Bệnh Hashimoto

Bệnh Hashimoto là tình trạng rối loạn hệ miễn dịch gây viêm, tổn thương và suy giảm chức năng tuyến giáp. Khi cơ thể thiếu hụt hormone tuyến giáp sẽ gây ra hàng loạt các triệu chứng bất thường cả về thể chất lẫn tinh thần. Hầu hết bệnh nhân mắc Hashimoto đều phải duy trì điều trị suốt đời bằng thuốc thay thế hormone. 

Tổng quan

Bệnh Hashimoto (Hashimoto's Disease) tên gọi đầy đủ là bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto. Đây là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ thống miễn dịch hoạt động bất thường, chúng tấn công và tiêu diệt các tế bào sản xuất hormone của tuyến giáp.

Bệnh lý này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1912, bởi Tiến sĩ người Nhật Hakaru Hashimoto. Một số tên gọi khác của bệnh lý như viêm tuyến giáp tự miễn mạn tính hoặc viêm tuyến giáp lympho. Bất kỳ ai cũng có thể phát bệnh, nhưng phổ biến nhất là ở phụ nữ. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu iốt.

Hashimoto là dạng suy giáp phổ biến nhất xảy ra do rối loạn miễn dịch tấn công tuyến giáp

Theo các chuyên gia, bệnh Hashimoto là nguyên nhân hàng đầu gây ra suy giáp. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng như tăng cân đột ngột, mệt mỏi, táo bón, khả năng chịu lạnh kém... Các triệu chứng thường tiến triển chậm và không rõ ràng trong giai đoạn đầu. Sau nhiều năm phát triển, bệnh mới bộc lộ rõ, chẩn đoán chuyên sâu sẽ phát hiện.

Hashimoto là bệnh rối loạn tự miễn ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp và khá nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra hàng loạt các biến chứng sức khỏe khó lường như bướu cổ, tim mạch, rối loạn sức khỏe tâm thần hoặc suy giảm chức năng tình dục...

Phân loại

Có 2 loại bệnh Hashimoto bao gồm nguyên phát và thứ phát:

  • Thể nguyên phát: Dạng này xảy ra với cơ chế phổ biến nhất là khi hệ thống miễn dịch tấn công trực tiếp đến tuyến giáp gây suy giảm chức năng hoạt động.
  • Thể thứ phát: Dạng Hashimoto thứ phát ít gặp hơn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công đến tuyến yên trước, sau đó mới ảnh hưởng đến tuyến giáp.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác về cơ chế khởi phát rối loạn miễn dịch gây bệnh Hashimoto vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng nó là sự kết hợp giữa di truyền và các yếu tố từ môi trường. Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình bướm nằm ở phía cổ. Chức năng và nhiệm vụ chính của nó là sản xuất ra các loại hormone kiểm soát quá trình trao đổi chất.

Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị rối loạn hoạt động, tấn công đến tuyến giáp. Tích tụ số lượng lớn tế bào lympho (tế bào bạch cầu) gây viêm và tổn thương chức năng tuyến. Hậu quả làm giảm sản xuất hormone tuyến giáp và gây suy giáp. Tuy nhiên, không phải ai có triệu chứng Hashimoto cũng bị suy giáp.

Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh Hashimoto cao gấp 10 lần so với đàn ông

Có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển bệnh Hashimoto bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: Những người có người thân trong gia đình đã hoặc đang mắc bệnh tuyến giáp, thế hệ sau của họ thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Do bệnh Hashimoto có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền.
  • Các yếu tố từ môi trường: Chẳng hạn như tiếp xúc với tia bức xạ, căng thẳng quá mức hoặc nhiễm trùng.
  • Tuổi tác: Càng lớn tuổi nguy cơ mắc các bệnh về tuyến giáp thường tăng lên, trong đó có bệnh Hashimoto.
  • Giới tính: Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh Hashimoto cao gấp 10 lần so với đàn ông. Điều này được lý giải là do sự ảnh hưởng của hormone giới tính.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác: Mắc một số bệnh lý tự miễn dưới đây có thể làm tăng nguy cơ phát triển Hashimoto gồm:
    • Lupus ban đỏ hệ thống
    • Viêm khớp dạng thấp
    • Tiểu đường type 1
    • Thiếu máu ác tính
    • Bệnh Celiac
    • Bệnh Addison
    • Hội chứng Sjogren
  • Mang thai: Phụ nữ mang thai thường xảy ra những bất thường về khả năng miễn dịch. Điều này vô tình kích hoạt sự khởi phát các triệu chứng Hashimoto. Tuy nhiên, tỷ lệ này khá ít.
  • Tiêu thụ dư iốt: Chế độ ăn uống hàng ngày dư thừa iốt cũng là tác nhân hàng đầu dẫn đến sự phát triển của bệnh Hashimoto.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng bệnh Hashimoto thường tiến triển chậm theo thời gian và khác nhau ở mỗi người. Có những người không gặp bất kỳ triệu chứng nào khi mắc bệnh, trong khi một số người khác lại có các triệu chứng nghiêm trọng.

Bệnh nhân Hashimoto thường xuyên mệt mỏi, uể oải, táo bón, đau yếu cơ khớp, tăng cân...

Chức năng tuyến giáp hoạt động kém gây ra một số triệu chứng điển hình sau đây:

  • Tăng cân không rõ nguyên nhân
  • Mặt sưng phù
  • Mệt mỏi
  • Da khô, rụng tóc, móng dễ gãy
  • Táo bón
  • Đau khớp, yếu cơ
  • Khả năng chịu lạnh kém
  • Da nhợt nhạt. xanh xao
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Trẻ em chậm tăng trưởng
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Tăng nguy cơ vô sinh ở cả nam và nữ giới
  • Giảm trí nhớ tạm thời, phát triển trầm cảm

Chẩn đoán

Các triệu chứng bệnh Hashimoto rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, nên sẽ rất khó đưa ra kết luận chính xác nếu chỉ đánh giá thông qua các triệu chứng lâm sàng. Sau khi thu thập đầy đủ các thông tin cá nhân, tiền sử bệnh, sức khỏe thể trạng, có bướu cổ ay không..., bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết dưới đây.

Xét nghiệm máu là xét nghiệm tiêu chuẩn giúp kiểm tra và chẩn đoán chính xác các yếu tố có liên quan đến bệnh Hashimoto

Kiểm tra hormone tuyến giáp

Việc kiểm tra được thực hiện thông qua xét nghiệm máu, nhằm mục đích xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng kể trên có phải là suy giáp hay không. 2 loại hormone tuyến giáp được kiểm tra nhằm đánh giá chức năng tuyến là:

  • Hormone kích thích tuyến giáp (TSH): Loại hormone này chỉ được tuyến yên sản xuất ra khi phát hiện nồng độ hormone tuyến giáp giảm thấp bất thường. TSH có khả năng kích thích sản xuất hormone tuyến giáp. Do đó, nồng độ TSH trong máu càng cao có thể cho thấy mức độ suy giáp cao.
  • Hormone Thyroxine (T-4) và triiodothyronine (T-3) chính là các hormone tuyến giáp, nếu nồng độ trong máu giảm thấp quá mức chắc chắn các triệu chứng trên xuất phát từ vấn đề hoạt động của tuyến giáp.

Kiểm tra kháng thể tuyến giáp 

Xét nghiệm kháng thể cũng có thể cần thiết và được chỉ định thực hiện trong một số trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Hashimoto.

Vì để xác định nguyên nhân suy giáp, cần xác nhận có sự hiện diện của các kháng thể là peroxidase tuyến giáp (TPO) và kháng thể thyroglobulin (TgAb). Đây là những kháng thể do hệ thống miễn dịch sản xuất ra nhằm chống lại sự tấn công đến tuyến giáp.

Các kỹ thuật hỗ trợ chẩn đoán khác

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện:

  • Siêu âm tuyến giáp: Giúp phát hiện các dấu hiệu thực thể bất thường về tuyến giáp như nốt sần, phì đại tuyến... Các yếu tố này tạo cơ sở chẩn đoán phân biệt giữa bệnh Hashimoto và các bệnh lý khác do rối loạn chức năng tuyến giáp như bệnh Graves hoặc ung thư tuyến giáp.
  • Sinh thiết tuyến giáp: Đây là kỹ thuật tiêu chuẩn giúp xác nhận chẩn đoán mắc bệnh Hashimoto. Được thực hiện bằng cách lấy một mẫu mô bệnh phẩm nhỏ từ tuyến giáp, quan sát nó dưới kính hiển vi để kiểm tra và phân tích. Dựa vào đó sẽ phát hiện bất kỳ tình trạng viêm hoặc tổn thương chức năng tuyến giáp nào.

Biến chứng và tiên lượng

Biến chứng

Bệnh Hashimoto gây ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tuyến giáp thông qua sự rối loạn miễn dịch. Nó được xác định là nguyên nhân hàng đầu gây ra suy giáp và các biến chứng khó lường khác, bao gồm:

Bướu cổ

Được hiểu đơn giản chính là các khối u bướu phình to nằm ở cổ. Nó là kết quả của quá trình nỗ lực sản xuất lượng lớn hormone tuyến giáp nhưng lại không được sử dụng đúng cách và tích tụ theo thời gian.

Có nhiều loại bướu khác nhau như: bướu khuếch tán, bướu dạng nốt, bướu đa nhân hoặc bướu nằm sau xương ức. Bản chất của bướu cổ không quá nguy hiểm, một số trường hợp ảnh hưởng đến khả năng thở, nuốt hoặc vẻ ngoài của bạn.

Các vấn đề về sức khỏe tim mạch

Bệnh nhân mắc Hashimoto gây suy giáp dù nhẹ cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Nguyên nhân là do rối loạn hormone tuyến giáp vô tình kéo theo sự gia tăng nồng độ cholesterol xấu LDL, tăng cao nguy cơ phát triển xơ cứng động mạch. Hậu quả là xuất hiện các cơn đau tim, đột quỵ bất ngờ.

Bệnh nhân Hashimoto rất dễ phát triển các vấn đề về rối loạn sức khỏe tim mạch với mức tiên lượng xấu khi không điều trị

Ngoài ra, có khoảng 37% số người bị suy giáp phát triển tràn dịch màng tim hoặc suy giáp nặng gây chèn ép màng ngoài tim. Những tình trạng này khiến chức năng tim suy giảm khả năng bơm máu đến các phần khác của cơ thể. Trường hợp nghiêm trọng có thể gây tụt huyết áp đột ngột, dẫn đến tử vong.

Rối loạn chức năng tình dục và khả năng sinh sản

Một số biến chứng về suy giảm ham muốn, đời sống tình dục và khả năng sinh sản của cả nam lẫn nữ mắc bệnh Hashimoto cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

  • Đối với phụ nữ: Bệnh gây suy rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ hành kinh quá dài hoặc không đều, giảm ham muốn và khó thụ thai.
  • Đối với đàn ông: Biểu hiện rõ nhất là giảm ham muốn tình dục đáng kể, phát triển các bệnh sinh lý như rối loạn cương dương, liệt dương, chất lượng tinh trùng kém, tăng nguy cơ vô sinh.

Rối loạn sức khỏe tâm thần

Có không ít bệnh nhân mắc Hashimoto gây ra suy giáp đã phát triển trầm cảm, rối loạn lo âu và nhiều dạng rối loạn sức khỏe tâm lý khác. Nếu không được điều trị kịp thời, các biến chứng này càng tiến triển nặng theo thời gian và gây ra nhiều biến chứng khó lường khác.

Biến chứng thai kỳ

Phụ nữ mang thai mắc bệnh Hashimoto gây suy giáp có thể gặp phải rất nhiều rủi ro trong thai kỳ như thai lưu, sảy thai hoặc sinh non. Mẹ không điều trị suy giáp, con sinh ra có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe sau:

  • Cân nặng thấp
  • Chậm tăng trưởng
  • Rối loạn nhịp tim
  • Các vấn đề về hô hấp
  • Trẻ dễ mắc các bệnh tâm lý bẩm sinh như tự kỷ, suy giảm trí tuệ, chậm nói, chậm biết đi, học tập kém...

Biến chứng phù niêm

Đây là biến chứng hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không điều trị sớm. Biến chứng này xảy ra do bệnh nhân để Hashimoto và suy giáp tiến triển quá lâu không điều trị.

Tình trạng này đặc trưng bởi triệu chứng hôn mê sâu, các biểu hiện khác xảy ra trước đó như mất tinh thần, cơ thể không có năng lượng... Biến chứng này thường được kích hoạt bởi các yếu tố như sử dụng liều cao thuốc an thần, tiếp xúc nhiệt độ lạnh, nhiễm trùng hoặc căng thẳng quá mức.

Tiên lượng

Một điều không may là bệnh Hashimoto không có khả năng chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, vì bản chất của bệnh là do sự thiếu hụt hormone tuyến giáp nên việc sử dụng liệu pháp hormone thay thế thường đem lại hiệu quả cao trong việc soát các hoạt động liên quan của cơ thể, cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Điều trị

Các phương pháp điều trị bệnh Hashimoto phổ biến hiện nay và được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa bao gồm:

Liệu pháp hormone thay thế

Phương pháp điều trị chính đối với bệnh Hashimoto chính là liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp. Cụ thể là sử dụng thuốc hormone tuyến giáp tổng hợp, loại điển hình nhất hiện nay là Levothyroxine. Thuốc có tác dụng thay thế toàn bộ lượng hormone cần thiết mà tuyến giáp không thể sản xuất ra.

Bệnh nhân Hashimoto phải sử dụng thuốc hormone thay thế suốt đời để kiểm soát triệu chứng bệnh

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại biệt dược của Levothyroxine, tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thương hiệu thuốc phù hợp. Có thể kể đến như:

  • Euthyrox
  • Ermeza
  • Levo-T
  • Levoxyl
  • Levolet
  • Synthroid
  • Levothroid
  • Tirosint
  • Thyquidity

Liều dùng tiêu chuẩn khoảng 1.6 - 1.8mcg/kg mỗi ngày. Có thể tăng giảm phù hợp dựa vào độ tuổi, thể trạng sức khỏe hoặc dùng liều khởi đầu hay duy trì. Hầu hết bệnh nhân mắc Hashimoto hoặc có tiến triển suy giáp đều phải dùng loại thuốc này cả đời để kiểm soát bệnh một cách tối đa và hiệu quả.

Ngoài ra, cần lưu ý tác dụng phụ khi sử dụng levothyroxin, nhất là khi lạm dụng liều cao vượt quá chỉ định của bác sĩ. Tác dụng phụ thường gặp nhất là nhiễm độc tuyến giáp, gây ra hàng loạt các biểu hiện bất thường như run rẩy, tim loạn nhịp, sụt cân, vã mồ hôi, hồi hộp, bất an... Người bệnh cần ngưng thuốc và tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác

Ngoài phương pháp điều trị chính là liệu pháp hormone thay thế, bệnh nhân Hashimoto cũng có thể được chỉ định hoặc khuyến nghị thực hiện một số biện pháp điều trị hỗ trợ sau đây:

Xây dựng khẩu phần ăn lành mạnh và sinh hoạt điều độ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân

  • Dùng thuốc kê đơn: Một số loại thuốc kê đơn khác có thể dùng để hỗ trợ cải thiện triệu chứng như thuốc chẹn beta giúp giảm triệu chứng lo âu, kiểm soát nhịp tim, dùng corticosteroid hỗ trợ giảm triệu chứng viêm tuyến giáp.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Mặc dù không có thực đơn ăn kiêng tuyệt đối dành cho bệnh nhân mắc Hashimoto. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến khích bệnh nhân nên điều chỉnh lại thực đơn ăn uống sao cho phù hợp. Tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe. Hạn chế chất kích thích, thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, thức ăn chế biến sẵn...
  • Thiết lập lại lối sống: Thói quen tập thể dục hàng ngày, sinh hoạt điều độ, tránh stress, tránh thức khuya... cũng giúp cải thiện tốt các triệu chứng Hashimoto, nâng cao hệ thống miễn dịch, duy trì ổn định mức năng lượng cần thiết cho sức khỏe, tránh làm bệnh tiến triển nặng hơn.
  • Bổ sung các chất cần thiết: Ngoài thực phẩm, bạn cũng có thể tăng cường bổ sung các hoạt chất giúp tác động đến khả năng hấp thụ levothyroxide như sắt, canxi, selen, suncralfate, cholestyramine và nhôm hydroxit...

Ngoài ra, việc điều trị y tế chuyên sâu cũng có thể được chỉ định trong những trường hợp Hashimoto gây ra biến chứng. Tùy vào loại và mức độ biến chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Phòng ngừa

Vì không có biện pháp điều trị nên việc phòng ngừa bệnh Hashimoto cũng rất khó khăn, gần như không thể phòng ngừa được hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh thông qua các biện pháp sau:

  • Thực hiện chế độ ăn uống khoa học và lối sống lành mạnh.
  • Hạn chế tiếp xúc với bức xạ dưới bất kỳ hình thức nào.
  • Vận động thể chất hàng ngày nâng cao miễn dịch và thể trạng, kiểm soát yếu tố căng thẳng.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra toàn diện cơ thể, sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường, bao gồm cả bệnh Hashimoto và suy giáp.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Vì sao tôi thường xuyên mệt mỏi, táo bón, đau cứng cơ khớp, da khô, táo bón...?

2. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán nguyên nhân bệnh lý?

3. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh Hashimoto?

4. Bệnh Hashimoto có nguy hiểm không?

5. Bệnh Hashimoto ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của tôi?

6. Nếu không điều trị, bệnh Hashimoto gây ra những biến chứng gì?

7. Điều trị bệnh Hashimoto bằng phương pháp nào tốt nhất?

8. Dùng thuốc thay thế hormone lâu dài gây ra những tác dụng phụ nào? Có nguy hiểm không?

9. Điều trị bệnh Hashimoto bao lâu thì khỏi?

10. Tôi cần thực hiện các biện pháp tại nhà nào để kiểm soát bệnh và ngăn biến chứng?

Phát hiện chẩn đoán và điều trị sớm các dấu hiệu của bệnh Hashimoto là cách tốt nhất để kiểm soát tiến triển bệnh cũng như ngăn chặn các biến chứng khó lường. Do đó, nếu muốn ổn định sức khỏe, duy trì chất lượng cuộc sống, mỗi người cần phải chú ý tình trạng sức khỏe của bản thân và nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe mỗi ngày, chủ động thăm khám khi cần thiết.