Bệnh u tế bào xương khổng lồ
U tế bào xương khổng lồ hay còn gọi là u đại bào là tình trạng xuất hiện khối u lạ trên vị trí xương nhất định. Thông thường các trường hợp u đại bào đều thuộc dạng lành tính. Tuy nhiên, trường hợp u phát triển kích thước lớn có thể gây tàn phế, gãy xương ảnh hưởng đời sống người bệnh.
Tổng quan
U tế bào xương khổng lồ tên khoa học là Giant Cell Tumor gọi tắt là GCT, ngoài ra bệnh còn được gọi là u đại bào, u tế bào xương lành tính. Đây là bệnh lý về xương nhiều người gặp phải, đa số các trường hợp đều có thể điều trị, kiểm soát, không đe dọa đến sự an toàn tính mạng của bệnh nhân.
Bất kỳ đối tượng nào đều có thể mắc phải u tế bào xương khổng lồ. Thông thường bệnh có xu hướng xảy ra ở vị trí đầu xương dài ở người trẻ, hoặc xương đã có dấu hiệu cốt hóa ở người cao tuổi. Theo ghi nhận, các trường hợp mắc bệnh thường được chẩn đoán nằm trong độ tuổi từ 30-40 tuổi, nữ giới mắc bệnh cao hơn so với nam giới.
Tình trạng u tế bào xương khổng lồ có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí xương nào. Trong đó những khu vực thường gặp là xương khớp gối, đùi, xương quay, xương cùng,... Một số trường hợp hiếm gặp, u xương xảy ra ở cột sống hoặc xương hàm.
Mặc dù đa số các trường hợp u thuộc dạng lành tính, tuy nhiên cũng có khả năng u tế bào xương khổng lồ tiến triển sang dạng ác tính. Tuy tỷ lệ chuyển biến xấu thấp thế nhưng người bệnh không nên chủ quan đối với bệnh lý này. Tốt hơn hết hãy chủ động đến gặp bác sĩ khi phát hiện dấu hiệu bất thường.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có khoảng 20% các trường hợp u tế bào xương khổng lồ thuộc loại u lành tính. Bên cạnh đó, có khoảng 5% đến 10% trong tổng số bệnh nhân mắc u đại bào xương thuộc dạng u xương nguyên phát. Bệnh thường gặp ở đối tượng từ 30-40 tuổi, trong đó bệnh nhân nữ chiếm số lượng lớn hơn so với bệnh nhân nam.
Đa số các trường hợp phát hiện u tế bào xương khổng lồ đều xảy ra tại một vị trí nhất định, không có nhiều trường hợp xảy ra cùng lúc nhiều vị trí. Các đầu xương dài là khu vực có tỷ lệ xuất hiện u đại bào xương phổ biến, nhất là các vùng xương chày, đầu xương đùi, xương cùng, xương quay,...
Có đến hơn 50% trường hợp mắc bệnh nhận thấy sự bất thường ở vùng xương quanh gối. Ngoài các vị trí kể trên, một số trường hợp khác ghi nhận u đại bào ở vùng cột sống, xương hàm, hoặc các khu vực xương mác, xương cánh tay.
Hiện nay, chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh u tế bào xương khổng lồ. Một vài nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa bệnh với tình trạng khiếm khuyết mạch máu hoặc xuất huyết. Đồng thời lúc này diễn ra các yếu tố tác động khác, dẫn đến việc tế bào xương phát triển không bình thường.
U tế bào xương khổng lồ không liên quan đến quá trình tăng sản, đa số các trường hợp đều có tính chất phản ứng. Từ vị trí xuất huyết hoặc sự khiếm khuyết mạch máu, thông thường là do tắt mạch, tế bào bạch cầu đơn nhân phát triển biến đổi sang dạng tế bào khổng lồ, từ đó khối u xương xuất hiện.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Người có u tế bào xương khổng lồ gặp phải các triệu chứng lâm sàng kể đến như:
- Giai đoạn đầu khi khối u có kích thước nhỏ hầu như bệnh nhân không nhận thấy bất kỳ thay đổi bất thường nào.
- Khi vỏ xương có dấu hiệu bị phá vỡ liên quan đến kích thước khối u, xương trở nên yếu, dễ gãy hơn. Một số trường hợp liên quan đến bệnh lý về xương, ảnh hưởng lên cơ thể người bệnh gây ra các cơn đau bất thường. Đau tăng dần theo thời gian, nhất là khi người bệnh vận động nhiều.
- Tại vị trí xương bị tổn thương một vài trường hợp có ghi nhận khối u phần mềm, u xương. Đối với tình trạng u xuất hiện vùng cận khớp, bệnh nhân sẽ bị đau nặng hơn, đồng thời khả năng vận động cũng bị hạn chế. Tình trạng nặng dần tăng nguy cơ tràn dịch khớp.
- U tế bào xương khổng lồ cũng có thể xảy ra ở vùng cột sống, mặc dù hiếm gặp hơn những khu vực khác. Nếu gặp phải tình trạng này, người bệnh sẽ cảm nhận thấy vùng cột sống lưng có các cơn đau khó chịu, kích thích rễ dẫn đến các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động cột sống lưng.
- Ngoài các triệu chứng kể trên, bệnh nhân mắc u tế bào xương khổng lồ có thể gặp phải triệu chứng ban đầu liên quan gãy xương bệnh lý.
Do bệnh có tốc độ tiến triển khá chậm, vì thế các dấu hiệu lâm sàng thường không điển hình. Bên cạnh đó, dựa vào vị trí khối u xuất hiện mà các triệu chứng của mỗi bệnh nhân có vài điểm khác nhau.
Bệnh nhân cần chủ động đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy cơn đau bất thường xuất hiện và kéo dài. Đồng thời khả năng vận động lúc này cũng bị suy giảm, nhất là vùng đầu khớp. Chẩn đoán sớm để xác định dạng bệnh lý, điều trị bằng biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người bệnh.
Chẩn đoán
Các phương pháp xét nghiệm được chỉ định cho bệnh nhân nhằm xác định chính xác bệnh lý, tình trạng và giai đoạn tiến triển của u tế bào xương khổng lồ. Dưới đây là các phương pháp chính:
- Xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm huyết học, xét nghiệm calci máu, xét nghiệm phospho máu là các bước xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán phân biệt, loại trừ u đại bào với tình trạng cường cận giáp trạng hoặc các vấn đề liên quan khác.
- Chẩn đoán hình ảnh được chỉ định cho bệnh nhân. Chụp X quang là phương pháp điển hình. Thông qua hình ảnh chụp được bác sĩ có thể nhận biết vị trí xương đang bị tổn thương. Ngoài ra người bệnh còn được chỉ định chụp MRI, CT khi cần thiết. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nhằm giúp xác định vị trí xương tổn thương.
- Sinh thiết xương và kỹ thuật mô bệnh học cũng được tiến hành nhằm xác định u tế bào ở dạng lành hay ác tính. Thông qua phương pháp này bác sĩ có thể chẩn đoán và đưa ra chỉ dẫn can thiệp điều trị tình trạng u tế bào xương khổng lồ cho người bệnh.
Bên cạnh các phương pháp kể trên, nhằm chẩn đoán phân biệt bệnh với các trường hợp khác, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện các phương pháp kèm theo. Sau khi có kết quả chẩn đoán, dựa vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để chỉ định phác đồ tương ứng.
Biến chứng và tiên lượng
Các trường hợp ghi nhận u tế bào xương khổng lồ đều thuộc dạng lành tính, tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh chuyển biến sang ác tính, mặc dù hiếm gặp. Bệnh nhân không nên chủ quan đối với bệnh lý về xương khớp này.
Khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, người bệnh cần được thăm khám, điều trị sớm. Tuy nhiên do bệnh tiến triển trong âm thầm nên đa số các trường hợp không phát hiện từ giai đoạn sớm. Phần lớn đều thông qua dấu hiệu gãy xương bệnh lý mới nhận biết khối u.
Chức năng vận động của bệnh nhân bị ảnh hưởng khi xảy ra bệnh u đại bào xương. Bên cạnh đó, một số biến chứng khác có thể xuất hiện gây hại sức khỏe, đời sống của bệnh nhân. Trong đó nặng nhất là nguy cơ chuyển từ trạng thái u lành sang ác tính.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có khả năng bị tàn tật, liên tục tái phát u tế bào xương khổng lồ hoặc di căn sang những bộ phận khác. Do đó, tốt hơn hết bệnh nhân nên thăm khám và điều trị sớm khi nhận thấy các bất thường của cơ thể.
Xem thêm: Phù tủy xương là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Điều trị
Dựa vào tình hình sức khỏe, tình trạng u tế bào xương khổng lồ bệnh nhân đang gặp phải, chỉ định phương pháp can thiệp phù hợp. Hiện nay có hai cách chính để điều trị bệnh bao gồm sử dụng thuốc vào phẫu thuật ngoại khoa.
Mỗi biện pháp điều trị sẽ có ưu và nhược điểm riêng, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho bệnh nhân khi đến bệnh viện thăm khám trực tiếp. Dưới đây là những giải pháp điều trị cơ bản, bạn đọc tham khảo:
Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc điều trị bệnh nhằm hỗ trợ bệnh nhân xoa dịu triệu chứng, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng, diễn biến bệnh trở nên nặng nề. Mỗi người bệnh sẽ có phác đồ dùng thuốc riêng. Các loại thuốc thường dùng như thuốc giảm đau, thuốc điều trị,... Cụ thể:
- Thuốc giảm đau: Hỗ trợ xoa dịu cảm giác đau nhức xương khớp cho bệnh nhân. Chỉ định sử dụng với liều lượng phù hợp, các nhóm thuốc thông dụng như paracetamol, thuốc tranmadol, codein, nasaid,... Sử dụng thuốc giảm đau theo phác đồ, không lạm dụng thuốc để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.
- Thuốc Denosumab: Thuốc dùng trong điều trị bệnh về xương khớp, đặc biệt là chứng loãng xương, ung thư di căn xương. Trường hợp bệnh nhân mắc u tế bào xương khổng lồ cũng có thể được chỉ định sử dụng nhóm thuốc này. Mục đích giúp ngăn chặn sự phá hủy xương và rủi ro tiến triển khối u sang dạng ác tính. Liều dùng của mỗi bệnh nhân sẽ được tư vấn cụ thể khi thăm khám.
- Thuốc Bisphosphate: Thuốc được dùng với dạng tiêm tĩnh mạch. Công dụng chính của nhóm thuốc này là hỗ trợ cải thiện triệu chứng cho người bệnh, giảm nguy cơ tái phát bệnh. Sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp thuốc uống khi cần thiết, bệnh nhân nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Phẫu thuật
Chỉ định can thiệp ngoại khoa điều trị bệnh u tế bào xương khổng lồ cho trường hợp nặng, kích thước khối u to. Mục đích loại bỏ khối u, đồng thời khôi phục lại tổ chức xương cho bệnh nhân. Trường hợp cần thiết phải thay thế xương nhân tạo ở khu vực tổn thương nặng không thể phục hồi.
Dưới đây là những biện pháp can thiệp được áp dụng:
- Phương pháp nạo vét: Khối u lành tính được loại bỏ bằng thủ thuật nạo vét, mô và tế bào còn sót sẽ được phá hủy hoàn toàn bằng dung dịch nito lỏng. Đối với trường hợp khối u xương đã có sự tiến triển nặng, xuất hiện tình trạng xâm lấn các tổ chức xung quanh sẽ được loại bỏ và triệt tiêu các khu vực chịu ảnh hưởng.
- Phương pháp tạo hình: Xương bị tổn thương có thể phải thay thế bằng xương nhân tạo khi cần thiết. Ngoài ra, sau khi nạo vét loại bỏ khối u xương, bác sĩ có thể tiến hành tạo hình xương bằng các vật liệu nhân tạo an toàn cho con người. Mục đích của phương pháp này là phục hồi cấu trúc xương, giúp bệnh nhân duy trì vận động sau điều trị.
Phòng ngừa
U tế bào xương khổng lồ không có khả năng lây từ người sang người. Mặc dù vậy, bệnh có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Do đó, nếu bạn có người thân trong gia đình mắc phải chứng bệnh này nên thận trọng. Tốt nhất hãy chủ động đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bất thường từ sớm.
Cho đến nay chưa có biện pháp phòng bệnh một cách hiệu quả. Việc chủ động điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống ở mỗi người sẽ góp phần cải thiện sức khỏe, phòng nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh về xương khớp.
Có thể bạn quan tâm: Bệnh đa u tuỷ xương: Nguyên nhân và cách điều trị
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Bệnh u tế bào xương khổng lồ là gì?
2. Đối tượng có nguy cơ mắc u tế bào xương là ai?
3. Triệu chứng nhận biết u tế bào xương khổng lồ là gì?
4. Nguyên nhân nào dẫn đến u tế bào xuong khổng lồ?
5. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán u tế bào xương khổng lồ?
6. Sử dụng thuốc có điều trị được u tế bào xương khổng lồ không?
7. U tế bào xương khổng lồ lành tính không điều trị có được không?
8. Khi nào cần phẫu thuật điều trị u tế bào xương khổng lồ?
9. Các rủi ro trong quá trình điều trị là gì?
10. Thời gian bao lâu tôi cần quay lại bệnh viện tái khám?
U tế bào xương khổng lồ là bệnh lý xương khớp nhiều người gặp phải. Mặc dù đa số các trường hợp ghi nhận bệnh lành tính, tuy nhiên bệnh nhân không thể chủ quan. Thay vào đó, người bệnh cần điều trị theo đúng phát đồ của bác sĩ, kết hợp chăm sóc tại nhà để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa các rủi ro không mong muốn.