Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn bạn cần phải tránh
Di truyền, ô nhiễm môi trường, hút thuốc lá,… là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn. Cần hiểu rõ những yếu tố gây bệnh để chủ động hơn trong việc phòng ngừa bệnh lý này.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn
Hen suyễn là bệnh lý mạn tính liên quan đến hệ thống hô hấp. Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác mà chỉ có thể xác định những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý này.
1. Yếu tố trực tiếp
Đường dẫn khí bị sưng viêm
Khi bị hen suyễn, lớp lót bên trong đường dẫn khí có thể bị sưng hoặc viêm. Tình trạng này làm hẹp không gian trong đường dẫn khí khiến không khí khó lưu thông, gây ra tình trạng khó thở.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bạn có thể bị viêm ở đường dẫn khí kéo dài, sau đó mới phát triển thành hen suyễn.
Co thắt đường dẫn khí
Khi đường dẫn khí tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, các cơ xung quanh sẽ co thắt và làm cho không gian bị thu hẹp. Không khí không thể đi qua đường dẫn khí sẽ khiến lồng ngực căng cứng.
Tương tự như tình trạng viêm đường dẫn khí, co thắt đường dẫn khí có thể xuất hiện trước rồi sau đó mới phát triển thành hen suyễn.
Các vấn đề ở đường dẫn khí có thể do các tác nhân như phấn hóa, bụi, lông thú cưng, thay đổi không khí, nhiễm trùng đường hô hấp, hút thuốc lá, dị ứng thực phẩm, tác dụng phụ của một số loại thuốc,… gây ra.
2. Yếu tố gián tiếp
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn gồm có:
Di truyền
Nếu bạn có người thân cận huyết mắc bệnh hen suyễn, bạn có thể nguy cơ gặp phải bệnh lý này. Các chuyên gia cho rằng, tác nhân gây dị ứng ở những người thân cận huyết là như nhau. Do đó, mức độ tiến triển và tổn thương ở đường dẫn khí có thể diễn ra tương tự và gây ra bệnh hen suyễn.
Giới tính và tuổi tác
Bệnh hen suyễn phổ biến ở trẻ em hơn người lớn, trong đó nam giới dễ gặp phải tình trạng này hơn nữ giới. Tuy nhiên, khi đến tuổi trưởng thành tỷ lệ mắc bệnh cân bằng ở cả hai giới.
Dị ứng
Dị ứng có mối quan hệ mật thiết với hen suyễn. Những người bị hen suyễn dễ bị dị ứng hơn người không gặp phải vấn đề này. Ngoài ra, tác nhân gây dị ứng sẽ làm xuất hiện các cơn hen suyễn cấp tính.
Bệnh chàm, viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng,… là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn. Các bệnh lý này làm gia tăng mức độ nhạy cảm với các tác nhân dị ứng thông thường. Phản ứng dị ứng mạnh có thể khiến đường dẫn khí bị co thắt.
Các chuyên gia phát hiện ra rằng những người bị viêm da dị ứng có thể bị hen suyễn nặng và dai dẳng hơn so với những người không gặp phải các vấn đề này.
Hút thuốc
Những thành phần trong thuốc lá có khả năng kích thích và gây tổn thương ở đường dẫn khí. Hút thuốc trong thời gian dài không chỉ gây bệnh hen suyễn mà còn làm phát sinh những bệnh về đường hô hấp khác như viêm phế quản mạn tính, ung thư phổi,…
Khi phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc, trẻ sinh ra có nhiều khả năng mắc phải bệnh lý này.
Tìm hiểu thêm: Khói thuốc lá ảnh hưởng đến người bệnh hen suyễn như thế nào?
Ô nhiễm không khí
Tương tự như thuốc lá, không khí ô nhiễm có chứa nhiều chất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp của con người. Năm 2019, WHO đã đánh giá môi trường ô nhiễm là yếu tố đe dọa đến sức khỏe nghiêm trọng nhất.
Các hạt bụi siêu nhỏ trong không khí có thể xâm nhập vào đường dẫn khí và gây viêm tại đây. Khi không gian trong đường dẫn bị thu hẹp, khả năng hô hấp của người bệnh sẽ giảm dần.
Béo phì
Trẻ em và người lớn thừa cân có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn người có cân nặng vừa phải. Mặc dù không có lý giải rõ ràng nhưng các chuyên gia vẫn luôn khuyến khích bạn giữ một trọng lượng cân đối để tránh gây áp lực lên phổi.
Nhiễm trùng đường hô hấp
Nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ có hệ miễn dịch kém. Nếu không điều trị dứt điểm, virus có thể cư ngụ trong đường dẫn khí trong một thời gian dài và gây ra hen suyễn.
Có thể bạn quan tâm
- Vì sao căng thẳng gây bệnh hen suyễn? Nên làm gì?
- Những cách phòng chống bệnh hen suyễn ai cũng nên biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!