Căng cơ

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Xương khớpGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Căng cơ xảy ra do nhiều nguyên nhân, có thể từ tác động bên ngoài đến các tổn thương bên trong cơ thể gây nên. Mặc dù tình trạng không nguy hiểm, tuy nhiên nếu bệnh nhân không xử lý đúng cách hiện tượng căng cơ có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đời sống, sức khỏe, khiến bệnh nhân vận động khó khăn.

Tổng quan

Căng cơ xuất hiện do sự kéo căng cơ bắp hơn bình thường khiến chúng bị rách, tổn thương cơ. Tình trạng này thường gặp ở những vận động viên, người tham gia thể dục, thi đấu thể thao thường xuyên. Không những thế, hiện tượng căng cơ bất thường cũng có thể xuất hiện với bất kỳ đối tượng nào.

Căng cơ
Căng cơ là tình trạng thường gặp ở vận động viên, những người lao động nặng, vận động liên tục,...

Các cơ liên quan đến tình trạng căng cứng thường xuyên, không được thư giãn dẫn đến cảm giác đau buốt khó chịu, cử động khó khăn. Những khu vực thường bị căng cơ phổ biến bao gồm thắt lưng, cổ, vai, chân tay. Mặc dù không quá nguy hiểm, tuy nhiên căng cơ nặng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đời sống hàng ngày, sức khỏe của bệnh nhân.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tình trạng căng cơ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các yếu tố trong và ngoài cơ thể. Theo đó, có nhiều trường hợp căng cơ do hoạt động, tập luyện quá sức, căng cơ do ảnh hưởng bởi một số bệnh lý, vấn đề bên trong. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ cao:

  • Tâm lý căng thẳng, lo âu khiến cơ thể gặp nhiều thay đổi bất thường, trong đó có hiện tượng căng cơ. Đây được xem là một trong những nguyên nhân gây căng cơ phổ biến hiện nay. Não bộ dẫn truyền tín hiệu thần kinh đến cơ bắp khiến chúng trở nên căng thẳng, áp lực do máu đổ về cơ bị giảm, dẫn tới căng cứng.
  • Ngoài ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý, căng cơ còn đến từ việc tập luyện thể dục, thể thao quá sức, không giãn cơ, khởi động trước và sau khi tập luyện khiến cơ chịu áp lực, chấn thương, căng tức đau nhức khó chịu.
  • Chấn thương cũng là yếu tố dẫn đến căng cơ. Một số trường hợp thường gặp như tai nạn, té ngã ảnh hưởng đến xương khớp, tắc nghẽn lưu thông máu làm cơ bắp bị tác động.
  • Bên cạnh các vấn đề kể trên, hiện tượng căng cơ còn đến từ yếu tố lạm dụng cơ bắp liên tục, tầng suất quá nhiều. Cơ bị lạm dụng khiến cho chúng trở nên đau nhức, cứng cơ. Các động tác lặp lại cùng một vị trí khiến cơ chịu áp lực liên tục. Không chỉ có cơ mà còn lên các khớp, dây thần kinh. Nếu không điều chỉnh, tình trạng này có thể gây tổn thương xương khớp nặng nề hơn.

Căng cơ có thể xuất hiện do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, nhóm đối tượng nguy cơ cao thường là người làm công việc chân tay, người bị tai nạn, tập luyện thể dục, thể thao quá sức,... Mặc dù không nguy hiểm tính mạng, tuy nhiên tình trạng căng cơ có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, khả năng vận động của người bệnh trong thời gian sắp tới. Chính vì thế, bệnh nhân cần sớm điều chỉnh khắc phục.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Hiện tượng căng cơ khiến người bệnh khó chịu, một số trường hợp căng cứng vùng chân, cơ cánh tay khiến sinh hoạt, đi đứng của người bệnh khó khăn. Các biểu hiện thường gặp kể đến như:

  • Tình trạng sưng tấy, bầm tím xuất hiện ở vị trí cơ bị căng cứng.
  • Người bệnh có thể bị đau nhức khó vận động, đau ngay cả khi đã nằm nghỉ ngơi.
  • Cơn đau tăng lên khi người bệnh đi lại, vận động khớp liên tục.
  • Tình trạng cơ, gân yếu, vận động bị hạn chế.

Mặc dù đang bị tổn thương, người bệnh vẫn có thể sử dụng cơ. Tuy nhiên chỉ những trường hợp tổn thương nhẹ, ngược lại khi tình trạng nặng, rách cơ xuất hiện cơn đau dữ dội khiến bệnh nhân không thể cử động. Người bệnh cần được chăm sóc y tế, theo dõi điều trị để ngăn ngừa rủi ro đáng tiếc.

Triệu chứng và chẩn đoán
Tình trạng căng cơ khó chịu có thể khiến bệnh nhân cảm thấy đau nhức khi đi lại, làm việc khó khăn

Chẩn đoán

Khi đến gặp bác sĩ, bệnh nhân nên khai báo các vấn đề đang gặp phải bao gồm tình trạng đau nhức, căng cơ, thuốc đang dùng, bệnh lý đang mắc phải,... để bác sĩ nắm được tình hình sức khỏe. Các xét nghiệm sẽ được tiến hành để chẩn đoán bệnh lý chi tiết hơn giúp bác sĩ chỉ định phương án điều trị phù hợp.

Các loại xét nghiệm bao gồm chẩn đoán hình ảnh và các thủ thuật liên quan khác. Chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm hình ảnh: Các phương pháp như chụp X quang, CT, MRI, siêu âm. Các phương pháp giúp xác định vị trí tổn thương, thu thập hình ảnh bên trong, nhận định vấn đề và tìm hướng khắc phục.
  • Xét nghiệm máu: Chỉ định xét nghiệm chẩn đoán có hiện tượng rối loạn tự miễn không, tổn thương cơ không.
  • Điện cơ: Biện pháp chẩn đoán nhằm mục đích kiểm tra hoạt động của hệ thống thần kinh, vị trí cơ bị căng cứng, đau nhức.

Biến chứng và tiên lượng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng cơ, trong đó có các yếu tố bên trong và bên ngoài. Tùy từng trường hợp mỗi người mà mức độ nguy hiểm khác nhau. Mặc dù đa số các trường hợp căng cơ đều có thể phục hồi sau một thời gian ngắn, tuy nhiên cũng có trường hợp nặng không khám chữa đúng cách gây biến chứng cho bệnh nhân.

Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi các tổn thương xương khớp, cơ bắp không được phát hiện và điều chỉnh bằng biện pháp phù hợp. Ảnh hưởng của hiện tượng căng cơ lên đời sống là rõ ràng nhất. Đau nhức khiến cơ thể người bệnh khó khăn trong công việc, sinh hoạt đời sống.

Để giảm thiểu rủi ro không mong muốn, khi gặp phải tình trạng căng cơ bất thường bạn nên chủ động theo dõi, tìm nguyên nhân và có biện pháp thư giãn, khắc phục phù hợp. Không nên tiếp tục cố dùng sức, dùng cơ khi xảy ra hiện tượng đau nhức nhằm tránh các tổn thương trở nên nặng nề, biến chứng.

Điều trị

Dựa vào tình hình sức khỏe, nguyên nhân gây căng cơ để chỉ định phác đồ tương ứng. Bác sĩ xem xét kết quả chẩn đoán để đưa ra giải pháp phù hợp cho người bệnh. Dưới đây là các phương pháp được áp dụng:

Biện pháp hỗ trợ tại nhà

Đối với những trường hợp căng cơ nhẹ, người bệnh có thể chủ động điều chỉnh lịch làm việc, giảm thời gian vận động và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn để cơ bắp phục hồi. Bên cạnh đó, một số phương pháp khác cũng hỗ trợ tình trạng căng cơ sớm cải thiện được thực hiện kể đến như:

  • Chườm lạnh: Biện pháp điều trị căng cơ được thực hiện phổ biến. Đá lạnh giúp xoa dịu cảm giác đau, căng cứng khó chịu. Bệnh nhân không nên chườm trực tiếp đá lạnh lên da, tốt nhất nên sử dụng một chiếc khăn hoặc túi chườm chuyên dụng để chườm lạnh vùng cơ bị căng tức, đau nhức. Thực hiện trong khoảng 15-20 phút, không chườm lạnh quá lâu. Sau khoảng 1-3 ngày, nếu nhận thấy biểu hiện căng cơ không thuyên giảm kèm theo nhiều biểu hiện bất thường khác, tốt hơn hết bạn nên chủ động khám và điều trị sớm.
  • Sử dụng băng ép: Đối với trường hợp căng cơ do trật khớp, tổn thương người bệnh cần băng ép bằng thun hoặc băng vải y tế để cố định khu vực cần điều trị. Băng quanh cơ bị căng đến khi hiện tượng căng cơ thuyên giảm, tuy nhiên lưu ý không nên quấn quá chặt.

Nhằm giảm hiện tượng sưng tấy diễn ra kéo dài hoặc xảy ra viêm cơ,.... khi nằm người bệnh cần nâng khu vực cơ bị căng cứng cao hơn tim. Các biện pháp tại nhà hỗ trợ không để tình trạng căng cơ diễn biến nặng, khi cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc hoặc các biện pháp phù hợp khác.

Điều trị
Phương pháp điều trị được áp dụng cho từng trường hợp cụ thể

Phương pháp điều trị y tế

Đối với trường hợp căng cơ nặng hơn, người bệnh cần can thiệp các phương pháp hỗ trợ y tế để đảm bảo phòng tránh rủi ro. Các phương án điều trị được chỉ định dựa trên mức độ tổn thương người bệnh đang gặp phải. Dưới đây là các giải pháp được thực hiện:

  • Chỉ định dùng thuốc: Dùng các thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc corticoid,... khi cần thiết. Mỗi trường hợp được chỉ định sử dụng thuốc tương ứng với tình hình sức khỏe. Thuốc giúp người bệnh xoa dịu cảm giác khó chịu, ngăn ngừa viêm nhiễm, tổn thương cơ bắp trở nên nghiêm trọng hơn. Thận trọng với tác dụng phụ của thuốc, chỉ dùng thuốc trong trường hợp thật sự cần thiết và theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Phương pháp vật lý trị liệu: Các bài tập, phương pháp điều trị vấn đề xương khớp theo vật lý trị liệu giúp bệnh nhân thư giãn cơ, phục hồi chức năng, giảm đau và giúp cơ tăng cường sức khỏe, phục hồi khả năng vận động. Bệnh nhân được hướng dẫn thực hiện các bài tập vận động, kéo giãn, tăng lực cho cơ bắp, ngoài ra còn có các phương pháp massage, nhiệt trị liệu,... giảm áp lực cho cơ, cải thiện hiện tượng căng cơ một cách tốt nhất.
  • Phẫu thuật: Áp dụng cho những đối tượng bị căng cơ do ảnh hưởng bởi chấn thương, tổn thương cơ nặng như rách cơ, mạch máu liên quan đến căng cơ,... Chỉ định khi các biện pháp bảo tồn khác không mang lại hiệu quả tối ưu. Phương pháp phẫu thuật nhanh chóng khắc phục khu vực cần điều trị, tuy nhiên cũng tiềm ẩn rủi ro nhất định. Bệnh nhân tốt hơn hết nên đến bệnh viện uy tín, chất lượng để điều trị, đảm bảo an toàn sức khỏe.

Phòng ngừa

Căng cơ có thể xảy ra với bất kỳ ai, không phân biệt độ tuổi, giới tính. Trong đó những đối tượng thường xuyên tham gia vận động, làm công việc chân tay nặng nhọc,... có tỷ lệ bị căng cơ cao. Chủ động phòng ngừa căng cơ để giảm thiểu các rủi ro không mong muốn. Một vài lưu ý như sau:

  • Trước khi tập thể dục, chơi thể thao nên khởi động, không nên tập luyện ngay để tránh tình trạng căng cơ, tổn thương trong lúc tập.
  • Sau khi vận động nên dành thời gian để thư giãn cơ, nhằm giúp cơ được thả lỏng, hạn chế tình trạng co cứng, đau nhức khó chịu.
  • Mỗi ngày nên tập luyện thể dục, chơi thể thao với tần suất phù hợp để cơ thể được linh hoạt, dẻo dai.
  • Không nên ngồi một chỗ quá lâu, nên đi lại để máu huyết được lưu thông sau 1-2 tiếng ngồi làm việc.
  • Những người làm trong môi trường khuân vác nặng nên giữ tư thế thực hiện đúng, không nên cố gắng sức khiêng vật nặng quá mức dễ làm ảnh hưởng đến cột sống, khớp, xương cơ.
  • Điều chỉnh tư thế ngồi, dành thời gain để cơ thể nghỉ ngơi, làm việc phù hợp.
  • Bổ sung cho cơ thể đầy đủ dưỡng chất, ăn đủ vitamin, khoáng chất cần thiết cho hoạt động sống.
  • Khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra cơ thể khi cơ bắp, xương khớp xuất hiện các dấu hiệu bất thường.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân vì sao tôi bị căng cơ?

2. Tôi có thể dựa vào triệu chứng nào để nhận biết căng cơ?

3. Hiện tượng căng cơ tôi đang gặp phải cơ nguy hiểm không?

4. Tôi cần làm gì để cải thiện tình trạng căng cơ?

5. Khi nào thì tôi cần dùng thuốc điều trị căng cơ?

6. Nếu không điều trị tôi có thể gặp phải vấn đề gì?

7. Khi nào phải phẫu thuật chữa căng cơ?

8. Sử dụng thuốc trong bao lâu tình trạng căng cơ cải thiện?

9. Những tác dụng phụ tôi có thể gặp sau phẫu thuật?

10. Tôi cần đến bệnh viện tái khám không? Khi nào cần quay lại?

Căng cơ là hiện tượng nhiều người gặp phải. Tình trạng xuất hiện do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Đa số các trường hợp căng cơ đều có thể thuyên giảm sau thời gian ngắn, tuy nhiên có nhiều trường hợp căng cơ do chấn thương nặng phải đến bệnh viện khám, điều trị chuyên sâu. Tùy mỗi nguyên nhân, mức độ căng cơ, bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị đảm bảo an toàn, hiệu quả nhất.