Bệnh Bướu Sợi Tuyến

Bướu xơ tuyến là những khối lành tính xuất hiện trong mô vú. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến trẻ gái trong độ tuổi dậy thì và phụ nữ trưởng thành dưới 35 tuổi. Một người có thể có một hoặc nhiều khối u với nhiều kích thước khác nhau. Chẩn đoán chủ yếu thông qua sinh thiết và điều trị bằng cách phẫu thuật loại bỏ. 

Bướu xơ tuyến là khối u lành tính hình thành ở các mô vú của phụ nữ

Tổng quan

Bướu sợi tuyến (Fibroadenoma) hay u xơ tuyến là khối lành tính, không phải ung thư và không có khả năng phát triển thành ung thư. Đây là dạng khối u rất phổ biến, chủ yếu xảy ra ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi từ 14 - 35 tuổi, hiếm khi xảy ra ở nam giới. Phụ nữ mãn kinh thường ít bị bướu sợi tuyến do các khối u có xu hướng tự co lại và biến mất.

Các khối u xơ tuyến được hình thành từ các mô tuyến và mô sợi có kích thước khác nhau, từ vài mm cho đến vài cm. Chúng được mô tả là những khối u hình tròn, bề mặt nhẵn mịn, cấu trúc rắn, không gây đau nhức và có khả năng di chuyển. Sự phát triển của chúng có liên quan đến sự rối loạn nội tiết tố trong cơ thể.

Phân loại

Bướu xơ tuyến có 2 dạng chính gồm thể đơn giản và phức tạp. Mỗi loại khác nhau về đặc điểm hình thành và tính chất khối u.

  • Khối u tuyến đơn giản: Đây là khối u phổ biến nhất, các mô tuyến và mô sợi kết hợp với nhau tạo thành khối u. Chúng thường có kính thước nhỏ và hầu hết đều là khối u lành tính, không có khả năng ung thư hóa.
  • Khối u tuyến phức tạp: Dạng khối u này ít phổ biến hơn (chiếm khoảng 15% trường hợp) và có xu hướng xảy ra ở phụ nữ trên 35 tuổi. Đặc điểm của khối u này khi quan sát dưới kính hiển vi là một khối không đồng nhất, kèm theo bị vôi hóa hoặc u nang khi quan sát trên hình ảnh X quang.

Ngoài 2 dạng chính trên, bướu xơ tuyến còn có một số loại ít phổ biến khác như:

  • U xơ tuyến khổng lồ là những khối u tuyến có kích thước lớn, thường trên 5cm;
  • U xơ tuyến ở trẻ vị thành niên, chủ yếu xuất hiện ở trẻ em và trẻ vị thành niên từ 10 - 18 tuổi. Tuy nhiên, rất hiếm trường hợp được ghi nhận gặp phải tình trạng này;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính xác gây ra bướu xơ tuyến vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhưng dựa theo các phân tích về đặc điểm và tính chất khối u, các chuyên gia cho rằng sự phát triển của các khối u bướu xơ tuyến lành tính có liên quan mật thiết đến việc thay đổi nội tiết tố.

Cụ thể là do cơ thể dư thừa hormone estrogen quá mức. Estrogen là một loại hormone được sản xuất bởi buồng trứng và đảm nhiệm chức năng phát triển các đặc điểm sinh dục, chức năng sinh lý nữ. Trong đó, có nhiệm vụ kiểm soát sự tăng trường và phát triển mô vú.

Rối loạn hormone nội tiết tố gây dư thừa estrogen là nguyên nhân chính gây ra bướu xơ tuyến

Do đó, những chị em phụ nữ chưa bước vào giai đoạn mãn kinh rất dễ gặp phải tình trạng này. Bởi đây là thời điểm nồng độ estrogen trong cơ thể hoạt động mạnh mẽ nhất. Nhưng trong một số ít trường hợp, bướu xơ tuyến xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh đang sử dụng liệu pháp hormone thay thế (HRT).

Trong đó, liệu pháp hormone thay thế chủ yếu được sử dụng nhằm cải thiện các triệu chứng mãn kinh như mệt mỏi, vã mồ hôi, bốc hỏa, khô âm đạo... Do các thuốc HRT chứa nồng độ cao estrogen nên có thể làm tăng nguy cơ phát triển u xơ tử cung.

Ngoài nguyên nhân chính này, còn một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ khởi phát bướu xơ tuyến, chẳng hạn như:

  • Di truyền gen đột biến gen trung gian phức hợp MED12;
  • Tiền sử cá nhân từng mắc hoặc gia đình từng có người mắc ung thư vú;
  • Tiền sử xạ trị điều trị ung thư tại vùng ngực;
  • Chủng tộc da đen có nguy cơ cao phát triển bướu xơ tuyến;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Bướu xơ tuyến chủ yếu xuất hiện ở tuyến vú, cụ thể là ở góc phần tư phía trên bên ngoài của vú. Chúng là một dạng tổn thương có giới hạn rõ ràng, không có đường viền và cũng không có khả năng xâm nhập vào các nhu mô vú lân cận. Đặc trưng tổn thương của chúng là sự tăng sinh quá mức của các tế bào mô đệm và ống dẫn vú lành tính.

Khối u bướu xơ tuyến lành tính thường có nhiều kích thước khác nhau, hình tròn, không gây đau và có khả năng di chuyển

Các đặc điểm về tính chất khối u bướu xơ tuyến điển hình như:

  • Khối u tròn, rắn chắc;
  • Mềm và đàn hồi;
  • Có khả năng di động;
  • Không gây đau nhức;
  • Kích thước từ vài mm đến vài cm;
  • Một vài trường hợp hiếm có thể gây sưng đau, căng tức ngực, sưng viêm, đỏ tấy;

Chẩn đoán

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng mà bệnh nhân cung cấp, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra  và chỉ định thực hiện các biện pháp chẩn đoán sau:

  • Khám thực thể: Kiểm tra kỹ lưỡng lại một lần nữa thông qua việc khám thực thể vú. Cụ thể thông qua việc sờ, chạm, nắn nhẹ bầu ngực để kiểm tra khối u, ước chừng kích thước, hình dạng và kết cấu của khối u. Kết hợp sờ bóp các hạch bạch huyết dưới cánh tay để xem chúng có bị to ra hay không.
  • Kiểm tra hình ảnh: Nếu nghi ngờ có khối u, cần thực hiện thêm các xét nghiệm như siêu âm hoặc chụp quang tuyến vú để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Đồng thời, xác định xem khối u chứa dịch lỏng hay chất rắn.
  • Sinh thiết: Được thực hiện bằng cách lấy một mẫu mô nhỏ từ vú và mang đi kiểm tra dưới kính hiển vi. Điều trị có thể giúp xác định xem khối u này là lành tính hay ung thư ác tính.

Biến chứng và tiên lượng

Bướu xơ tuyến là những khối u lành tính và vô hại, không có khả năng phát triển thành ung thư và không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp hiếm, bệnh nhân phát triển bướu xơ tuyến dạng phức tạp có thể phát triển vôi hóa.

Ngoài ra, mặc dù lành tính nhưng kích thước khối u quá lớn hoặc biến dạng có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận. Tiên lượng ở đa số các trường hợp bệnh đều khá tốt nên chị em không cần phải quá lo lắng. Nhưng vẫn phải chủ động thăm khám sớm để kiểm tra chẩn đoán và điều trị kịp thời để ngăn các nguy cơ biến chứng dù là hiếm gặp.

Điều trị

Sau thăm khám, tùy theo kết quả chẩn đoán bướu xơ tuyến lành tính hoặc có gây nguy hiểm gì hay không, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Trường hợp khối bướu xơ tuyến nhỏ, hoàn toàn vô hại không nhất thiết phải điều trị. Bệnh nhân chỉ cần tái khám định kỳ, thường từ 3 - 6 tháng/ lần để theo dõi xem có sự thay đổi nào hay không.

Cắt bỏ bướu xơ tuyến trong trường hợp cần thiết nếu khối u gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe

Riêng những trường hợp khối u có kích thước lớn, gây khó chịu và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống hàng ngày, cần tiến hành điều trị ngay lập tức. Các phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến như:

  • Liệu pháp cắt bỏ: Khối u bướu xơ tuyến có kích thước trên 2cm thường được chỉ định phẫu thuật. Hiện nay, có 2 phương pháp phẫu thuật được sử dụng nhằm loại bỏ khối u xơ tuyến như:
    • Cắt bỏ sinh thiết: Thủ tục này được thực hiện nhằm loại bỏ khối u xơ, sau đó chuyển khối u đến phòng thí nghiệm để làm sinh thiết;
    • Liệu pháp áp lạnh (Cryoablation): Phương pháp này sử dụng thiết bị phát ra nguồn nhiệt lạnh bằng đầu dò để tiếp cận với khối u, sau đó phá hủy các mô. Thủ thuật này ít xâm lấn hơn phẫu thuật, an toàn và không gây đau đớn. Người bệnh có thể ra viện ngay sau khi thực hiện. Tuy nhiên, chi phí của liệu pháp này khá đắt đỏ và không phải dạng bướu xơ tuyến nào cũng phù hợp để áp dụng.
  • Liệu pháp nội tiết tố: Bệnh nhân cũng có thể áp dụng liệu pháp nội tiết tố để hỗ trợ cải thiện khối u. Tác dụng chính của thuốc là thu nhỏ hoặc ức chế sự phát triển của khối u. Những bệnh nhân có các khối u xơ tuyến nhạy cảm với hormone thường được chỉ định sử dụng loại thuốc này.

Phòng ngừa

Để không phải chịu những ảnh hưởng của bướu sợi tuyến, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tính thẩm mỹ, chị em cần chú ý thực hiện tích cực các biện pháp phòng ngừa dưới đây:

Thường xuyên tự kiểm tra ngực để sớm phát hiện các dấu hiệu u bướu bất thường và điều trị kịp thời

  • Kiểm tra ngực thường xuyên để tự phát hiện các dấu hiệu bất thường ở bầu ngực như to hơn, có khối u nhô lên, đau nhức khó chịu...
  • Định kỳ thăm khám sức khỏe tổng quát và kết hợp chụp quang tuyến vú, nhất là ở những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
  • Duy trì lối sống, sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục điều độ hàng ngày tăng cường thể trạng, ăn uống đủ chất, sử dụng thực phẩm lành mạnh.
  • Nói không với thuốc lá và rượu bia.
  • Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, nhất là các loại thuốc được cảnh báo báo gây rối loạn nội tiết tố, giảm nguy cơ hình thành bướu xơ tuyến.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Vì sao tôi mắc bướu xơ tuyến?

2. Những dấu hiệu nào cho thấy tôi bị bướu xơ tuyến?

3. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán bướu xơ tuyến?

4. Bệnh bướu xơ tuyến có nguy hiểm không? Có nguy hiểm đến tính mạng không?

5. Điều trị bướu xơ tuyến bằng cách nào tốt nhất?

6. Khối bướu xơ tuyến có tái phát trở lại sau điều trị không?

7. Tôi cần thực hiện biện pháp gì để chăm sóc cải thiện khối bướu xơ tuyến tại nhà?

8. Bị bướu xơ tuyến nên ăn uống và sinh hoạt như thế nào để tránh gây ảnh hưởng?

Bướu xơ tuyến thường không nguy hiểm như khối u ung thư. Bản chất nó là khối u lành tính nên việc điều trị cũng như phòng ngừa không quá khó khăn. Khuyến cáo các phụ nữ trẻ nên thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bất thường và được tư vấn hướng điều trị kịp thời.