Bệnh Sán Lá Gan
Bệnh sán lá gan thường gặp ở người có thói quen ăn đồ sống, đặc biệt là các loại ốc và cá nước ngọt. Nếu được phát hiện sớm, điều trị diễn ra khá thuận lợi và đa phần đều có đáp ứng tốt. Trường hợp phát hiện muộn, sán có thể gây tổn thương gan, đường mật dẫn đến xơ gan, viêm đường mật, xuất huyết tiêu hóa…
Tổng quan
Bệnh sán lá gan (Liver Fluke) là tình trạng nhiễm ký sinh trùng mãn tính ở đường mật gây ra bởi sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Ký sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể do uống nước chưa được đun sôi hoặc ăn các loại thực phẩm sống.
Loại sán này thường ký sinh ở người và một số loài động vật khác như chuột, rái xá, chó, mèo, hổ, báo, chồn… Vật chủ trung gian truyền bệnh là các loài cá nước ngọt và ốc. Vì vậy, nguy cơ nhiễm sán sẽ gia tăng đáng kể nếu không đảm bảo ăn chín uống sôi.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, sán lá gan sẽ ký sinh ở đường dẫn mật và phát triển thành sán trưởng thành sau đó đẻ trứng. Trứng sán sẽ được đào thải ra bên ngoài qua đường phân và tiếp tục chu kỳ ký sinh, lây nhiễm.
Tương tự như các bệnh lý khác ở gan, sán lá gan không có biểu hiện rõ ràng trong giai đoạn đầu. Nếu chủ quan trước các dấu hiệu bất thường, lượng sán lá gan sẽ gia tăng gây tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp và thậm chí là xuất huyết tiêu hóa. Nâng cao kiến thức là cách duy nhất để có thể phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm.
Phân loại bệnh
Bệnh sán lá gan được chia thành 2 loại dựa vào tác nhân gây bệnh:
Bệnh sán lá gan nhỏ (Clonorchiasis)
Bệnh sán lá gan nhỏ xảy ra do nhiễm Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini hoặc Opisthorchis felineus. Ở nước ta có 2 loại thường gặp là Clonorchis sinensis và Opisthorchis viverrini, phân bố ở 32 tỉnh thành (chủ yếu là ở khu vực miền Trung và miền Bắc).
Các loại sán lá gan nhỏ thường có trong các loại ốc và cá nước ngọt. Khi ăn thức ăn chưa được nấu chín, ấu trùng sán sẽ xâm nhập vào cơ thể thông qua ống tiêu hóa. Sau khi đi vào dạ dày và xuống tá tràng, ấu trùng sẽ đi ngược lên đường mật và phát triển thành sán lá gan trưởng thành.
Bệnh sán lá gan lớn (Fascioliasis)
Fasciola hepatica và Fasciola gigantica là hai tác nhân gây bệnh sán lá gan lớn. Về hình dáng, sán lá gan lớn và nhỏ đều có thân dẹp giống như hình chiếc lá, bờ mỏng. Điểm khác biệt dễ thấy nhất là kích thước nên được đặt tên là sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn để phân biệt.
Sán lá gan là loại ký sinh trùng lưỡng tính vừa có buồng trứng vừa có tinh hoàn. Vì vậy, sán sinh trưởng và đẻ trứng nhanh sau khi ký sinh vào vật chủ. Các loại sán lá gan thường có khả năng tồn tại kém ở ngoài môi trường do vỏ mỏng. Do đó, nếu ăn chín uống sôi, ấu trùng sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nhiễm sán lá gan là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh sán lá gan. Như đã đề cập, ấu trùng sán rất dễ bị hỏng nếu không có đủ nước và nhiệt độ vượt quá 70 độ C. Vì vậy, chỉ khi có các yếu tố thuận lợi, ký sinh trùng mới có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.
Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh sán lá gan bao gồm:
- Sán lá gan nhỏ: Bao gồm 3 loại là Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini và Opisthorchis felineus
- Sán lá gan lớn: Gồm có 2 loại là Fasciola hepatica và Fasciola gigantica
Các loại sán lá gan phân bố chủ yếu ở các nước Châu Á và Châu Phi. Ở nước ta, loại sán này phân bố nhiều ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Khu vực phía Nam ít gặp hơn nhưng vẫn có trường hợp nhiễm bệnh.
Sán lá gan là loại ký sinh trùng có khả năng tồn tại kém bên ngoài môi trường. Vì vậy, ấu trùng thường sẽ phải ký sinh ở các vật chủ trung gian. Khi ăn phải, ấu trùng sẽ xâm nhập vào đường mật, gan và gây ra bệnh sán lá gan.
Các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh sán lá gan bao gồm:
- Uống nước chưa được đun sôi
- Ăn phải các loại vật chủ trung gian chứa ấu trùng sán (thường do thói quen ăn sống, không nấu chín hoàn toàn…)
- Ngoài các loại ốc và cá, ấu trùng cũng có thể bám vào các loại rau mọc dưới nước như rau cần, rau ngổ, rau nhút. Vì vậy, dù là các loại thịt cá hay rau đều cần được nấu chín trước khi ăn để tránh lây nhiễm.
Sau khi ăn phải các loại thực phẩm chứa sán, ấu trùng sẽ đi vào dạ dày, tá tràng sau đó di chuyển ngược lên ống mật và phát triển thành sán trưởng thành. Cả sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn đều phát triển trong nhu mô gan, sau đó đẻ trứng, trứng được bài xuất ra ngoài qua ống tiêu hóa.
Triệu chứng và chẩn đoán
Các chuyên gia vẫn chưa xác định được thời gian ủ bệnh. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp đều chỉ phát sinh triệu chứng khi cường độ nhiễm sán cao, số lượng sán trên 100. Trung bình, mất khoảng vài tuần hoặc vài tháng các triệu chứng mới dần xuất hiện.
Các triệu chứng của bệnh sán lá gan bao gồm:
Đối với sán lá gan nhỏ:
- Vùng hạ sườn phải có dấu hiệu đau tức do sán sinh sản nhiều gây tắc đường mật.
- Vàng da, sạm da.
- Rối loạn tiêu hóa (khó chịu ở vùng bụng, khó tiêu, ăn uống kém).
- Sụt cân, cơ thể gầy yếu do ăn kém.
- Trường hợp nặng sẽ gây chảy máu đường mật, viêm đường mật, xơ gan mật.
Đối với sán lá gan lớn:
- Đau vùng mũi ức, thượng vị và hạ sườn bên phải. Có thể đau nhẹ, âm ỉ hoặc đau dữ dội.
- Nổi mề đay, mẩn ngứa.
- Đau cơ, đau khớp.
- Buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, ăn uống kém, đầy hơi.
- Có cảm giác mệt mỏi, đôi khi kèm theo sốt.
- Trường hợp sán lá lớn phát triển mạnh gây áp xe gan với các triệu chứng nghiêm trọng như sốt, đau dữ dội ở vùng hạ sườn phải.
Các triệu chứng của bệnh sán lá gan không quá đặc hiệu. Ngay khi nhận thấy vùng hạ sườn phải thường xuyên khó chịu, đau kèm theo chán ăn và khó tiêu, nên thăm khám sớm để được xác định nguyên nhân. Sán lá gan phát triển nhanh nên có thể gây tắc mật và xuất huyết tiêu hóa vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, dù là triệu chứng nhẹ cũng không nên chủ quan.
Để đưa ra chẩn đoán, trước tiên bác sĩ sẽ trao đổi về các triệu chứng mà bạn gặp phải, tìm hiểu thói quen ăn uống (có thường xuyên ăn đồ sống, ăn ốc và các loài cá nước ngọt hay không), xác định vị trí sinh sống (ở miền Trung, miền Bắc). Sau đó, các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ được thực hiện để hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán:
- Lấy mẫu bệnh phẩm: Ấu trùng của sán lá gan sẽ xuất hiện trong phân và dịch đại tràng. Thông qua xét nghiệm mẫu phân, bác sĩ có thể tìm thấy sự hiện diện của trứng sán lá gan nhỏ. Xét nghiệm máu sẽ giúp tìm được kháng thể kháng sán lá gan lớn, đóng góp đáng kể cho công tác chẩn đoán.
- Xét nghiệm hình ảnh: CT hoặc MRI có thể được chỉ định trong trường hợp sán ký sinh lạc chỗ. Hình ảnh từ các xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ xác định vị trí mà sán ký sinh và phát triển.
- Siêu âm bụng: Siêu âm bụng có thể phát hiện các dấu hiệu nhiễm sán như giãn túi mật và đường mật do sán sinh trưởng, phát triển.
Các kỹ thuật cận lâm sàng được sử dụng trong chẩn đoán bệnh sán lá gan cho kết quả khá nhanh. Sau khi có kết quả của các xét nghiệm, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán xác định và tìm được tác nhân cụ thể (sán lá gan nhỏ hay sán lá gan lớn).
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh sán lá gan nếu được phát hiện sớm có thể điều trị triệt để. Ấu trùng sán sẽ được loại bỏ hoàn toàn giúp cho gan và các ống dẫn mật hoạt động ổn định, không bị tắc nghẽn và ứ mật.
Tuy nhiên, vì triệu chứng ở giai đoạn đầu tương đối mờ nhạt nên phần lớn bệnh nhân không phát hiện ra dấu hiệu bất thường. Ở một vài trường hợp, sán lá gan có thể phát triển nhanh gây chèn ép ống dẫn mật dẫn đến ăn uống kém, sụt cân, gầy yếu, giảm sức lao động.
Ngoài ra, sán lá gan còn kích thích tăng sinh tổ chức xơ ở gan khiến cho tình trạng xơ gan nghiêm trọng dần theo thời gian. Dưới tác động của sán, đường mật có hiện tượng dày, giảm độ đàn hồi, kết quả là gây tắc và thậm chí là vỡ ống mật. Nếu không được điều trị trong thời gian dài, bệnh sán lá gan có thể gây biến chứng xơ gan và gia tăng nguy cơ ung thư biểu mô đường mật.
Sán lá gan còn gây ra những biến chứng khác như viêm đường mật, viêm tụy cấp, tắc mật gây vàng da và xuất huyết tiêu hóa. Những biến chứng này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tổng thể và khả năng tiêu hóa.
Bệnh sán lá gan không quá nguy hiểm nếu được điều trị sớm. Trường hợp đã phát sinh biến chứng, quá trình điều trị thường phức tạp và mất nhiều thời gian hơn. Chính vì vậy, cần chú ý những biểu hiện bất thường để kịp thời thăm khám và điều trị.
Điều trị
Sán lá gan cần được điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng. Hiện nay, phương pháp chính cho bệnh lý này sử dụng thuốc. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp nâng đỡ thể trạng để phục hồi sức khỏe nói chung và gan - mật nói riêng.
Sử dụng thuốc đặc hiệu
Hiện nay, đã có thuốc đặc hiệu đối với bệnh sán lá gan. Tùy theo tác nhân gây bệnh là sán lá gan lớn hay sán lá gan nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ định dùng loại thuốc thích hợp. Thuốc mang lại hiệu quả cao nhưng chống chỉ định với nhiều trường hợp. Vì vậy, nên trao đổi trước với bác sĩ về tình trạng sức khỏe để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Các loại thuốc đặc hiệu dùng trong điều trị bệnh sán lá gan bao gồm:
Thuốc Praziquantel:
Praziquantel 600mg/ liều 75mg/ kg được sử dụng để điều trị sán lá gan nhỏ. Thuốc được dùng trong 1 ngày với 3 liều, mỗi liều cách nhau 4 - 6 giờ. Nên uống thuốc sau khi ăn no để tránh kích thích lên dạ dày. Trường hợp nhiễm nặng sẽ phải dùng thuốc 1 - 2 ngày và nên được theo dõi tại bệnh viện.
Thuốc Triclabendazole:
Triclabendazole 250mg được sử dụng để điều trị sán lá gan lớn. Thuốc được dùng với liều 10mg/ kg cân nặng, uống 1 lần duy nhất sau khi ăn no. Trường hợp các triệu chứng không giảm sau khi tái khám, Triclabendazole sẽ được dùng lần thứ 2 với liều 20mg/ kg cân nặng, chia thành 2 lần uống cách nhau từ 12 - 24 giờ.
Khi sử dụng thuốc đặc hiệu, bệnh nhân cần được theo dõi ít nhất 3 ngày sau khi uống thuốc. Sau đó, cần tái khám lại sau 1 tuần đối với bệnh sán lá gan nhỏ và tái khám 3, 6 tháng đối với sán lá gan lớn.
Điều trị hỗ trợ
Trường hợp có bội nhiễm sẽ được chỉ định kháng sinh. Một số loại thuốc giảm đau cũng có thể được dùng nếu bệnh nhân đau nhiều. Sán lá gan lớn có thể gây áp xe gan. Trường hợp này sẽ được điều trị bằng thuốc. Nếu không có hiệu quả, cần phối hợp chọc hút để dẫn lưu mủ.
Các biện pháp nâng đỡ
Bệnh sán lá gan sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, ăn kém, rối loạn tiêu hóa. Nếu không nâng đỡ thể trạng, cân nặng có xu hướng sụt giảm, một số bệnh nhân trở nên gầy yếu và gần như không thể lao động.
Sau khi điều trị đặc hiệu, bệnh nhân cần nghỉ ngơi khoảng vài ngày. Hạn chế lao động nặng, thức khuya và căng thẳng. Xây dựng chế độ ăn khoa học với những tiêu chí như ăn chín uống sôi, tăng cường rau xanh, giảm gia vị và dầu mỡ khi chế biến… để dễ tiêu hóa.
Ngoài ra, nên ngủ đủ giấc để cơ thể phục hồi tốt, giảm sự mệt mỏi do bệnh sán lá gan gây ra. Trong khoảng 3 - 6 tháng sau khi điều trị, bệnh nhân cần tập thể dục đều đặn để phục hồi thể trạng hoàn toàn.
Phòng ngừa
Sán lá gan là loại ký sinh trùng có trong các loại cá nước ngọt, ốc và một số loại rau. Vì vậy để phòng ngừa bệnh lý này, cần chú ý thói quen ăn uống. Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh sán lá gan hiệu quả:
- Ăn chín uống sôi, tuyệt đối không ăn gỏi cá và các loại ốc chưa được nấu chín.
- Không ăn sống các loại rau mọc dưới nước như rau nhút, rau ngổ, rau cần…
- Đun sôi nước trước khi uống.
- Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi nấu ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi làm vườn.
- Tẩy giun định kỳ 1 - 2 lần/ năm.
- Vệ sinh môi trường sống, không nuôi cá bằng phân và không phóng uế vào nguồn nước.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bất thường.
- Các cơ quan cũng cần phải kiểm soát chặt chẽ nguồn trâu bò, hải sản nhập khẩu ở vùng biên giới.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Các xét nghiệm tôi cần phải thực hiện để chẩn đoán bệnh sán lá gan?
2. Tình trạng sán lá gan của tôi có nghiêm trọng không?
3. Có thể xác định tôi bị nhiễm sán lá gan từ nguồn lây nào không?
4. Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc trị sán lá gan?
5. Nếu gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc, tôi phải xử lý như thế nào?
6.Có cần tái khám sau khi điều trị bệnh sán lá gan hay không?
7. Người nhà có khả năng nhiễm sán lá gan không? Phải làm sao để xác định?
8. Sán lá gan có tái nhiễm sau khi điều trị? Làm cách nào để phòng ngừa?
Bệnh sán lá gan nếu được phát hiện sớm có thể điều trị thuận lợi, mức độ đáp ứng tốt. Tuy nhiên, vẫn có thể tái nhiễm nếu không thực hành nguyên tắc ăn chín uống sôi và giữ vệ sinh tốt. Ngoài ra, bản thân người bệnh cũng cần giáo dục những người xung quanh để có thể chủ động phòng ngừa loại sán này.