Hội Chứng Tiền Kinh Nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt là hiện tượng xảy ra phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, cảm xúc và hành vi của phụ nữ, xảy ra ngay trước chu kỳ kinh nguyệt khoảng vài ngày. Chị em phụ nữ cần hiểu rõ về hội chứng này để có cách xử lý phù hợp. 

Tổng quan

Hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual Syndrome - PMS) là tình trạng sức khỏe sinh lý bình thường, xảy ra ngay trước chu kỳ kinh nguyệt. Hội chứng này ảnh hưởng chủ yếu đến khía cạnh thể chất, cảm xúc và hành vi của người phụ nữ. Chẳng hạn như mệt mỏi, khó chịu, đau tức vú, đầy hơi, dễ cáu gắt…

Hội chứng tiền kinh nguyệt là tập hợp các triệu chứng xuất hiện trước chu kỳ kinh nguyệt

Các chuyên gia cho rằng sự xuất hiện của các triệu chứng tiền kinh nguyệt là hoàn toàn bình thường. Chúng xuất hiện và biến mất theo chu kỳ, thường sau vài ngày kể từ khi bắt đầu có kinh. Tuy không nguy hiểm nhưng những triệu chứng PMS có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Hội chứng này có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Nhưng tần suất xảy ra chủ yếu xuất hiện trong độ tuổi từ 20 - 40. Có khoảng 47.8% dân số nữ trên thế giới bị ảnh hưởng bởi hội chứng tiền kinh nguyệt, chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Trong đó, khoảng 3 - 8% trường hợp phát triển các triệu chứng nghiêm trọng của tình trạng rối loạn tâm trạng tiền kinh nguyệt.

Phân loại

Dựa theo các tài liệu nghiên cứu, PMS được phân chia thành 2 dạng chính gồm PMS-A và PMS-C. Mỗi loại khác nhau về đặc điểm, tính chất triệu chứng. Bao gồm:

  • Thể PMS-A: Đây là dạng phổ biến nhất, đặc trưng bởi sự thay đổi về mặt cảm xúc và hành vi. Chẳng hạn như thay đổi tâm trạng thất thường, khó chịu, mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng… Thể này xảy ra do liên quan đến sự thay đổi nồng độ hormone nội tiết estrogen và progesterone. Đây là những hormone ảnh hưởng đến mức độ dẫn truyền thần kinh trong não và gây các triệu chứng về tâm lý.
  • Thể PMS-C: Dạng này chủ yếu liên quan đến sự thay đổi bất thường về nồng độ các chất điện giải trong cơ thể như natri, kali, canxi… Kèm theo mất cân bằng chất lỏng trong cơ thể, nên đặc trưng bởi các triệu chứng như đầy hơi, thèm ăn, mệt mỏi, đau đầu…

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt vẫn chưa được biết rõ. Nhưng theo đánh giá về bản chất, các triệu chứng tiền kinh nguyệt xuất hiện trước chu kỳ kinh và lặp đi lặp lại mỗi tháng. Khi sử dụng thuốc điều tiết hormone có thể làm giảm triệu chứng. Do đó, các chuyên gia nhận định tình trạng này có liên quan đến sự rối loạn hormone  theo chu kỳ kinh nguyệt.

Cụ thể, khi đang trong chu kỳ hành kinh, nồng độ hormone estrogen và progesterone trong cơ thể dao động rất bất thường. Sự thay đổi này gây ảnh hưởng đến khả năng dẫn truyền thần kinh trong não (cụ thể là chất serotonin) gây ra cảm giác khó chịu, bồn chồn, lo lắng và các triệu chứng về cảm xúc, hành vi khác.

Thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể góp phần gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt. Bao gồm:

  • Căng thẳng: Khi cơ thể căng thẳng, não bộ sẽ điều tiết kích thích sản sinh một lượng lớn hormone cortisol. Loại hormone này có khả năng tác động và ảnh hưởng đến nồng độ các hormone còn lại trong cơ thể. Hậu quả dẫn đến sự thay đổi về tâm lý, mức năng lượng và nhiều triệu chứng khác liên quan đến PMS.
  • Chế độ ăn uống: Thói quen ăn uống không khoa học, dung nạp dư thừa đường, muối, dầu mỡ, caffein và các chất kích thích khác như rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng ma túy cũng rất dễ gây ra các triệu chứng tiền kinh nguyệt.
  • Mất ngủ: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến mất ngủ. Những người phụ nữ có chất lượng giấc ngủ kém thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Trong đó có các triệu chứng bất thường về hội chứng tiền kinh nguyệt.
  • Các vấn đề sức khỏe khác: Chị em phụ nữ thường xuyên đau nửa đầu hoặc tái phát liên tục các dạng dị ứng như chàm, nổi mề đay, phù mạch, hồng ban đa dạng, viêm da tự miễn... cũng có thể gây ra các triệu chứng PMS. Đồng thời, các triệu chứng của những vấn đề sức khỏe này cũng có xu hướng tiến triển nghiêm trọng hơn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Hội chứng tiền kinh nguyệt phát triển bao gồm một tập hợp các triệu chứng rất điển hình. Thời điểm xảy ra là giữa thời kỳ rụng trứng và chu kỳ hành kinh. Các triệu chứng này chủ yếu ảnh hưởng về mặt thể chất, cảm xúc và hành vi.

Phụ nữ mắc PMS có thể nhận biết thông qua các triệu chứng như thay đổi tâm trạng, đau vú, đau lưng, mệt mỏi...

Các triệu chứng thực thể

  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Đau cơ, khớp
  • Chuột rút
  • Đau lưng, nhất là vùng thắt lưng
  • Đau tức vú
  • Tăng cân do cơ thể giữ nước
  • Đầy hơi, chướng bụng
  • Nổi mụn
  • Tiêu chảy hoặc táo bón

Các triệu chứng về cảm xúc và hành vi

  • Luôn trong trạng thái buồn bực, chán nản
  • Lo lắng và căng thẳng quá mức trước mọi sự việc
  • Khóc lóc, ủ rũ
  • Dễ tức giận, cáu gắt
  • Mất ngủ
  • Không muốn giao tiếp xã hội
  • Giảm khả năng tập trung
  • Thèm ăn và thay đổi khẩu vị

Các triệu chứng tiền kinh nguyệt có thể tiến triển với nhiều mức độ, từ nhẹ, trung bình hoặc nặng. Thông thường, chúng thường khởi phát từ 1 - 2 tuần trước ngày hành kinh và tăng nặng mức độ vào 2 ngày trước khi chu kỳ kinh nguyệt thật sự diễn ra. Đối với các triệu chứng thay đổi cảm xúc, có thể xuất hiện từ vài ngày cho đến 2 tuần mới chấm dứt.

Chẩn đoán

Việc chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt thường dựa vào đánh giá các triệu chứng lâm sàng, khai thác các thông tin cá nhân, tiền sử bệnh, thói quen sinh hoạt, ăn uống. Đồng thời.

Ngoài những bước thăm khám ban đầu, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện thao tác ghi nhật ký về các triệu chứng cụ thể để theo dõi sát sao các triệu chứng trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Điều trị rất quan trọng nhằm giúp xác nhận lại các triệu chứng có phải là do PMS gây ra hay không.

Khám sức khỏe lâm sàng kết hợp khai thác thông tin về bệnh sử, triệu chứng giúp ích trong việc chẩn đoán xác định hội chứng tiền kinh nguyệt

Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone estradiol (E2), hormone kích thích nang trứng (FSH), hormone kích thích tuyến giáp (TSH), prolactin hoặc cortisol... Bước này nhằm xác nhận chẩn đoán về PMS và loại trừ các bệnh lý gây ra triệu chứng tương tự.

Một số bệnh lý có triệu chứng gần giống cần được chẩn đoán phân biệt bao gồm:

  • Hội chứng Cushing;
  • Rối loạn chức năng tuyến giáp;
  • Tăng prolactin máu;
  • Thiếu máu;
  • Lạc nội mạc tử cung;
  • Dấu hiệu tiền mãn kinh sớm;
  • Các rối loạn cảm xúc và sức khỏe tinh thần khác;

Biến chứng và tiên lượng

Hội chứng tiền kinh nguyệt có tính chất chu kỳ, các triệu chứng xuất hiện và biến mất vào thời điểm cụ thể hàng tháng. Nên nó không được xem là tình trạng sức khỏe nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát đúng cách, các triệu chứng có thể tiến triển ngày càng nặng và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần, đời sống tình dục.

Đã có nhiều bằng chứng cho thấy sự phát triển nghiêm trọng của tiền kinh nguyệt có liên quan mật thiết đến việc làm tăng nguy cơ trầm cảm, dẫn đến tự tử. Đặc biệt là ở những phụ nữ có cơ địa nhạy cảm với hormone.

Tiên lượng về hội chứng tiền kinh nguyệt rất rõ ràng. Các triệu chứng có thể biến mất một cách tự nhiên hoặc có sự can thiệp điều trị y tế. Tuy nhiên, hầu hết chúng vẫn có thể tái phát trở lại sau khi ngừng điều trị. Trừ những trường hợp phụ nữ đã mãn kinh hoặc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng.

Điều trị

Không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với hội chứng tiền kinh nguyệt. Vì bản chất nó là một dạng rối loạn sinh lý bình thường ở phụ nữ có kinh và đang trong độ tuổi sinh sản. Việc điều trị chỉ áp dụng cho những trường hợp triệu chứng tiến triển nặng nề, nhằm giảm thiểu tác động của chúng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Các phương pháp dưới đây được các chuyên gia, bác sĩ sản phụ khoa hàng đầu khuyến khích áp dụng trong điều trị PMS, bao gồm:

Điều trị bằng thuốc

Dùng thuốc luôn là phương pháp điều trị ưu tiên đối với các các triệu chứng tiền kinh nguyệt trung bình và nặng. Tùy vào từng loại và mức độ nghiêm trọng, bạn sẽ được kê toa sử dụng các loại thuốc khác nhau.

Điều trị triệu chứng PMS thường hiệu quả khi dùng các loại thuốc như NSAID, thuốc chống trầm cảm, liệu pháp hormone...

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Điển hình như các loại phổ thông gồm ibuprofen, naproxen, aspirin hoặc acetaminophen có tác dụng hiệu quả giúp giảm các cơn đau liên quan đến PMS như đau bụng, đau lưng, đau cơ, đau vú... Thuốc được khuyên dùng trước hoặc khi bắt đầu có kinh.
  • Thuốc lợi tiểu: Loại thuốc này giúp hỗ trợ loại bỏ lượng nước dư thừa qua thận. Hỗ trợ giảm cân, giảm sưng phù và đầy hơi. Spironolactone (Aldactone) là loại thuốc lợi tiểu rất quen thuộc với các chị em có các triệu chứng tiền kinh nguyệt.
  • Thuốc điều hòa nội tiết tố: Thường dùng nhất là các loại thuốc tránh thai, ngăn cản quá trình rụng trứng nhằm cải thiện các triệu chứng khó chịu về sức khỏe thể chất. Bạn có thể chọn sử dụng thuốc tránh thai dạng viên, miếng dán hoặc vòng đặt âm đạo. Tuy nhiên, cần lưu ý nhóm thuốc này có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nếu lạm dụng. Chống chỉ định dùng ở phụ nữ mắc ung thư vú, tử cung hoặc buồng trứng.
  • Thuốc chống trầm cảm: Thường được chỉ định sử dụng trong trường hợp có các triệu chứng tâm lý nghiêm trọng. Điển hình là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), với đa dạng các chọn lựa sử dụng như fluoxetine, paroxetine, sertraline... Loại thuốc này cần sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ trước khi có kinh 2 tuần.
  • Vitamin bổ sung: Tăng cường sử dụng các loại vitamin bị thiếu hụt như vitamin C, B12, omega-3 hoặc 6, magie, canxi cũng có khả năng cải thiện hiệu quả các triệu chứng PMS.

Điều chỉnh lối sống sinh hoạt

Trong nhiều trường hợp, chỉ cần chị em thay đổi lối sống và tích cực chăm sóc sức khỏe của bản thân là đã có thể kiểm soát tốt hoặc giảm bớt triệu chứng tiền kinh nguyệt.

Các biện pháp khắc phục tại nhà như ăn uống lành mạnh, tập thể dục và kiểm soát căng thẳng giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng tiền kinh nguyệt

Thói quen ăn uống

  • Ăn uống đúng cách, bổ sung đủ chất dinh dưỡng từ đa dạng các nhóm thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe là điều mà các chuyên gia luôn khuyên nhủ người bệnh.
  • Cắt giảm lượng đường, muối, chất béo, caffein, cồn có hại cho sức khỏe;
  • Thay vào đó là các loại thực phẩm giàu carbonhydrate phức tạp từ rau xanh, củ quả, trái cây, ngũ cốc... Vì chúng có khả năng làm tăng nồng độ tryptophan - tiền chất serotonin có lợi trong việc cải thiện các triệu chứng PMS;
  • Chia nhỏ các các bữa ăn, ăn nhiều lần với số lượng ít giúp hạn chế tối đa các vấn đề về sức khỏe đường ruột như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, buồn nôn...;

Vận động thể dục thể thao

Tập thể dục là điều bắt buộc nếu muốn có một sức khỏe tốt và kiểm soát các triệu chứng tiền kinh nguyệt. Ưu tiên chọn lựa những bộ môn vận động nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga, thể dục nhịp điệu...

Thói quen tập thể dục hàng ngày, mỗi lần ít nhất 30 phút hoặc tập vừa sức sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.

Cải thiện tâm trạng

Có rất nhiều cách giúp cải thiện tâm trạng cho chị em phụ nữ khi đang trong giai đoạn tiền kinh nguyệt. Chẳng hạn như:

  • Ngủ đủ 8 tiếng/ ngày, chu kỳ thức - ngủ cùng một thời điểm mỗi ngày giúp cải thiện đáng kể triệu chứng khó chịu, xua tan cảm giác mệt mỏi và ủ rũ;
  • Thực hiện các kỹ thuật thư giãn như thiền định, hít thở sâu cũng giúp xoa dịu cảm giác căng thẳng, buồn bã và khó chịu;
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể cần thiết và giúp ích cho những bệnh nhân mắc PMS với các triệu chứng tâm lý nghiêm trọng. Liệu pháp này tập trung vào việc điều chỉnh những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi tiêu cực của bệnh nhân. Thay thế bằng cách xây dựng sự nhận thức mới về những thứ tích cực và tạo điều kiện cho những hành vi này phát triển, nhằm đối phó lại các triệu chứng và duy trì hoạt động hàng ngày;
  • Thực hành các kỹ thuật châm cứu và xoa bóp theo liệu trình của chuyên gia có kinh nghiệm;

Phòng ngừa

Phòng ngừa hoàn toàn hội chứng tiền kinh nguyệt là không thể. Vì tình trạng này phát triển dựa trên chính những yếu tố quan trọng về sức khỏe sinh lý và sinh sản.

Tuy nhiên, chị em có thể chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực để giảm bớt mức độ triệu chứng PMS trước khi nó xảy ra. Để đạt kết quả tốt nhất, hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cụ thể.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Vì sao tôi thường xuyên bị đau lưng, đau vú, đau đầu, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, nổi mụn... khoảng vài ngày trước khi hành kinh?

2. Những dấu hiệu này có thật sự do hội chứng tiền kinh nguyệt gây ra không?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm kiểm tra nào để xác nhận chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt?

4. Các triệu chứng tiền kinh nguyệt có tự biến mất không?

5. Hội chứng tiền kinh nguyệt gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe thể chất và tâm lý của tôi?

6. Tôi cần làm gì để làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt?

7. Những phương pháp điều trị hiệu quả đối với hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?

8. Dùng thuốc cải thiện triệu chứng PMS có duy trì hiệu quả lâu dài không? Có gặp tác dụng phụ nào không?

9. Những biện pháp chăm sóc tại nhà tôi cần làm để cải thiện triệu chứng PMS?

10. Sau điều trị, các triệu chứng PMS có tái phát không? Tôi có cần tái khám không?

Hội chứng tiền kinh nguyệt xảy ra rất phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Mặc dù khó chẩn đoán và điều trị, nhưng nếu được tiếp cận một cách phù hợp, các triệu chứng của PMS sẽ được cải thiện hiệu quả. Chị em phụ nữ mắc hội chứng này hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh và duy trì chất lượng cuộc sống, khả năng sinh sản bình thường.

Tham khảo thêm: