Bệnh Rối Loạn Cương Dương
Rối loạn cương dương là một trong những rối loạn chức năng tình dục thường gặp ở nam giới trung niên, cao tuổi. Bệnh liên quan đến nhiều vấn đề như rối loạn tâm lý - thần kinh, bệnh tim mạch, nội tiết,... Điều trị rối loạn này chủ yếu là sử dụng thuốc và dùng thiết bị hỗ trợ nhưng đôi khi phải can thiệp phẫu thuật.
Tổng quan
Rối loạn cương dương (Erectile dysfunction) là một trong những rối loạn tình dục thường gặp ở nam giới. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng dương vật không cương cứng đủ và kéo dài để hoàn tất quá trình giao hợp. Một số trường hợp thậm chí không phản ứng cương ngay cả khi có kích thích tình dục.
Phần lớn các trường hợp bị rối loạn cương dương đều có những vấn đề tiềm ẩn liên quan đến hormone, tâm lý, mạch máu và thần kinh. Lạm dụng thuốc và lối sống thiếu lành mạnh cũng là yếu tố góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh rối loạn cương dương có xu hướng gia tăng và trẻ hóa ở nam giới.
Nghiên cứu của Đại học Massachusetts ở Mỹ cho thấy, có khoảng 50% nam giới từ 40 - 70 tuổi có biểu hiện rối loạn cương dương. Tuy nhiên, tình trạng này đôi khi chỉ xuất hiện ngắn hạn do stress và mệt mỏi quá mức. Cương dương là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng đời sống tình dục và sức khỏe sinh sản. Nếu rối loạn cương dương xảy ra thường xuyên, việc điều trị được xem là cần thiết.
Phân loại bệnh
Rối loạn cương dương được chia thành 2 loại là rối loạn cương dương nguyên phát và rối loạn cương dương thứ phát.
- Rối loạn cương dương nguyên phát: Rối loạn cương dương nguyên phát là tình trạng rối loạn cương xảy ra ngay từ lần đầu quan hệ tình dục. Người mắc chứng bệnh này chưa bao giờ đạt được hoặc duy trì được độ cương cứng để giao hợp một cách trọn vẹn.
- Rối loạn cương dương thứ phát: Ngược lại với rối loạn cương dương nguyên phát là rối loạn cương dương thứ phát. Trường hợp này xuất hiện ở những nam giới trước đây có sức khỏe tình dục tốt, dương vật cương đủ và kéo dài đủ để hoàn thành cuộc giao hợp. Vì một số lý do, chức năng cương bị ảnh hưởng làm suy giảm chất lượng đời sống tình dục.
Thống kê cho thấy, hơn 90% trường hợp là rối loạn cương dương thứ phát. Rất hiếm trường hợp bị rối loạn cương dương nguyên phát và các trường hợp này đa phần đều do bất thường giải phẫu dương vật hoặc do các vấn đề tâm lý.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Khi có kích thích tình dục, bên trong cơ thể sẽ xuất hiện đáp ứng sinh lý giữa mạch máu, thần kinh và tâm lý. Lúc này, động mạch giãn nở làm tăng lượng máu đổ vào các xoang của vật hang, đồng thời cản trở tĩnh mạch tuần hoàn máu làm cho máu ứ đọng bên trong dương vật tạo nên hiện tượng cương cứng.
Quá trình cương của dương vật là sự kết hợp nhịp nhàng của nhiều yếu tố. Bất cứ vấn đề nào phát sinh trong quá trình này đều có thể là nguyên nhân gây rối loạn cương dương.
Rối loạn cương dương có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau. Dưới đây là các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ thường gặp nhất:
- Các vấn đề liên quan đến nội tiết như thiểu năng tuyến sinh dục, rối loạn hormon vỏ thượng thận, giảm testosterone do quá trình lão hóa tự nhiên,...
- Các yếu tố tâm thần - thần kinh bao gồm tâm thần phân liệt, trầm cảm, stress nặng, đột quỵ, chấn thương sọ não, Alzheimer, tổn thương tủy sống,...
- Các bệnh lý liên quan đến mạch máu như tiểu đường, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, huyết áp cao,...
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc ức chế canxi và ức chế men chuyển, thuốc kháng aldosteron, spironolactone, thuốc chẹn beta, thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng histamin H2, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần…
- Lối sống không lành mạnh như lạm dụng rượu bia, nghiện chất, suy nhược,... cũng là những yếu tố góp phần gây rối loạn cương dương.
Thực tế, vào một số thời điểm như mệt mỏi, suy nhược, thiếu ngủ,... nam giới có thể bị rối loạn cương dương. Tuy nhiên, tình trạng này thường chỉ xảy ra một vài lần và không ảnh hưởng nhiều đến đời sống tình dục.
Chỉ khi rối loạn cương dương xảy ra liên tục, ảnh hưởng nhiều đến đời sống tình dục mới cần thiết điều trị. Trước đây, rối loạn này chủ yếu ảnh hưởng đến người trung niên và cao tuổi do các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường. Tuy nhiên, những năm gần đây bệnh có xu hướng trẻ hóa với nhiều nguyên nhân khác nhau như stress, trầm cảm, suy nhược cơ thể,...
Triệu chứng và chẩn đoán
Rối loạn cương dương là một trong những rối loạn chức năng tình dục khá phổ biến ở nam giới. Tình trạng này được biểu hiện rõ rệt qua những dấu hiệu sau đây:
- Dương vật không cương cứng dù có ham muốn và kích thích tình dục.
- Dương vật cương cứng nhưng không đủ và không thể kéo dài để hoàn tất cuộc giao hợp.
- Rối loạn cương dương có thể đi kèm với những rối loạn chức năng tình dục khác như không xuất tinh được, chậm xuất tinh hoặc xuất tinh sớm.
- Một số trường hợp giảm ham muốn tình dục và thiếu hứng thú trong đời sống chăn gối.
Như đã đề cập, rối loạn cương dương đôi khi xảy ra tạm thời khi cơ thể mệt mỏi và suy nhược. Tình trạng này hoàn toàn có thể cải thiện sau khi nghỉ ngơi, bồi bổ sức khỏe. Ngược lại nếu rối loạn cương dương xảy ra thường xuyên, nên tìm gặp bác sĩ Nam khoa để được chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Chẩn đoán rối loạn cương dương sẽ bao gồm các bước sau:
- Khai thác bệnh sử (các vấn đề liên quan đến tâm lý, mạch máu, thần kinh, bệnh sử về tình dục, lịch sử dùng thuốc,...)
- Tham khảo thực thể (khám bộ phận sinh dục, các đặc điểm giới tính phụ, đo huyết áp)
- Cận lâm sàng (chẩn đoán tiểu đường, tăng lipid máu, chẩn đoán các bệnh nội tiết, đánh giá tuyến giáp, siêu âm Doppler màu mạch máu của dương vật, chụp vật hang, động mạch dương vật,...)
Chẩn đoán rối loạn cương dương khá phức tạp vì nguyên nhân gây bệnh vô cùng đa dạng. Xác định nguyên nhân là yếu tố tiên quyết trong việc có khắc phục rối loạn này triệt để hay không. Trên thực tế, chẩn đoán có thể bao gồm một số kỹ thuật khác dựa vào tình trạng cụ thể của từng trường hợp.
Biến chứng và tiên lượng
Các rối loạn chức năng tình dục nói chung và rối loạn cương dương nói riêng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, đời sống tình dục của nam giới. Tình trạng không có đủ độ cương và không thể duy trì sự cương cứng để hoàn thành cuộc giao hợp trước tiên sẽ ảnh hưởng đến mặt tâm lý.
Thông thường, nam giới sẽ giữ thế chủ động khi “ân ái”. Việc dương vật không cương hoặc cương cứng không đủ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý. Nam giới không tránh khỏi tâm lý tự ti, ngại ngùng và đôi khi né tránh gần gũi với đối tác vì lo sợ tình trạng tái phát.
Rối loạn cương dương khiến cả nam giới và bạn tình đều không thỏa mãn khi quan hệ tình dục. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đáng kể đến mối quan hệ. Lâu dần, nam giới trở nên lãnh cảm, giảm ham muốn, thậm chí mất hoàn toàn hứng thú với chuyện chăn gối.
Ngoài ra, rối loạn cương dương cũng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Vì không thể giao hợp một cách trọn vẹn, nam giới sẽ khó có thể đạt cực khoái và xuất tinh. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ có con ở nam giới bị rối loạn cương dương sẽ thấp hơn so với những người có sức khỏe tình dục tốt.
Về cơ bản, rối loạn cương dương không nguy hiểm và không đe dọa đến sức khỏe. Ảnh hưởng lớn nhất của bệnh lý này là về mặt tâm lý, mối quan hệ và khả năng sinh sản. Tuy nhiên, phải ý thức rằng, rối loạn cương dương đa phần đều có liên quan đến các yếu tố tâm thần, thần kinh, mạch máu,... nên phải chú ý đến những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Điều trị
Điều trị rối loạn cương dương bao gồm cải thiện triệu chứng và điều trị nguyên nhân. Có như vậy, sức khỏe tình dục mới được cải thiện một cách toàn diện. Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng và xem xét tình trạng sức khỏe chung để đề xuất các phương pháp điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị bệnh rối loạn cương dương:
Sử dụng thuốc
Dùng thuốc có thể cải thiện rõ rệt tình trạng rối loạn cương dương. Trong đó, thuốc ức chế PDE5 là loại được sử dụng phổ biến nhất với tác dụng nhanh và hiệu quả rõ rệt. Nếu không có đáp ứng với nhóm thuốc này, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng một số loại thuốc khác.
Các loại thuốc thông dụng được sử dụng trong điều trị bệnh rối loạn cương dương:
- Thuốc ức chế PDE5 bao gồm Sildenafil, Vardenafil, Tadalafil,...
- Tiêm Alprostadil (Prostaglandin E1) vào vật hang
- Đặt Prostaglandin E1 vào niệu đạo
- Kết hợp Papaverin, Phentolamine và Alprostadil đã được chứng minh có thể cải thiện sự cương cứng lên đến 90%
Sử dụng thuốc mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc tăng độ cương và giúp dương vật duy trì độ cương cứng để hoàn tất cuộc giao hợp. Phần lớn các trường hợp đều có đáp ứng tốt với thuốc ức chế PDE5 và chỉ có một số ít phải sử dụng các nhóm thuốc còn lại.
Thuốc điều trị rối loạn cương dương có thể gây cương đau dương vật kéo dài. Trường hợp cương dương quá 1-2 tiếng, nên đến bệnh viện cấp cứu để tránh trường hợp hoại tử làm mất chức năng cương cứng hoàn toàn.
Dụng cụ bơm hút dương vật
Trường hợp không có đáp ứng tốt với thuốc có thể dùng dụng cụ bơm hút dương vật để tăng độ cương cứng. Thiết bị này sẽ bao gồm máy hút chân không giúp kéo máu về dương vật. Đồng thời phải sử dụng thêm vòng đai thắt ở gốc dương vật để ngăn hiện tượng máu đi ra khỏi vật hang.
Sử dụng thiết bị cơ học giúp đạt được độ cương lên đến 90%. Tuy nhiên, do cương cứng một cách thụ động nên dương vật thường bị lạnh gây ra cảm giác khó chịu khi quan hệ. Một số tác dụng phụ thường gặp khác như vùng kín bị phù nề, bầm tím, đôi khi gây sưng đau và chậm xuất tinh.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng khi bệnh nhân không đáp ứng với thuốc và dụng cụ bơm hút dương vật. Trên thực tế, rất ít trường hợp phải can thiệp ngoại khoa. Phẫu thuật điều trị rối loạn cương dương được thực hiện để đặt bộ phận giả vào bên trong với mục đích tăng khả năng cương cứng.
Trường hợp rối loạn cương dương do giải phẫu dương vật bất thường cũng sẽ được điều trị bằng ngoại khoa. Phẫu thuật mang lại hiệu quả khá tốt và tỷ lệ gặp biến chứng khoảng 5%. Thường gặp nhất là nhiễm trùng và một số phiền toái do bộ phận giả gây ra.
Điều trị nguyên nhân
Rối loạn cương dương có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe như tâm lý, tâm thần, thần kinh, mạch máu, nội tiết,... Chính vì vậy để cải thiện sức khỏe tình dục nói chung và khả năng cương nói riêng, cần kết hợp điều trị triệu chứng và nguyên nhân.
Khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện nhiều xét nghiệm cận lâm sàng để xác định các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Song song với điều trị rối loạn cương dương, cần tích cực điều trị nguyên nhân để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Với một số bệnh mãn tính như tiểu đường, các vấn đề tim mạch,... thuốc điều trị có thể gia tăng mức độ nghiêm trọng của rối loạn cương dương. Trường hợp này sẽ được thay thế bằng các phương pháp khác để hạn chế mức độ ảnh hưởng.
Các phương pháp khác
Rối loạn cương dương cũng có thể được cải thiện bằng một số phương pháp như:
- Các bài tập cải thiện như bài tập Kegel, bơi lội, yoga, chạy bộ,...
- Có thể sử dụng viên uống, TPCN chứa các thảo được được chứng minh hiệu quả trên lâm sàng như lá bạch quả (Ginkgo Biloba), mật nhân (Eurycoma Longifolia), Securidaca Longipedunculata, yến mạch (Avena Sativa), bạch tật lê (Tribulus Terrestris),...
- Điều trị rối loạn cương dương bằng sóng xung kích
- Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý cũng góp phần cải thiện sức khỏe và sinh lý nam.
- Tránh các yếu tố kích thích như stress, hạn chế rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện…
Phòng ngừa
Cương dương là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến trải nghiệm và mức độ thỏa mãn khi quan hệ tình dục. Vì vậy, rối loạn cương dương ảnh hưởng rất lớn đến nam giới và đối tác. Rối loạn này còn gây khó khăn trong việc có con, gia tăng tỷ lệ vô sinh - hiếm muộn.
Rối loạn cương dương xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng những biện pháp đơn giản như:
- Duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên, hạn chế rượu bia, chất gây nghiện và ngủ đủ giấc.
- Lên kế hoạch cai thuốc lá (nếu có).
- Tránh căng thẳng thần kinh, nếu bị stress mãn tính nên điều trị sớm để hạn chế phát triển thành rối loạn lo âu và trầm cảm.
- Quan hệ tình dục an toàn với tần suất vừa phải để tránh lây nhiễm bệnh tình dục. Ngoài ra, đời sống tình dục lành mạnh còn giúp duy trì nồng độ hormone ở mức ổn định, qua đó giảm nguy cơ rối loạn cương dương, xuất tinh sớm và các rối loạn tình dục khác.
- Điều trị sớm các vấn đề sức khỏe như tiểu đường, tim mạch, tuyến giáp, tổn thương tủy sống… để tránh ảnh hưởng đến chức năng cương.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Rối loạn cương dương có tự khỏi không?
2. Bệnh rối loạn cương dương có chữa được không?
3. Rối loạn cương dương có nguy hiểm không?
4. Bị rối loạn cương dương có thể có con không?
5. Nên ăn gì, kiêng gì để cải thiện rối loạn cương dương?
6. Bị rối loạn cương dương có nên quan hệ không? Tần suất hợp lý?
7. Rối loạn cương dương hậu Covid do đâu? Có nguy hiểm không?
8. Các loại thuốc điều trị rối loạn cương dương có an toàn không?
Rối loạn cương dương là vấn đề cần được điều trị và kiểm soát sớm. Tránh để tình trạng tiến triển nặng gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và đời sống tình dục. Ngoài ra, cần chú ý các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như tim mạch, tiểu đường, tuyến giáp, rối loạn tâm thần… để sức khỏe được cải thiện toàn diện.
Xem thêm:
- 7 Cây Thuốc Nam Chữa Rối Loạn Cương Dương Quanh Nhà
- Ăn Gì Trị Rối Loạn Cương Dương? Những Món Ăn Tốt Nhất