Bệnh Viêm Ruột Thừa
Bệnh viêm ruột thừa là một cấp cứu bụng ngoại khoa thường gặp. Nếu phát hiện và phẫu thuật sớm, đa phần đều hồi phục tốt với tỷ lệ tử vong chỉ 1%. Ngược lại, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50% trong trường hợp thăm khám muộn, ruột thừa vỡ gây viêm phúc mạc và áp xe.
Tổng quan
Bệnh viêm ruột thừa (Appendicitis) là tình trạng ruột thừa bị viêm nhiễm dẫn đến đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn mửa. Ở nước ta, viêm ruột thừa cấp là cấp cứu bụng ngoại khoa hàng đầu với tỷ lệ chiếm 30 - 40% tổng số ca phẫu thuật cấp cứu bụng.
Sở dĩ ruột thừa được đặt tên như vậy vì cơ quan gần như không có chức năng và không tham gia vào hoạt động tiêu hóa. Ruột thừa là một phần của ruột già và thường nằm ở đoạn cuối của manh tràng. Thông thường, ruột thừa nằm ở vị trí bụng dưới bên phải nhưng cũng có khi di động đến những vị trí khác như giữa ổ bụng và bên trái bụng (hiếm gặp).
Viêm ruột thừa thường gặp ở người trẻ trong độ tuổi 20 - 40 nhưng cũng có khi gặp ở trẻ nhỏ và người trung niên, cao tuổi. Hiện nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ nhưng có thể liên quan đến nhiễm khuẩn, rối loạn nhu động ruột…
Viêm ruột thừa cần được nhập viện và phẫu thuật sớm để tránh biến chứng. Nếu chậm trễ, ruột thừa có thể bị vỡ gây viêm phúc mạc, áp xe và vô số biến chứng khác. Vì chưa rõ nguyên nhân nên hiện không có cách phòng ngừa bệnh lý hoàn toàn. Cách duy nhất là chú ý đến những biểu hiện của cơ thể để kịp thời thăm khám và điều trị.
Phân loại bệnh
Hầu hết các trường hợp bị viêm ruột thừa đều xảy ra cấp tính với triệu chứng đột ngột, rầm rộ. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp bị viêm ruột thừa mãn tính nhưng ít gặp hơn.
Viêm ruột thừa cấp tính
Hơn 98% trường hợp viêm ruột thừa là cấp tính. Các triệu chứng khởi phát vô cùng đột ngột từ vài giờ đến vài ngày. Viêm ruột thừa cấp cần phải được phẫu thuật để tránh biến chứng vỡ gây nhiễm trùng phúc mạc và những cơ quan lân cận.
Viêm ruột thừa mãn tính
Viêm ruột thừa mãn tính rất hiếm gặp, được xác định khi ruột thừa bị viêm trong một thời gian dài. Triệu chứng khá mờ nhạt nên rất khó phát hiện.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm ruột thừa vẫn chưa được biết rõ. Các chuyên gia cho rằng, dị vật, giun và sỏi có thể gây tắc nghẽn ruột thừa. Qua đó tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển dẫn đến hiện tượng viêm.
Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột thừa:
- Nhiễm khuẩn: Các chuyên gia cho rằng, nếu đường ruột bị viêm nhiễm, vi khuẩn có thể xâm nhập vào bên trong ruột thừa. Tuy nhiên, vì ruột thừa nằm tách biệt so với đại tràng nên nhiễm trùng thường xảy ra thứ phát sau khi bị viêm đại tràng.
- Rối loạn nhu động ruột: Nhu động ruột bị rối loạn có thể gây ứ đọng phân ở bên trong ruột thừa. Vi khuẩn có hại vì thế sẽ có điều kiện phát triển gây viêm nhiễm.
- Rối loạn thần kinh vận mạch: Rối loạn thần kinh vận mạch lý giải vì sao ruột thừa bị viêm dù nằm tách biệt so với đại tràng. Nguyên nhân là do các mạch máu bên trong ruột thừa co lại gây rối loạn dinh dưỡng và thiếu máu cục bộ. Từ đó tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển gây viêm ruột thừa.
- Các yếu tố khác: Khối u ở manh tràng, dị ứng thực phẩm, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng… cũng được cho là những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột thừa.
Triệu chứng và chẩn đoán
Các triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa vô cùng rõ rệt. Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, rầm rộ chỉ trong vài giờ.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm ruột thừa bao gồm:
- Xuất hiện cơn đau ở vùng bụng phải trên rốn, sau đó cơn đau có thể lan ra các vùng xung quanh
- Mức độ đau tăng lên khi ho, cử động
- Viêm ruột thừa ở người cao tuổi thường ít gây đau, mức độ đau nhẹ hơn nên chậm phát hiện, nguy cơ vỡ ruột thừa cao
- Sờ, ấn vào bụng có cảm giác đau nhiều, bụng co cứng
- Buồn nôn, ói mửa (chiếm khoảng 50% trường hợp)
- Chán ăn
- Sốt nhẹ hoặc không sốt, trường hợp sốt cao thường xảy ra khi ruột thừa đã bị vỡ
- Táo bón hoặc tiêu chảy
Đa phần các trường hợp viêm ruột thừa đều có triệu chứng rõ rệt, dễ nhận biết. Ngay khi nhận thấy cơn đau dữ dội ở bụng, nên gọi cấp cứu để được phẫu thuật kịp thời. Để loại trừ viêm tụy cấp và những bệnh lý có triệu chứng tương tự, bác sĩ sẽ cần thực hiện các bước sau:
- Đánh giá lâm sàng: Sau khi hỏi triệu chứng và bệnh sử, bác sĩ sẽ ấn vào vùng bụng bị đau để đánh giá tính chất cơn đau. Bên cạnh đó, phản ứng co cứng cơ thành bụng cũng phản ánh phần nào hiện tượng viêm ở đường ruột. Một số trường hợp sẽ cần khám trực tràng bằng tay và khám phụ khoa để loại trừ những nguyên nhân khác.
- Xét nghiệm máu, nước tiểu: Được thực hiện để kiểm tra số lượng bạch cầu và loại trừ khả năng sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Chụp X-Quang có chất cản quang: Trường hợp viêm ruột thừa không điển hình sẽ cần chụp X-Quang có chất cản quang để phân biệt với các bệnh lý khác như hội chứng ruột kích thích, viêm hồi manh tràng và ung thư đại tràng.
- Chụp CT: Những cơ sở y tế hiện đại sẽ sử dụng CT thay vì X-Quang vì độ chính xác cao hơn. Hình ảnh từ CT giúp bác sĩ xác định viêm ruột thừa, đồng thời loại trừ những vấn đề sức khỏe có liên quan.
- Nội soi ổ bụng: Để tránh nguy cơ vỡ ruột thừa, các bác sĩ thường sẽ ưu tiên nội soi. Phương pháp này vừa giúp chẩn đoán vừa có thể kết hợp phẫu thuật ruột thừa.
Thực tế, viêm ruột thừa thường được chẩn đoán dựa vào lâm sàng. Bởi bệnh nhân cần được chẩn đoán để kịp thời điều trị. Các chẩn đoán hình ảnh chỉ được thực hiện trong những trường hợp không điển hình, vì thời gian chờ đợi kết quả sẽ làm gia tăng nguy cơ vỡ ruột thừa và nhiều biến chứng khác.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm ruột thừa có tiến triển nhanh và nguy cơ cao gặp phải biến chứng. Nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50%. Những trường hợp phẫu thuật sớm thường phục hồi nhanh, tỷ lệ tử vong chỉ chiếm 1%. Tiên lượng xấu thường là do tuổi tác cao, đã xuất hiện biến chứng áp xe và viêm phúc mạc.
Các biến chứng có thể gặp phải khi bị viêm ruột thừa:
- Vỡ ruột thừa: Viêm ruột thừa không được phẫu thuật kịp thời sẽ gây vỡ ruột thừa. Vi khuẩn ở bên trong sẽ tràn ra toàn bộ ổ bụng dẫn đến viêm phúc mạc. Đây là biến chứng vô cùng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng. Trường hợp này cần được phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa và làm sạch khoang bụng.
- Áp xe ổ bụng: Khi ruột thừa vỡ, vi khuẩn sẽ lây lan sang những cơ quan khác dẫn đến sự hình thành của các túi mủ (áp xe). Áp xe ổ bụng cũng là biến chứng nguy hiểm cần được xử trí sớm.
Điều trị
Phẫu thuật là phương pháp chính đối với bệnh viêm ruột thừa. Cần thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh biến chứng vỡ ruột thừa gây nhiễm trùng phúc mạc và áp xe.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm ruột thừa bao gồm:
Phẫu thuật
Cắt bỏ ruột thừa sẽ được thực hiện thông qua nội soi hoặc mổ mở - nếu đã có biến chứng viêm phúc mạc. Sau khi ruột thừa được cắt bỏ, tình trạng sẽ được kiểm soát nhanh chóng. Nếu ruột thừa đã vỡ, bác sĩ sẽ làm sạch ổ bụng để tránh áp xe và nhiễm trùng thứ phát ở những cơ quan khác.
Kháng sinh
Đối với những trường hợp đã vỡ ruột thừa hoặc có nguy cơ nhiễm trùng cao (hút thuốc lá, tiểu đường…), cần dùng kháng sinh trong vòng vài ngày. Một số trường hợp sẽ phải dùng kháng sinh trước khi mổ. Hiện tại, nhóm cephalosporin thế hệ III được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị viêm ruột thừa.
Chăm sóc sau khi phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt để phục hồi tốt, giảm đau và phòng ngừa sẹo. Chăm sóc cho bệnh nhân viêm ruột thừa sau khi mổ sẽ bao gồm các biện pháp sau:
- Sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Trong khoảng vài ngày đầu, nên dùng các món ăn lỏng, mềm như sữa ấm, súp, cháo lỏng.
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để giảm áp lực lên ống tiêu hóa, qua đó giúp giảm đau đáng kể.
- Kiêng rượu bia, cà phê, hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo và gia vị.
- Uống nhiều nước và bổ sung chất xơ để làm sạch ruột già.
- Mặc quần áo rộng rãi, chất liệu mềm thoáng để tránh ma sát lên vết mổ dẫn đến sưng nề và đau nhức.
- Vận động nhẹ nhàng, hạn chế xoay người đột ngột và không nên lao động nặng.
Với sự ra đời của kỹ thuật nội soi, thời gian phục hồi sau mổ được rút ngắn và nguy cơ gặp phải biến chứng cũng được hạn chế. Dù vậy, nếu nhận thấy có biểu hiện sốt, mệt mỏi, vết mổ mưng mủ, rỉ dịch… nên đến bệnh viện sớm nhất có thể.
Phòng ngừa
Hiện không có biện pháp nào có thể phòng ngừa bệnh viêm ruột thừa. Dù vậy, một số lối sống khoa học sẽ giúp đường ruột khỏe mạnh và nguy cơ viêm nhiễm cũng được hạn chế tối đa.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm ruột thừa:
- Ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Uống đủ 2 lít nước/ ngày.
- Tăng cường rau xanh và bổ sung nhiều thực phẩm chứa probiotic (lợi khuẩn) để duy trì sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột.
- Phát hiện và điều trị sớm các vấn đề ở đại tràng.
- Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và đồ uống chứa caffeine.
- Tập thể dục hằng ngày.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Có phải tôi bị viêm ruột thừa? Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?
2. Tôi có cần phẫu thuật cắt ruột thừa không?
3. Thời gian phẫu thuật bao lâu? Tôi có cần ở lại bệnh viện không?
4. Sau khi phẫu thuật, cần kiêng cữ và chăm sóc như thế nào?
5. Phát hiện biến chứng sau khi mổ ruột thừa bằng cách nào?
6. Sau khi mổ ruột thừa có cần tái khám?
Bệnh viêm ruột thừa là một trong những bệnh cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Ngay khi có biểu hiện đau bụng dữ dội, nên đến bệnh viện để được phẫu thuật kịp thời. Tâm lý chủ quan sẽ gây vỡ ruột thừa dẫn đến viêm phúc mạc và tăng tỷ lệ tử vong.