây ra triệu chứng co thắt cơ và đau nhức ban đêm;
  • Viêm khớp sớm: Gây đau nhức khớp, co thắt cơ đến mức ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày;
  • Viêm khớp muộn: Mức độ đau và co thắt cơ ngày càng tăng, gây suy giảm chức năng xương khớp, cột sống, giảm đến 75% phạm vi chuyển động.
  • Viêm khớp tiến triển trật khớp: Đây là giai đoạn nặng của lao xương, gây biến dạng các khớp liên quan dưới dạng bán trật khớp hoặc trật khớp, làm giảm nghiêm trọng phạm vi chuyển động.
  • Viêm khớp giai đoạn cuối: Đây cũng là giai đoạn nghiêm trọng nhất với các tổn thương lao xương ở dạng biến chứng, khớp không còn khả năng cử động do bị phá hỏng hoàn toàn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Nhiễm vi khuẩn lao người Mycobacterium Tuberculosis là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lao xương. Rất ít trường hợp mắc bệnh do nhiễm lao bò hoặc vi khuẩn kháng cồn kháng toan. Thông thường, sau khoảng 2 - 3 năm phơi nhiễm, các triệu chứng lao xương mới bùng phát hoặc xuất hiện sau đợt lao nội tạng, lao màng.

Trực khuẩn lao có thể tấn công đến khớp chủ yếu thông qua đường máu, hiếm khi gặp ở đường bạch huyết. Do hệ thống mạch máu phủ rộng ở giữa xương dài và đốt sống. Một số trường hợp chúng lây lan từ các ổ áp xe lạnh nằm ở vị trí cột sống thắt lưng cho đến khớp háng.

Người bị suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ cao mắc bệnh lao xương

So với các dạng bệnh lao khác, lao xương khá hiếm gặp. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây tỷ lệ mắc lao xương đang ngày càng tăng lên, tỷ lệ thuận với sự lây lan của bệnh AIDS, gây suy giảm miễn dịch nghiêm trọng bởi virus HIV.

Yếu tố nguy cơ

Ngoài nguyên nhân chính kể trên, bệnh lao xương cũng có thể xảy ra khi có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Chưa từng tiêm phòng vắc xin ngừa lao BCG, đặc biệt là trẻ em;
  • Phơi nhiễm với các nguồn lây lao thông qua tiếp xúc trực tiếp thường xuyên;
  • Tiền sử mắc bệnh lao phổi hoặc điều trị sơ nhiễm lao tại phổi/ ngoài phổi;
  • Tiền sử phẫu thuật cắt bỏ 2/3 dạ dày hoặc mắc một số bệnh lý có tính chất toàn thân như tiểu đường, huyết áp, viêm loét dạ dày - tá tràng;
  • Suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh còi xương, suy dinh dưỡng hoặc suy kiệt thể trạng quá mức;

Triệu chứng và chẩn đoán

Các triệu chứng bệnh lao xương thường có nhận biết và phát hiện sớm, gây khó khăn cho việc điều trị. Do Bệnh thường không gây đau nhức hay bất kỳ triệu chứng nào trong thời gian đầu. Tuy nhiên, khi đến giai đoạn nặng, bệnh sẽ bắt đầu biểu hiện thông qua các triệu chứng nặng hơn, bao gồm:

Bệnh nhân lao xương giai đoạn nặng thường bị đau lưng, cứng khớp dữ dội, viêm xương khớp, áp xe cột sống...

  • Đau nhức lưng dữ dội;
  • Cứng khớp;
  • Viêm khớp lưng;
  • Sưng các mô mềm, đau khi sờ vào;
  • Hạn chế đi lại, nhất là ở trẻ em;
  • Kèm theo các biểu hiện nghiêm trọng về thần kinh như:
    • Yếu cơ;
    • Viêm màng não;
    • Rợi loạn thần kinh;
    • Liệt tứ chi hoặc một số cơ quan cụ thể khác;
  • Nặng hơn là gây gù lưng hoặc biến dạng xương, cột sống;

Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh lao xương, trước tiên bác sĩ sẽ kiểm tra và đánh giá các triệu chứng do bệnh nhân cung cấp, kết hợp khám lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh cá nhân, gia đình, tiền sử tiếp xúc cộng đồng... để khoanh vùng và xác định đây là những dấu hiệu của một bệnh lý nhiễm trùng.

Xét nghiệm da lao tố Mantoux giúp xác định phản ứng dị ứng dấu hiệu nhiễm trùng lao xương

Để xác định chính xác tác nhân gây bệnh là trực khuẩn lao và làm tổn thương hệ thống xương khớp, bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Nuôi cấy vi khuẩn: Đa số các trường hợp mắc bệnh lao xương, có thể trước đó đã mắc bệnh lao phổi hoặc đang mắc lao phổi tiềm ẩn. Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu máu hoặc dịch đờm để làm xét nghiệm tìm kiếm sự hiện diện của trực khuẩn M.Tuberculosis.
  • Xét nghiệm dịch: Rút dịch bao quanh phổi để kiểm tra nhiễm trùng. Hoặc có thể xét nghiệm bằng dịch não tủy được lấy từ tủy sống. Cách này giúp chẩn đoán chính xác bệnh lao xương hoặc khớp.
  • Xét nghiệm da lao tố Mantoux: Được thực hiện bằng cách tiêm một lượng nhỏ lao tố tại vùng da ở cẳng tay và theo dõi trong vòng 48 - 72 giờ. Nếu phát hiện vùng da này sưng cứng, nổi gồ lên trên bề mặt da sẽ phải tiến hành đo kích thước vết sưng để đánh giá chẩn đoán bệnh.
  • Sinh thiết: Một số trường hợp có thể được yêu cầu làm sinh thiết, nhằm mục đích kiểm tra mẫu bệnh có dấu hiệu nhiễm trùng hay không.
  • Xét nghiệm miễn dịch: Sử dụng mẫu máu hoặc mẫu dịch của cơ thể để kiểm tra có sự hiện diện của các kháng thể chống lao hay không. Hoặc kiểm tra dấu hiệu của AIDS - yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển.
  • Thử nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR): Phương pháp này sử dụng một loại vật liệu di truyền của trực khuẩn Mycobacterium tiêm trực tiếp vào cơ thể nhằm phát hiện sự lây nhiễm.
  • Xét nghiệm phóng xạ: Trường hợp khi thăm khám đã có các biến dạng xương nghiêm trọng, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như X quang, CT scan, MRI để đánh giá mức độ tổn thương.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh lao xương tuy hiếm gặp nhưng lại là một trong những bệnh lý nhiễm trùng mạn tính nguy hiểm. Sự tàn phá hệ thống xương khớp, cột sống ngày càng tiến triển nặng, nhất là trong những trường hợp chủ quan không điều trị, con đường dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng càng nhanh hơn.

Trong giai đoạn nặng của lao xương, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Biến dạng xương;
  • Trẻ em bị lao xương có thể bị rút ngắn chân tay;
  • Liệt nửa người hoặc toàn thân;
  • Biến chứng thần kinh;

Lao xương nghiêm trọng có thể gây biến dạng xương, liệt vĩnh viễn và các biến chứng thần kinh

Khi phát hiện bệnh ở giai đoạn biến chứng, tổn thương hệ thống xương, khớp, cột sống thường tồn tại vĩnh viễn và gần như không thể phục hồi trở lại. Thậm chí, trong trường hợp nhiễm trùng nặng mạn tính kéo dài, nếu không điều trị có thể dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đánh giá tốt về mức độ tiên lượng của bệnh lao xương. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bằng thuốc kháng lao, kết hợp điều trị ngoại khoa xử lý biến chứng, đa số các trường hợp bệnh đều có thể phục hồi nhanh chóng. Bệnh nhân có thể quay trở về cuộc sống, sinh hoạt bình thường.

Điều trị

Mục đích điều trị bệnh lao xương là dùng thuốc kháng lao theo đúng phác đồ để loại bỏ vi khuẩn và kết hợp thực hiện các biện pháp nâng cao thể trạng.

Điều trị toàn thân

Bệnh lao xương được chỉ định áp dụng công thức điều trị bệnh lao chung theo Chương trình Chống lao Quốc gia là phác đồ II 2SRHZE/1RHEZ/5R3H3E3. Thời gian áp dụng từ 3 - 12 tháng, trong đó giai đoạn tấn công khoảng 3 - 5 tháng tùy theo mức độ, giai đoạn điều trị duy trì khoảng 10 - 12 tháng.

Điều trị lao xương bằng thuốc kháng lao kéo dài trong 3 - 12 tháng tùy theo phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định

Cụ thể các loại thuốc kháng lao này là:

  • Rifampicin (R);
  • Isoniazid (H);
  • Pyrazinamide (Z);
  • Ethambutol (E);
  • Streptomycin (S);

Người bệnh cần tuân thủ liều dùng và thời gian sử dụng thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất. Cụ thể như sau:

  • Uống 1 lần duy nhất trước bữa ăn sáng khoảng 30 phút. Sử dụng liên tục trong vòng 18 tháng;
  • Theo dõi phản ứng của cơ thể và phát hiện sớm các tác dụng phụ bất thường để xử lý kịp thời;

Một số trường hợp điều trị lao xương bằng thuốc kháng lao nhưng có các biểu hiện của lao kháng thuốc. Hãy thông báo ngay cho bác sĩ để điều chỉnh phác đồ điều trị. Những trường hợp này có thể được điều trị bằng thuốc kháng khuẩn fluoroquinolone. Tuy nhiên, cần chú ý tuân thủ liều dùng phù hợp, vì loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khó lường.

Ngoài thuốc kháng lao, bác sĩ cũng sẽ kê đơn sử dụng một số loại thuốc nhóm Corticoid nhằm mục đích chống viêm. Giảm nguy cơ mắc phải các biến chứng như viêm quanh tủy sống hoặc viêm cơ tim.

Điều trị tại chỗ

Đối với các tổn thương xương khớp, cột sống do lao, dù đã loại bỏ hết vi khuẩn bằng thuốc nhưng chức năng và khả năng vận động linh hoạt của khớp sẽ không thể tự phục hồi. Do đó, bạn cần áp dụng kết hợp một số biện pháp điều trị tại chỗ sau để cải thiện bệnh:

Phẫu thuật là phương pháp cần thiết nhằm xử lý các tổn thương xương khớp, cột sống do lao gây ra

  • Bất động vị trí tổn thương lao: Đây là biện pháp đơn giản nhất để giảm thiểu tối đa các kích thích cơ học và tăng khả năng chống lại sự nhiễm trùng lây lan. Trường hợp xương bị phá hủy nặng, bắt buộc phải thực hiện bất động dài hơn để tạo điều kiện cho quá trình dính khớp.
  • Thủ thuật dẫn lưu: Nếu có các tổn thương áp xe, tích tụ dịch mủ, sẽ tiến hành chích rạch tháo dẫn lưu sau khi điều trị nội khoa.
  • Phẫu thuật: Trường hợp lao xương tiến triển nặng, bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật để xử lý tổn thương. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định các phẫu thuật sau:
    • Phẫu thuật cắt bỏ: Nhằm làm sạch các mô nhiễm trùng, cắt bỏ các xương bị bào mòn. Sau đó, tiến hành đặt vít và các thanh kim loại để ổn định cột sống hoặc tiến hành nối các đốt sống lại với nhau.
    • Phẫu thuật ghép xương: Lấy mảnh xương từ một nơi khác trong cơ thể để ghép vào vị trí cột sống bị phá hủy, việc thay thế này nhằm duy trì chức năng cử động linh hoạt cho cơ thể.

Phòng ngừa

Bệnh lao xương gây ra những ảnh hưởng khó lường cho sức khỏe, khả năng vận động, thậm chí cả tính mạng. Do đó, các tổ chức y tế luôn khuyến cáo người dân luôn đề cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ sớm để giảm rủi ro mắc bệnh.

Sở hữu hệ thống miễn dịch khỏe mạnh là giải pháp tốt nhất giúp phòng ngừa bệnh lao xương

  • Phát hiện và điều trị tích cực các ổ nhiễm trùng ngoài da để giảm nguy cơ lây nhiễm trực khuẩn lao từ bên ngoài vào.
  • Tiêm phòng vắc xin BCG (Bacille Calmette-Guerin) phòng ngừa bệnh lao nói chung.
  • Chủ động thăm khám và điều trị sớm là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh lao.
  • Quản lý tốt các yếu tố về môi trường để giảm nguy cơ lây lan nhiễm trùng trực khuẩn lao trong không khí. Chẳng hạn như giữ vệ sinh tốt, đảm bảo không gian sinh hoạt nhiều ánh sáng tự nhiên, sử dụng máy lọc không khí, đeo khẩu trang...
  • Nâng cao miễn dịch, tăng cường sức đề kháng khỏe mạnh cũng là một trong những cách thức hiệu quả giúp phòng ngừa bệnh lao nói chung và lao xương nói riêng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Lý do tại sao chẩn đoán tôi mắc bệnh lao xương?

2. Bệnh lao xương có liên quan đến lao phổi không?

3. Mức độ bệnh lao xương của tôi có nghiêm trọng không?

4. Bệnh lao xương có lây không?

5. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán chính xác bệnh lao xương?

6. Phương pháp điều trị bệnh lao xương hiệu quả nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

7. Tôi phải áp dụng phác đồ kháng lao trong bao lâu mới khỏi bệnh?

8. Tôi mắc bệnh lao xương có cần phẫu thuật không?

9. Chế độ chăm sóc và phục hồi sức khỏe xương khớp dành cho trường hợp bệnh của tôi?

10. Chi phí điều trị lao xương có tốn kém không? Có sử dụng thẻ BHYT được không?

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị lao xương, từ trẻ em cho đến người lớn. Các chuyên gia cảnh báo mức độ nguy hiểm của vi khuẩn lao đối với sức khỏe, đặc biệt ở những người bị lao xương còn mất khả năng vận động linh hoạt, tàn phế suốt đời hoặc tử vong. Do đó, tuyệt đối không nên chủ quan trước những dấu hiệu bất thường, thay vào đó hãy chủ động thăm khám và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng khó lường.