Bệnh bướu cổ
Bệnh bướu cổ có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào từ trẻ em đến người lớn tuổi, trong đó nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với nam giới. Bệnh xuất hiện do nhiều nguyên nhân từ chế độ dinh dưỡng đến thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Trường hợp bướu cổ tiến triển nặng có thể phát sinh biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Tổng quan
Bệnh bướu cổ là dạng bệnh lý về tuyến giáp nhiều người mắc phải. U bướu bất thường xuất hiện tại vị trí tuyến giáp liên quan đến hiện tượng phình giãn kích thước tuyến giáp. Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải bệnh lý này, theo thống kê cho thấy tỷ lệ bệnh nhân là nữ giới cao hơn so với nam giới.
Có đến hơn 80% số lượng bệnh nhân phát hiện bướu cổ đều là dạng lành tính, không nguy hại và có thể điều trị bằng can thiệp y khoa. Tuy nhiên, số phần trăm còn lại rơi vào tình trạng rối loạn chức năng nội tiết nặng, hoặc thậm chí là ung thư. Nếu chậm trễ trong vấn đề điều trị, sự bất thường tuyến giáp trường hợp ác tính có thể gây tử vong cho người bệnh.
Phân loại
Bệnh bướu cổ được phân thành các loại chính gồm:
- Bướu giáp đơn thuần: Xảy ra không phải do u và viêm, theo dõi các chức năng nhận thấy tuyến giáp vẫn hoạt động bình thường. Có các thể bướu giáp đơn thuần gồm thể nhân, thể lan tỏa, thể hỗn hợp. Trong đó thể nhân có thể xảy ra tại bất kỳ vị trí nào trên tuyến giáp, kích thước bằng khoảng hạt đậu hoặc hơn một chút. Thể lan tỏa là tình trạng phì đại nhu mô tuyến giáp, hình dạng bướu tương đồng với hình dạng tuyến giáp. Thể hỗn hợp bao gồm hai loại bướu đã đề cập.
- Bướu giáp độc tính: Bướu cổ xuất hiện đi kèm với hiện tượng cường giáp hoặc có liên quan đến nhiễm độc thyroxin. Tương tự như bướu giáp đơn thuần, bướu giáp độc tính tiếp tục được phân thành bướu nhân độc tính, bướu lan tỏa nhiễm độc và bướu giáp Basedow hóa.
- U lành tuyến giáp: Xuất hiện khối u bất thường nằm ở bất kỳ vị trí nào, tình trạng u lành tính thường gặp ở bệnh nhân trung niên. Cần khám và kiểm tra để nhận điện khối u có phải dạng u lành tuyến giáp hay không.
- Ung thư tuyến giáp: Bệnh nhân nhận thấy khối u đơn độc nằm vị trí dưới tuyến giáp, khối u không di chuyển, bề mặt sần sùi. Nếu nhận thấy sự xuất hiện bất thường này bạn nên thăm khám ngay. Đây là biểu hiện cho thấy khối u đã xâm lấn đến các tổ chức lân cận. Việc chậm trễ điều trị có thể gây bệnh ung thư khác, bệnh nhân tiên lượng xấu.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh bướu cố có thể xuất hiện do ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống, sinh hoạt. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân bướu cổ do ăn thiếu hụt Iốt là cao nhất. Người bệnh sau thăm khám và nhận diện nguyên nhân liên quan đến Iốt sẽ được hướng dẫn các điều trị khắc phục phù hợp.
Không phải trường hợp nào thiếu Iốt gây bướu cổ có thể cải thiện thông qua bổ sung Iốt. Bởi, theo nghiên cứu đánh giá của các chuyên gia nội tiết, u bướu xuất hiện không chỉ liên quan đến thiếu hụt dinh dưỡng mà còn do hệ thần kinh, các rối loạn đến từ các cơ quan khác.
Khi tuyến giáp nhận thấy sự thiếu hụt Iốt diễn ra, tuyến giáp sẽ tự sản sinh hormone nhằm bù vào số lượng Iốt cần nhưng bị thiếu hụt. Lâu dần, tuyến giáp ngày càng phình to ra hình thành bướu cổ, cục u có thể nổi rõ giúp bạn quan sát dễ dàng bằng mắt và sờ được bằng tay.
Ngoài nguyên nhân chính là thiếu hụt Iốt, tình trạng bướu cổ còn xảy ra do ảnh hưởng bởi các yếu tố kể đến như:
- Thói quen ăn uống: Bổ sung quá nhiều thực phẩm có khả năng ức chế sản sinh hormone như măng, rau củ họ cải, khoai mì,...
- Do thuốc: Một số bệnh nhân phải điều trị bệnh bằng thuốc cản quang, thuốc kháng giáp tổng hợp,... hoặc muối lithi trong điều trị các bệnh về hệ thần kinh có thể bị bướu cổ.
- Do di truyền, bẩm sinh: Một số trường hợp bướu cổ xảy ra từ khi chào đời, bẩm sinh có sẵn u ở vùng tuyến giáp. Ngoài ra, bệnh còn có tính di truyền trong các thành viên cận huyết trong gia đình.
- Do bệnh Graves: Bệnh lý liên quan đến hệ thống tự miễn trong cơ thể. Hoạt động tấn công nhầm lẫn của hệ miễn dịch lên các tế bào tuyến giáp dẫn đến hiện tượng phình giãn tuyến giáp, gây bướu cổ, cường giáp hoặc các vấn đề liên quan khác.
- Bệnh Hashimoto: Bệnh lý tự miễn có khả năng gây bệnh viêm tuyến giáp. Người bệnh sẽ nhận thấy tuyến giáp phình giãn kích thước bất thường. So với các trường hợp khác, tuyến giáp phì đại do bệnh Hashimoto có thể tự khỏi sau thời gian hoặc cần điều trị bằng liệu pháp hormone.
- Ung thư tuyến giáp: Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, tình trạng bướu cổ có thể xảy ra do ung thư tuyến giáp. Kích thước tuyến giáp to, tuy nhiên lại không thấy đau đớn.
- Các trường hợp khác: Ngoài những yếu tố đã được đề cập, bệnh nhân bướu cổ có thể là do trong thời gian mang thai cơ thể có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự sản sinh hormone nội tiết. Một số trường hợp phát bệnh do ảnh hưởng viêm tuyến giáp và nhiều nguyên nhân khác.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Sự bất thường ở tuyến giáp sẽ khiến bệnh nhân gặp phải các triệu chứng tại cổ họng hoặc ở cơ quan lân cận. Theo đó, nếu bạn có những biểu hiện dưới đây rất có thể bạn đang mắc bệnh bướu cổ. Tìm hiểu và nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra để xác định dạng u bướu và điều trị bằng giải pháp phù hợp nhất:
- Xuất hiện cảm giác nghẹn, nuốt vướng: Cổ họng có tuyến giáp phì đại chèn ép khiến quá trình nuốt thức ăn, nước uống khó khăn, tăng cảm giác nghẹn, vướng ở cổ. Điều này khiến bệnh nhân khó chịu, ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt đời sống hàng ngày.
- Khó nuốt: Hiện tượng nuốt khó ngày càng nặng hơn khi kích thước u bướu phát triển.
- Khó chịu, khàn giọng: Bên cạnh việc ăn uống khó khăn, bướu cổ còn khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi thở, giọng khàn hơn bình thường. Đây là tình trạng thường gặp khi kích thước khối u lớn dần nằm chèn lên khí quản, dây thần kinh.
- Chóng mặt khi giơ tay cao: Một số bệnh nhân bướu cổ nhận thấy biểu hiện choáng váng đầu óc, không đứng vững, mất phương hướng khi giơ tay cao qua khỏi đầu. Triệu chứng cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn, bệnh nhân cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để khám chữa ngay, bảo vệ an toàn tính mạng.
- Sưng cổ: Cổ bị sưng phù, kích thước to lớn hơn bình thường, có thể sờ thấy.
- Khó thở, ho khan: Ngoài ăn uống khó khăn, nuốt vướng, bệnh nhân bướu cổ còn bị khó thở, ho khan kéo dài không thuyên giảm. Đặc biệt tình trạng khó thở càng nặng hơn khi bệnh nhân nằm ngửa, giơ tay về phía sau đầu.
- Mệt mỏi, căng thẳng, suy giảm trí nhớ: Đây là những biểu hiện người mắc bệnh bướu cổ thường gặp phải. Đặc biệt là trường hợp người bệnh mắc các thể bướu cổ nặng, rủi ro cao.
- Đổ nhiều mồ hôi, sụt cân: Trường hợp bệnh bướu cổ thể độc tính người bệnh có thể bị sụt cân nhanh không rõ nguyên do, thân nhiệt luôn nóng và đổ nhiều mồ hôi.
- Mắt lồi: Ngoài các biểu hiện kể trên, người bị bướu cổ còn nhận thấy mắt có biểu hiện lồi ra ngoài, gặp vấn đề thị giác.
Khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường kể trên, bệnh nhân cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ. Việc thăm khám, xác định tình hình sức khỏe đang gặp phải giúp bạn có nhiều cơ hội điều trị và chữa trị bệnh bướu cổ hoặc các vấn đề tuyến giáp khác.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ thực hiện các thao tác khám lâm sàng bướu cổ cho bệnh nhân bao gồm nhìn, sờ, nghe hoặc thực hành các nghiệm pháp đặc biệt. Ngoài ra, để củng cố kết quả chẩn đoán, đánh giá tình hình bướu cổ được chuẩn xác nhất các biện pháp xét nghiệm kèm theo sẽ được tiến hành:
- Xét nghiệm máu chức năng tuyến giáp: Phương pháp giúp kiểm tra hormone tại tuyến giáp, kiểm tra mức độ hoạt động của cơ quan này.
- Xét nghiệm kháng thể: Phương pháp giúp tìm kháng thể được tạo ra ở bệnh nhân bướu cổ.
- Siêu âm: Thực hiện siêu âm tuyến giáp, nhận diện các bất thường đang xảy ra bên trong, xác định kích thước bướu cổ và xem xét phương hướng điều trị.
- Xét nghiệm sinh thiết: Kỹ thuật được áp dụng nhằm chẩn đoán bệnh bướu cổ chuyên sâu hơn. Tế bào hoặc mẫu mô tại tuyến giáp được lấy ra và quan sát dưới kính hiển vi. Mục đích sinh thiết nhằm tìm kiếm tế bào ung thư nếu có.
- Đo hấp thụ Iốt phóng xạ: Được chỉ định cho một số trường hợp nhất định.
- Chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ tuyến giáp: Nhận diện kích thước, vị trí u bướu bằng hình ảnh.
Biến chứng và tiên lượng
Có hơn 80% bướu cổ là các u lành tuyến giáp, người bệnh không bị đe dọa tính mạng khi có những khối u này. Những trường hợp phát hiện u lành tính thường được chỉ định phẫu thuật loại bỏ nếu chúng có kích thước quá lớn. Tuy nhiên đa số các trường hợp đều không cần can thiệp điều trị xâm lấn chuyên sâu.
Mặc dù vậy cũng còn nhiều trường hợp bướu cổ ác tính chủ quan không thăm khám và điều trị dần dần khiến khối u to, cứng và trở nặng. Bệnh nhân lúc này phải đối diện với nhiều rủi ro, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế, bác sĩ khuyên bạn nên chủ động đến bệnh viện kiểm tra nếu phát hiện trên cổ xuất hiện khối u nhú bất thường.
Các biến chứng dựa trên mức độ bướu cổ được thống kê kể đến như:
- Bướu cổ lành tính: Kích thước bưới cổ ngày càng to dần theo thời gian không được điều trị có thể gây chèn ép các vùng xung quanh. Bệnh nhân bị khó thở, nuốt vướng, giọng khàn, cường giáp hoặc nhiều biến chứng khác.
- Bướu cổ ác tính: Di chứng nặng nếu không được điều trị. Rủi ro tử vong cao khi khối u ác tính di căn phá vỡ các cơ quan khác.
- Cường giáp: Người bệnh không nhận biết bất thường để bệnh tiến triển kéo dài tăng nguy cơ tử vong. Đồng thời trong thời gian mắc bệnh các triệu chứng cũng trở nên nghiêm trọng hơn bao gồm tăng nhịp tim, hồi hộp, thở khó,...
Điều trị
Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định giải pháp điều trị bệnh bướu cổ phù hợp với tình hình sức khỏe, loại bướu mà người bệnh đang mắc phải. Các biện pháp bao gồm:
Điều trị bệnh bướu cổ bằng thuốc
Thuốc điều trị bệnh bướu cổ được chỉ định cho bệnh nhân tương ứng với tình trạng bướu, loại bướu, kích thước bướu,... Các loại kể đến như:
- Thuốc bổ sung tuyến giáp tổng hợp: Dùng cho đối tượng bướu cổ do suy giáp. Thuốc chứa hormone tổng hợp bổ sung dưỡng chất bị thiếu hụt cho tuyến giáp. Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng thuốc phù hợp cho mỗi bệnh nhân. Thuốc bổ sung hormone tuyến giáp thường dùng như Levothyroxine. Tuy nhiên khi dùng bạn sẽ gặp một số tác dụng phụ như mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực,...
- Thuốc kháng giáp: Người bệnh bướu cổ có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng giáp nếu bướu cổ liên quan đến cường giáp Basedow. Liệu trình dùng thuốc thường kéo dài trong 18 tháng đến 24 tháng theo mức độ bướu cổ của bệnh nhân. Thuốc được sử dụng phổ biến là Methimazole và Propylthiouracil. Thận trọng với các tác dụng phụ đi kèm khi dùng thuốc.
- Thuốc trị viêm tuyến giáp: Chỉ định sử dụng thuốc cho bệnh nhân bướu cổ có liên quan viêm tuyến giáp. Thuốc có công dụng kháng viêm, giảm đau, xoa dịu triệu chứng cho người bệnh. Sử dụng thuốc theo phác đồ dựa trên diễn biến từng giai đoạn bệnh.
Điều trị phẫu thuật và xạ trị tuyến giáp
- Phẫu thuật: Phương pháp can thiệp xâm lấn giúp loại bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp. Chỉ định cho đối tượng bướu cổ ác tính, bướu cổ kích thước lớn ảnh hưởng đến khả năng ăn uống và sinh hoạt đời sống. Sau khi chẩn đoán, kiểm tra thận trọng bác sĩ sẽ cân nhắc có nên thực hiện phẫu thuật tuyến giáp cho bệnh nhân hay không. Sau điều trị xâm lấn bệnh nhân có thể gặp phải một số di chứng, bác sĩ sẽ trao đổi cụ thể trong quá trình thăm khám và chẩn đoán điều trị.
- Xạ trị tuyến giáp: Phương pháp được áp dụng cho bệnh nhân bướu cổ thể độc tính phát triển thành ung thư và có khả năng di căn. Bác sĩ sẽ sử dụng Iốt phóng xạ tác động lên tuyến giáp giúp giảm kích thước tuyến giáp. Phương pháp này có thể được chỉ định thực hiện sau phẫu thuật nhằm ngăn rủi ro tái phát ung thư và loại bỏ mầm bệnh triệt để hơn.
Bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng sẽ có ưu và nhược điểm, bạn đọc nên chủ động đến gặp bác sĩ để khám trực tiếp. Tại đây hắc mắc của bạn sẽ được giải đáp chi tiết. Đồng thời các rủi ro sau điều trị cũng sẽ được đề cập giúp bạn dự phòng và chuẩn bị tinh thần trước khi bước vào quá trình can thiệp điều trị bướu cổ.
Phòng ngừa
Bướu cổ sau khi điều trị vẫn có khả năng tái phát, chính vì thế bạn không nên chủ quan trong việc chăm sóc và phòng ngừa. Bất kỳ đối tượng nào cũng có khả năng mắc bệnh bướu cổ, do đó tốt nhất bạn nên chủ động phòng bệnh cho bản thân và người thân. Một số lưu ý:
- Bổ sung cho cơ thể lượng Iốt cần thiết thông qua thực phẩm ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên chỉ bổ sung với lượng vừa đủ, không nên ăn quá mặn, ăn quá nhiều muối.
- Cân bằng dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ dưỡng chất khác không riêng Iốt. Cơ thể của bạn cần được nạp đủ dinh dưỡng duy trì hoạt động sống. Bổ sung nhiều hoa quả tươi, nước ép tươi và kiểm soát thói quen ăn dầu mỡ, đồ ăn cay nóng,...
- Với đối tượng đang gặp vấn đề tuyến giáp nên hạn chế sử dụng các thực phẩm có khả năng làm tăng hormone tuyến giáp như bắp cải, cải xoong,... Bạn có thể tham khảo chuyên gia dinh dưỡng về vấn đề này nhằm bổ sung thực phẩm phù hợp không ảnh hưởng đến tình hình sức khỏe.
- Tập luyện thể dục, chơi thể thao vận động cơ thể giúp tăng cường chuyển hóa, ổn định nội tiết.
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường chứa chất độc hại nhằm bảo vệ hệ hô hấp, tuyến giáp,... khỏe mạnh. Chủ động bảo vệ bản thân trước các tác nhân gây hại bên ngoài.
- Khám sức khỏe định kỳ, đến bệnh viện kiểm tra nếu phát hiện vùng cổ có khối u bất thường. Việc can thiệp sớm giúp phòng tránh rủi ro bướu cổ biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.
Những câu hỏi quan trọng khi khám
1. Nguyên nhân vì sao tôi mắc bệnh bướu cổ?
2. Tình trạng bướu cổ tôi đang gặp phải lành tính hay ác tính?
3. Tôi có thể sống được bao lâu?
4. Tôi có cần dùng thuốc chữa bướu cổ lành tính không?
5. Tôi cần thực hiện xét nghiệm gì để biết bướu cổ là lành tính hay ác tính?
6. Khi nào tôi cần phẫu thuật tuyến giáp? Chi phí là bao nhiêu?
7. Bệnh bướu cổ có di truyền không? Tôi cần làm gì để bảo vệ người thân trong gia đình?
8. Trong thời gian điều trị bướu cổ tôi nên làm gì để đạt được kết quả tốt nhất?
Bệnh bướu cổ có nhiều loại khác nhau, ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân. Nếu không phát hiện và can thiệp điều trị trường hợp bướu cổ ác tính, bệnh nhân có thể tử vong sau một thời gian. Do đó, bạn đọc nên chủ động đến bệnh viện kiểm tra nếu vùng cổ có các dấu hiệu bất thường. Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phương án khắc phục phù hợp cho bạn.