Chấn Thương Vai Ở Người Bơi Lội

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Xương khớpGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Chấn thương vai ở người bơi lội là một trong những dạng chấn thương vai phổ biến, xảy ra khi khớp vai bị sử dụng quá mức, lặp đi lặp lại thường xuyên. Cơn đau nhức khớp vai do bơi lội nhiều hoặc sai cách gây tổn thương dẫn đến đau nhức. Đa số trường hợp đều có tiến triển tốt khi điều trị bằng các biện pháp bảo tồn như dùng thuốc và vật lý trị liệu. 

Chấn thương vai ở người bơi lội là dạng chấn thương phổ biến gây ảnh hưởng đến khớp vai

Tổng quan

Chấn thương vai ở người bơi lội (Swimmer's Shoulder) được xếp vào nhóm chấn thương chỉnh hình phổ biến ở những người bơi lội, đặc biệt là các vận động viên chuyên tập luyện và thi đấu ở bộ môn này. Thuật ngữ này mô tả các chấn thương có thể xảy ra do áp lực chuyển động lặp đi lặp lại ở vai, xoay vai và giơ lên cao liên tục.

Một loạt các chấn thương, bệnh lý khác nhau thuộc nhóm chấn thương vai ở người bơi lội như: tình trạng chèn ép dây thần kinh, viêm gân chóp xoay, tổn thương sụn, viêm bao hoạt dịch, tổn thương dây chằng hoặc rối loạn chức năng cơ...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Khớp vai là một khớp có cấu tạo cực kỳ phức tạp nhằm tạo ra các cử động linh hoạt. Cấu trúc gồm 3 xương chính là xương bả vai, xương đòn và xương cánh tay. Chúng kết hợp với nhau và liên kết tại nhiều điểm khác nhau để tạo nên một khớp vai linh hoạt. Kèm theo các cơ được gọi là chóp xoay gắn vào giúp khớp vai di chuyển.

4 nhóm cơ này nằm sâu trong vai và bao quanh khớp, chúng co lại và giãn ra một cách linh hoạt, giúp bạn dễ dàng nâng cao cánh tay một cách trơn tru. Kết hợp với dây chằng giữ cho khớp luôn ổn định khi cử động.

Bơi lội là hoạt động thể lực rất tốt cho sức khỏe, đòi hỏi sử dụng lực ở phần trên cơ thể. Sử dụng 90% lực đẩy được tạo ra từ vai. Một người bơi ở mức độ trung bình thường bơi khoảng 60.000 - 80.000m/ tuần, tương đương với 30.000 sải tay/ mỗi cánh tay. Đặc biệt, người bơi cần phải di chuyển vai hết mức tối đa khi có lực cơ tác động lên vai.

Các động tác lặp đi lặp lại ở vùng vai khi bơi hoặc kỹ thuật bơi lội kém rất dễ gây ra chấn thương

Tuy nhiên, việc lặp đi lặp lại một động tác như vậy với cường độ lớn, nhanh và mạnh có thể gây kích thích khớp vai. Lâu dần tạo thành vết rách, khởi phát sưng viêm, và hình thành mô sẹo. Kèm theo tổn thương hệ thống gân, dây chằng và cơ ở vai.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chấn thương vai ở người bơi lội, nhưng chủ yếu liên quan đến một số yếu tố sau đây:

  • Kỹ thuật kém: Người mới tập bơi hoặc sử dụng kỹ thuật bơi kém, thực hiện sai động tác có nhiều khả năng gặp phải tình trạng chấn thương này. Nguyên nhân là do vai phải chịu áp lực lớn do hoạt động quá mức, dẫn đến chấn thương.
  • Tập luyện quá sức: Việc tập luyện hoặc thi đấu bơi lội quá sức, liên tục, không dành thời gian nghỉ ngơi để khớp phục hồi cũng rất dễ gây ra chấn thương vai. Tác nhân là do khớp vai không có đủ thời gian phục hồi sau tập luyện.
  • Suy yếu cơ vai: Một số người có cơ vai suy yếu, mất cân bằng sẽ dễ hình thành các tổn thương ở vai do hoạt động quá mức.
  • Tiền sử chấn thương trước đây: Những người bơi lội nếu đã từng có tiền sử chấn thương vai trước đó, thường là rách hoặc trật chóp xoay. Những tổn thương này dù đã khỏi nhưng không thể phục hồi 100%. Do đó, khi tiếp tục chịu áp lực lớn, các khớp vai vốn đã yếu có thể dễ bị chấn thương khi bơi quá mức.
  • Tuổi tác: Người lớn tuổi thường có hệ xương khớp suy yếu, bị thoái hóa theo thời gian do sự ảnh hưởng của lão hóa. Nếu bơi lội quá mức rất dễ gây tổn thương khớp vai và mất nhiều thời gian để phục hồi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Triệu chứng

Hội chứng chấn thương vai của người bơi lội gây ra rất nhiều đến sức khỏe thể chất, hiệu suất công việc và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Các triệu chứng điển hình bao gồm:

Chấn thương xảy ra gây cảm giác đau nhức, yếu cơ và hạn chế phạm vi chuyển động của khớp vai

  • Đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội ở khớp vai, trong hoặc sau khi bơi;
  • Sưng vùng phía trước hoặc sau vai;
  • Yếu cơ vai, gặp khó khăn khi giơ tay lên cao;
  • Cứng khớp, hạn chế phạm vi chuyển động;
  • Phát ra âm thanh ở khớp vai khi cử động;

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trên đây, hãy nhanh chóng tìm kiếm biện pháp chăm sóc y tế phù hợp. Việc chủ quan, bỏ qua các triệu chứng chấn thương vai ở người bơi lội có thể khiến tổn thương ngày càng nặng hơn, khó phục hồi.

Chẩn đoán

Chẩn đoán chấn thương vai ở người bơi lội được bắt đầu bằng một cuộc thăm khám sức khỏe toàn diện. Ở bước này, bác sĩ sẽ kiểm tra và tìm kiếm các dấu hiệu đau nhức, sưng viêm, hạn chế chuyển động. Kết hợp các bài test đánh giá khả năng cử động và đánh giá phạm vi chuyển động.

Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang hoặc MRI. Những hình ảnh này được tạo ra từ các kỹ thuật hiện đại, nhằm xác nhận chẩn đoán và loại trừ các tình trạng sức khỏe khác. Chẳng hạn như phát hiện tổn thương rách dây chằng, gân...

Biến chứng và tiên lượng

Chấn thương vai ở người bơi lội là một dạng chấn thương phổ biến gây ảnh hưởng đến hầu hết người bơi lội. Các chuyên gia đánh giá, chấn thương này thường không nghiêm trọng và có thể kiểm soát được bằng cách biện pháp y tế phù hợp.

Ảnh hưởng lớn nhất của tình trạng này là gây đau nhức dai dẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng vận động. Đặc biệt, đối với các vận động viên bơi lội chuyên nghiệp, gặp chấn thương vai ở người bơi lội có thể gây gián đoạn việc tập luyện, ảnh hưởng đến sự nghiệp thi đấu.

Do đó, trước những tổn thương bất thường ở vai của người bơi lội, hãy nhanh chóng tìm kiếm cách chăm sóc bước đầu và chẩn đoán điều trị sớm để ngăn ngừa các biến chứng khó lường. Thời gian phục hồi chấn thương vai ở người bơi lội thường kéo dài trong khoảng 8 - 10 tuần. Trong những trường hợp nặng, thậm chí có thể kéo dài đến 3 tháng.

Điều trị

Đa số các trường hợp chấn thương vai ở người bơi lội thường không quá nghiêm trọng và đều đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị không phẫu thuật. Dưới đây là một số phương pháp điều trị hiệu quả bạn có thể áp dụng:

Dùng thuốc dạng uống hoặc tiêm là phương án giúp giảm đau nhanh chóng và hiệu quả do chấn thương khớp vai khi bơi lội

  • Nghỉ ngơi: Ngay khi xuất hiện tổn thương ở vai, hãy ngưng ngay hoạt động bơi lội cũng như tất cả cử động mạnh khác. Dành thời gian để nghỉ ngơi đúng tư thế để giúp chấn thương ban đầu được giữ nguyên, không tăng nặng tổn thương. Đồng thời, tạo điều kiện cho vai phục hồi hiệu quả hơn. Việc nghỉ ngơi và tránh thực hiện các hoạt động gây căng thẳng cho vai cần được kéo dài đến khi tổn thương đã thuyên giảm.
  • Chườm đá: Nguồn nhiệt từ đá lạnh có khả năng hỗ trợ giảm hiệu quả cảm giác sưng viêm và đau nhức. Lưu ý đá nên cho vào túi bọc chuyên dụng để chườm lên vai, ngay vị trí tổn thương. Tránh chườm trực tiếp bằng đá lạnh để tránh gây bỏng lạnh. Có thể chườm nhiều lần trong ngày, mỗi lần từ 15 - 20 phút và chườm vài lần trong ngày.
  • Vật lý trị liệu: Đây là phương pháp hiệu quả giúp cải thiện hiệu quả triệu chứng và khả năng cử động linh hoạt của khớp vai. Các bài tập phù hợp thường tập trung vào các động tác kéo giãn cơ. Lưu ý không kéo căng quá mức dễ khiến tổn thương trầm trọng hơn, tạo ra sự mất cân bằng cho khớp vai. Tùy từng trường hợp cụ thể mà chuyên gia vật lý trị liệu sẽ thiết kế lộ trình tập luyện phù hợp.
  • Dùng thuốc: Có 2 loại thuốc thường được kê toa sử dụng để điều trị chấn thương vai ở người bơi lội. Bao gồm:
    • Thuốc giảm đau không kê đơn: Thường là nhóm thuốc giảm đau và sưng viêm như aetaminophen hoặc ibuprofen.
    • Thuốc tiêm: Những trường hợp cơn đau nhức dữ dội do tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được chỉ định tiêm steroid để hỗ trợ giảm đau hiệu quả hơn. Thuốc này có tác dụng nhanh trong việc giảm sưng đau ở chóp xoay và bao hoạt dịch.

Phẫu thuật 

Khi các biện pháp điều trị nội khoa không có tác dụng, tổn thương vẫn tồn tại và có xu hướng tiến triển nặng hơn. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu can thiệp phẫu thuật, nhất là những trường hợp tổn thương xảy ra là các bệnh lý bất thường về cấu trúc, không có khả năng tự chữa lành.

Mục đích phẫu thuật chủ yếu nhằm giải phóng tình trạng chèn ép các dây thần kinh ở vai. Thông qua thủ thuật có tên là giải nén dưới mỏm cùng vai, kết hợp loại bỏ các mô viêm hoặc gai xương nếu có.

Hiện nay, đa số trường hợp đều chọn lựa áp dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi. Đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu. Với ưu điểm vết mổ nhỏ, ít gây đau, chảy máu và giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần dành thêm ít nhất 7 - 8 tuần để nghỉ ngơi cho khớp vai hồi phục hoàn toàn mới có thể bơi lội trở lại bình thường.

Phòng ngừa

Nếu muốn phòng ngừa chấn thương vai ở người bơi lội, cách tốt nhất là bảo vệ tối đa khớp vai bằng các kỹ thuật và biện pháp hiệu quả khi bơi. Bao gồm:

Bơi lội lành mạnh cần đảm bảo đúng kỹ thuật và khởi động kỹ trước khi xuống nước

  • Khởi động kỹ lưỡng, giãn cơ hết cỡ để làm nóng cơ thể trước khi bơi lội. Điều này giúp cơ thể dễ chuẩn bị sẵn sàng và thích nghi cho việc hoạt động thể chất mất sức, giảm thiểu nguy cơ chấn thương.
  • Đảm bảo áp dụng kỹ thuật bơi phù hợp để tránh gây tổn thương cho vai. Nếu không phải vận động viên chuyên nghiệp, bạn cần chú ý bơi lội nhẹ nhàng để giảm thiểu áp lực.
  • Có lộ trình tập luyện phù hợp, tăng dần cường độ từ thấp lên cao nếu bạn mới tập bơi. Điều này giúp cơ thể tập làm quen với việc hoạt động thể chất và thích nghi theo nhu cầu, giảm thiểu khả năng bị chấn thương do cử động khớp vai quá nhiều.
  • Giữa các buổi tập bơi cần chú ý có thời gian nghỉ ngơi để khớp vai được thư giãn và phục hồi giữa các buổi tập.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị đau nhức khớp vai dữ dội sau khi bơi lội có phải dấu hiệu của chấn thương không?

2. Hội chứng chấn thương vai ở người bơi lội là gì? Có nghiêm trọng không?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm kiểm tra gì để chẩn đoán mức độ tổn thương chấn thương vai khi bơi lội?

4. Điều trị tình trạng chấn thương vai ở người bơi lội bằng phương pháp nào tốt nhất?

5. Bị chấn thương vai khi bơi lội có nhất thiết phải phẫu thuật không?

6. Tôi cần làm gì để chăm sóc phục hồi tổn thương vai tại nhà?

7. Mất bao lâu thì chấn thương vai ở người bơi lội mới phục hồi hoàn toàn?

8. Tôi có cần tái khám lại sau khi đã điều trị khỏi chấn thương vai hay không?

Chấn thương vai ở người bơi lội là một dạng chấn thương phổ biến ở những người bơi lội. Dạng chấn thương này không nghiêm trọng, tuy nhiên điều quan trọng là bạn cần phải tìm kiếm biện pháp chăm sóc y tế phù hợp để khắc phục tình trạng. Kết hợp nâng cao ý thức trong việc bảo vệ khớp vai, bơi lội vừa sức để tránh gây ra các tổn thương nghiêm trọng.