Bệnh Mãn Kinh

Mãn kinh là tình trạng suy giảm chức năng buồng trứng, đánh dấu sự kết thúc chu kỳ kinh nguyệt và sinh sản của phụ nữ. Đây là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa, thời kỳ mãn kinh xảy ra ở độ tuổi trung bình là 51 - 52. Điều trị mãn kinh chủ yếu nhằm cải thiện các triệu chứng như nóng bức, bốc hỏa, khô âm đạo, khó ngủ, thay đổi tâm trạng, đổ mồ hôi ban đêm... 

Tổng quan

Mãn kinh (Menopause) là thời điểm đánh dấu giai đoạn kết thúc chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Đây cũng là giai đoạn cuối cùng về khía cạnh sức khỏe và đời sống tình dục của nữ giới.

Tình trạng mãn kinh xảy ra do hoạt động buồng trứng suy giảm, không sản xuất các hormone nội tiết tố nữ cần thiết cho sức khỏe sinh dục và sinh sản. Chị em gần như chấm dứt hoàn toàn các đợt hành kinh hàng tháng và không còn khả năng sinh sản.

Mãn kinh xảy ra ở phụ nữ đặc trưng bởi tình trạng ngừng chu kỳ kinh nguyệt vĩnh viễn trong ít nhất 12 tháng

Mãn kinh thường xảy ra trong độ tuổi từ 40 - 58 tuổi. Thống kê mức độ tuổi trung bình là 51 - 52 tuổi. Hiện tượng này được chẩn đoán ở một người phụ nữ đã có những dấu hiệu tiền mãn kinh trước đó từ 5 - 10 năm (được gọi là giai đoạn chuyển tiếp kéo dài). Đặc trưng bởi các dấu hiệu như rối loạn kinh nguyệt, thay đổi tâm trạng, giảm ham muốn, bốc hỏa, bứt rứt...

Đây là hiện tượng sức khỏe sinh lý hoàn toàn bình thường, không liên quan đến bệnh lý và xảy ra ở hầu hết phụ nữ, không phân biệt chủng tộc hay sắc tộc. Tuy không nguy hiểm, nhưng tình trạng này có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chẳng hạn như phát triển các vấn đề về tâm lý, bệnh lý như niệu sinh dục, tim mạch.

Phân loại

Thời kỳ mãn kinh được phân chia làm 3 giai đoạn chính gồm tiền mãn kinh, mãn kinh thật sự và hậu mãn kinh. Quá trình này diễn ra dần dần với các đặc điểm riêng biệt ở từng giai đoạn.

Mãn kinh chính là giai đoạn chuyển tiếp từ đợt tiền mãn kinh kéo dài từ 5 - 10 năm

  • Tiền mãn kinh: Giai đoạn này thường bắt đầu từ 5 - 10 năm trước khi quá trình mãn kinh thật sự diễn ra. Phổ biến nhất là ở độ tuổi 40. Đây là sự suy giảm buồng trứng khởi phát, chức năng buồng trứng dần sản xuất ít hormone estrogen hơn qua từng năm và đặc biệt nhanh hơn trong 2 năm cuối cùng của giai đoạn tiền mãn kinh. Mặc dù giảm hormone, ít rụng trứng nhưng chu kỳ kinh nguyệt vẫn hoạt động nên lúc này chị em vẫn còn khả năng mang thai.
  • Mãn kinh: Sau giai đoạn chuyển tiếp từ tiền mãn kinh, người phụ nữ sẽ bước vào giai đoạn mãn kinh thật sự. Đặc trưng là khi không còn kinh nguyệt mỗi tháng, kèm theo các biểu hiện bất thường như bốc hỏa, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, giảm ham muốn...
  • Hậu mãn kinh: Thực chất đây chính là thời kỳ mãn kinh kéo dài liên tục, người phụ nữ sẽ không có kinh và không còn khả năng sinh sản trong suốt quãng đời còn lại. Các chuyên gia cảnh báo lúc này nồng độ estrogen trong cơ thể đang giảm ở mức thấp, nếu không kiểm soát có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như xương khớp, tim mạch...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hiểu đơn giản, mãn kinh xảy ra khi buồng trứng giảm hoạt động và  chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Trong đa số các trường hợp, mãn kinh thường xảy ra như một quá trình tự nhiên khi cơ thể bị lão hóa. Khi bạn già đi, chu kỳ sinh dục và sinh sản dần hoạt động yếu đi và ngừng hẳn khi thời kỳ mãn kinh thật sự diễn ra.

Mãn kinh có thể xảy ra do liên quan đến các chấn thương khi phẫu thuật cắt tử cung, buồng trứng

Nguyên nhân

Cơ chế bệnh sinh của mãn kinh được mô tả cụ thể như sau:

  • Số lượng nang trứng trong buồng trứng giảm dần khi già đi, kéo theo sự suy giảm của các tế bào hạt, đây là những tế bào chính sản xuất ra estradiol (E2) và inhibin;
  • Điều này gây thiếu hụt estrogen và chất ức chế gonadotropin, làm tăng sản xuất hormone kích thích nang trứng FSH và hormone luteinizing LH;
  • Chính sự suy giảm nồng độ estrogen này đã làm gián đoạn quá trình hoạt động của trục dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng;
  • Hậu quả là nội mạc tử cung ngưng phát triển, gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, không đều cho đến khi dừng hẳn;

Trong một số trường hợp, mãn kinh cũng có thể được thúc đẩy phát triển sớm thông qua 3 yếu tố nguy cơ khác. Có thể kể đến gồm:

  • Phẫu thuật và chấn thương: Các tổn thương nghiêm trọng ở buồng trứng được gây ra bởi va chạm mạnh hoặc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng là các tác nhân hàng đầu gây ra mãn kinh ngay lập tức.
  • Điều trị ung thư: Phụ nữ điều trị ung thư bằng phương pháp hóa - xạ trị liệu cũng có thể dẫn đến mãn kinh. Tuy nhiên, dạng mãn kinh này thường không kéo dài vĩnh viễn và có tiên lượng tốt nếu khắc phục sớm.
  • Suy buồng trứng nguyên phát: Hay còn gọi là mãn kinh sớm, thường xảy ra ở phụ nữ trước độ tuổi 40. Hiện nay, tình trạng này đang có xu hướng phát triển mạnh ở độ tuổi rất trẻ, thậm chí vẫn còn trong giai đoạn dậy thì. Thường liên quan đến sự rối loạn tự miễn dịch, gây vô kinh kéo dài trong nhiều năm liền dẫn đến gián đoạn hoặc hoàn toàn không có dấu hiệu hành kinh.

Yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân chính trên, còn rất nhiều yếu tố khác gây ảnh hưởng đến thời điểm khởi phát của thời kỳ mãn kinh. Bao gồm:

  • Yếu tố di truyền (chiếm khoảng 50% trường hợp);
  • Tiền sử mang thai lần đầu khi đã lớn tuổi;
  • Lạm dụng thuốc tránh thai kéo dài;
  • Phụ nữ thiếu cân thường bị mãn kinh sớm, còn thừa cân béo phì dễ gây mãn kinh muộn;
  • Nghiện hút thuốc lá, rượu bia và sử dụng các chất kích thích khác;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Khi bước vào độ tuổi mãn kinh, người phụ nữ sẽ dễ dàng nhận biết được điều này thông qua sự thay đổi rõ rệt của cơ thể. Kèm theo đó là thường xuyên gặp phải một số hoặc toàn bộ các dấu hiệu mãn kinh điển hình dưới đây. Bao gồm:

Những biểu hiện thường thấy ở phụ nữ mãn kinh như nóng bức, bốc hỏa, khô âm đạo, thay đổi tâm trạng, vã mồ hôi...

  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt: Kinh nguyệt không đều, lượng máu kinh ít hoặc nhiều bất thường, chu kỳ dài hoặc ngắn hơn hoặc gần như biến mất.
  • Nóng bừng: Nóng bừng cơ thể được chị em phụ nữ mô tả là một cảm giác khó chịu, thường xuất hiện ở vùng ngực, cổ hoặc toàn thân, da đỏ ửng và nóng. Kèm theo đó là nhịp tim nhanh và toát nhiều mồ hôi, nhất là vào ban đêm.
  • Bốc hỏa: Thường xảy ra trong lúc ngủ, chị em vã mồ hôi như tắm ướt cả quần áo và đệm giường. Tuy bốc hỏa nhưng có thể có cảm giác lạnh run rẩy vì đổ mồ hôi. Hầu hết các cơn bốc hỏa thường chỉ thoáng qua, kéo dài trong vòng vài phút, tối đa 10 phút và xuất hiện 1 - 2 lần/ tuần.
  • Mất kiểm soát bàng quang: Thực chất chính là tình trạng tiểu không tự chủ, có cảm giác buồn tiểu liên tục và đột ngột. Một số trường hợp có thể rò rỉ nước tiểu khi cười, ho, hắt hơi hoặc vận động thể chất.
  • Sức khỏe tình dục: Mãn kinh khiến âm đạo trở nên khô hơn, gây khó khăn trong việc quan hệ tình dục, khó chịu và đau rát, tăng nguy cơ phát triển các bệnh nhiễm trùng sinh dục. Ngoài ra, chị em thường ít có hứng thú, giảm ham muốn rõ rệt.
  • Rối loạn giấc ngủ: Phụ nữ mãn kinh thường gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ như trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ giật mình giữa đêm, khó ngủ lại và thức dậy với cảm giác mệt mỏi.
  • Thay đổi tâm trạng: Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh rất dễ có sự thay đổi về tâm trạng, dễ cáu gắt, khó chịu, căng thẳng khi gặp phải vấn đề không như ý, dù là vấn đề nhỏ.
  • Thay đổi ngoại hình: Vòng eo tăng kích thước lớn hơn bình thường, do mất cơ và tăng mỡ. Da bắt đầu sạm, nám, chảy xệ, nhăn nheo, khô ráp, kém đàn hồi, rụng tóc, đau nhức vú, tăng cân... Đây cũng là những thay đổi rõ rệt về ngoại hình liên quan đến mãn kinh.
  • Các triệu chứng khác: Ngoài ra, phụ nữ mãn kinh cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác về sức khỏe thể chất và tinh thần như:
    • Đau nhức, cứng cơ, khớp;
    • Đau đầu;
    • Tim đập nhanh;
    • Giảm khả năng tập trung;
    • Suy giảm trí nhớ;

Chẩn đoán

Trên thực tế, không có một biện pháp xét nghiệm nào giúp chẩn đoán chính xác thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ. Việc chẩn đoán thường diễn ra thông qua nhiều bước gồm thăm khám sức khỏe, đánh giá triệu chứng và loại trừ các tình trạng sức khỏe bệnh lý.

Đa số trường hợp chỉ cần thu thập đầy đủ các thông tin về độ tuổi, triệu chứng lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh lý đã đủ để đưa ra kết luận chẩn đoán về thời kỳ mãn kinh. Những xét nghiệm cận lâm sàng thường không cần thiết để chẩn đoán mãn kinh, tuy nhiên trong một vài trường hợp vẫn có thể áp dụng.

Điển hình là xét nghiệm máu giúp đo nồng độ estrogen, FSH (hormone kích thích nang trứng) và TSH (hormone kích thích tuyến giáp). Kết hợp xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp (nếu cần thiết) để phân biệt bệnh lý này với các bệnh về tuyến giáp.

Biến chứng và tiên lượng

Mãn kinh là quá trình tự nhiên mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng phải trải qua. Tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, nhưng sự khởi phát và kéo dài của thời kỳ mãn kinh thường đi kèm theo nhiều thay đổi về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, cảm xúc.

Biến chứng

Về mặt thể chất

Thời kỳ mãn kinh cũng chính là thời điểm chấm dứt kinh nguyệt và sinh sản, được đánh dấu bằng sự suy giảm hormone nội tiết estrogen, progesterone. Sự ảnh hưởng của các triệu chứng mãn kinh gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất.

2 biến chứng sau mãn kinh thường gặp nhất là phát triển bệnh tim mạch và loãng xương

Về lâu dài, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm liên quan đến việc suy giảm estrogen, bao gồm:

  • Bệnh tim mạch: Phụ nữ mãn kinh có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch cao, điển hình là bệnh động mạch vành và đột quỵ;
  • Loãng xương: Ước tính có khoảng 250.000 phụ nữ mãn kinh và hậu mãn kinh phát triển loãng xương tại một thời điểm cụ thể. Bệnh lý này đặc trưng sự suy giảm mật độ xương do thiếu hụt estrogen. Hậu quả làm tăng tỷ lệ gãy xương, tăng các chấn thương với mức độ nghiêm trọng.
  • Các nguy cơ bệnh lý khác:
    • Suy giảm chức năng bàng quang;
    • Tăng nguy cơ mắc Alzheimer;
    • Yếu cơ, trương lực cơ kém;
    • Suy giảm thị lực, tăng khả năng phát triển đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng...;

Về mặt cảm xúc

Về mặt cảm xúc, mãn kinh được xem là thời điểm khó khăn đối với đa số phụ nữ. Việc thay đổi tâm lý thất thường, khó chịu và mệt mỏi kéo dài làm suy giảm đáng kể sức khỏe tinh thần của người phụ nữ. Thậm chí, nhiều người còn phát triển trầm cảm hoặc các bệnh lý tâm thần tương tự như rối loạn lo âu, sợ giao tiếp xã hội...

Bên cạnh đó, sự tự ti về ngoại hình kèm theo giảm ham muốn cũng khiến nhiều phụ nữ mất hoàn toàn sự hứng thú trong tình dục. Điều này dễ kéo theo nhiều hệ lụy về mối quan hệ hôn nhân, hạnh phúc gia đình.

Ngoài ra, biến chứng của mãn kinh còn xuất phát từ những rủi ro liên quan đến biện pháp điều trị. Chẳng hạn như sử dụng liệu pháp thay thế hormone trong thời gian dài, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, biến chứng hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi.

Tiên lượng

Mãn kinh khi xảy ra thường kéo dài trong suốt quãng đời còn lại của người phụ nữ. Việc điều trị chữa khỏi hoàn toàn là không thể. Tuy nhiên, một số triệu chứng của mãn kinh có thể được kiểm soát làm thuyên giảm bằng các biện pháp y tế phù hợp.

Việc điều trị tích cực giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng mãn kinh, ngăn ngừa các biến chứng liên quan và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc quyết định có nên điều trị hay không, cách điều trị như thế nào thường khá phức tạp và mang tính cá nhân hóa. Do đó, khuyến khích phụ nữ mãn kinh nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để nhận được sự tư vấn phù hợp.

Điều trị

Một số phương pháp điều trị chính đối với các triệu chứng mãn kinh bao gồm:

Liệu pháp hormone thay thế (HRT)

Không đủ hormone estrogen và progesterone là nguyên nhân chính dẫn đến mãn kinh. Liệu pháp hormone thay thế này tuy không thể giúp phụ nữ quay trở về giai đoạn ban đầu, nhưng nó giúp bù đắp lượng hormone thiếu hụt, cải thiện hiệu quả các triệu chứng do mãn kinh gây ra, phòng ngừa biến chứng loãng xương.

Liệu pháp hormone HRT được đánh giá cao trong điều trị triệu chứng ở phụ nữ mãn kinh

Có 2 dạng hormone chính gồm:

  • Liệu pháp estrogen (ET): Tức là chỉ bổ sung estrogen với mức liều lượng thấp. Có thể sử dụng estrogen với nhiều dạng như thuốc viên, kem, gel bôi, miếng dán, thuốc xịt hoặc vòng đặt âm đạo. Đặc điểm của phương pháp này là chỉ áp dụng cho những người phụ nữ vẫn còn hormone.
  • Liệu pháp Progestin (EPT): Là liệu pháp kết hợp bổ sung giữa estrogen và progesterone. Liệu pháp này cũng chỉ phù hợp với những người vẫn còn tử cung.

Lưu ý khi sử dụng liệu pháp hormone cần tuân thủ tuyệt đối liều dùng và thời gian áp dụng. Điều này giúp giảm thiểu các rủi ro sức khỏe nguy hiểm như ung thư nội mạc tử cung, hình thành cục máu đông, sỏi mật, suy giảm chức năng túi mật, huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi...

Các biến chứng này thường phát triển âm thầm và kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, những rủi ro này có thể giảm thấp tỷ lệ nếu nếu điều trị hormone liên tục trong vòng 10 năm sau mãn kinh.

Kết hợp chăm sóc hỗ trợ

Song song với liệu pháp hormone, phụ nữ mãn kinh cần chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực để hỗ trợ cải thiện triệu chứng, ngăn chặn biến chứng cũng như ổn định chất lượng cuộc sống về già.

Một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh là điều cần thiết để giảm thiểu các triệu chứng mãn kinh

Các biện pháp đơn giản và tích cực dưới đây đem lại nhiều lợi ích trong điều trị mãn kinh, bao gồm:

  • Chế độ ăn uống: Điều chỉnh khẩu phần ăn cũng như những thói quen ăn uống hàng ngày. Hạn chế sử dụng các chất kích thích, đặc biệt là caffein, rượu bia, cắt giảm các loại thực phẩm cay nóng, chế biến nhiều dầu mỡ, đậm gia vị... Thay vào đó, thay thế bằng các nhóm thực phẩm giàu estrogen thực vật (isoflavone). chẳng hạn như các loại đậu, hạt, ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, củ quả, trái cây tươi, cá,...
  • Tập thể dục: Vận động thể chất hàng ngày, tập vừa sức và đúng cách đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho phụ nữ mãn kinh. Không chỉ cải thiện triệu chứng mãn kinh rõ rệt, vận động tích cực còn giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch chống lại bệnh tật. Ưu tiên các bài tập Kegel tăng cường cơ sàn chậu, cải thiện triệu chứng mất kiểm soát bàng quang.s
  • Tránh các tác nhân gây bốc hỏa: Để cải thiện triệu chứng bốc hỏa, có giấc ngủ ban đêm chất lượng, bạn có thể thực hiện các biện pháp đơn giản như tắm rửa sạch sẽ, duy trì nhiệt độ phù hợp trong phòng ngủ, mặc quần áo ngủ mát mẻ, chất liệu thấm hút mồ hôi tốt, uống đủ nước, thực hiện các kỹ thuật thư giãn trước khi đi ngủ...
  • Sử dụng thuốc kê toa: Một số loại thuốc hỗ trợ khác được kê toa điều trị mãn kinh như thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm (SSRI và SNRI) liều thấp, gabapentin và clonidine... Nhiều thống kê cho thấy các nhóm thuốc này có tác dụng cải thiện triệu chứng như nóng bừng hay ớn lạnh đột ngột, kiểm soát tâm trạng, bốc hỏa...
  • Giải tỏa tâm lý: Cởi mở hơn trong việc chia sẻ tình trạng của bản thân với những người xung quanh để giảm bớt áp lực, căng thẳng về tâm lý. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia các nhóm hỗ trợ hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn tâm lý chuyên nghiệp.
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi: Để giảm sự ảnh hưởng của mãn kinh đến sức khỏe, bạn cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và cải thiện giấc ngủ. Điều này bao gồm tạo thói quen ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ, tạo môi trường và không gian ngủ thoải mái, tránh tiếp xúc với các kích thích mạnh trước giờ đi ngủ...

Phòng ngừa

Mãn kinh là quá trình tự nhiên của cơ thể khi người phụ nữ già đi. Việc phòng ngừa ngăn chặn nó không diễn ra là điều không thể. Tuy nhiên, việc chăm sóc tích cực và nâng cao hiểu biết về mãn kinh cũng rất cần thiết nhằm giảm nguy cơ phát triển mãn kinh sớm hoặc ngăn ngừa biến chứng liên quan đến mãn kinh.

  • Nói không với thuốc lá hoặc các chất kích thích khác, nhất là những phụ nữ bắt đầu điều trị với hormone thay thế.
  • Thiết lập lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tập thể dục tích cực hàng ngày để duy trì cân nặng phù hợp.
  • Nếu cảm thấy thoải mái và hứng thú về chuyện tình dục, hoàn toàn có thể duy trì hoạt động này mà không cần kiêng khem.
  • Khuyến khích phụ nữ mãn kinh nên tránh thai liên tục trong vòng 1 năm sau chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng hoặc kể từ khi rối loạn kinh nguyệt.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi thường xuyên bị nóng bừng, bốc hỏa, tâm trạng thất thường, vã mồ hôi vào ban đêm, khô rát âm đạo...?

2. Những dấu hiệu này có phải biểu hiện của mãn kinh không?

3. Tôi cần làm những kiểm tra, xét nghiệm nào để chẩn đoán mãn kinh?

4. Nguyên nhân tại sao tôi bị mãn kinh?

5. Những biến chứng rủi ro tôi có thể gặp phải khi bị mãn kinh?

6. Bị mãn kinh có nên điều trị hay không?

7. Tôi nên điều trị mãn kinh bằng phương pháp nào tốt nhất?

8. Các tác dụng phụ của liệu pháp hormone có thể xảy ra? Cách xử lý như thế nào?

9. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe tại nhà khi bị mãn kinh?

10. Bị mãn kinh có ảnh hưởng đến đời sống tình dục của tôi không?

Mãn kinh là tình trạng sinh lý bình thường, không phải bệnh lý nhưng sự phát triển của nó cũng có thể gây ra các biến chứng khó lường. Bởi vậy, hãy luôn tích cực trong việc điều trị cải thiện triệu chứng, kết hợp điều chỉnh lối sống khoa học để duy trì chất lượng cuộc sống tốt nhất.