Các loại hen suyễn thường gặp mà bạn nên biết
Tùy thuộc vào các tiêu chí mà bệnh hen suyễn được chia thành nhiều loại khác nhau như hen suyễn dị ứng, hen suyễn ở người lớn, hen suyễn ở trẻ em, hen suyễn nghề nghiệp… Mỗi loại đều có đặc điểm đặc trưng, vì vậy nó cũng chi phối đến việc lựa chọn cách điều trị cũng như phòng ngừa bệnh.
Hen suyễn được phân loại dựa trên các tiêu chí nào?
Hen suyễn là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ tình trạng viêm phổi mãn tính làm thu hẹp đường thở, từ đó gây nên các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, vì là căn bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, triệu chứng bệnh và cách mà cơ thể phản ứng với bệnh ở từng người cũng khác nhau, do đó bệnh lại được phân chia thành nhiều loại khác nhau.
Thông thường, bệnh sẽ được phân chia dựa trên các yếu tố cơ bản là:
- Tiền sử bệnh lý của bệnh nhân.
- Dựa vào kết quả xét nghiệm chức năng phổi.
- Độ tuổi mắc bệnh.
- Loại tế bào liên quan đến tình trạng viêm nhiễm.
- Các kết quả xét nghiệm dị ứng.
- Dựa trên các đặc điểm của mô và phổi.
- Tiền sử phản ứng với các loại thuốc đã sử dụng.
→Xem thêm: 6 cách tập thể dục cho người bệnh hen suyễn nặng an toàn, tốt cho sức khỏe
Hen suyễn được phân thành các loại nào?
Dựa vào các yếu tố phân loại đã được đề cập ở trên mà bệnh hen suyễn được chia thành các dạng phổ biến sau:
♦ Hen suyễn dị ứng:
Đây là loại hen suyễn phổ biến nhất, đa số các trường hợp đều có các biểu hiện ngay từ thuở ấu thơ. Bệnh thường có yếu tố di truyền, khi cơ thể bị các tác nhân gây dị ứng xâm nhập sẽ làm kích hoạt các phản ứng viêm trong cơ thể từ đó làm bệnh bùng phát.
Hiểu một cách đơn giản hơn, hen suyễn dị ứng xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân gây dị ứng, làm cho cơ thể giải phóng quá nhiều các kháng thể miễn dịch từ đó dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Các yếu tố được cho là nguyên nhân kích hoạt hen suyễn bao gồm:
- Phấn hoa.
- Lông động vật.
- Các hóa chất.
- Bụi bặm
- Thời tiết
♦ Hen suyễn liên quan đến công việc:
Một số người làm việc trong các môi trường ô nhiễm, chứa nhiều bụi bặm hoặc tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất… cũng có thể làm cho bệnh hen suyễn bộc phát hoặc làm cho các biểu hiện của bệnh thêm trầm trọng.
Theo thống kê, có khoảng 250 chất liên quan đến các quá trình sản xuất có thể làm bùng phát hoặc khiến bệnh hen suyễn trầm trọng thêm. Những chất phổ biến gây nên tình trạng này có thể kể đến bao gồm:
- Sơn.
- Tiếp xúc với các chất hóa học.
- Các sản phẩm và các chất được dùng để tẩy rửa.
- Bụi bặm từ việc chế biến ngũ cốc, bột mì,…làm trong các xưởng gỗ.
- Chế biến hải sản.
- Sản xuất các sản phẩm từ cao su.
- Làm dệt may.
Tùy vào việc tiếp xúc với các chất dị ứng và khả năng phản ứng của cơ thể mà tình trạng dị ứng cũng ở những mức độ khác nhau. Các triệu chứng của bệnh có thể mất đi sau khoảng 1 ngày ngưng tiếp xúc với các chất này nhưng cũng có thể kéo dài cả tháng nếu bạn bị dị ứng nặng.
Nếu bị dị ứng nghề nghiệp, cách tốt nhất để khắc phục vấn đề này là hãy thay đổi môi trường làm việc, tránh xa các tác nhân gây kích ứng cho bạn.
♦ Hen suyễn về đêm:
Nhiều người bị hen suyễn đều cảm thấy rằng các triệu chứng bệnh của họ thường có xu hướng nặng lên về ban đêm, khiến họ khó có thể ngủ ngon hoặc không thể ngủ được. Tình trạng này được gọi là bệnh hen suyễn về đêm.
Do các biểu hiện của bệnh như ho, khó thở, thở khò khè… thường nặng lên vào ban đêm nên nó có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, nhất là bệnh bộc phát khi ngủ. Những yếu tố có thể làm cho các triệu chứng bệnh nặng thêm về đêm bao gồm:
- Cảm lạnh, cảm cúm.
- Bụi.
- Lông động vật.
- Do trào ngược dạ dày thực quản.
- Tác dụng phụ của các loại thuốc kháng viêm.
- Hút thuốc lá.
♦ Hen suyễn do tập thể dục:
Loại hen suyễn này được kích hoạt khi bạn tập thể dục hoặc làm các công việc gắng sức. Với dạng hen suyễn do tập thể dục, các biểu hiện của nó thường xuất hiện sau khi kết thúc bài tập từ 5 – 20 phút khiến cho bạn khó thở. Tuy nhiên, đa số các trường hợp sẽ có cảm giác không thể thở, thở khò khè hoặc ho chỉ sau khoảng vài phút ngưng tập.
Để hạn chế nguy cơ bị hen trong khi tập thể dục, trước khi thực hiện bài tập, bạn có thể sẽ được các bác sĩ chỉ định sử dụng các loại thuốc giãn phế quản nhằm khắc phục tình trạng này.
♦ Hen suyễn biến thể:
Với các đối tượng mắc loại hen suyễn biến thể, ho khan là triệu chứng đặc trưng của tình trạng này. Trẻ em là đối dễ mắc bệnh hen suyễn biến thể ho hơn người lớn.
Các cơn ho thường có xu hướng nặng hơn vào ban đêm và thường bị kích thích bởi các chất gây kích ứng, thời tiết lạnh hoặc do tập thể dục. Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường có các biểu hiện:
- Ho dai dẳng.
- Khó thở.
- Tức ngực.
- Thở khò khè.
- Mất ngủ.
Các trường hợp bị hen suyễn dạng ho cũng có nguy cơ mắc phải các biến chứng nghiêm trọng khác, cụ thể như:
- Các ống phế quản bị thu hẹp vĩnh viễn.
- Viêm phổi, vỡ phổi.
- Suy phổi.
- Áp dụng các phương pháp điều trị không mang lại tác dụng.
♦ Hen suyễn khởi phát muộn:
Bên cạnh các trường hợp bị hen suyễn ngay từ thuở ấu thơ thì cũng có những người đến lúc trưởng thành mới phát bệnh. Loại hen suyễn này được gọi là hen suyễn khởi phát muộn.
Với các đối tượng này, bệnh ít khi bộc phát do sự kích ứng của các chất gây dị ứng mà thường bị kích hoạt do các yếu tố sau:
- Cảm cúm hoặc cảm lạnh.
- Do thay đổi nội tiết tố.
- Sống trong tình trạng căng thẳng hoặc lo âu kéo dài.
- Tác dụng phụ của thuốc.
- Các chất kích thích.
Những triệu chứng của bệnh hen suyễn khởi phát muộn có thể giống với các biểu hiện của bệnh viêm phế quản, bệnh tim và tình trạng phổi tắc nghẽn mãn tính. Do đó, các bác sĩ thường sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để chẩn đoán cũng như xác định được hướng điều trị phù hợp.
♦ Hen suyễn do tác dụng phụ của thuốc:
Sử dụng các loại thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID), nhất là aspirin cũng khiến bệnh hen suyễn khởi phát hoặc làm cho các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Đa số các trường hợp bị hen suyễn do aspirin gây ra thường có các triệu chứng như sau:
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi.
- Sưng mắt, chảy nước mắt hoặc ngứa mắt.
- Đỏ vùng mặt và cổ.
- Đau bụng.
- Khó thở.
Trong trường hợp rất nghiêm trọng, người bệnh có thể bị ngất hoặc ngừng thở.
Ngoài những loại hen suyễn phổ biến, tùy vào thể trạng, nguyên nhân mắc bệnh mà hen suyễn có thể được chia thành nhiều dạng khác nữa. Hãy trao đổi với các bác sĩ để được cung cấp thêm thông tin về vấn đề này.
Có thể bạn quan tâm:
- Hen suyễn và chế độ ăn uống: Thực phẩm nên ăn và cần tránh
- Rượu bia và hen suyễn có mối liên hệ như thế nào?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!