Bệnh Áp xe gan

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Bệnh áp xe gan là tình trạng tương đối hiếm gặp, xảy ra khi tế bào gan bị viêm nhiễm, hoại tử tạo thành các ổ mủ. Tình trạng này cần được thăm khám sớm để kịp thời dùng kháng sinh và dẫn lưu mủ. Tránh trường hợp áp xe bị vỡ khiến nhiễm trùng lan rộng, kéo theo nhiều biến chứng và thậm chí là tử vong.

Tổng quan

Bệnh áp xe gan (Liver Abscess) là tình trạng tế bào gan bị phá hủy tạo thành các ổ mủ bên trong thùy trái hoặc thùy phải. Ổ mủ có thể xuất hiện đơn độc hoặc với số lượng nhiều, kích thước đa dạng. Nguyên nhân có thể là do nấm, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, trong đó phổ biến nhất là do amip (một loại ký sinh trùng gây bệnh ở đường ruột).

bệnh áp xe gan
Bệnh áp xe gan là tình trạng tế bào gan bị phá hủy, hoại tử dẫn đến sự hình thành của các ổ mủ

Áp xe gan là tình trạng nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Ngày nay, nhờ có sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công tác chẩn đoán và điều trị bệnh trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.

Có rất nhiều nguyên nhân gây áp xe gan nhưng phần lớn là nhiễm khuẩn thứ phát. Các tình trạng nhiễm trùng ở ổ bụng như viêm ruột thừa, bệnh Crohn, viêm đường mật do sỏi… không được điều trị đúng cách sẽ khiến vi khuẩn, ký sinh trùng lây nhiễm sang gan.

Áp xe là tổ chức viêm nhiễm chứa mủ, tế bào niêm mạc, xác bạch cầu và vi khuẩn, ký sinh trùng. Nếu không được xử trí, ổ mủ có thể bị vỡ khiến cho nhiễm trùng lan rộng. Vì vậy, cần phải nâng cao hiểu biết về bệnh lý này để có thể phát hiện và điều trị sớm khi mắc phải.

Phân loại bệnh

Bệnh áp xe gan được chia thành 2 loại là áp xe gan do vi khuẩn và áp xe gan do amip.

Áp xe gan do vi khuẩn

Áp xe gan do vi khuẩn là tình trạng viêm nhiễm, tổn thương tổ chức tế bào gan do các loại vi khuẩn. Có nhiều yếu tố thuận lợi gây bệnh với tác nhân chính là cầu khuẩn đường ruột Enterococcus, vi khuẩn Bacteroides fragilis và trực khuẩn gram âm Escherichia coli.

Ngoài ra, một số trường hợp cũng có thể bị áp xe gan do phế cần tán huyết, tụ cầu và nấm Candida. Đặc điểm của áp xe gan do vi khuẩn là xuất hiện nhiều ổ mủ, nằm rải rác ở toàn bộ gan, kích thước ổ mủ khác nhau.

Áp xe gan do amip

Amip là loại ký sinh trùng chỉ có một tế bào đơn giản với hình dáng đa dạng, không theo quy luật nhất định. Amip là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh áp xe gan với đường lây là phân - miệng.

Đặc điểm của áp xe gan do amip là thường chỉ có một ổ mủ, đôi khi có từ 2 - 3 ổ mủ nhưng tương đối ít gặp và ổ mủ thường xuất hiện ở thùy phải (chiếm 80%). Tiến triển bệnh nhanh có thể gây ra các biến chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Như đã đề cập, vi khuẩn và amip là nguyên nhân trực tiếp gây áp xe gan. Tuy nhiên, đa phần các loại amip và vi khuẩn đều sẽ gây viêm nhiễm ở những cơ quan khác. Sau đó, mới gây nhiễm trùng thứ phát và hình thành ổ áp xe ở nhu mô gan.

Các nguyên nhân nhân gây bệnh áp xe gan thường gặp:

Do vi khuẩn:

Ở các nước phát triển, vấn đề vệ sinh cá nhân được thực hành tốt nên đa phần trường hợp áp xe gan đều do vi khuẩn. Các loại vi khuẩn sau khi xâm nhập vào gan sẽ khiến tế bào gan bị viêm, hoại tử, sau đó tạo thành các ổ mủ.

Triệu chứng áp xe gan
Ở các nước phát triển, áp xe gan chủ yếu xảy ra do nhiễm trùng thứ phát

Các loại vi khuẩn thường gây bệnh áp xe gan bao gồm:

  • Tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus
  • Liên cầu khuẩn Streptocoque
  • Trực khuẩn Salmonella
  • Cầu khuẩn đường ruột Enterococci
  • Trực khuẩn gram âm Escherichia coli
  • Vi khuẩn gram âm Bacteroides fragilis
  • Phế cầu khuẩn Streptococcus Pneumoniae
  • Một số loại nấm như Candida, nấm tóc Leptothrix

Vi khuẩn có thể xâm nhập vào gan thông qua đường mật, đường tĩnh mạch gánh, động mạch gan, hệ thống mạch bạch huyết. Các yếu tố sau có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh áp xe gan do vi khuẩn:

  • Mắc các bệnh đường mật như giun chui ống mật, sỏi mật, bệnh sán lá gan
  • Có các tình trạng viêm nhiễm trong ổ bụng như viêm ruột thừa, viêm túi thừa, viêm loét dạ dày, viêm đường mật…
  • Có các vấn đề nhiễm trùng khác như bệnh hậu bối (Carbuncle), viêm hạch, nhọt, ổ mủ ở phổi, thận, não, cơ, nhiễm trùng răng, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng…
  • Đặt stent/ ống thông mật
  • Sinh thiết gan
  • Suy giảm miễn dịch
  • Xơ gan
  • Tiểu đường type 2

Phần lớn các trường hợp do nấm đều có liên quan đến suy giảm miễn dịch. Lúc này, nấm Candida ở ống tiêu hóa có thể thâm nhập vào gan gây nhiễm trùng và hình thành ổ mủ (áp xe).

Trong một số trường hợp, các bác sĩ không thể xác định nguyên nhân gây ra bệnh áp xe gan do vi khuẩn (khoảng 18.4%). Trong đó, nguy cơ đặc biệt cao ở bệnh nhân xơ gan và bị suy giảm miễn dịch.

Do amip:

Amip là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh áp xe gan, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Amip lây qua đường phân - miệng nên chủ yếu gặp ở người vệ sinh kém, thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh.

Triệu chứng áp xe gan
Bệnh áp xe gan do amip thường gặp ở các nước đang phát triển do thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh

Các yếu tố thuận lợi gây ra bệnh áp xe gan do amip:

  • Nhiễm Entamoeba histolytica mãn tính (bệnh lỵ)
  • Không có thói quen vệ sinh tay sau khi đi vệ sinh và trước khi nấu ăn, từ đó làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm amip

Trong nhiều trường hợp, áp xe gan do amip khởi phát mà không có bệnh sử viêm đại tràng trước đó. Bệnh thường gặp ở người sinh sống ở vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Người du lịch đến các khu vực này cũng có nguy cơ bị áp xe gan sau nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh áp xe gan có triệu chứng tương đối rõ rệt và dễ nhận biết. Trường hợp có một ổ thường tiến triển chậm, áp xe gan nhiều ổ có tiến triển nhanh, biểu hiện cấp tính.

nguyên nhân bị áp xe gan
Đau hạ sườn phải là triệu chứng điển hình của bệnh áp xe gan

Các triệu chứng thường gặp ở bệnh áp xe gan bao gồm:

  • Đau hạ sườn phải, cơn đau có thể lan ra những khu vực xung quanh như thượng vị và bụng dưới
  • Sốt âm ỉ, đôi khi ngưng sốt (trường hợp do amip sẽ gây sốt cao kèm theo ớn lạnh)
  • Gan to lên, khi sờ ở vùng hạ sườn sẽ cảm thấy có khối rõ ràng
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Áp xe gan sẽ kích thích lên cơ hoành dẫn đến tình trạng khó thở, ho
  • Chán ăn, ăn uống kém
  • Sụt cân
  • Đổ mồ hôi về đêm
  • Vàng da

Đau hạ sườn phải là triệu chứng điển hình của bệnh áp xe gan. Mức độ đau dữ dội, đau nhiều hơn so với viêm gan và gan nhiễm mỡ. Nhờ có triệu chứng rõ rệt, phần lớn bệnh nhân đều được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tương tự các bệnh lý khác ở gan, chẩn đoán bệnh áp xe gan sẽ dựa vào khám lâm sàng và cận lâm sàng. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng bạn gặp phải và sàng lọc các yếu tố nguy cơ (tiền sử nhiễm trùng ổ bụng, có mắc bệnh lỵ hay đến những khu vực có tỷ lệ nhiễm bệnh lỵ cao trong thời gian gần đây hay không…).

nguyên nhân bị áp xe gan
Bác sĩ sẽ khám lâm sàng trước khi chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng

Sau khi khám lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ được thực hiện để bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán xác định:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có giá trị trong chẩn đoán bệnh áp xe gan. Kết quả từ xét nghiệm này (tăng tốc độ lắng máu, tăng bạch cầu, thiếu máu đẳng sắc…) cho phép bác sĩ xác định gan đang viêm nhiễm.
  • Xét nghiệm men gan: Chỉ số men gan sẽ giúp xác định liệu gan có đang gặp vấn đề hay không. Trường hợp áp xe gan sẽ có men gan tăng, tăng Bilirubin, tăng ALP và chỉ số Albumin giảm).
  • Xét nghiệm phân: Những bệnh nhân có tiền sử viêm đại tràng sẽ được chỉ định xét nghiệm phân. Trường hợp do amip có thể tìm thấy sự hiện hiện của trứng amip Entamoeba histolytica .
  • Chụp X-Quang: X-Quang gan sẽ giúp bác sĩ phát hiện ổ mủ bên trong nhu mô gan. Hình ảnh từ xét nghiệm này có thể xác định số lượng và kích thước của ổ áp xe. Ngoài ra, một số trường hợp phải chụp X-Quang phổi để phát hiện tràn dịch màng phổi và xẹp phổi.
  • Siêu âm: Siêu âm vừa là kỹ thuật chẩn đoán vừa hỗ trợ điều trị bằng phương pháp chọc hút, dẫn lưu mủ. Hình ảnh từ siêu âm cho phép bác sĩ xác định vị trí, số lượng của ổ áp xe. Ngoài ra, siêu âm còn giúp kiểm tra đường mật và phát hiện các vấn đề như nhiễm sán lá gan, viêm đường mật, sỏi đường mật…
  • Nội soi mật tụy: Kỹ thuật được chỉ định để tìm ra nguyên nhân gây tắc nghẽn đường mật. Trong kỹ thuật này, bác sĩ có thể kết hợp đặt stent hoặc dẫn lưu mật.

Hiện nay, siêu âm là kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất. Các phương pháp khác chỉ được thực hiện khi hình ảnh từ siêu âm không rõ ràng, chưa đủ dữ liệu để đưa ra chẩn đoán.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh áp xe gan nếu được điều trị sớm sẽ không gây ra bất cứ biến chứng nào. Điều trị có đáp ứng tốt, thời gian phục hồi nhanh. Ngược lại, nếu chậm trễ trong khâu thăm khám, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ ổ áp xe kéo theo một loạt các biến chứng nghiêm trọng.

Nguy cơ gặp phải biến chứng cao hơn ở những trường hợp áp xe do vi khuẩn. Nếu không kịp thời dẫn lưu mủ, ổ áp xe có thể bị vỡ gây ra các biến chứng ở phổi (tràn dịch màng phổi, viêm phổi). Trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết với tỷ lệ tử vong lên đến 80 - 90%.

Áp xe do amip có nguy cơ gặp phải biến chứng thấp hơn (chỉ chiếm 10%). Sau khi ổ mủ vỡ, amip sẽ lây nhiễm sang các cơ quan khác gây mủ tại màng phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, áp xe phổi… Nặng có thể gây suy tim ứ huyết và trụy tim mạch.

Trước đây, điều trị áp xe gan còn nhiều hạn chế do các xét nghiệm hình ảnh chưa phát triển. Ngày nay, nhờ sự phát triển của siêu âm, CT, X-quang mà việc chẩn đoán và điều trị bệnh trở nên đơn giản, hiệu quả hơn.

Nếu được điều trị sớm, áp xe gan có tiên lượng rất tốt. Tỷ lệ tử vong trong trường hợp áp xe gan do vi khuẩn dao động khoảng 5 - 30%. Áp xe do amip có tỷ lệ thấp hơn, chỉ khoảng 1 - 3%.

Điều trị

Dù tác nhân là vi khuẩn hay amip, kháng sinh đều là phương pháp chính đối với bệnh áp xe gan. Bên cạnh đó, dẫn lưu mủ cũng được chỉ định để loại bỏ ổ mủ, tránh trường hợp vỡ áp xe khiến nhiễm trùng lan rộng. Trong thời gian điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi và nâng đỡ thể trạng để hỗ trợ quá trình hồi phục.

Các phương pháp điều trị bệnh áp xe gan bao gồm:

Kháng sinh

Kháng sinh được dùng cho tất cả các trường hợp áp xe gan. Hiện nay, tỷ lệ kháng kháng sinh trong cộng đồng đang ngày càng gia tăng. Vì vậy, chỉ định kháng sinh phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh và khu vực địa lý. Ở nước ta, kháng sinh dùng trong điều trị áp xe gan thường là kháng sinh nhóm cephalosporin và Metronidazole.

Cách điều trị bệnh áp xe gan
Kháng sinh được dùng để điều trị bệnh áp xe gan do vi khuẩn, amip và nấm

Kháng sinh dùng cho bệnh áp xe gan do vi khuẩn:

  • Lựa chọn thứ I: Kết hợp kháng sinh cephalosporin thế hệ III và Metronidazole
  • Lựa chọn thứ II: Một loại penicillin kết hợp với Metronidazol

Kháng sinh được dùng trong 12 tuần để đảm bảo vi khuẩn được tiêu diệt hoàn toàn. Những trường hợp có nguy cơ kháng kháng sinh cao cần cấy vi khuẩn và đánh giá tỷ lệ kháng thuốc tại địa phương để làm kháng sinh đồ phù hợp.

Kháng sinh dùng cho bệnh áp xe gan do amip:

  • Metronidazol là lựa chọn đầu tay với mức độ đáp ứng tốt
  • Sau khi áp xe gan được kiểm soát, Diloxanide furoate được dùng liên tục trong 10 ngày để loại bỏ amip trong đường ruột và các cơ quan khác.

Kháng sinh dùng cho bệnh áp xe gan do nấm:

  • Amphotericin sẽ được sử dụng trong trường hợp áp xe do nấm.

Dẫn lưu mủ

Sau khi dùng kháng sinh, ổ mủ nhỏ có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, trường hợp áp xe gan lớn do amip và tất cả các trường hợp áp xe gan do vi khuẩn đều phải kết hợp dẫn lưu mủ dưới hướng dẫn của kỹ thuật CT và siêu âm.

Cách điều trị bệnh áp xe gan
Dẫn lưu mủ giúp loại bỏ ổ mủ trong gan, hạn chế nguy cơ vỡ áp xe khiến nhiễm trùng lan rộng

Tùy vào kích thước và số lượng khối u, bệnh nhân sẽ được chọn hút qua da hoặc phẫu thuật:

  • Chọc hút qua da: Chọc hút qua da được chỉ định trong trường hợp ổ mủ không quá lớn. Với sự hỗ trợ của CT và siêu âm, mủ sẽ được dẫn lưu để tế bào gan có thể hồi phục hoàn toàn.
  • Phẫu thuật dẫn lưu mủ: Trường hợp áp xe bị vỡ, phẫu thuật sẽ được thực hiện để làm sạch mủ bên trong. Ngoài ra, phẫu thuật cũng được chỉ định nếu ổ mủ lớn hơn 5cm và có nhiều vách. Trường hợp áp xe gan đi kèm với các bệnh lý như viêm ruột thừa cũng được phẫu thuật để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh.

Điều trị hỗ trợ

Bệnh nhân áp xe gan nên được điều trị nội trú để theo dõi và phòng ngừa biến chứng. Ngoài các phương pháp chính, các biện pháp hỗ trợ cũng được thực hiện:

  • Thuốc giảm đau
  • Truyền dịch
  • Dinh dưỡng hợp lý

Sau khi xuất viện, bệnh nhân cần nghỉ ngơi và ăn uống điều độ để phục hồi thể trạng. Tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi, đảm bảo chế độ ăn cân bằng để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.

Phòng ngừa

Bệnh áp xe gan là vấn đề nghiêm trọng cần được can thiệp sớm để phòng ngừa tử vong và các biến chứng nghiêm trọng khác. Sau khi điều trị, bệnh vẫn có khả năng tái phát. Do đó, nên trang bị các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Tẩy giun thường xuyên, định kỳ 6 tháng/ lần.
  • Rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và trước khi chế biến thức ăn.
  • Điều trị dứt điểm các tình trạng viêm nhiễm như viêm đường mật, viêm ruột thừa, viêm nội tâm mạc, viêm hạch…
  • Điều trị bệnh sán lá gan và các bệnh nhiễm ký sinh trùng khác
  • Điều trị bệnh lỵ dứt điểm.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh áp xe gan?

2. Vì sao tôi bị áp xe gan?

3. Tôi bị áp xe gan do vi khuẩn hay amip? Tình trạng có nghiêm trọng không?

4. Điều trị bệnh áp xe gan mất bao lâu? Có cần lưu viện?

5. Cần làm gì khi gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc?

6. Bị áp xe gan có nhất thiết phải phẫu thuật?

7. Cần làm gì để phòng ngừa bệnh áp xe gan tái phát?

Bệnh áp xe gan có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, tỷ lệ tử vong đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, không nên vì thế mà chủ quan trước những biểu hiện bất thường. Thay vào đó, nên chủ động thăm khám sớm để giải quyết ổ mủ kịp thời, hạn chế biến chứng.