Hội Chứng Dải Chậu Chày

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Xương khớpGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Hội chứng dải chậu chày là chứng bệnh thường gặp ở các vận động viên chạy bộ. Tổn thương xảy ra khi dải chậu chày hoạt động quá mức, liên tục và thường xuyên. Biểu hiện đặc trưng là cảm giác đau bên ngoài đầu gối. Nếu không muốn tổn thương nặng hơn, bệnh nhân cần tạm ngưng mọi hoạt động và thăm khám, điều trị sớm để kiểm soát bệnh. 

Tổng quan

Dải chậu chày là một bó sợi xơ dày phát triển từ mặt ngoài hông đến bên ngoài đùi và đầu gối, di chuyển dọc xuống đỉnh xương ống chân. Nó được hình thành từ đoạn tiếp nối giữa gân cơ mông và cơ căng mạc đùi. Cấu trúc của các sợi cơ dải chậu chày rất mỏng, chúng bám sát vào mặt ngoài đầu gối và liên kết với khung chậu. Điều này giúp đầu gối dễ dàng thực hiện các cử động duỗi khớp gối hoặc gập, xoay khớp háng.

Hội chứng dải chậu chày (Iliotibial Band Syndrome - ITBS) là một dạng chấn thương xảy ra do dải chậu chày bị lạm dụng quá mức, gây tác động đến vùng ngoài mặt đùi và đầu gối. Đặc trưng là triệu chứng đau ở bên ngoài đầu gối, đau hông, nóng rát bên trong, đau nhiều hơn mỗi khi cử động.

Hội chứng dải chậu chày là tình trạng tổn thương dải xương chậu gây đau ở bên ngoài đầu gối

Đây là một trong những hội chứng bệnh xảy ra rất phổ biến ở các vận động viên thể thao. Phổ biến nhất là những người tập luyện hoặc thi đấu điền kinh, chạy cự ly dài ngắn. Hoặc các trường hợp ít phổ biến hơn như đạp xe, trượt tuyết, bóng đá hoặc chèo thuyền. Những người mới bắt đầu tập luyện thể thao nhưng chưa rành về kỹ thuật hoặc khởi động không kỹ cũng rất dễ bị tổn thương hội chứng dải chậu chày.

Theo thống kê, hội chứng dải chậu chày chủ yếu ảnh hưởng đến người trưởng thành. Trong đó, có khoảng 12% mắc phải xuất phát từ các chấn thương do chạy bộ. Tỷ lệ mắc phải của nữ giới cũng cao hơn nam giới.

Phân loại

Có 2 dạng hội chứng dải chậu chày là cấp tính hoặc mạn tính. Trong đó:

Hội chứng dải chậu chày phát triển ở 2 thể chính là thể cấp tính và mạn tính

  • Thể cấp tính: Các triệu chứng đau nhức xảy ra đột ngột trong hoặc sau khi hoạt động tập thể thao. Nguyên nhân chính thường là do bạn thực hiện các động tác tập luyện đột ngột, thay đổi bề mặt chạy bộ từ bằng phẳng sang xóc nảy, gồ ghề hoặc tập luyện quá sức với cường độ cao.
  • Thể mạn tính: Hội chứng dải chậu chày thể mạn tính là tình trạng bệnh phát triển trong thời gian dài và bộc phát thành triệu chứng vào một thời điểm cụ thể. Tổn thương có thể không xuất phát đột ngột, ngược lại thường xảy ra do sử dụng quá mức các cơ trong thời gian dài. Hậu quả gây rối loạn, mất cân bằng cơ và suy giảm cơ chế sinh học.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bản chất của hội chứng dải chậu chày là tình trạng tổn thương kích thích và sưng tấy dải chậu chày. Thường xảy ra khi bộ phận này bị kéo căng quá mức hoặc cọ xát trực tiếp vào xương mỗi khi di chuyển qua mép ngoài phía dưới xương đùi. Điều này có thể kích thích phản ứng viêm ở xương, gân, màng hoạt dịch hoặc khiến dải chậu chày bị chèn ép vào các mô bên dưới gây đau.

Vì dải chậu chạy có nhiệm vụ ổn định đầu gối mỗi khi cử động. Nên bất kỳ nguyên nhân và yếu tố nguy cơ nào gây ảnh hưởng đến chức năng này đều có thể gây ra sưng viêm và đau nhức khó chịu.

Vận động viên thể thao điền kinh, đạp xe hoặc trượt tuyết có nhiều khả năng mắc phải hội chứng dải chậu chày

Nguyên nhân 

  • Cử động quá mức: Các chuyên gia xác định những cử động lặp đi lặp lại quá mức và thường xuyên chính là nguyên nhân gây ra hội chứng này. Giải thích về việc này là do việc chuyển động liên tục gây ra ma sát mạnh giữa dây chằng chậu chạy và đầu gối, kích thích phản ứng viêm.
  • Cơ chế sinh học kém: Những người có cơ hông yếu, căng cơ gân kheo hoặc dị tật khiến xương chậu không đều... thường dễ bị hội chứng dải chậu chày hơn. Lúc này, mỗi khi vận động càng tạo ra áp lực lớn lên hệ thống dây chằng xương chậu và gây ra viêm nhiễm.

Yếu tố nguy cơ

Ngoài 2 nguyên nhân chính trên, hội chứng dải chậu chày cũng có thể phát triển do rất nhiều yếu tố rủi ro như:

  • Vận động viên chơi các môn thể thao đòi hỏi cường độ tập luyện cao và thi đấu dày đặc. Chẳng hạn như vận động viên điền kinh, trượt tuyết, đạp xe, khúc côn cầu...;
  • Sử dụng giày thể thao không đảm bảo chất lượng, không đúng kích cỡ, quá mòn không đáp ứng đủ cường độ tập luyện cao. Điều này khiến tư thế tập luyện bất ổn, về lâu dài phát triển tổn thương, kích thích phản ứng viêm và gây hội chứng dải chậu chày;
  • Tập luyện ở những địa hình không bằng phẳng, đồi núi dốc cao cũng có thể tạo thêm áp lực lên vùng dải xương chậu;
  • Không khởi động kỹ trước khi tập luyện hoặc không nghỉ ngơi, thư giãn đủ sau khi tập;
  • Thân nhiệt hạ thấp quá nhanh sau khi tập thể dục;
  • Một số yếu tố khác về giải phẫu cũng có liên quan đến sự khởi phát của hội chứng dải chậu chày, bao gồm:
    • Xoắn xương chày trong;
    • Yêu cơ hông;
    • Xoay bàn chân quá mức, thường là hướng ra ngoài;
    • Viêm khớp khoang giữa đầu gối;
    • Dị tật bẩm sinh có dây chằng chậu bị thít chặt hơn bình thường;
    • Người mắc hội chứng chân vòng kiềng hoặc bàn chân phẳng;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Triệu chứng đặc trưng nhất của hội chứng dải chậu chày là gây đau ở mặt ngoài của đầu gối. Có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên đầu gối của bạn. Tính chất cơn đau có thể thay đổi theo thời gian hoặc các tác động khác. Cơn đau được mô tả là cảm giác nhức nhối và nóng rát khó chịu, đôi khi còn lan rộng đến vùng hông và đùi.

Đau nhức mặt ngoài đầu gối là triệu chứng đặc trưng khi mắc hội chứng dải chậu chày

Trong giai đoạn đầu, cơn đau thường chỉ xuất hiện sau khi tập thể dục xong, nhất là sau vài tiếng chạy bộ đường dài. Mức độ đau có thể nặng hơn khi bạn chạm vào chân. Nhưng ở giai đoạn tiến triển nặng, tình trạng đau nhức có thể tồi tệ hơn, cơn đau có thể xuất hiện ngay khi bạn chưa tập luyện, thường là ở bước khởi động. Sau đó tiếp tục kéo dài cho đến khi bạn ngưng tập luyện.

Một số triệu chứng khác thường xuất hiện kèm theo đau đầu gối khi mắc hội chứng dải chậu chày, bao gồm:

  • Đau vùng hông;
  • Phát ra âm thanh lách cách hoặc tiếng tách nhẹ ở bên ngoài đầu gối;
  • Vùng da tại vị trí đầu gối đau nhức bị đổi màu và có cảm giác ấm nóng khi sờ vào;

Chẩn đoán

Có rất nhiều bệnh xương khớp gây đau nhức đầu gối và các triệu chứng tương tự kể trên. Nên việc chẩn đoán chính xác hội chứng dải chậu chày chỉ thông qua triệu chứng là điều rất khó khăn. Do đó, ngoài việc thăm khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra và đánh giá mức độ triệu chứng, khai thác tiền sử bệnh cũng như đặt các câu hỏi liên quan, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng khác để xác nhận và loại trừ những nguyên nhân khác.

Các bước kiểm tra đầu gối kết hợp xét nghiệm hình ảnh giúp xác định tổn thương hội chứng dải chậu chày và loại trừ các nguyên nhân khác

Cụ thể các bước chẩn đoán thông thường khi nghi ngờ mắc hội chứng dải chậu chày như sau:

  • Nghiệm pháp Noble & Ober: Đây là kỹ thuật kiểm tra các triệu chứng và thu thập những tiêu chí chẩn đoán có liên quan đến hội chứng dải chậu chày. Bao gồm một số bước sau:
    • Cử động đầu gối liên tục và cảm nhận mỏm cầu ngoài nằm ở vị trí bên ngoài đầu gối gây đau có xuất phát từ vị trí đó hay không;
    • Di chuyển hông liên tục trong lúc đầu gối được hỗ trợ;
    • Cử động đầu gối sang nhiều góc khác nhau để tìm kiếm dấu vết của cơn đau;
  • Xét nghiệm hình ảnh: Để quan sát rõ các tổn thương bên trong đầu gối và cũng để loại trừ các tình trạng khác, cần kết hợp với các xét nghiệm hình ảnh chuyên sâu như chụp X quang hoặc MRI. Một số trường hợp có thể kết hợp siêu âm nhằm chứng minh việc bạn mắc phải hội chứng dải chậu chày là do dây chằng chậu chày hoạt động rất bất thường khi duỗi hoặc uốn cong đầu gối, hông.
  • Chẩn đoán phân biệt: Có rất nhiều bệnh lý dễ nhầm lẫn với hội chứng dải chậu chày do có cùng triệu chứng đau đầu gối bên. Do đó, dựa vào kết quả tổng hợp chung vừa thực hiện, cần phân biệt rõ ràng hội chứng này với các bệnh lý sau:
    • Hội chứng xương bánh chè;
    • Viêm gân khoeo
    • Bệnh gân cơ nhị đầu đùi;
    • Căng dây chằng bên;
    • Viêm xương khớp đầu gối;
    • Rách sụn chêm bên;
    • Căng mâm chày ngoài gây gãy xương;

Biến chứng và tiên lượng

Sự phát triển ngày càng nghiêm trọng của hội chứng dải chậu chày được cảnh báo chính là biến chứng khó lường của bệnh. Biến chứng được mô tả khi người bệnh phải chịu đựng những cơn đau nhức dữ dội trong thời gian dài, nhất là trong suốt quá trình hoạt động, thậm chí bộc phát ngay cả khi nghỉ ngơi.

Ngoài ra, một vài trường hợp mắc hội chứng dải chậu chày nghiêm trọng, không điều trị kịp thời và đúng cách làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng đau xương bánh chè (PFPS). Hội chứng này đặc trưng với các triệu chứng đau nhức vùng dưới và xung quanh xương bánh chè.

Không điều trị hội chứng dải chậu chày làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng đau xương bánh chè nguy hiểm

Những biến chứng này khiến người bệnh không thể tiếp tục hoạt động như bình thường. Thậm chí, mất hoàn toàn khả năng cử động, phải nằm một chỗ trong thời gian dài cho đến khi tổn thương được điều trị khỏi hoàn toàn. Phần lớn các trường hợp mắc phải hội chứng này đều có tiên lượng tốt, khoảng 50 - 90% bệnh nhân sẽ cải thiện nhanh sau 4 - 8 tuần nếu tuân thủ áp dụng các biện pháp điều trị bảo tồn không phẫu thuật.

Riêng những bệnh nhân điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, kết quả đạt được khá tốt, nhưng thời gian bình phục hoàn toàn thường lâu hơn. Ngoài ra, kết quả điều trị không phải vĩnh viễn, tổn thương và các triệu chứng vẫn có thể tái phát trở lại bất kỳ lúc nào, ngay cả trong quá trình điều trị hoặc khi đã phục hồi hoạt động bình thường. Nên tốt nhất phải theo dõi kỹ tiến triển để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường để kịp thời xử lý.

Điều trị

Việc điều trị hội chứng dải chậu chày sẽ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định áp dụng các phương pháp phù hợp. Tùy từng trường hợp có thể áp dụng điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.

Điều trị nội khoa

Đa số các trường hợp hội chứng dải chậu chày đều được ưu tiên điều trị bằng các phương pháp bảo tồn. Một số phương pháp hiệu quả sau được khuyến nghị bao gồm:

Tiêm Corticosteroid giúp giảm viêm và cải thiện cơn đau đầu gối nhanh chóng

  • Liệu pháp R.I.C.E: Đây là kỹ thuật sơ cứu giúp giảm đau nhanh chóng do hội chứng dải chậu chày gây ra. Phương pháp này bao gồm 4 bước cơ bản là nghỉ ngơi, chườm đá, nén chặt và nâng cao chân. Tuy nhiên, dù hiệu quả nhưng cách này chỉ làm giảm tạm thời các triệu chứng, không có khả năng trị khỏi dứt điểm tổn thương dải chậu chày.
  • Dùng thuốc: Để hỗ trợ chống viêm có thể dùng đến nhóm thuốc chống viêm không steroid. Liều dùng và thời gian sử dụng sẽ được bác sĩ chỉ định phù hợp với từng trường hợp. Riêng những cơn đau đột ngột và dữ dội, kéo dài không có dấu hiệu thuyên giảm, có thể tiêm corticosteroid trực tiếp vào vị trí viêm để giảm đau nhức, sưng viêm.
  • Vật lý trị liệu: Có thể kết hợp với các biện pháp vật lý trị liệu nhằm mục đích kéo giãn và cải thiện sự linh hoạt cho toàn bộ đầu gối. Tích cực thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, tạo ra sự ma sát vừa đủ ở dải chậu chày cũng góp phần giảm thiểu nguy cơ hình thành sẹo và viêm.
  • Các liệu pháp y tế khác: Để hỗ trợ đạt được kết quả điều trị cao, bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho bệnh nhân thực hiện các kỹ thuật siêu âm trị liệu hiện đại như điện di ion hoặc điện di âm vị. Trong đó:
    • Điện di ion sử dụng nguồn xung điện phù hợp giúp hỗ trợ giảm viêm;
    • Điện di âm vị sử dụng nguồn điện để tăng khả năng hấp thụ thuốc giảm đau đến các mô vị bị viêm;

Phẫu thuật

Hội chứng dải chậu chày là một dạng tổn thương không nghiêm trọng, xuất phát từ những nguyên nhân không quá nặng. Do đó, hiếm có trường hợp nào được chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, vẫn có số ít bệnh nhân điều trị muộn, sai cách, chủ quan không điều trị hoặc không đáp ứng với các biện pháp bảo tồn sẽ được chỉ định phẫu thuật.

Trong đa số các trường hợp, bác sĩ sẽ hướng đến tư vấn phương pháp nội soi khớp. Trong quá trình thực hiện, vị trí tổn thương viêm sẽ được phát hiện và loại bỏ một cách dễ dàng. Theo thống kê, có khoảng 97% trường hợp nội soi khớp cho kết quả cao và tiên lượng phục hồi tốt, bệnh nhân lấy lại khả năng hoạt động bình thường.

Phòng ngừa

Chủ động phòng ngừa là chìa khóa quan trọng giúp bảo tồn chức năng dải chậu chày nói chung và duy trì hoạt động khỏe mạnh nói chung. Để đạt được điều này, hãy tích cực thực hiện các biện pháp sau:

Khởi động kỹ trước khi tập luyện giúp giảm thiểu tổn thương và phòng ngừa hội chứng dải chậu chày

  • Trước bất kỳ hoạt động hay buổi tập thể dục nào dù ngắn hay dài, hãy khởi động kỹ lưỡng để làm nóng xương khớp, giãn cơ đủ để hạn chế tổn thương.
  • Sau tập luyện, cần dành thời gian nghỉ ngơi tại chỗ và giãn cơ bằng các động tác phù hợp để thúc đẩy sự phục hồi.
  • Chọn lựa nơi tập luyện phù hợp, tránh những vị trí có địa hình xấu như lên xuống dốc cao, bề mặt gồ ghề sỏi đá, ổ gà...
  • Tập luyện có mục đích, đặt mục tiêu rõ ràng, có lộ trình tập luyện rõ ràng, từ cơ bản đến nâng cao và điều chỉnh cường độ tập từ từ.
  • Chọn lựa giày thể thao phù hợp với kích cỡ bàn chân, có khả năng nâng đỡ bàn chân, hỗ trợ việc di chuyển an toàn và đúng tư thế.
  • Thường xuyên thực hiện các động tác massage nhẹ nhàng và kéo giãn gân kheo để thư giãn đầu gối, giảm thiểu chấn thương.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi thường xuyên bị đau nhức, nóng rát khó chịu vùng đầu gối có sao không?

2. Tôi nên làm những xét nghiệm kiểm tra gì để tìm ra nguyên nhân gây đau nhức?

3. Nguyên nhân gì khiến tôi mắc hội chứng dải chậu chày?

4. Tình trạng tổn thương đầu gối của tôi có nghiêm trọng không?

5. Điều trị hội chứng dải chậu chày bằng phương pháp nào tốt nhất?

6. Tôi có cần phải phẫu thuật không?

7. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến các chỉ định điều trị?

8. Thời gian điều trị mất bao lâu thì khỏi và phục hồi hoàn toàn?

9. Tôi nên làm gì để chăm sóc cải thiện triệu chứng hội chứng dải chậu chày tại nhà?

10. Tôi cần chú ý những gì để phòng ngừa tái phát hội chứng dải chậu chày?

Hội chứng dải chậu chày là tổn thương phổ biến ở vùng đầu gối, gây đau nhức, khó chịu và hạn chế khả năng cử động. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị kịp thời, tổn thương vẫn sẽ được kiểm soát tốt, giúp bệnh nhân lấy lại khả năng hoạt động bình thường. Hãy trao đổi chi tiết hơn với bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào về căn bệnh này.