Bệnh Rụng Tóc

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Da liễuPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh rụng tóc được xác định khi số lượng tóc rụng nhiều hơn 100 sợi/ ngày. Tình trạng này thường có liên quan đến mất cân bằng hormone, di truyền, các bệnh da liễu, tự miễn… Vì thế, điều trị không chỉ tập trung vào giảm số lượng tóc rụng mà cần phải kết hợp kiểm soát các bệnh lý nguyên nhân.

Tổng quan

Rụng tóc (Hair Loss) là hiện tượng sinh lý xảy ra khi tóc gãy rụng. Thông thường, mỗi ngày có khoảng 50 - 100 sợi tóc bị rụng và được thay thế. Mặc dù tóc bị rụng hằng ngày nhưng vì luôn được thay thế, tái tạo nên số lượng tóc thường được duy trì ở mức ổn định.

bệnh rụng tóc là bệnh gì
Rụng tóc được xác định là bệnh lý khi số lượng tóc rụng vượt quá 100 sợi/ ngày

Bệnh rụng tóc là tình trạng rụng tóc nhiều, số lượng tóc rụng vượt quá 100 sợi/ ngày. Tốc độ rụng tóc diễn ra nhanh hơn tốc độ mọc tóc dẫn đến tình trạng tóc thưa, mỏng, thậm chí gây hói đầu.

Rụng tóc có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, đôi khi cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Vì vậy, điều trị phải kết hợp giữa các biện pháp kích thích tóc mọc và kiểm soát bệnh lý nguyên nhân.

Phân loại bệnh

Có rất nhiều cách phân loại bệnh rụng tóc, trong đó cách phân loại phổ biến nhất là dựa vào hình thái lâm sàng:

Rụng tóc không sẹo

Rụng tóc không sẹo là tình trạng tóc rụng nhưng không có tổn thương thực thể ở da đầu. Quan sát da đầu gần như không có hiện tượng bất thường. Rụng tóc không sẹo thường có liên quan đến di truyền và các bệnh lý bên trong cơ thể khiến cho nang tóc suy yếu, tóc gãy, rụng nhiều.

bệnh rụng tóc là bệnh gì
Rụng tóc không sẹo là tình trạng tóc rụng nhiều nhưng da đầu không có tổn thương thực thể

Rụng tóc không sẹo bao gồm các dạng sau:

  • Rụng tóc androgen (di truyền)
  • Rụng tóc telogen (do chấn thương đột ngột về tinh thần/ thể chất)
  • Rụng tóc anagen (do bẩm sinh với đặc trưng là liên tục mọc các sợi tóc ngắn, tóc tơ)
  • Rụng tóc do giang mai
  • Rụng tóc do tật nhổ tóc
  • Rụng tóc do các hội chứng di truyền, bệnh hệ thống
  • Rụng tóc từng mảng (liên quan đến bất thường trong hệ thống miễn dịch)

Rụng tóc có sẹo

Rụng tóc có sẹo là tình trạng tóc rụng kèm theo với tổn thương thực thể. Da đầu bị tổn thương khiến cho nang tóc bị phá hủy, kết quả là tóc gãy, yếu và rụng nhiều.

Rụng tóc có sẹo bao gồm các loại sau đây:

  • Rụng tóc do viêm nang lông
  • Rụng tóc do viêm da dầu
  • Rụng tóc do chàm
  • Rụng tóc do viêm da cơ địa
  • Rụng tóc do nấm da dầu
  • Rụng tóc do viêm nang lông
  • Rụng tóc do lichen phẳng
  • Rụng tóc do lupus ban đỏ
  • Rụng tóc do kerion celsi
  • Rụng tóc do sẹo lồi từ mụn trứng cá
  • Rụng tóc giả thể mảng của Brocq
  • Rụng tóc do bỏng, các khối u trên da đầu

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Mỗi sợi tóc sẽ phát triển qua 3 giai đoạn là anagen (giai đoạn phát triển kéo dài từ 2 - 6 năm), catagen (giai đoạn apoptotic chuyển tiếp dài khoảng 3 tuần) và cuối cùng là telogen (giai đoạn nghỉ ngơi từ 2 - 3 tháng). Sau khi hoàn thành chu kỳ, tóc sẽ bị rụng và tóc mới được mọc để thay thế.

Quá trình phát triển tóc bị chi phối bởi nhiều yếu tố như hormone, dinh dưỡng. Do đó, có rất nhiều nguyên nhân, yếu tố gây ra bệnh rụng tóc:

Di truyền

Di truyền là nguyên nhân phổ biến gây rụng tóc, đặc biệt là ở nam giới. Rụng tóc do di truyền còn được gọi là rụng tóc androgen. Kiểu rụng tóc này có liên quan đến hiện tượng tăng nhạy cảm quá mức với các thụ thể rụng tóc androgen ở vùng da đầu phía trước.

nguyên nhân bệnh rụng tóc
Di truyền là nguyên nhân phổ biến gây rụng tóc, đặc biệt là rụng tóc androgen ở nam giới

Rụng tóc do di truyền thường gây rụng tóc nhiều ở phía trước dẫn đến tình trạng hói. Tóc rụng nhiều ở phía trước sau đó lan ra vùng thái dương tạo thành chân tóc hình chữ M.

Nếu xảy ra ở nữ giới, rụng tóc di truyền thường gây rụng ở toàn bộ da đầu (đặc biệt là vùng đỉnh). Vùng da đầu phía trước ít bị rụng nên đường chân tóc không thay đổi. So với nam giới, rụng tóc di truyền ở nữ ít khi gây hói toàn bộ.

Tuổi tác cao (lão hóa)

Tuổi tác cao là nguyên nhân khách quan gây ra bệnh rụng tóc. Khi bước vào giai đoạn lão hóa, nang tóc có hiện tượng suy yếu, không thể cung cấp đầy đủ dưỡng chất để nuôi tóc. Hơn nữa khi tuổi tác gia tăng, sức khỏe tổng thể cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Những thay đổi do quá trình lão hóa gây ra là nguyên nhân gia tăng số lượng tóc rụng, đồng thời làm chậm quá trình mọc tóc. Kết quả là số lượng tóc giảm, tóc trở nên thưa mỏng, dễ gãy rụng.

Tác dụng phụ của thuốc

Bệnh rụng tóc cũng có thể là kết quả do sử dụng thuốc điều trị. Thực tế, có rất nhiều loại thuốc làm cản trở quá trình mọc tóc và đẩy nhanh quá trình rụng tóc. Thường gặp nhất là các loại thuốc điều trị ung thư, thuốc tránh thai, thuốc điều trị các bệnh về tuyến giáp,...

nguyên nhân bệnh rụng tóc
Tóc rụng nhiều có thể là tác dụng phụ do sử dụng thuốc điều trị ung thư, thuốc trị động kinh, thuốc chống trầm cảm...

Ngoài ra, rụng tóc còn có liên quan đến những loại thuốc khác như thuốc ức chế miễn dịch, thuốc điều trị bệnh động kinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng nấm, thuốc điều trị cao huyết áp, vitamin A và các dẫn xuất retinoid…

Thiếu chất dinh dưỡng

Giống như các cơ quan khác, tóc cũng cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất để duy trì sự chắc khỏe, đàn hồi. Thiếu dinh dưỡng sẽ khiến cho tóc khô xơ, giòn, dễ gãy rụng. Trường hợp thiếu dưỡng chất trầm trọng sẽ khiến cho số lượng tóc rụng gia tăng mạnh dẫn đến hói.

Chế độ ăn uống hằng ngày có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của tóc. Tuy nhiên, nếu có các vấn đề sức khỏe gây cản trở khả năng hấp thu, tóc có thể bị gãy rụng do thiếu dưỡng chất. Rụng tóc thường có liên quan đến thiếu vitamin C, vitamin B, E, H, kẽm, sắt và đạm.

Stress

Stress là nguyên nhân gây rụng tóc phổ biến nhưng ít được chú ý. Căng thẳng thần kinh có thể khiến tóc rụng từ từ hoặc có thể gây rụng tóc đột ngột (thường do sang chấn tâm lý mạnh).

Khi căng thẳng, hormone cortisol tăng mạnh làm cho lưu lượng máu tuần hoàn lên da đầu giảm. Điều này đồng nghĩa với việc nang tóc không được cung cấp đầy đủ oxy và dưỡng chất. Hơn nữa, căng thẳng còn làm gia tăng gốc tự do, từ đó làm cản trở quá trình tái tạo, phục hồi của các tế bào.

Rối loạn nội tiết

Rụng tóc thường xảy ra trong giai đoạn mang thai, sau sinh và mãn kinh. Điều này cho thấy, rối loạn nội tiết thực sự là nguyên nhân khiến cho tóc rụng nhiều, chất lượng và số lượng tóc suy giảm.

 

dấu hiệu bệnh rụng tóc
Thay đổi nội tiết tố đột ngột là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh rụng tóc

Ngoài hormone estrogen, progesterone và androgen, bệnh rụng tóc còn có liên quan đến hormone tuyến giáp. Sự cân bằng của các hormone tuyến giáp sẽ giúp ngăn chặn quá trình rụng tóc. Vì vậy, khi tuyến giáp bị rối loạn, hiện tượng rụng tóc không bị ức chế, qua đó gia tăng số lượng tóc rụng mỗi ngày.

Tật nhổ tóc

Tật nhổ tóc (Trichotillomania) là một rối loạn mà người bệnh có hành vi tự giật tóc của bản thân. Hành vi này có tính chất cưỡng chế và không thể kiểm soát.

Hành vi tự giật tóc, nhổ tóc xảy ra trong thời gian dài sẽ dẫn đến bệnh rụng tóc và hói đầu. Ngoài hành vi nhổ tóc, một số người còn ăn tóc gây ra biến chứng rối loạn tiêu hóa, nặng hơn là xuất huyết và thủng dạ dày.

Do ảnh hưởng của các bệnh da liễu:

Các bệnh da liễu như nấm da đầu, viêm da cơ địa, vẩy nến, lichen phẳng, viêm da dầu,... đều có thể là nguyên nhân gây rụng tóc. Các bệnh lý này khiến cho da đầu bị viêm, hình thành sẹo, từ đó làm tổn thương nang tóc.

Rụng tóc do các bệnh da liễu là loại rụng tóc có sẹo. Nếu không được điều trị sớm, nang tóc có thể bị xơ hóa và tổn thương vĩnh viễn.

Các nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân kể trên, bệnh rụng tóc còn có thể do một số nguyên nhân khác như:

  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • Các bệnh tự miễn, rối loạn di truyền
  • Ngộ độc kim loại nặng
  • Giang mai
  • Bỏng da
  • Các khối u ở vùng đầu
  • Giảm miễn dịch sau chấn thương, phẫu thuật
  • Can thiệp hóa trị, xạ trị

Triệu chứng và chẩn đoán

Biểu hiện rõ rệt nhất của bệnh rụng tóc là tăng số lượng tóc rụng mỗi ngày. Ngoài ra, triệu chứng cũng có sự khác biệt tùy theo nguyên nhân và loại rụng tóc cụ thể.

dấu hiệu bệnh rụng tóc
Dấu hiệu rõ rệt nhất của bệnh rụng tóc là số lượng tóc rụng nhiều làm lộ da đầu và gây hói

Các dấu hiệu nhận biết bệnh rụng tóc:

  • Tóc rụng nhiều, số lượng tóc giảm mạnh, tóc thưa làm lộ da đầu
  • Tóc giòn, khô, xơ và dễ gãy
  • Một số trường hợp rụng tóc có thể đi kèm với tổn thương ở da đầu như da đầu viêm đỏ, có nhiều vảy bong, sẹo, mụn mủ, ngứa ngáy
  • Rụng tóc kéo dài sẽ gây hói lan tỏa ở vùng đỉnh (nữ giới) và hói ở vùng da đầu phía trước (nam giới)
  • Tóc có thể rụng theo mảng hoặc rụng lan tỏa, rụng từ từ hoặc cũng có khi rụng đột ngột làm mất một lượng tóc lớn trong thời gian ngắn

Rụng tóc về cơ bản là tình trạng không nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện tượng tóc rụng nhiều là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Hơn nữa, tóc thưa, mỏng, gãy rụng nhiều và hói sẽ ảnh hưởng đáng kể đến ngoại hình. Do đó, nếu nhận thấy tóc rụng nhiều, nên thăm khám để được xác định nguyên nhân và can thiệp phương pháp điều trị phù hợp.

Có thể dễ dàng xác định bệnh rụng tóc thông qua biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, để điều trị hiệu quả, cần phải tìm ra nguyên nhân cụ thể.

Chẩn đoán bệnh rụng tóc bao gồm khai thác bệnh sử, kiểm tra sức khỏe tổng quát, lịch sử dùng thuốc… Tùy theo biểu hiện của từng trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để xác định nguyên nhân.

Biến chứng và tiên lượng

Mái tóc dày, khỏe sẽ giúp ngoại hình thăng hạng, gia tăng sự tự tin cho cả nam và nữ giới. Rụng tóc kéo dài khiến cho số lượng tóc sụt giảm, lộ da đầu, trường hợp nặng có thể gây hói.

Ảnh hưởng lớn nhất của bệnh rụng tóc là tính thẩm mỹ. Tóc rụng nhiều, hói đầu gây ra tâm lý tự ti, ngại ngùng khi gặp gỡ. Nhiều trường hợp rụng toàn bộ tóc, da đầu lộ nhiều sẹo, viêm đỏ, bong vảy, rỉ dịch.

rụng tóc nhiều
Rụng tóc không được điều trị sẽ gây hói, ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình của cả nam và nữ giới

Như đã đề cập, bệnh rụng tóc thường có liên quan đến các vấn đề tiềm ẩn như các bệnh tuyến giáp, lupus ban đỏ, bệnh tự miễn, hệ thống… Do đó, biến chứng gặp phải đôi khi xuất phát từ bệnh lý nguyên nhân.

Rụng tóc có tiên lượng đa dạng. Trường hợp do các bệnh da liễu, rối loạn nội tiết sau khi sinh nở, tác dụng phụ của thuốc… thường có đáp ứng tốt. Ngược lại, rụng tóc do di truyền và các bệnh hệ thống thường có đáp ứng kém. Một số trường hợp gần như không có cải thiện khi dùng thuốc và phải can thiệp phẫu thuật để khắc phục.

Điều trị

Có nhiều lựa chọn khi điều trị bệnh rụng tóc, trong đó sử dụng thuốc là phương pháp được ưu tiên. Hiện nay, đã có nhiều phương pháp mới ra đời, mang đến hy vọng cho những người bị rụng tóc do bẩm sinh, di truyền.

Trước khi điều trị, cần phải chẩn đoán để xác định nguyên nhân cụ thể. Dựa vào nguyên nhân và mức độ rụng tóc, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị sau:

Sử dụng thuốc

Dùng thuốc là phương pháp chính trong điều trị bệnh rụng tóc. Thuốc được sử dụng với mục đích kích thích quá trình mọc tóc và kiểm soát các bệnh lý nguyên nhân gây tổn thương, thoái hóa nang tóc.

điều trị rụng tóc
Sử dụng thuốc có thể kích thích quá trình rụng tóc và giảm số lượng tóc rụng

Các loại thuốc điều trị rụng tóc phổ biến hiện nay:

  • Minoxidil: Minoxidil là thuốc trị rụng tóc thông dụng, được chỉ định cho cả nam và nữ giới. Thuốc thường được dùng ở dạng thoa ngoài để điều trị rụng tóc androgen. Cơ chế thuốc chưa rõ nhưng nhận thấy có hiệu quả kích thích tóc mọc lại sau 8 - 12 tuần.
  • Finasteride: Finasteride là chất ức chế alpha-5-testosterone reductase. Thuốc được dùng để điều trị rụng tóc androgen cho nam giới. Loại thuốc này được dùng ở đường uống nhằm kích thích sự phát triển của tóc và ngăn hiện tượng rụng tóc. Finasteride phát huy hiệu quả sau 6 - 8 tháng điều trị. Trường hợp không có đáp ứng tốt sẽ được dùng Dutasteride.
  • Tiêm corticoid tại chỗ: Tiêm corticoid tại chỗ thường được chỉ định cho trường hợp rụng tóc thể mảng. Loại thuốc thông dụng là Triamcinolone. Tiêm corticoid tại chỗ ở những trường hợp rụng tóc nhiều sẽ giúp giảm số lượng tóc rụng, kích thích quá trình mọc tóc.
  • Thuốc tránh thai hằng ngày: Thuốc tránh thai hằng ngày được sử dụng để điều hòa nội tiết tố nữ. Thuốc được dùng để cải thiện rụng tóc và các vấn đề liên quan đến rối loạn nội tiết sau khi sinh nở, mãn kinh.
  • Các loại thuốc khác: Tùy theo nguyên nhân cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc khác như thuốc kháng nấm, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng virus, thuốc chống trầm cảm, kháng sinh… Các loại thuốc này được dùng với mục đích kiểm soát bệnh lý nguyên nhân, qua đó hạn chế tình trạng tóc rụng.

Các liệu pháp, kỹ thuật ít xâm lấn

Sử dụng thuốc đôi khi không mang lại kết quả như mong đợi. Trường hợp này sẽ được kết hợp với một số liệu pháp và kỹ thuật xâm lấn tối thiểu để kích thích tóc mọc, hạn chế tình trạng tóc gãy rụng nhiều.

điều trị rụng tóc
Ngoài dùng thuốc, có thể kết hợp các liệu pháp như laser, quang trị liệu, Mesotherapy, huyết tương giàu tiểu cầu...

Các kỹ thuật, liệu pháp được áp dụng trong điều trị bệnh rụng tóc bao gồm:

  • Liệu pháp laser: Điều trị rụng tóc bằng laser mang lại hiệu quả khá cao. Phương pháp này sử dụng tia laser chiếu trực tiếp vào da đầu nhằm kích thích tuần hoàn máu, cung cấp dưỡng chất để phục hồi và tái tạo nang tóc. Liệu pháp laser có hiệu quả rõ rệt với rụng tóc androgen, rụng tóc có liên quan đến rối loạn nội tiết.
  • Mesotherapy: Mesotherapy là phương pháp điều trị rụng tóc khá hiệu quả hiện nay. Phương pháp này sử dụng kim đưa dưỡng chất vào bên trong da đầu nhằm phục hồi, tái tạo nang tóc. Dưỡng chất được dùng trong điều trị rụng tóc thường là chất dinh dưỡng, nguyên tố vi lượng, enzyme cần thiết cho quá trình tái tạo nang tóc. Mesotherapy hiệu quả với cả rụng tóc có sẹo và không sẹo.
  • Quang trị liệu: Rụng tóc do các bệnh da liễu mãn tính như viêm da cơ địa, vẩy nến,... sẽ được cân nhắc thực hiện quang trị liệu. Phương pháp này sử dụng tia UVA hoặc UVB chiếu trực tiếp lên vùng da tổn thương nhằm chống viêm, giảm dày sừng, cải thiện tình trạng ngứa ngáy. Quang trị liệu giúp làm giảm tổn thương ở da đầu, từ đó cải thiện tình trạng tóc khô xơ, gãy rụng.
  • Lăn kim: Lăn kim thường được áp dụng để điều trị sẹo rỗ và lỗ chân lông to. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có hiệu quả trong điều trị rụng tóc androgen và rụng tóc từng mảng. Lăn kim gây ra tổn thương “giả” trên da đầu, sau đó kết hợp với công nghệ tế bào gốc để phục hồi nang tóc nhằm gia tăng số lượng tóc mọc.
  • Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): PRP được thực hiện bằng cách chiết tách tiểu cầu từ máu tự thân. Tiểu cầu sẽ được pha trộn với các dưỡng chất cần thiết và tiêm trực tiếp vào da đầu. Tiểu cầu có chức năng phục hồi, tái tạo, sửa chữa hư tổn ở các tế bào. Nhờ vậy, nang tóc sẽ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, qua đó thúc đẩy tốc độ mọc tóc.

Phẫu thuật cấy tóc

Khi các phương pháp khác không mang lại hiệu quả, cấy tóc sẽ được cân nhắc. Phương pháp này chỉ được áp dụng cho những trường hợp rụng tóc thể mảng và hói đầu kiểu nam. Cấy tóc được thực hiện bằng cách chuyển nang tóc ở những vị trí tóc dày, di chuyển đến vùng da đầu thưa hoặc bị hói.

Sau khi phục hồi, nang tóc sẽ tiếp tục phát triển và mọc tóc. Sau khoảng vài tóc, tóc mọc dài sẽ che phủ vùng da đầu bị rụng tóc nhiều. Tuy nhiên, cấy tóc có chi phí khá cao nên không phải ai cũng có điều kiện thực hiện.

Các kỹ thuật cấy tóc phổ biến hiện nay:

  • Phương pháp FUT (chuyển vạt da đầu)
  • Phương pháp FUE (chuyển nang tóc)

Các biện pháp hỗ trợ

Khi điều trị rụng tóc, cần kết hợp với các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy tóc mọc, hạn chế số lượng tóc rụng

điều trị rụng tóc
Có thể massage da đầu để tăng tuần hoàn máu, kích thích tóc mọc nhanh chóng

  • Kiểm soát tốt các bệnh lý căn nguyên.
  • Không chà xát, gãi lên da đầu. Trường hợp ngứa nhiều có thể cân nhắc dùng thuốc.
  • Hạn chế hóa chất và nhiệt lên tóc trong thời gian điều trị. Nữ giới nên chọn các kiểu tóc không gây sức ép lên nang tóc, hạn chế cột, búi quá chặt.
  • Không nên để da đầu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Nên đội mũ hoặc dùng ô/ dù để bảo vệ nang tóc.
  • Bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là đạm, kẽm, sắt, vitamin C, B nhằm thúc đẩy quá trình phát triển của tóc.
  • Tránh thức khuya, căng thẳng, đảm bảo chất lượng và thời gian ngủ.
  • Gội đầu 2 - 3 lần/ tuần, tránh gội đầu hằng ngày. Ưu tiên dùng các loại dầu gội có công thức lành tính, không gây kích ứng. Khi gội cần thao tác nhẹ nhàng, không nên chà xát mạnh gây tổn thương da đầu.
  • Có thể dùng một số sản phẩm kích thích tóc mọc trong trường hợp rụng tóc không có sẹo. Trường hợp rụng tóc có sẹo nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để tránh kích ứng, bội nhiễm.
  • Massage da đầu là biện pháp hỗ trợ giảm rụng tóc hiệu quả. Động tác xoa bóp sẽ thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng tái tạo nang tóc, tránh tình trạng tóc gãy rụng nhiều.

Phòng ngừa

Rụng tóc dù không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình. Để phòng ngừa bệnh lý này, cần thực hiện các biện pháp sau đây:

  • Điều trị tích cực các bệnh da liễu ở da đầu như viêm da cơ địa, viêm da tiết bã nhờn, vảy nến, gàu, nấm da đầu…
  • Kiểm soát tốt các bệnh hệ thống, tự miễn như lupus ban đỏ.
  • Giữ tinh thần thoải mái, thư giãn, hạn chế căng thẳng kéo dài.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngủ đúng giờ, đủ giấc và tập thể dục thường xuyên. Lối sống khoa học vừa giúp nâng cao sức đề kháng, vừa có thể hạn chế rối loạn nội tiết.
  • Hạn chế dùng thuốc khi không cần thiết, đặc biệt là các loại thuốc có thể gây rụng tóc.
  • Điều trị sớm tật nhổ tóc và các rối loạn tâm thần.
  • Khi tuổi tác gia tăng, nên chủ động sử dụng các sản phẩm kích mọc tóc, bổ sung dưỡng chất cần thiết để phòng ngừa rụng tóc.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Rụng tóc cảnh báo những bệnh lý nào? Nguy hiểm không?

2. Có thể điều trị rụng tóc tại nhà thay vì dùng thuốc không?

3. Bị rụng tóc có nên uốn, nhuộm tóc hay không?

4. Điều trị rụng tóc mất bao lâu?

5. Chi phí cho các phương pháp điều trị rụng tóc

6. Nên ăn uống như thế nào để cải thiện bệnh rụng tóc?

7. Bị rụng tóc nhiều nên uống thuốc hay phẫu thuật?

8. Bị rụng tóc nên dùng dầu gội gì?

Rụng tóc thường có liên quan đến di truyền, rối loạn nội tiết và các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng nên cần thăm khám, chẩn đoán để điều trị hiệu quả. Chủ động điều trị sớm có thể phòng ngừa biến chứng tóc rụng nhiều, hói đầu do tổn thương nang tóc vĩnh viễn.