Bệnh Áp Xe Gan do Amip
Bệnh áp xe gan do amip là thuật ngữ được sử dụng để đề cập đến tình trạng tế bào gan tổn thương, xuất hiện ổ mủ do amip lỵ - Entamoeba histolytica. Bệnh thường xuất hiện thứ phát sau khi bị kiết lỵ và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.
Tổng quan bệnh
Bệnh áp xe gan do amip (Amebic Liver Abscess) là loại áp xe gan thường gặp nhất. Bên cạnh amip, vi khuẩn cũng là nguyên nhân phổ biến nhưng chủ yếu xảy ra ở các nước phát triển. Ở Việt Nam và các nước đang phát triển, amip chiếm 80% trong tổng số các ca bị áp xe gan.
Tác nhân gây bệnh là Entamoeba histolytica. Loại amip này thường gây bệnh ở đại tràng, sau đó có thể di chuyển đến các cơ quan khác bao gồm cả gan. Entamoeba histolytica thường gây bệnh lỵ ở đại tràng nên còn được gọi là amip lỵ.
So với áp xe gan do vi khuẩn, bệnh áp xe gan do amip ít nguy hiểm hơn và tỷ lệ gặp phải biến chứng chỉ chiếm 10%. Đặc điểm của áp xe gan do Entamoeba histolytica là ổ mủ không có mùi, vô khuẩn và có màu socola. Dù nguy cơ gặp phải biến chứng không cao nhưng bệnh nhân vẫn cần được chẩn đoán, can thiệp sớm để bảo vệ gan.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Như đã đề cập, nhiễm Entamoeba histolytica là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh áp xe gan do amip. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào nhiễm loại amip này cũng đều phát triển ổ mủ ở gan. Entamoeba histolytica chủ yếu gây ra bệnh lỵ ở đại tràng, một số ít trường hợp gây bệnh ở phổi, gan, não và một số tạng khác.
Entamoeba histolytica tồn tại ở hai thể là thể hoạt động và thể không hoạt động (thể kén, thể trung gian). Vì vậy, có nhiều trường hợp nhiễm amip lỵ nhưng hoàn toàn không có triệu chứng.
Entamoeba histolytica xâm nhập vào ống tiêu hóa của người thông qua nước uống, thức ăn. Đường lây chủ yếu là phân - miệng nên hay gặp ở các nước đang phát triển, khâu vệ sinh cá nhân và vệ sinh khi ăn uống chưa được đảm bảo.
Các yếu tố gia tăng nguy cơ nhiễm amip lỵ - Entamoeba histolytica:
- Không rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn.
- Không rửa sạch, khử khuẩn tay sau khi tiếp xúc với phân hoặc các nguồn nước ô nhiễm.
- Tiếp xúc với phân của chó, mèo cũng có thể gia tăng nguy cơ nhiễm amip lỵ.
- Không có thói quen rửa tay trước khi ăn.
Những yếu tố này sẽ gia tăng nguy cơ lây nhiễm amip lỵ từ ngoại cảnh vào đường tiêu hóa. Amip hiện diện trong phân nên nếu thường xuyên phóng uế vào nguồn nước, thói quen vệ sinh kém sẽ khiến amip lây nhiễm và bùng phát thành dịch.
Bệnh áp xe gan do amip thường khởi phát sau bệnh lỵ. Khoảng hơn 50% trường hợp áp xe gan đều có tiền sử mắc bệnh lý này. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không hề mắc bệnh lỵ mà amip trực tiếp đi từ đường ruột lên gan gây hoại tử cơ quan này.
Entamoeba histolytica sinh sống, phát triển ở thành ruột. Theo thời gian, amip đi vào các tĩnh mạch và xâm nhập vào tĩnh mạch của gan. Một số trường hợp amip đi qua màng bụng rồi di chuyển đến gan.
Triệu chứng và chẩn đoán
Đặc điểm của bệnh áp xe gan do amip là thường chỉ có một ổ mủ, hiếm khi xuất hiện nhiều ổ mủ. Ổ áp xe thường nằm ở thùy phải, vô khuẩn và có màu socola.
Bệnh áp xe gan do amip có biểu hiện khá rõ rệt. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Sốt là triệu chứng đầu tiên, sốt liên tục hoặc từng cơn. Có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao đi kèm với ớn lạnh, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh
- Đau ở vùng hạ sườn phải, đôi khi cơn đau lan lên vùng vai phải
- Có cảm giác căng tức ở hạ sườn phải
- Ấn vào vị trí của gan có cảm giác đau nhói
- Mệt mỏi, chán ăn, ăn uống kém
- Cổ trướng
- Một số trường hợp có thể đi kèm với các triệu chứng nhiễm amip ở đường ruột như tiêu lỏng, đại tiện nhiều lần, đôi khi có lẫn máu
Bệnh áp xe gan do amip có triệu chứng khá điển hình và dễ nhận biết. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, nên thăm khám để được chẩn đoán. Hiện nay, tỷ lệ tử vong do bệnh áp xe gan đã giảm, nhưng trường hợp phát hiện chậm vẫn có khả năng gặp phải biến chứng.
Các bước chẩn đoán bệnh áp xe gan do amip:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ trao đổi về các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, hỏi về tiền sử mắc bệnh kiết lỵ (amip đường ruột)... Sau đó, khám vùng gan để đánh giá có hiện tượng gan to hay không và xem phản ứng đau của bệnh nhân khi dùng tay ấn vào.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để đo nồng độ CRP, tốc độ lắng máu và số lượng bạch cầu. Bệnh áp xe gan do amip sẽ khiến cho tất cả các kết quả trên đều tăng cao hơn mức bình thường.
- Xét nghiệm ELISA: Xét nghiệm ELISA được thực hiện nhằm tìm sự có mặt của kháng thể đặc hiệu với amip. Kết quả của xét nghiệm này có giá trị cao trong chẩn đoán bệnh áp xe gan do amip.
- Chẩn đoán hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, X-Quang và chụp CT cũng sẽ được thực hiện cho bệnh nhân áp xe gan do amip. Hình ảnh từ X-Quang cho thấy cơ hoành bị đẩy lên cao kèm theo tràn dịch màng phổi, siêu âm giúp phát hiện vị trí, kích thước và đánh giá độ đặc/ loãng của ổ mủ.
- Chọc hút mủ: Một số trường hợp sẽ phải tiến hành chọc hút mủ để phân biệt với bệnh áp xe gan do vi khuẩn. Mủ có màu socola, không mùi và không vi khuẩn là những đặc điểm của áp xe gan do amip.
Biến chứng và tiên lượng
Tỷ lệ tử vong ở bệnh áp xe gan do amip chỉ chiếm khoảng 1 - 3% nhờ sự phát triển của khoa học - đặc biệt là các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Trong đó, khoảng 10% trường hợp gặp phải biến chứng.
Nhìn chung, bệnh áp xe gan do amip có tiên lượng tốt hơn so với bệnh áp xe gan do vi khuẩn. Nếu được điều trị sớm và tích cực, ổ mủ sẽ được loại bỏ, tế bào gan được hồi phục hoàn toàn.
Trường hợp chậm trễ, áp xe có thể bị vỡ khiến nhiễm trùng lan rộng. Biến chứng thường gặp là tràn dịch mủ vào màng phổi, viêm phổi, suy tim… Các biến chứng của bệnh áp xe phổi do amip có thể đe dọa đến tính mạng, vì vậy cần phải điều trị tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tham khảo thêm: Các loại bệnh về gan – Mức độ nguy hiểm và xử lý
Điều trị
Đa phần các trường hợp áp xe gan do amip đều có thể điều trị hoàn toàn bằng thuốc. Trường hợp phát hiện sớm, gan chỉ xuất hiện một ổ mủ với kích thước nhỏ.
Sau khi dùng thuốc, ổ áp xe có thể tự phục hồi mà không cần dẫn lưu. Dù vậy, chọc hút và phẫu thuật dẫn lưu vẫn được chỉ định trong một số trường hợp.
Nhìn chung, đa phần những trường hợp áp xe gan do amip đều có đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị sau:
Điều trị nội khoa
Kháng sinh sẽ được sử dụng để kiểm soát viêm nhiễm và áp xe ở gan. Sau khi bệnh áp xe gan thuyên giảm hoàn toàn, cần dùng thuốc diệt amip để tránh tái nhiễm.
Kháng sinh 5 nitro imidazol:
Kháng sinh 5 nitro imidazol là lựa chọn ưu tiên khi điều trị bệnh áp xe gan do amip. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm Metronidazol, Tinidazol hoặc Omidazol. Một số ít trường hợp có chỉ định dùng Secnidazol. Thuốc dược sử dụng từ 7 - 10 ngày hoặc 10 - 14 ngày tùy theo loại kháng sinh.
Thuốc diệt amip:
Thuốc diệt amip được sử dụng sau khi bệnh áp xe gan được kiểm soát. Loại thuốc thông dụng nhất là Intetrix hoặc Paromomycin được dùng liên tục trong 7 - 10 ngày.
Các loại thuốc khác:
- Trường hợp bội nhiễm sẽ được dùng phối hợp với các loại kháng sinh khác.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt (Paracetamol) được dùng để cải thiện cơn đau, sốt cao do áp xe gan gây ra.
Chọc hút mủ
Trường hợp điều trị bằng thuốc không có đáp ứng sẽ được cân nhắc chọc hút. Ngoài ra, bệnh nhân thăm khám muộn khi ổ mủ đã phát triển lớn cũng được chỉ định chọc hút sớm để tránh nguy cơ vỡ áp xe.
Dưới sự hỗ trợ của kỹ thuật siêu âm, bác sĩ có thể dẫn lưu mủ ra bên ngoài. Số lần chọc hút phụ thuộc vào kích thước và số lượng của ổ mủ bên trong gan.
Phẫu thuật
Nếu nhận thấy ổ áp xe có nguy cơ vỡ cao, áp xe đã vỡ hoặc áp xe có kích thước quá lớn, phẫu thuật sẽ được chỉ định. Trường hợp chọc hút mủ kết hợp với dùng thuốc không mang lại hiệu quả cũng cần phẫu thuật để dẫn lưu ổ mủ ra ngoài.
Can thiệp ngoại khoa được thực hiện với mục đích làm sạch ổ mủ trong gan, dẫn lưu màng tim, màng phổi và loại bỏ mủ ở phúc mạc trong trường hợp ổ áp xe đã bị vỡ. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi tại bệnh viện cho đến khi thể trạng ổn định.
Phòng ngừa
Bệnh áp xe gan do amip xảy ra do nhiễm amip qua đường tiêu hóa. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh, cần thực hiện các biện pháp tránh lây nhiễm amip lỵ:
- Không uống nước lã, sữa chưa qua tiệt trùng.
- Không ăn đồ sống, đặc biệt là thịt, cá và các loài ốc.
- Thực hành ăn chín uống sôi để tránh nhiễm amip và các loại ký sinh trùng khác như sán, giun…
- Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và sau khi dọn vệ sinh cho chó, mèo.
- Trước khi chế biến thức ăn, cần rửa sạch tay bằng xà phòng hoặc khử khuẩn bằng cồn.
- Hạn chế ăn rau sống, đặc biệt là các loại rau được trồng dưới nước.
- Không nên ăn uống chung với người khác, nên có muỗng, đũa dành riêng để gắp thức ăn và dùng nước chấm riêng để tránh lây nhiễm bệnh.
- Khi bị bệnh kiết lỵ, cần điều trị tích cực để tiêu diệt hoàn toàn amip. Tránh trường hợp amip di chuyển đến gan qua ổ bụng và đường tĩnh mạch.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Chẩn đoán bệnh áp xe gan do amip thông qua các xét nghiệm nào?
2. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?
3. Tôi có thể điều trị ngoại trú hay phải theo dõi tại bệnh viện?
4. Bị áp xe gan do amip nên dùng thuốc hay dẫn lưu mủ?
5. Điều trị bệnh áp xe gan do amip mất bao lâu?
6. Áp xe gan do amip có tái phát trở lại không? Làm cách nào phòng ngừa?
Bệnh áp xe gan do amip khá phổ biến ở các nước đang phát triển. Bệnh tiến triển nhanh, có nguy cơ vỡ ổ áp xe dẫn đến viêm phúc mạc, tràn dịch mủ vào phổi và tim. Vì vậy, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, nên đến bệnh viện sớm để được can thiệp kịp thời.