Bệnh Phù Niêm

Phù niêm là tình trạng hiếm gặp xảy ra do suy giáp kéo dài hoặc sự mất bù do các cơ chế cân bằng nội môi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như nhiễm trùng, nhiệt độ lạnh, căng thẳng... Đây là tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong, ngay cả khi được điều bằng các biện pháp y tế tích cực. Cách duy nhất để giảm tỷ lệ tử vong do phù niêm là phát hiện và chẩn đoán sớm dấu hiệu suy giáp. 

Tổng quan

Phù niêm (Myxedema) là tình trạng sức khỏe báo động, bệnh nhân hôn mê sâu do suy chức năng tuyến giáp. Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm của các dạng suy giáp nói chung do chủ quan không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, để bệnh tiến triển trong thời gian dài.

Phù niêm là biến chứng cực đoan của bệnh suy giáp kéo dài không được điều trị

Tình trạng này xảy ra do da và các mô khác bị xâm lấn bởi lượng lớn nhất nhầy có chứa axit polysaccarit hút nước. Đặc trưng bởi triệu chứng sưng và dày da, mệt mỏi kéo dài, giảm thân nhiệt hoặc sốc phù nề. Trong đó, các thay đổi về da là điển hình nhất gồm sưng mặt, mắt, môi, lưỡi, dày da bất kỳ vùng nào trên cơ thể, nhưng thường là vùng thân dưới, phù cứng ấn không lõm.

Tình trạng này ít phổ biến do đa số trường hợp suy giáp dù nhẹ hoặc nặng đều được kiểm soát tốt bằng thuốc thay thế hormone. Nhưng với những trường hợp không điều trị, bệnh nhân có thể tử vong. Hoặc ngay cả khi được điều trị cấp cứu kịp thời, tỷ lệ tử vong cũng rất cao.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Đa số trường hợp được chẩn đoán phù niêm là do suy giáp lâu năm, tiến triển nặng có thể đã được chẩn đoán hoặc chưa từng phát hiện trước đó. Tuyến giáp là cơ quan nằm trước vùng cổ, có kích thước bằng hai ngón tay cái, có nhiệm vụ sản xuất hormone tuyến giáp cần thiết (thyroxine T4 và triiodothyronine T3) cho các hoạt động của cơ thể.

Suy giáp xảy ra khi chức năng tuyến giáp suy giảm hoặc ngừng hoạt động sản xuất hormone. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra như:

  • Viêm tuyến giáp Hashimoto (một bệnh rối loạn tự miễn gây viêm và tổn thương chức năng tuyến giáp);
  • Tiếp xúc với tia bức xạ (xạ trị chữa ung thư);
  • Sử dụng thuốc hóa trị gây rối loạn hệ miễn dịch;
  • Thiếu hoặc thừa iốt;
  • Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp;

Các yếu tố như hạ thân nhiệt, nhiễm trùng, chấn thương... có thể làm kích hoạt suy giáp mất bù gây hôn mê phù niêm

Sau một thời gian bị suy giáp, cơn khủng hoảng phù niêm bộc phát. Đây là kết quả của sự lắng đọng quá mức của các chuỗi phân tử đường trong da. Những hợp chất này hoạt động mạnh mẽ, hút nước và gây ra sưng phù da.

Cơn phù niêm có thể được kích hoạt khi tiếp xúc với:

  • Chấn thương, bỏng
  • Nhiệt độ lạnh
  • Nhiễm trùng (nhiễm trùng huyết, viêm phổi, nhiễm cúm, nhiễm trùng đường tiết niệu...)
  • Căng thẳng
  • Lên cơn đau tim
  • Đột quỵ
  • Xuất huyết đường tiêu hóa
  • Sử dụng thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương như amiodarone, lithium, thuốc an thần, gây mê, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, opioid...
  • Ngưng sử dụng thuốc trị suy giáp đột ngột...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Phù niêm còn được gọi là hôn mê phù niêm. Tuy nhiên, các triệu chứng dùng để chẩn đoán tình trạng này lại không liên quan đến hôn mê. Thực chất, bệnh nhân phù niêm ngoài các triệu chứng đặc trưng thay đổi da, sưng phù, dày da, thì còn kèm theo các biểu hiện về sức khỏe tinh thần ngày càng xấu đi.

Bệnh nhân phù niêm thường có các triệu chứng đặc trưng của bệnh suy giáp như: mệt mỏi, tăng cân, táo bón, khả năng chịu lạnh kém, da, tóc khô xơ, móng gãy, da dẻ xanh xao, nhợt nhạt...

Bệnh nhân thường có các biểu hiện của suy giáp và bất thường về trạng thái tinh thần

Ngoài ra, còn có các biểu hiện bất thường về trạng thái tinh thần như:

  • Thờ ơ, lơ mơ
  • Mệt mỏi, uể oải không có năng lượng
  • Suy giảm nhận thức
  • Lú lẫn
  • Sau đó mới rơi vào trạng thái hôn mê sâu

Khi thăm khám và chẩn đoán y tế chuyên sâu, các bác sĩ sẽ đánh giá phù niêm dựa trên mức độ ảnh hưởng của triệu chứng đến các cơ quan, bộ phận như tim mạch, hô hấp, đường tiêu hóa, thần kinh, huyết học, thận, hoạt động điện giải... Cụ thể gồm các đặc điểm lâm sàng sau:

Hệ thống thần kinh trung ương

  • Suy giảm trạng thái tinh thần;
  • Giảm lưu lượng mái lên não, do giảm lượng oxy và glucose, gây gián đoán chức năng não;
  • Các biểu hiện như lú lẫn, thờ ơ, choáng váng và hôn mê (hiếm xảy ra);

Quá trình trao đổi chất

  • Sụt cân, chậm tăng trưởng và nhiều ảnh hưởng khác do nguồn năng lượng thấp, gây ra bởi tỷ lệ trao đổi chất giảm;
  • Giảm khả năng hấp thụ và chuyển hóa thuốc;
  • Thân nhiệt giảm thấp < 35.5 độ C;
  • Nhiễm toan hô hấp, thiếu oxy và tăng nồng độ CO2;

Thay đổi da, tóc

  • Sưng bọng mắt, mí mắt;
  • Sụp mí;
  • Lưỡi sưng to, phì đại;
  • Tóc khô ráp, rụng nhiều;
  • Da khô, nhão;

Triệu chứng tim mạch

  • Rối loạn nhịp tim, tim đập chậm;
  • Tim do do tràn dịch ngoài màng tim;
  • Ức chế mạch máu ngoại biên;
  • Giảm xung đỉnh và giảm âm thanh hoạt động tim;
  • Tăng huyết áp tâm trương và tâm thu ở giai đoạn đầu, giai đoạn sau hạ huyết áp;

Huyết học

  • Xét nghiệm công thức máu cho thấy thiếu máu hồng cầu bình thường hoặc hồng cầu to;
  • Một số trường hợp phát triển thiếu máu ác tính;

Hệ tiêu hóa

  • Táo bón;
  • Đau dạ dày;
  • Giảm nhu động ruột do đại tràng sưng phù và chứng liệt ruột;

Thận và bàng quang

  • Phát triển suy thận nghiêm trọng;
  • Bàng quang luôn trong trạng thái căng quá mức;
  • Giảm khả năng lọc cầu thận;

Hô hấp

  • Giảm rõ rệt chức năng hô hấp;
  • Phát triển thừa cân, béo phì liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ;

Riêng đối với các triệu chứng tinh thần, cần chẩn đoán phân biệt biến chứng phù niêm với các tình trạng sức khỏe khác gây suy giảm tinh thần như:

  • Sốc nhiễm trùng;
  • Hạ thân nhiệt;
  • Mất trí nhớ, trầm cảm;
  • Hạ đường huyết;
  • Bệnh não gan;
  • Viêm não và viêm màng não;
  • Bệnh mạch máu não;
  • Hội chứng giảm thông khí;
  • Đột quỵ;

Chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác tình trạng và mức độ nghiêm trọng của phù niêm, phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm cũng như sự nhạy bén về chuyên môn của bác sĩ. Đa số bệnh nhân thăm khám hoặc nhập viện thường là phụ nữ có tiền sử rối loạn tuyến giáp hoặc nguy cơ mắc bệnh cao, thời điểm thường vào những tháng thu đông.

Chẩn đoán phù niêm nên dựa vào kết quả xét nghiệm máu hoặc đo điện tâm đồ

Ngoài dựa vào các triệu chứng kể trên, một số xét nghiệm cận lâm sàng cũng đối với bệnh suy giáp cũng sẽ được thực hiện nhằm xác nhận chẩn đoán. Bao gồm:

  • Đo TFT: gồm lượng TSH tăng và mức T4 hoặc T3 luôn giảm;
  • Xét nghiệm sinh hóa thường quy:
    • Hạ natri máu;
    • Giảm lượng đường huyết;
    • Thiếu máu bình thường và giảm bạch cầu nhẹ, kèm theo dấu hiệu nhiễm trùng;
    • Độ bão hòa oxy thường xuyên giảm;
  • Kiểm tra enzyme huyết thanh:
    • Nồng độ creatine kinase tăng;
    • Transaminase tăng liên tục;
    • Tăng lipid máu;
  • Đo ECG: Cho thấy các thay đổi sau:
    • Nhịp tim chậm;
    • Thay đổi sóng ST và T;
    • Mức độ điện áp giảm;
    • Phát hiện Block tim và khoảng QT kéo dài trên điện tâm đồ;
    • Nhồi máu cơ tim;
  • X-ray ngực:
    • Phát hiện tràn dịch màng phổi, kèm theo có hoặc không có dấu hiệu tim to;
    • Tràn dịch màng tim;
  • Các xét nghiệm khác:
    • Đo nồng độ Cortisol huyết thanh, nhằm loại trừ nguy cơ suy tuyến thượng thận do suy tuyến yên;
    • Sàng lọc yếu tố nhiễm trùng thông qua thủ tục cấy máu hoặc cấy nước tiểu, vừa xác định nguyên nhân gây ra phù niêm vừa loại trừ các vấn đề sức khỏe khác;

Biến chứng và tiên lượng

Phù niêm là tình trạng suy giáp nghiêm trọng, có thể gây ra tử vong nếu không được điều trị sớm. Thậm chí, dù được điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong vẫn rất cao lên đến 60%. Nguyên nhân tử vong thường xuất phát từ các biến chứng cấp tính nguy hiểm như:

Đa số bệnh nhân phù niêm đều có nguy cơ tử vong cao dù được chẩn đoán và điều trị tích cực

  • Hôn mê sâu
  • Suy hô hấp
  • Nhiễm trùng huyết
  • Thiếu máu cục bộ cơ tim
  • Xuất huyết đường tiêu hóa
  • Khủng hoảng tuyến thượng thận

Mức tiên lượng về bệnh phù niêm rất khó xác định, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe tại thời điểm khởi phát phù niêm và mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý kèm theo khác. Nguy cơ tử vong cao nhất ở người lớn tuổi hoặc người có tiền sử rối loạn nhịp tim, tim đập chậm hoặc hạ thân nhiệt.

Điều trị

Không có phác đồ chuyên sâu cụ thể để điều trị phù niêm. Việc điều trị chủ yếu dựa vào kinh nghiệm lâm sàng của đội ngũ, chuyên gia bác sĩ.

Điều trị cấp cứu

Bệnh nhân khởi phát phù niêm thường rơi vào trạng thái nguy hiểm đến tính mạng, cần nhập viện để điều trị và chăm sóc đặc biệt. Mục tiêu điều trị phù niêm đòi hỏi cần có sự kết hợp của nhiều đơn vị như hô hấp, tim mạch, huyết học...

Hầu hết bệnh nhân phù niêm đều phải nhập viện để điều trị và chăm sóc đặc biệt

  • Thông khí cơ học: Chỉ định khi bệnh nhân có tình trạng tăng mức CO2 và thiếu oxy. Phương pháp được áp dụng phổ biến nhất là kỹ thuật áp lực đường thở dương liên tục (CPAP).
  • Theo dõi tình trạng tim mạch:
    • Theo dõi liên tục kết quả đo ECG;
    • Đo huyết áp thường xuyên;
    • Loại trừ nguy cơ và dấu hiệu nhồi máu cơ tim;
    • Tránh cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc tăng huyết áp hoặc kích thích co bóp. Vì chúng có thể gây ra rối loạn nhịp tim khi sử dụng thuốc hormone thay thế tuyến giáp qua đường tĩnh mạch;
  • Duy trì thân nhiệt: Bệnh nhân bị hạ thân nhiệt nên được làm ấm cơ thể từ từ bằng nhiều cách khác nhau. Tránh quấn chăn ấm quá dày vì có thể gây giãn mạch ngoại vi, làm nặng thêm mức độ hạ huyết áp.

Liệu pháp hormone thay thế

Bất kỳ bệnh nhân nào bị phù niêm rơi vào trạng thái nguy hiểm đều được ưu tiên điều trị bằng hormone tuyến giáp. Việc điều trị chậm trễ càng làm tăng nguy cơ tử vong và để lại di chứng sau đó.

Việc sử dụng hormone tuyến giáp qua đường tĩnh mạch liều cao được cảnh báo có thể gây ra biến chứng rối loạn nhịp tim hoặc nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, biện pháp này gần như là bắt buộc sau khi cân nhắc với lợi ích bảo toàn tính mạng của bệnh nhân.

Theo khuyến nhị, nên cho bệnh nhân dùng hydrocortisone trước khi điều trị bằng hormone tuyến giáp. Nhất là đối với những bệnh nhân có tiền sử hạ huyết áp nhằm ngăn chặn biến chứng khủng hoảng suy tuyến thượng thận.

Liệu pháp hormone thay thế là phương pháp điều trị ưu tiên cần thực hiện càng sớm càng tốt để tăng tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân

Hiện nay, vẫn tồn tại một số tranh cãi về việc sử dụng và liều dùng thuốc hormone thay thế, cụ thể gồm 2 loại chính là levothyroxine (T4) và liothyronine (T3). Nguyên nhân là do số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị phù niêm tương đối ít nên các nghiên cứu vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, qua nhiều trường hợp hầu hết các cơ sở y tế đều chỉ định sử dụng Levothyroxine (T4), liều dùng khuyến cáo ban đầu khoảng 100 - 500μg qua đường tiêm tĩnh mạch. Sau đó, dùng liều duy trì 75 - 100μg tiêm tĩnh mạch hàng ngày. Tuân thủ liều này cho đến khi bệnh nhân dần hồi phục và có thể sử dụng thuốc bằng đường uống.

Riêng với người lớn tuổi, liều dùng thuốc hormone tuyến giáp có thể tăng lên mức 100 - 170μg đường uống mỗi ngày. Đối với bệnh nhân trẻ tuổi có nguy cơ tim mạch thấp, có thể kết hợp cả 2 loại T3 và T4 để tăng hiệu quả.

Các loại thuốc khác

Ngoài hormone thay thế tuyến giáp, bệnh nhân hôn mê do phù niêm cũng được chỉ định sử dụng một vài loại thuốc khác để kiểm soát triệu chứng bệnh gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Tác dụng chính nhằm kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, ngăn chặn nhiễm trùng tiến triển nặng hơn. Đa số chuyên số đều cho phép điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch phổ rộng.
  • Corticosteroid: Những trường hợp chưa thể loại trừ được nguy cơ suy tuyến thượng thận, bệnh nhân sẽ phải sử dụng hydrocortisone liên tục. Thường dùng qua đường tiêm tĩnh mạch với liều 100mg cách mỗi 8 giờ. Có thể ngừng sử dụng cho đến khi kết quả đo nồng độ cortisol ngẫu nhiên về mức bình thường.

Phòng ngừa

Bệnh phù niêm rất khó phòng ngừa vì không có nhiều báo cáo về việc ghi nhận phòng ngừa được bệnh hoặc các biện pháp ngăn ngừa tử vong. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, chỉ cần cảnh giác, theo dõi sức khỏe sát sao, chẩn đoán sớm bệnh suy giảm và tích cực điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế có thể giảm thiểu rủi ro phát triển phù niêm.

Khuyến cáo người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ nên chủ động thăm khám sức khỏe toàn diện, thực hiện xét nghiệm chức năng tuyến giáp, nhất là vào thời điểm mùa thu đông lạnh giá và có kèm theo các thay đổi bất thường về trạng thái tinh thần.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh phù niêm là gì? Có nguy hiểm không?

2. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh phù niêm?

3. Nguy cơ tử vong của tôi là bao nhiêu %?

4. Điều trị bệnh phù niêm bằng phương pháp nào tốt nhất?

5. Việc dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp qua đường tĩnh mạch có thể gây biến chứng gì?

6. Tiên lượng sống sót sau điều trị bệnh phù niêm?

7. Cần làm gì để chăm sóc sức khỏe sau khi vượt qua cơn nguy kịch?

8. Mất thời gian bao lâu để ổn định sức khỏe sau điều trị phù niêm?

9. Tôi cần làm gì để phòng ngừa phù niêm tái phát?

Phù niêm tuy hiếm gặp nhưng lại cực kỳ nguy hiểm, dẫn đến tử vong do sự tiến triển nặng của các biến chứng sức khỏe như suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, hôn mê sâu, thiếu máu cục bộ... Việc điều trị sớm chỉ giúp xử lý và kiểm soát một phần biến chứng. Bệnh nhân vẫn có nguy cơ tử vong cao sau đó.