Viêm da dị ứng là gì? Những điều người bệnh cần quan tâm
Viêm da dị ứng là một dạng của bệnh chàm (eczema), xảy ra khi da bị viêm nhiễm trong thời gian dài gây ra hiện tượng tróc vảy, khô, ngứa, phát ban… Nắm rõ các thông tin về bệnh sẽ giúp cho các bạn có được hướng điều trị chính xác và hiệu quả.
Viêm da dị ứng là gì?
Hiểu một cách đơn giản, viêm da dị ứng là một chứng rối loạn da mãn tính, xảy ra khi da bị một phản ứng dị ứng nào đó tác động vào và gây viêm. Bất cứ ai cũng có thể bị viêm da dị ứng nhưng trẻ em thường là đối tượng mắc bệnh chủ yếu, ở một số quốc gia tỷ lệ này giao động khoảng 15 – 20%. Vì đây là căn bệnh mãn tính, chưa có được thuốc điều trị dứt điểm nên các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện từ thuở ấu thơ và có thể tái phát nhiều lần ngay cả khi đã trưởng thành. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh sẽ tự thuyên giảm hoặc tự biến mất sau khi lớn, nhưng tỉ lệ này rất ít.
Không những gây ra khó chịu và đau đớn mà các triệu chứng của bệnh còn làm cho người không may mắc chứng bệnh này mất đi sự tự tin trong giao tiếp hàng ngày. Do đó, tuy là căn bệnh không gây ra những nguy hiểm đến tính mạng, nhưng viêm da dị ứng lại là nỗi ám ảnh của không ít người vì những tác hại mà nó gây ra.
Nguyên nhân gây bệnh viêm da dị ứng
Cho đến nay nguyên nhân gây viêm da dị ứng vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh viêm da dị ứng thường có liên quan đến tình trạng các tế bào da bị tăng lên quá nhiều một cách bất thường và thường gặp ở những người có làn da mẫn cảm. Với những đối tượng này, chỉ cần có một sự tác động bất thường của các tác nhân gây dị ứng sẽ khiến cho cơ thể và làn da bị kích ứng dẫn đến da bị viêm.
Một số yếu tố được xem là căn nguyên làm kích hoạt quá trình dị ứng trong cơ thể là:
- Tiếp xúc trực tiếp với các chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, lông đông vật, các loại len sợi.
- Sử dụng nước tắm quá nóng hoặc tắm nước ấm nhiều cũng sẽ khiến da bị khô gây viêm da dị ứng.
- Do tiếp xúc với các hóa chất như xà phòng, các chất hóa học và chất tẩy rửa.
- Thời tiết nóng ẩm hoặc lạnh khô cũng có thể làm kích ứng da.
Ngoài ra tình trạng căng thẳng mệt mỏi kéo dài, vận động mạnh gây đổ nhiều mồ hôi hoặc gãi ngứa nhiều cũng là các yếu tố có thể khiến bạn bị viêm da dị ứng.
Triệu chứng của bệnh viêm da dị ứng
Thông thường, các chứng bệnh viêm da đều có các triệu chứng tương tự như nhau như gây ngứa ngáy và làm cho vùng da bị đỏ. Đối với viêm da dị ứng, chúng thường gây ra các triệu chứng như sau:
- Bị ngứa ngáy, thậm chí là ngứa dữ dội
- Da bị khô, tróc vảy, sưng đỏ, viêm, xung quanh các vùng da bị viêm còn có thể mọc các mụn nước nhỏ li ti chứa dịch.
- Gãi nhiều có thể gây chảy máu và bội nhiễm.
- Với trẻ em dưới 2 tuổi, các vùng da bị tổn thương sẽ thường bắt đầu ở những vị trí trên má, khuỷu tay, đầu gối, phát ban ở các vị trí cổ, mặt, quanh mắt. Đối với người trường thành, bệnh thường chỉ xuất hiện ở đầu gối và khuỷu tay.
- Ở những vùng da bị tổn thương thường có màu sáng hoặc tối hơn bình thường vì sắc tố da bị mất.
Biến chứng của viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng nếu được chữa trị sớm sẽ không gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp chủ quan không áp dụng các cách chữa trị kịp thời mà để bệnh diễn tiến trong thời gian dài thì rất có thể sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
+ Bị nhiễm trùng da do vi khuẩn:
Đây là biến chứng rất phổ biến khi bị viêm da dị ứng, tình trạng này thường do tụ cầu và liên cầu khuẩn gây ra. Khi các mụn nước trên da bị vỡ hoặc do gãi ngứa nhiều khiến cho da bị trầy xước sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm. Việc điều trị lúc này cũng sẽ trở nên khó khăn hơn trước do vi khuẩn có thể đã có khả năng kháng thuốc.
Nghiêm trọng hơn, tình trạng này còn có khả năng làm cho người bệnh bị nhiễm trùng huyết, đe dọa đến tính mạng người bệnh nhất là ở đối tượng trẻ em.
+ Viêm da dị ứng Erythrodermic:
Nếu viêm da dị ứng kéo dài, bạn cũng có thể mắc chứng Erythrodermic. Đây là tình trạng da bị viêm cực kỳ nghiêm trọng, có thể gây tử vong cho người bệnh. Biểu hiện đặc trưng của chứng bệnh này là toàn bộ vùng da của cơ thể bị đỏ ửng lên. Ngoài viêm da dị ứng, những người bị eczema, vảy nến hoặc bị những chứng bệnh da liễu khác cũng có thể bị tình trạng này. Các triệu chứng khi bị Erythrodermic mà người bệnh có thể gặp là mất nước, nhiễm trùng, suy tim, thân nhiệt giảm,… có thể bị tử vong.
+ Gây ra những bất thường về mắt:
Những người bị viêm da dị ứng có thể bị mắc phải nhiều vấn đề về mắt, những biến chứng thường gặp là:
- Niêm mạc mắt bị kích thích. Chúng sẽ làm cho mắt của người bệnh bị khô, nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài.
- Bị đục thủy tinh thể
- Mắc chứng Keratoconus. Đây là tình trạng ít khi gặp nhưng cũng không phải là không thể xảy ra. Những người gặp phải tình trạng này sẽ có vùng mắt bị thoái hóa, giác mạc bị suy yếu dẫn đến tình trạng rối loạn thị giác.
+ Bị sẹo vĩnh viễn:
Da bị tróc vảy, lở loét, do các mụn nước bị vỡ…sẽ khiến cho làn da bị trầy xước, chảy máu. Tình trạng này cứ tiếp diễn liên tục sẽ khiến cho da bị sẹo, gây mất thẩm mĩ. Với đối tượng bị bệnh là trẻ nhỏ thì ngoài các biến chứng trên, viêm da dị ứng sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ, tác động đến tâm lý của trẻ khiến trẻ tự ti, có thể dẫn đến tự kỉ hoặc trầm cảm.
Ngoài ra, người bị viêm da dị ứng còn có thể gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng khác mà không được chúng tôi liệt kê ở đây. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho bản thân, khi thấy các dấu hiệu bất thường, bạn nên tìm các biện pháp điều trị để làm giảm các triệu chứng bệnh càng sớm càng tốt.
Cách điều trị viêm da dị ứng
Cho đến nay, bệnh viêm da dị ứng vẫn chưa có cách chữa trị triệt để. Các biện pháp chữa trị được áp dụng thường chỉ có tác dụng làm giảm thiểu các triệu chứng bệnh một cách nhất thời và chúng có thể tái phát bất cứ lúc nào. Để giảm cảm giác ngứa ngáy và cải thiện tình trạng da bị tróc vảy, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc bôi ngoài corticosteroids dạng kem hoặc mỡ. Đối với các trường hợp nặng, cần phải dùng thêm các Corticosteroid có tác dụng toàn thân.
Bên cạnh đó, những loại thuốc điều hòa miễn dịch tại chỗ như tacrolimus, pimecrolimus cũng được chỉ định dùng trong điều trị các trường hợp này. Theo các nghiên cứu cho thấy, hiệu quả điều trị của các loại thuốc này lên đến 80%.
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm da dị ứng
Như đã được đề cập, cho đến nay vẫn chưa có biện pháp đặc trị triệt để viêm da dị ứng. Vì vậy cách tốt nhất để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, tránh bị chứng bệnh này hành hạ hoặc ngăn chặn nguy cơ bệnh tái phát, các bạn cần thực hiện một số biện pháp như sau:
- Giữ vệ sinh làn da sạch sẽ, tắm rửa thường xuyên để loại sạch các bụi bẩn và vi khuẩn bám trên da.
- Cung cấp độ ẩm cho da hàng ngày bằng cách sử dụng các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, an toàn tránh gây kích ứng cho da. Ngoài ra, bạn cũng có thể đắp mặt nạ bằng các nguyên liệu tự nhiên như sữa chua, lô hội, trà xanh… nó cũng có tác dụng rất tốt trong việc nuôi dưỡng làn da của bạn.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dị nguyên dễ gây kích ứng như các hóa chất, các chất tẩy rửa, phấn hoa hoặc bụi bẩn…
- Không nên ăn các loại thực phẩm có khả năng làm cho cơ thể của bạn bị dị ứng như sữa bò, hải sản, các thực phẩm cay nóng…
- Cố gắng giữ cho cơ thể mình ở trong trạng thái thoải mái, vui vẻ, tránh căng thẳng kéo dài.
Viêm da dị ứng khó có thể điều trị dứt điểm, tình trạng tái phát nhiều lần trong cuộc đời là nỗi ám ảnh cho nhiều người. Do đó, để hạn chế nguy cơ mình bị chứng bệnh này làm phiền thì tốt nhất bạn nên chú ý và thay đổi các thói quen ăn uống và sinh hoạt thường ngày của mình cho hợp lý.
Lưu ý rằng các thông tin mà thuocdantoc.vn cung cấp chỉ nhằm mục đích bổ sung thêm cho các tham vấn y tế chuyên nghiệp mà không đưa ra bất cứ lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa nào.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!