Bệnh Rối Loạn Tâm Thần Tiền Kinh Nguyệt

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là tình trạng đặc trưng bởi các triệu chứng tiền kinh nguyệt như đau ngực, đau vú, đầy hơi... Nhưng song song đó là sự phát triển nghiêm trọng của các triệu chứng tâm lý như lo âu quá mức, thay đổi tâm trạng thất thường, trầm cảm. Một số trường hợp mắc bệnh còn có ý định tự tử.

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là một dạng rối loạn nghiêm trọng của hội chứng tiền kinh nguyệt

Tổng quan

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (Premenstrual dysphoric disorder - PMDD) là một dạng nghiêm trọng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Thuật ngữ này được mô tả là tập hợp các triệu chứng xảy ra từ 1 - 2 tuần trước khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu và dừng lại sau 2 ngày hành kinh. Hội chứng này ảnh hưởng đến khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Các triệu chứng của PMDD phát triển tương tự như PMS, nhưng mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Đặc biệt là các triệu chứng liên qua đến cảm xúc, tâm trạng và hành vi. Nhiều chị em phụ nữ rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn, dễ cáu gắt, tức giận, lo lắng vô cớ và phát sinh trầm cảm.

Phân loại

Hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt phát triển do nhiều nguyên nhân, dựa vào đó để phân loại thành 2 nhóm chính gồm:

  • Thể nguyên phát: Là tình trạng xảy ra ở nhóm phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt bình thường, đều đặn và không có bệnh lý tiềm ẩn nào liên quan.
  • Thể thứ phát: Xảy ra ở những chị em phụ nữ mắc phải các bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Chẳng hạn như hội chứng buồng trứng đa nang hoặc lạc nội mạc tử cung.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cũng như hội chứng tiền kinh nguyệt, nguyên nhân chính xác gây ra PMDD vẫn chưa được hiểu rõ. Nhưng các chuyên gia phát hiện có sự dao động bất thường về hormone nội tiết estrogen và progesterone sau giai đoạn rụng trứng và trước chu kỳ kinh nguyệt.

Trong đó, các triệu chứng về thay đổi tâm lý, cảm xúc và hành vi đặc biệt bị ảnh hưởng bởi sự rối loạn này. Sự thay đổi nội tiết gây ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền tín hiệu ở não. Cụ thể là thay đổi nồng độ serotonin, một chất hóa học giúp điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ và cảm giác đói. Ở phụ nữ mắc PMDD, có thể thấy sự dao động bất ổn về nồng độ chất này.

Rối loạn nội tiết tố ảnh hưởng đến nồng độ serotonin trong não dẫn đến thay đổi tâm lý nghiêm trọng trong suốt chu kỳ kinh nguyệt

Ngoài ra, 5 yếu tố rủi ro hàng đầu dưới đây đã được chứng minh góp phần làm tăng sự phát triển của PMDD, bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Rất nhiều trường hợp hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Đặc biệt là ở nữ giới trong độ tuổi vị thành niên.
  • Thừa cân, béo phì: Phụ nữ có mức BMI bằng hoặc cao hơn 27.5, cao hơn mức bình thường có nguy cơ phát triển chứng PMDD cao hơn người có chỉ số BMI cơ bản bình thường.
  • Các sự kiện tổn thương trong quá khứ: Một số trạng thái tâm lý như lo lắng, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm được hình thành từ các chấn thương trong quá khứ cũng góp phần khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng PMDD.
  • Di truyền: Yếu tố di truyền về sự phát triển của PMS và PMDD xảy ra ở những cặp song sinh. Qua các nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện trong sự phát triển của các hội chứng này có sự xuất hiện của gen mã hóa thụ thể serotonergic 5HT1A.
  • Các yếu tố khác: Những yếu tố về môi trường sống, thói quen, sinh hoạt cũng đóng vai trò không nhỏ trong sự phát triển của hội chứng PMDD. Bao gồm:
    • Căng thẳng kéo dài;
    • Chế độ ăn uống kém khoa học;
    • Không vận động thể chất;
    • Thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Triệu chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt thường xuất hiện vào thời điểm 1 hoặc 2 tuần trước khi có kinh. Sau vài ngày kinh nguyệt diễn ra, chúng sẽ dần thuyên giảm và biến mất.

Mệt mỏi, lo âu, dễ kích động, cáu giận, chán nản, tuyệt vọng là những triệu chứng tâm lý điển hình khi mắc PMDD

Bao gồm các triệu chứng điển hình sau:

  • Khó chịu, dễ cáu gắt, kích động, tức giận vô cớ;
  • Căng thẳng quá mức dẫn đến lo lắng và hoảng loạn;
  • Mệt mỏi đến mức suy nhược cơ thể;
  • Không có nhu cầu tương tác hay giao tiếp với bất kỳ ai;
  • Thường xuyên khóc lóc, vật vã, ủ rũ;
  • Có cảm giác tuyệt vọng, thậm chí muốn tự tử;
  • Thèm ăn, ăn uống vô độ và thay đổi vị giác;
  • Giảm khả năng tập trung, suy nghĩ kém;
  • Lú lẫn, hay quên;

Ngoài các triệu chứng về cảm xúc và hành vi, một số trường hợp còn phát triển kèm theo các triệu chứng về suy giảm thể chất như:

  • Đầy hơi, chướng bụng;
  • Đau tức ngực;
  • Đau đầu, mất ngủ;
  • Đau cơ khớp;
  • Đau lưng;
  • Chuột rút;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Táo bón;
  • Nổi mụn, ngứa ngáy da;
  • Tim đập nhanh, dễ ngất xỉu;
  • Giảm ham muốn tình dục;

Chẩn đoán

Chẩn đoán rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt thông qua kiểm tra và đánh giá các triệu chứng lâm sàng, kết hợp khám vùng chậu và khám sức khỏe toàn diện. Khi có đầy đủ các thông tin về tình trạng, triệu chứng, bác sĩ sẽ dựa vào "Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần bản thứ 5 (DSM - 5) để đưa ra chẩn đoán xác nhận.

Hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng

Cụ thể với các tiêu chí chẩn đoán như sau:

Tiêu chí A: Bệnh nhân có ít nhất 5 trong số 11 triệu chứng dưới đây, trong đó phải xuất hiện ít nhất 1 trong 4 triệu chứng đầu tiên.

  1. Tâm lý chán nản, tuyệt vọng, buồn rầu và muốn tự tử;
  2. Thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng, dễ bị kích động;
  3. Rối loạn điều hòa cảm xúc;
  4. Dễ xảy ra xung đột hoặc tức giận dai dẳng với các mối quan hệ xung quanh;
  5. Mất hứng thú với mọi thứ, dù trước đó rất yêu thích;
  6. Giảm khả năng chú ý tập trung;
  7. Mệt mỏi, ủ rũ, lờ đờ và thiếu năng lượng rõ rệt;
  8. Thay đổi thói quen ăn uống, tăng cảm giác thèm ăn, ăn uống vô độ hoặc chỉ thèm ăn một loại thực phẩm nhất định;
  9. Mất ngủ kéo dài;
  10. Có cảm giác cuộc sống dần bị choáng ngợp và mất phương hướng;
  11. Tập hợp các triệu chứng thực thể như đau nhức toàn thân, tăng cân, đầy hơi...;

Tiêu chí B: Những triệu chứng được xác định phải ở mức độ nghiêm trọng nhất định, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, khả năng học tập và làm việc, sinh hoạt hàng ngày, đời sống tình dục...

Tiêu chí C: Các triệu chứng liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của PMDD có thể là biểu hiện nghiêm trọng của một số rối loạn khác và cần chẩn đoán sớm. Chẳng hạn như rối loạn trầm cảm nặng, rối loạn nhân cách, rối loạn hoảng sợ...

Tiêu chí D: Chính là các tiêu chí A, B và C được chẩn đoán xác nhận xảy ra trong ít nhất 2 chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp.

Ngoài ra, trong một số trường hợp khác, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng khác như xét nghiệm máu, kiểm tra thần kinh... xác nhận chẩn đoán PMDD và loại trừ các vấn đề sức khỏe khác như rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn chức năng sinh sản.

Biến chứng và tiên lượng

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Hàng loạt các triệu chứng về thể chất, cảm xúc và hành vi thường xảy ra trước những ngày hành kinh. Mắc bệnh càng lâu càng gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe tinh thần và đời sống tình dục, khả năng sinh sản.

Hội chứng PMDD nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường. Trong đó, nghiêm trọng nhất là trầm cảm, tăng nguy cơ tự tử. Nếu bản thân đang có ý định tự tử hoặc phát hiện người thân có ý định này, hãy nhanh chóng tìm cách khuyên nhủ hoặc liên hệ với các nhóm cứu hộ tự tử để được hỗ trợ.

Điều trị

Tuy không có biện pháp điều trị đặc hiệu, các biện pháp hỗ trợ dưới đây giúp cải thiện rõ rệt các triệu chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Việc điều trị chia làm 2 hướng chính bao gồm:

Các phương pháp bảo tồn

Thay đổi lối sống tích cực là phương pháp điều trị bảo tồn được chỉ định ưu tiên áp dụng nhằm cải thiện các triệu chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt.

Các triệu chứng PMDD có thể được cải thiện rõ rệt bằng một lối sống và sinh hoạt khoa học

  • Tập thể dục: Tập thể dục thể thao hàng ngày đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt giúp cải thiện các triệu chứng PMDD. Vận động tích cực có khả năng gia tăng nồng độ beta endorphin giúp hỗ trợ duy trì sự ổn định của tâm trạng, cảm xúc và hành vi.
  • Chế độ ăn uống: Đối với phụ nữ mắc PMDD, cần điều chỉnh chế độ ăn uống một cách khoa học. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu carbohydrate hoặc protein phức tạp, gia tăng nồng độ tryptophan và tăng mức serotonin. Đồng thời, cắt giảm các loại thực phẩm giàu chất béo, quá mặn, quá ngọt, caffein, cồn... để cải thiện triệu chứng.
  • Kiểm soát căng thẳng: Quản lý căng thẳng hiệu quả bằng các kỹ thuật thư giãn, hít thở, yoga, thiền định,... đem lại những lợi ích cao trong việc cải thiện triệu chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt.

Điều trị bằng thuốc

Mục đích sử dụng các loại thuốc dưới đây nhằm kiểm soát các triệu chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Cụ thể là tăng cường hiệu quả hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh (serotonin điều chỉnh tâm trạng).

Các loại thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc ngừa thai giúp cân bằng nội tiết tố, điều hòa tâm trạng cho bệnh nhân

Có 2 nhóm thuốc thuốc điều trị PMDD thường dùng như:

Thuốc hướng thần

Bao gồm:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) được phê duyệt sử dụng chính trong điều trị PMDD. Bao gồm các loại điển hình như paroxetine (Paxil), fluoxetine (Prozac), sertraline (Zoloft), citalopram (Celexa), escitalopram (Lexapro)...;
  • Thuốc chứa chất ức chế tái hấp thu noradrenaline venlafaxine (SNRI). Tuy ít được sử dụng nhưng loại thuốc này vẫn có tác dụng hỗ trợ cải thiện phần nào các triệu chứng tâm lý;
  • Thuốc benzodiazepin điển hình như alprazolam phát huy tác dụng hiệu quả trong việc kiểm soát các triệu chứng lo âu nghiêm trọng, mất ngủ tiền kinh nguyệt;
  • Thuốc Seroquel (quetiapin) làm tăng hiệu quả của thuốc SSRI hoặc SNRI. Tăng khả năng cải thiện các triệu chứng như lo lắng, hoang mang, thay đổi tâm trạng, trầm cảm...;

Thuốc ức chế rụng trứng

Bao gồm:

  • Thuốc tránh thai đường uống: Được sử dụng rất phổ biến trong điều trị PMDD, giúp kiểm soát các triệu chứng thể chất và cảm xúc, hành vi.
  • Liệu pháp nội tiết tố: Đối với các triệu chứng thể chất và tâm lý PMDD nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng liệu pháp nội tiết tố để giảm đau. Loại thuốc này phát huy tác dụng thông qua khả năng ức chế chu kỳ vùng dưới đồi - tuyến sinh dục.
  • Danazol là chất chủ vận đối khángn androgen tổng hợp và ức chế hoạt chất gonadotropin. Thuốc này giúp ức quá trình rụng trứng và điều trị hiệu quả các triệu chứng PMDD.

Trị liệu tâm lý

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là một hình thức điều trị hiệu quả đối với hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Liệu pháp này được mô tả là một hình thức trò chuyện cởi mở nhằm giúp phụ nữ mắc PMDD nhận thức và thay đổi các hành vi, cảm xúc tiêu cực.

Đồng thời, hỗ trợ giúp bệnh nhân cởi mở hơn và chấp nhận bệnh tật. Tự nâng cao nhận thức trong việc xây dựng phác đồ phù hợp để đối phó kiểm soát các triệu chứng bệnh.

Phòng ngừa

Điều trị hiệu quả hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa phát triển rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Ngoài ra, một số thói quen sống lành mạnh và khoa học bao gồm ăn uống khoa học, tập thể dục tích cực, sinh hoạt điều độ, quản lý căng thẳng... cũng góp phần làm nguy cơ phát triển hội chứng này.

Chủ động khám sức khỏe ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường xảy ra trước, trong và sau chu kỳ kinh nguyệt.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân vì sao tôi mắc bệnh rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt?

2. Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có phải hội chứng tiền kinh nguyệt không?

3. Những ảnh hưởng của PMDD đến sức khỏe thể chất và tinh thần của tôi?

4. Các biện pháp điều trị PMDD tốt nhất dành cho tôi là gì?

5. Quá trình điều trị có gây ra tác dụng phụ nào không?

6. Tôi cần điều chỉnh lối sống như thế nào để cải thiện các triệu chứng PMDD?

7. Tôi nên làm gì nếu có cảm giác trầm cảm nặng hoặc muốn tự tử?

8. Hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có tái phát sau điều trị không?

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là một hội chứng rối loạn nghiêm trọng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần, khả năng giao tiếp, các mối quan hệ và cả sự nghiệp của một người. Nặng hơn có thể dẫn đến trầm cảm và tự tử. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức để bảo vệ sức khỏe.

Xem thêm: