Bệnh hẹp khe khớp gối

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Xương khớpGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Hẹp khe khớp gối gây ra các triệu chứng như đau nhức, hạn chế khả năng vận động, cứng khớp,... Bệnh nhân không phát hiện và điều trị có thể gặp phải nhiều biến chứng nặng nề, nhất là trường hợp hoại tử xương đầu gối gây bại liệt, mất khả năng vận động vĩnh viên.

Tổng quan

Hẹp khe khớp gối là tình trạng sụn bị bào mòn sau một thời gian dài bị lạm dụng quá mức. Không gian trong khớp bị thu hẹp ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp. Tình trạng này gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, bao gồm cơn đau nhức điển hình, vận động kém, một số trường hợp mất khả năng vận động.

Khớp gối bị đau nhức do hẹp khe khớp ảnh hưởng đến khả năng vận động

Ở những người có khớp gối khỏe mạnh, không gian giữa các bộ phận gồm xương đùi, xương chày và bánh chè đủ để khớp có điều kiện chuyển động linh hoạt. Nếu xảy ra hiện tượng thoái hóa, chấn thương bề mặt sụn sẽ dần trở nên mỏng dần.

Sự bào mòn kéo theo tình trạng thu hẹp khe khớp gối. Khi vận động, các mô sụn tiếp xúc vào nhau ma sát tăng, điều này dẫn đến các cơn đau nhức xuất hiện ở vùng khớp gối, nặng nề khi bệnh nhân di chuyển. Để phòng tránh các rủi ro không mong muốn, tốt hơn hết người bệnh nên chủ động thăm khám và điều trị để bảo vệ khớp gối.

Phân loại

Hẹp khe khớp gối được phân thành 2 thể bệnh chính:

  • Hẹp khe khớp gối và thoái hóa nguyên phát là tình trạng đau nhức khớp gối xảy ra ở người trên 50 tuổi. Đây là dạng bệnh lý liên quan đến thoái hóa tự nhiên của khớp khi cơ thể ngày càng già đi.
  • Hẹp khe khớp gối và thoái hóa thứ phát liên quan đến các chấn thương, vi chấn thương, rối loạn nội tiết, viêm nhiễm tại khớp, thiếu máu nuôi tủy, rối loạn đông máu,... Với dạng bệnh lý này bất kỳ ai cũng có thể gặp phải.

Bên cạnh phân chia theo nguyên nhân gây bệnh, hẹp khe khớp gối còn được phân loại theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh. Cụ thể như sau:

  • Giai đoạn đầu: Khe khớp gối chưa xuất hiện dấu hiệu bất thường, hoạt động khớp gối trơn tru không đau nhức. Sau một thời gian sự thay đổi bắt đầu xuất hiện.
  • Giai đoạn phát triển: Lúc này khe khớp gối không bị thu hẹp quá mức, tuy nhiên các gai xương đã bắt đầu lộ diện.
  • Giai đoạn tiến triển: Gai xương xuất hiện nhiều hơn khiến cho không gian khớp gối thu hẹp dần, cơn đau đã xuất hiện.
  • Giai đoạn nặng: Không gian trong khớp gối bị thu hẹp đáng kể gây đau dữ dội, kích thước gai xương to chèn ép bên trong khớp gối làm biến dạng đầu gối rõ rệt.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hẹp khe khớp gối có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, trong đó thường gặp nhất là ở người cao tuổi, người trải qua chấn thương xương khớp không được điều trị đúng cách. Các nguyên nhân liên quan gây bệnh được đề cập đến bao gồm:

Ảnh hưởng bệnh lý xương khớp

Hẹp khe khớp gối có thể là hệ lụy của các bệnh lý về xương khớp gây ra cho bệnh nhân. Đặc biệt là bệnh thoái hóa xương khớp, viêm khớp dạng thấp. Hai bệnh lý gây phá hủy mô sụn khiến đầu xương không còn được bảo vệ.

Xương dưới sụn khi đó tiếp xúc với nhau tăng lực ma sát, gây đau khi người bệnh chuyển động khớp. Sự bào mòn này dẫn đến việc hình thành các gai xương dư thừa, tăng nguy cơ dị dạng khớp gối. Để ngăn chặn rủi ro, người bệnh cần đến bệnh viện kiểm tra xương khớp và có biện pháp can thiệp phù hợp.

Do chấn thương xương khớp

Ngoài bệnh lý xương khớp gây hẹp khe khớp gối, tình trạng này có thể xuất hiện sau chấn thương. Xương khớp bị tổn thương không được điều trị đúng cách kéo theo nhiều vấn đề, bao gồm cả tình trạng hẹp khe khớp.

Chấn thương khớp gối không được điều trị đúng cách có thể gây hẹp khe khớp

Những chấn thương nghiêm trọng như gãy xương đùi, xương cẳng chân, trật khớp gối,... khiến bề mặt sụn bị tổn thương, bào mòn dần. Sau một thời gian không được chăm sóc và điều trị đúng cách, sụn bị hủy hoại, biến đổi mô xương

Các nguyên nhân khác

Hẹp khe khớp gối cũng có thể xảy ra ở những đối tượng bị suy tuyến giáp, người bị nhiễm khuẩn khớp, hoại tử xương, lỏng khớp gối,...

Để ngăn chặn các tổn thương tiếp tục xuất hiện, bệnh nhân cần chủ động thăm khám y tế khi nhận thấy triệu chứng bất thường. Bác sĩ sẽ kiểm tra tình hình xương khớp, thực hiện các biện pháp chẩn đoán đưa ra kết luận và phác đồ chữa trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Người bị hẹp khe khớp gối gặp phải các triệu chứng điển hình như:

  • Khớp gối đau nhức âm ỉ đến nặng nề, cơn đau tăng dần khi người bệnh đi lại, vận động hoặc thay đổi tư thế. Nếu được nghỉ ngơi, tình trạng đau có thể thuyên giảm dần.
  • Hạn chế khả năng vận động do tác hại của hẹp khe khớp gối. Hai đầu xương không còn được bao bọc bởi mô sụn tiếp xúc vào nhau khi di chuyển, kích thích dẫn đến cơn đau khó chịu. Khả năng vận động bị hạn chế, đau dữ dội kèm theo cứng khớp khiến người bệnh đi lại, làm việc khó khăn.
  • Biến dạng khớp gối cũng là dấu hiệu cảnh báo bất thường. Đây là biểu hiện cho thấy các gai xương xuất hiện nhiều gây biến đổi cấu trúc bên trong khớp.
  • Khi di chuyển, người bệnh nghe thấy âm thanh lạ bên trong khớp phát ra. Bên cạnh đó, khớp còn bị cứng sau khi ngủ dậy, phải mất 30 phút sau khớp gối mới di chuyển lại được bình thường.
  • Bệnh nhân có thể sờ thấy các gai xương ở khớp gối.
  • Khớp gối dần teo lại sau một thời gian dài hẹp khe khớp không được điều trị.

Chẩn đoán

Người bệnh nhân thấy khớp gối xuất hiện cơn đau bất thường và kéo dài cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Khai báo các thông tin về triệu chứng, tiền sử bệnh lý, các chấn thương gặp phải để bác sĩ phán đoán tình trạng tổn thương mà bệnh nhân gặp phải.

Chẩn đoán hẹp khe khớp gối và điều trị bệnh sớm

Sau đó, một số xét nghiệm kiểm tra cần thiết sẽ được thực hiện để kết luận chẩn đoán chính xác nhất. Bao gồm:

  • Chụp X quang: Phương pháp được thực hiện phổ biến trong thăm khám bệnh xương khớp. Thông qua hình ảnh thu được, bác sĩ có thể nhận định mức độ hẹp khe khớp, có hay không tình trạng lệch khớp, gai xương, dấu hiệu chấn thương và các vấn đề liên quan.
  • Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ cũng được thực hiện trong chẩn đoán bệnh lý xương khớp. Hình ảnh khớp gối sẽ biểu hiện rõ các vấn đề đang gặp phải. Phương pháp xét nghiệm không xâm lấn, cho ra kết quả độ chính xác cao. Chụp công hưởng từ cũng thường được áp dụng trong chẩn đoán các bệnh lý viêm khớp.
  • Siêu âm: Ngoài các biện pháp kể trên, siêu âm cũng là phương pháp chẩn đoán hẹp khe khớp gối phổ biến. Bác sĩ sẽ tiến hành bôi gel lên đầu gối, sau đó kiểm tra tình trạng khớp gối bằng thiết bị siêu âm chuyên dụng. Phương pháp chẩn đoán không đau, không xâm lấn, tuy nhiên với người đang có chấn thương, siêu âm có thể gây khó chịu.

Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ sẽ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp. Bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ để sớm cải thiện hiện tượng hẹp khớp gối, phòng ngừa biến chứng.

Biến chứng và tiên lượng

Hẹp khe khớp gối có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là tình trạng viêm khớp. Nếu không sớm điều trị, gai xương phát triển kích thước, bào mòn sụn khớp nặng nề sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Người bệnh có thể bị chảy máu khớp, hoại tử xương đầu gối, bại liệt, mất chức năng vận động hoàn toàn. Do đó, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân nên chủ động thăm khám và điều trị, phòng tránh các rủi ro không mong muốn.

Điều trị

Để điều trị tình trạng hẹp khớp gối, bệnh nhân sẽ được kiểm tra kỹ trước khi đưa ra phác đồ phù hợp. Bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc, áp dụng vật lý trị liệu hoặc điều trị ngoại khoa. Dưới đây là những biện pháp thường được áp dụng:

Điều trị bằng thuốc

Chỉ định dùng thuốc kiểm soát triệu chứng cho bệnh nhân. Các loại thuốc được dùng có tác dụng xoa dịu cơn đau, chống viêm và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng cho người bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc tiêm hoặc thuốc uống, tùy tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Chỉ định thuốc giảm đau, thuốc chống viêm cho bệnh nhân

Một số loại được dùng như:

  • Thuốc giảm đau: Tác dụng giảm đau nhức khớp gối, giúp người bệnh dễ chịu hơn. Các thuốc như Codeine, Aspirin, Codeine, Hydrocodone,... Mỗi loại thuốc có tác dụng nhất định trên cơ thể, bên cạnh công dụng cũng tiềm ẩn các tác dụng phụ. Do đó, bệnh nhân không nên tùy tiện sử dụng thuốc để tránh gặp phải phản ứng ảnh hưởng sức khỏe.
  • Thuốc chống viêm không Steroid: Tác dụng toàn thân, giúp cải thiện các triệu chứng viêm khớp cho người bệnh.
  • Thuốc dạng tiêm Steroid: Trực tiếp tiêm vào vị trí khớp gối bị tổn thương. Thuốc có tác dụng cải thiện triệu chứng tại chỗ, ưu tiên sử dụng cho người bị viêm nhằm chống viêm, tăng khả năng hấp thụ, giảm đau, giúp người bệnh cử động khớp tốt hơn.
  • Tiêm chất nhờn cho khớp: Để giảm tình trạng ma sát cho khớp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng dung dịch chất nhờn tiêm trực tiếp vào khớp. Liều lượng tùy vào mỗi trường hợp được sử dụng hợp lý.

Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa cho những trường hợp tổn thương khớp gối không đáp ứng điều trị bằng thuốc. Tùy từng trường hợp phương pháp điều trị sẽ được cân nhắc chỉ định. Theo đó bệnh nhân có thể được phẫu thuật nội soi hoặc thay khớp gối nhân tạo.

Các phương pháp xâm lấn sẽ có các ưu và nhược điểm nhất định. Bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh và người thân các vấn đề liên quan trước khi thực hiện phẫu thuật. Sau điều trị, bệnh nhân sẽ phải tập vật lý trị liệu kết hợp để hỗ trợ phục hồi chức năng vận động.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu giúp người bệnh sớm phục hồi chức năng khớp gối. Dựa trên tình trạng tổn thương khớp gối, biện pháp trị liệu sẽ được thực hiện. Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của kỹ thuật viên để tránh xảy ra các chấn thương không mong muốn.

Phòng ngừa

Hẹp khe khớp gối có thể xảy ra do bệnh lý viêm khớp hoặc các chấn thương khớp. Việc phòng ngừa gặp nhiều khó khăn khi gần như các nguyên nhân gây bệnh có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên bạn có thể chủ động bảo vệ xương khớp thông qua các điều chỉnh thói quen, chăm sóc phù hợp. Một số lưu ý:

Rèn luyện thể chất dẻo dai phòng ngừa hẹp khe khớp gối

  • Bổ sung cho cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, không nên ăn quá nhiều đồ ăn cay nóng, đồ ăn chế biến sẵn không rõ nguồn gốc. Không lạm dụng bia rượu, đồ uống chứa cồn, chất kích thích,... Ưu tiên lựa chọn các món có lợi cho sức khỏe, thực phẩm chứa vitamin, canxi,...
  • Duy trì cân nặng cân đối, tránh tình trạng thừa cân, béo phì ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp. Tập thể dục, rèn luyện thể chất khỏe mạnh, tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể.
  • Không nên ngồi xổm quá lâu, tránh ngồi bắt chéo chân thường xuyên. Nên dành thời gian vận động đi lại nhẹ nhàng để máu huyết lưu thông.
  • Điều trị bệnh về xương khớp sớm, chủ động thăm khám khi phát hiện dấu hiệu bất thường. Khám sức khỏe định kỳ để bảo vệ sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị đau khớp gối có phải bị hẹp khe khớp gối không?

2. Triệu chứng hẹp khe khớp gối là gì?

3. Nguyên nhân gây hẹp khe khớp gối là gì?

4. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm kiểm tra nào?

5. Hẹp khe khớp gối có chữa khỏi hoàn toàn được không?

6. Dùng thuốc có chữa được tình trạng hẹp khe khớp gối không?

7. Khi nào cần phẫu thuật chữa hẹp khe khớp gối?

8. Có rủi ro nào khi thực hiện phẫu thuật không?

9. Tôi cần tập vật lý trị liệu phục hồi khớp gối như thế nào?

10. Bao lâu tôi cần quay lại bệnh viện tái khám?

Hẹp khe khớp gối là một trong những vấn đề xương khớp nhiều người gặp phải. Không nên chủ quan đối với tình trạng này, bởi khi bệnh tiến triển nặng có thể gây biến chứng ảnh hưởng khả năng vận động. Chính vì thế, khi nhận thấy khớp gối có biểu hiện bất thường, tốt nhất bạn nên chủ động thăm khám y tế để được hỗ trợ điều trị sớm.