Bệnh Viêm Tụy Cấp

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Bệnh viêm tụy cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nhập viện. Bệnh xảy ra khi các chất tiền men trong tụy bị hoạt hóa dẫn đến hiện tượng tự hủy. Tùy theo mức độ nặng - nhẹ, bệnh nhân có thể phục hồi tốt nhưng đôi khi gây ra nhiều biến chứng với tỷ lệ tử vong dao động từ 10 - 35%.

Tổng quan

Bệnh viêm tụy cấp (Acute Pancreatitis) là tình trạng tuyến tụy bị viêm nhiễm cấp tính, có thể đi kèm với tổn thương các mô lân cận cùng với sự phát triển nhanh chóng của nhiều biến chứng tại chỗ và toàn thân. Đây là bệnh lý thường gặp ở phòng cấp cứu với các triệu chứng rõ rệt như đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn mửa liên tục.

viêm tụy cấp
Bệnh viêm tụy cấp xảy ra khi các chất tiền men bị hoạt hóa ngay tại tụy gây ra hiện tượng tự hủy các mô

Mức độ viêm ở tuyến tụy có thể từ nhẹ đến nặng, trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong. Tỷ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 25 - 75 ca/ 100.000 dân/ năm và hiện đang có xu hướng gia tăng.

Tụy là cơ quan nằm giữa tá tràng và lá lách, ngay phía sau dạ dày với chiều dài chỉ khoảng 16 - 20mm. Mặc dù có trọng lượng không đáng kể song tuyến tụy giữ rất nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong đó phải kể đến sản sinh insulin để chuyển hóa đường và tiết các men tiêu hóa để ruột non có thể hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn.

Viêm tụy cấp có tiến triển nhanh nên cần được nhận biết và cấp cứu kịp thời. Trường hợp chậm trễ có thể gây xuất huyết tụy, hoại tử, áp xe tụy, sốc, viêm phú mạc, suy hô hấp và suy thận. Nếu được điều trị sớm, bệnh thường được kiểm soát nhanh và phục hồi tốt.

Phân loại

Viêm tụy cấp được chia thành 2 loại là viêm tụy kẽ và viêm tụy hoại tử dựa vào mức độ nghiêm trọng:

Viêm tụy kẽ

Viêm tụy kẽ là tình trạng viêm tụy cấp có mức độ nhẹ. Thông qua các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, có thể nhận thấy tuyến tụy phì đại. Đây là loại viêm tụy cấp thường gặp và đa phần đều thuyên giảm nhanh sau khi được chăm sóc, điều trị.

Viêm tụy hoại tử

Viêm tụy hoại tử là tình trạng nghiêm trọng, xảy ra khi tụy và các mô xung quanh có dấu hiệu hoại tử. Khoảng 5 - 10% trường hợp mắc phải dạng viêm tụy cấp này. Viêm tụy hoại tử có mức độ nghiêm trọng, tính chất dai dẳng, kéo dài. Nếu không kịp thời điều trị có thể gây các biến chứng tại chỗ và biến chứng toàn thân.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm tụy cấp thực chất là tình trạng tự hủy mô tụy do chính các enzyme được tuyến tụy bài tiết. Thông thường, tụy sẽ sản xuất ra các chất tiền men và những chất này chỉ hoạt động sau khi được hoạt hóa tại tá tràng. Ở người bị viêm tụy cấp, không biết vì lý do gì, các chất tiền men được hoạt hóa ngay khi còn ở tụy dẫn đến hiện tượng viêm, tổn thương ngay tại cơ quan này.

bệnh viêm tụy cấp
Sỏi, giun đường mật là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh viêm tụy cấp (chiếm 40 - 50%)

Các chuyên gia đều cho rằng, bệnh viêm tụy cấp có liên quan đến những yếu tố sau:

  • Sỏi, giun đường mật (chiếm 40 - 50%)
  • Do uống quá nhiều rượu (20 - 30)
  • Mắc các bệnh lý gây tổn thương mạch máu nhỏ như lupus ban đỏ, bệnh tiểu đường type 2
  • Vùng bụng bị chấn thương
  • Biến chứng sau khi phẫu thuật ở vùng dạ dày - tá tràng, nội soi mật - tụy ngược dòng
  • Mắc các bệnh có đi kèm với tăng lipid máu như rối loạn lipid máu, hội chứng thận hư
  • Nhiễm các loại virus như Epstein-Barr Virus, Virus cytomegalo, virus quai bị…
  • Do dị ứng
  • Có các rối loạn chuyển hóa như cường tuyến cận giáp, tăng canxi, huyết…
  • Do ảnh hưởng của các loại thuốc như Tetracycline, Furosemide, Estrogens, Cimetidine, Azathioprin…
  • Vô căn, không rõ nguyên nhân chiếm 10 - 15% trong tổng số các trường hợp

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh viêm tụy cấp có triệu chứng vô cùng đặc trưng và dễ nhận biết. Biểu hiện điển hình là đau bụng dữ dội kèm theo buồn nôn và nôn mửa.

bệnh viêm tụy cấp là gì
Triệu chứng điển hình của bệnh viêm tụy cấp là đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn mửa và sốt

Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm tụy cấp:

  • Viêm tụy cấp khiến cho tụy viêm và căng dẫn đến đau bụng. Cơn đau thường khởi phát đột ngột sau khi ăn no (đặc biệt là những bữa ăn có nhiều chất béo động vật) hoặc sau khi uống nhiều rượu bia.
  • Đau do viêm tụy cấp thường xuất hiện ở vùng bụng bên trái, thường ở trên rốn. Đau dữ dội, có thể lan ra phía sau lưng.
  • Mức độ đau tăng lên khi ho, hít thở sâu và xoay người đột ngột.
  • Buồn nôn, nôn liên tục và cơn đau không thuyên giảm sau khi nôn.
  • Dịch nôn thường là thức ăn, dịch vị, dịch mật và đôi khi có kém máu loãng
  • Sốt nhẹ, âm ỉ
  • Đôi khi có biểu hiện vàng da nhẹ, trường hợp do giun và sỏi mật thường gây vàng da nặng
  • Đầy hơi, chướng bụng
  • Bí trung tiện, đại tiện do liệt ruột
  • Đôi khi gây tiêu lỏng nhiều lần

Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, nên cấp cứu sớm để được xử trí kịp thời. Các triệu chứng của bệnh viêm tụy cấp vô cùng rõ rệt, xuất hiện đột ngột và điển hình. Sau khi hỏi triệu chứng và khai thác bệnh sử, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng:

bệnh viêm tụy cấp nguyên nhân
Viêm tụy cấp có thể dẫn đến tử vong nên cần được thăm khám trong thời gian sớm nhất

  • Khám lâm sàng: Khám vùng bụng để xác định vị trí đau, phát hiện phản ứng thành bụng (trường hợp đã xuất hiện biến chứng viêm phúc mạc) hoặc không có co cứng thành bụng do liệt ruột. Bác sĩ cũng có thể phát hiện hiện tượng xuất huyết mô dưới da ở một số trường hợp.
  • Xét nghiệm máu, nước tiểu: Xét nghiệm máu, nước tiểu sẽ giúp xác định nồng độ amylase và lipase. Khi bị viêm tụy cấp, chỉ số này sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với bình thường.
  • Siêu âm: Siêu âm là phương pháp có giá trị trong chẩn đoán bệnh viêm tụy cấp. Hình ảnh từ siêu âm cho thấy các tổn thương tại tụy như tăng kích thước, phù nề, tụ dịch và đôi khi hình thành các ổ hoại tử. Siêu âm còn giúp phát hiện các bệnh nguyên như giun/ sỏi đường mật, đường tụy.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT được chỉ định trong trường hợp viêm tụy cấp nặng và nghi ngờ có biến chứng. Hình ảnh từ CT rõ hơn siêu âm nên sẽ hỗ trợ đáng kể khi chẩn đoán những trường hợp phức tạp.
  • X-quang ổ bụng: X-Quang ổ bụng được chỉ định cấp cứu trong trường hợp nghi ngờ tràn dịch màng phổi, quai ruột giãn.
  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Được thực hiện nhằm xác định hoặc loại bỏ viêm tụy cấp do tắc nghẽn ống mật.

Các phương pháp này sẽ giúp chẩn đoán xác định bệnh viêm tụy cấp và tìm ra nguyên nhân cụ thể. Hình ảnh từ X-Quang, CT, siêu âm… cũng sẽ giúp đánh giá mức độ nặng của bệnh. Đồng thời phát hiện sớm các biến chứng tại chỗ và toàn thân.

Biến chứng và tiên lượng

Đa phần các trường hợp viêm tụy cấp đều có tiên lượng tốt. Nếu được cấp cứu và can thiệp kịp thời, bệnh sẽ được kiểm soát nhanh và phục hồi tốt. Tuy nhiên, viêm tụy cấp có thể diễn tiến nặng ở người trên 60 tuổi, béo phì, tiền sử lạm dụng rượu và có các vấn đề sức khỏe đi kèm.

Viêm tụy cấp có tiến triển nhanh, nếu không điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng tại chỗ và biến chứng toàn thân. Các biến chứng thường gặp bao gồm viêm phúc mạc, nhiễm trùng tuyến tụy, sốc do nhiễm độc các chất kinin hoặc do xuất huyết.

Men tụy có thể làm tổn thương tuyến tụy dẫn đến xuất huyết, đôi khi gây xuất huyết ở ống tiêu hóa và xoang bụng. Những trường hợp này thường có tiên lượng xấu, nguy kịch.

bệnh viêm tụy cấp nguyên nhân
Viêm tụy cấp có thể gây ra biến chứng nhiễm trùng, sau đó phát triển thành áp xe và hoại tử tụy

Viêm tụy cấp cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng, sau đó tiến triển thành áp xe và hoại tử. Ngoài ra, bệnh nhân cũng phải đối mặt với nhiều biến chứng khác như nang giả tụy, suy hô hấp cấp… Bệnh nhân nghiện rượu thường tái phát viêm tụy cấp nhiều lần dẫn đến bệnh viêm tụy mãn tính.

Trước khi điều trị, bệnh nhân bị viêm tụy cấp sẽ được đánh giá mức độ nặng - nhẹ. Bởi nguy cơ biến chứng và tử vong có sự chênh lệch đáng kể tùy theo mức độ bệnh.

Viêm tụy cấp nhẹ được xác định có rối loạn chức năng tặng nhẹ, tiên lượng tốt, thường tự hồi phục. Viêm tụy nặng được xác định khi tụy có tổn thương khu trú hoặc đi kèm với suy tạng. Tỷ lệ tử vong do viêm tụy cấp nhẹ chỉ 1%, trong khi các ca nặng có tỷ lệ tử vong dao động 10 - 15%. Trường hợp có biến chứng nhiễm trùng, tỷ lệ tử vong lên đến 30 - 35%.

Điều trị

Bệnh viêm tụy cấp là tình trạng cần được cấp cứu kịp thời để phòng ngừa biến chứng và bảo tồn tính mạng. Điều trị bệnh lý này buộc phải kết hợp nội khoa và ngoại khoa. Bệnh nhân cũng cần được điều trị hồi sức tích cực và theo dõi sát sao.

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa được thực hiện nhằm mục đích giảm đau, chống sốc và nâng đỡ thể trạng. Đồng thời giúp giảm tiết dịch tụy để ngăn tiến triển của bệnh.

nguyên nhân bệnh viêm tụy cấp
Ban đầu, bệnh nhân sẽ được truyền dịch và tiêm thuốc để giảm đau bụng, ngăn tiến triển của bệnh

Điều trị cụ thể bao gồm các phương pháp sau:

  • Thuốc giảm đau: Viêm tụy cấp gây đau nhiều nên cần dùng thuốc giảm đau để cải thiện. Do mức độ đau nặng nên phải dùng thuốc giảm đau chống co thắt Buscopan ở dạng tiêm. Thuốc giảm đau cơ chế thần kinh trung ương như Dolargan, Meperidin cũng có thể được chỉ định.
  • Các loại thuốc giảm tiết dịch tụy: Thuốc kháng histamin H2, thuốc ức chế bơm proton được sử dụng để giảm tiết dịch tụy, qua đó giảm mức độ viêm và hạn chế tiến triển của bệnh. Somatostatin và Octreotide cũng được cân nhắc sử dụng trong trường hợp này.
  • Hút dịch dạ dày: Sonde mũi - dạ dày sẽ được đặt để hút dịch dạ dày nhằm giảm tiết dịch tụy. Khi lượng dịch tụy giảm, các triệu chứng sẽ được cải thiện rõ rệt.
  • Dinh dưỡng: Khi bị viêm tụy cấp, cần phải kiêng ăn vì có thể kích thích tụy tiết ra nhiều men. Vì vậy, trong thời gian này sẽ được truyền dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Sau 1 - 2 ngày có thể dùng cháo đường, nước đường và cháo nhão để bổ sung dinh dưỡng.

Đối với viêm tụy cấp có nguy cơ diễn tiến nặng, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị sốc như truyền dịch, điều chỉnh rối loạn điện giải, sử dụng thuốc vận mạch…

Trường hợp đã xuất hiện biến chứng sẽ được điều trị tích cực. Tùy theo biến chứng, các phương pháp được chỉ định bao gồm lọc máu, hỗ trợ hô hấp, dùng Heparin cầm máu, kháng sinh chỉ định trong trường hợp nhiễm trùng và thẩm phân phúc mạc.

Điều trị ngoại khoa

Khi đã xuất hiện biến chứng áp xe tụy, viêm phúc mạc, xuất huyết… điều trị ngoại khoa sẽ được chỉ định. Phẫu thuật được thực hiện để xử lý biến chứng và giải quyết bệnh nguyên.

điều trị bệnh viêm tụy cấp
Những trường hợp đã phát hiện biến chứng hoặc không có đáp ứng với điều trị nội khoa sẽ có chỉ định phẫu thuật

Phòng ngừa

Viêm tụy cấp là bệnh lý có tiến triển nhanh, có thể gây ra nhiều biến chứng và tử vong. Hiện nay, uống nhiều rượu và sỏi/ giun đường mật là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng này.

điều trị bệnh viêm tụy cấp
Nói không với rượu bia là cách phòng ngừa bệnh viêm tụy cấp hiệu quả nhất

Để phòng ngừa viêm tụy nói chung và viêm tụy cấp nói riêng, có thể thực hiện các biện pháp sau đây:

  • Hạn chế rượu bia là cách phòng ngừa viêm tụy cấp hiệu quả nhất.
  • Phát hiện và điều trị sớm bệnh sỏi mật, sỏi tụy.
  • Xổ giun định kỳ 1 - 2 lần/ năm.
  • Chú ý các biểu hiện bất thường khi sử dụng thuốc. Nếu có tiền sử viêm tụy cấp, nên thông báo với bác sĩ để tránh các loại thuốc có thể gây tái phát bệnh.
  • Người bị rối loạn lipid máu cần điều chỉnh chế độ ăn và thăm khám thường xuyên để phòng tránh biến chứng viêm tụy cấp.
  • Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, giảm đạm và chất béo động vật. Tập thói quen ăn nhạt, tăng cường rau xanh và trái cây trong thực đơn ăn uống hàng ngày.
  • Dị ứng thực phẩm là yếu tố gây tắc mật và viêm tụy cấp. Vì vậy, tuyệt đối không dùng các loại thực phẩm từng bị dị ứng, đồng thời thận trọng với các loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao như đậu nành, mè, đậu phộng, hải sản, gà...
  • Uống nhiều nước.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Khám định kỳ 1 lần/ năm để phát hiện sớm sỏi mật, giun chui ống mật. Nếu điều trị sớm, các bệnh lý này sẽ hiếm có nguy cơ phát triển bệnh viêm tụy cấp.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Vì sao tôi bị viêm tụy cấp?

2. Tôi cần điều trị viêm tụy cấp trong bao lâu? Khi nào có thể xuất viện?

3. Viêm tụy cấp có cần phải phẫu thuật hay không?

4. Tôi có thể phòng ngừa viêm tụy cấp tái phát bằng cách nào?

5. Chi phí điều trị viêm tụy cấp khoảng bao nhiêu? Có được BHYT chi trả?

6. Sau khi điều trị, tôi có cần phải tái khám?

Viêm tụy cấp là tình trạng cấp cứu nội khoa nghiêm trọng cần phải được chú ý. Bệnh tiến triển nhanh gây ra nhiều biến chứng như hoại tử mô tụy, viêm phúc mạc, suy hô hấp… đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Vì vậy, cần phải chú ý những biểu hiện bất thường để kịp thời thăm khám và điều trị.