Những cách phòng chống bệnh hen suyễn ai cũng nên biết
Hen suyễn là bệnh gây viêm mãn tính ở phế quản. Các nhà nghiên cứu tin rằng bệnh xảy ra do sự kết hợp của cả hai yếu tố di truyền và môi trường. Để phòng chống hen suyễn tái phát, bệnh nhân được khuyên nên tránh xa các tác nhân gây dị ứng, kết hợp sử dụng thuốc dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cách phòng chống hen suyễn bạn cần biết
Những cách phòng ngừa bệnh hen suyễn được khuyến cáo bao gồm:
1. Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng
Việc hít phải các chất gây dị ứng có thể gây viêm đường thở, kích thích bài tiết chất nhầy và làm co thắt phế quản. Tất cả những yếu tố trên đều làm đường thở bị thu hẹp và hạn chế luồng khí đi vào phổi. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các cơn hen bùng phát trở lại.
Do vậy cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh hen suyễn là xác định các yếu tố gây ra các cơn hen ở bản thân bạn và tránh xa chúng. Những tác nhân gây dị ứng phổ biến bao gồm:
- Mạt bụi
- Lông cho mèo
- Gián
- Nấm mốc
- Phấn hoa
- Bụi bẩn
2. Lắp đặt hệ thống lọc khí trong nhà
Hệ thống lọc khí có thể giúp loại bỏ được 99,97% lượng phấn hoa, mạt bụi hay các chất gây dị ứng khác ra khỏi không gian sống của bạn. Hãy xem xét về việc lắp đặt hệ thống lọc khí trong nhà để hạn chế được các cơn hen suyễn tái phát trong tương lai.
3. Sử dụng máy tạo độ ẩm
Không khí khô quá mức có thể khiến đường thở bị kích ứng và làm các triệu chứng của hen suyễn trở nên nặng hơn. Do vậy, việc trang bị một máy tạo độ ẩm trong nhà là điều cần thiết.
Tuy nhiên cần lưu ý, việc sử dụng thiết bị này không đúng cách có thể gây phản tác dụng. Nếu độ ẩm trong không khí tăng cao quá mức, mạt bụi và nấm mốc trong nhà sẽ có cơ hội phát triển mạnh. Các chuyên gia khuyến cáo, bạn chỉ nên điều chỉnh mức độ ẩm từ 30- 45% để tránh gặp phải vấn đề trên.
Với nguồn nước sử dụng trong máy tạo độ ẩm, bạn nên dùng các loại nước cất hoặc nước đã được khử khoáng. Nếu chỉ sử dụng nước máy hay nước đóng chai thông thường thì rất dễ bị nhiễm khuẩn.
4. Giặt giũ đồ dùng cá nhân thường xuyên
Chăn, màn, áo gối, ga giường… là nơi trú ẩn lý tưởng của vi khuẩn, nấm và bụi bẩn. Chúng có thể khiến cơn hen suyễn bùng phát bất cứ lúc nào.
Để bảo vệ sức khỏe và phòng chống hen suyễn tái phát, bạn nên giặt giũ các vật dụng trên thường xuyên, ít nhất 1 lần mỗi tuần. Sau đó phơi ngoài nắng to hoặc sấy cho thật khô trước khi sử dụng lại.
5. Tránh xa môi trường có khói thuốc lá
Khói thuốc lá có thể khiến cơn hen suyễn bộc phát và trở nên trầm trọng hơn cho dù bạn hút thuốc lá chủ động hay thụ động. Khi hít phải khói thuốc, đường thở sẽ bị kích ứng, viêm và tiết ra nhiều dịch nhầy khiến bạn bị khó thở.
Chính vì vậy, một khi đã bị bệnh hen suyễn, bạn nên tránh tiếp xúc với khói thuốc lá ngay cả khi ở nhà. Các thành viên trong gia đình cũng nên từ bỏ việc hút thuốc lá càng sớm càng tốt.
6. Phòng chống bệnh hen suyễn bằng liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch (còn được gọi là liệu pháp giải mẫn cảm) hiện đang được sử dụng rộng rãi trong điều trị và phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến dị ứng, trong đó bao gồm cả bệnh hen suyễn.
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ các chất gây dị ứng vào cơ thể nhằm thay đổi phản ứng của hệ thống miễn dịch và giúp cơ thể bớt nhạy cảm với các tác nhân này. Thông thường, trong vòng vài tháng đầu tiên của quá trình trị liệu, bạn sẽ được tiêm một lần mỗi tuần. Sau đó giảm liều còn một lần mỗi tháng.
Thời gian thực hiện liệu pháp miễn dịch có thể kéo dài trong vài năm cho đến khi hệ thống miễn dịch của bạn được giải mẫn cảm.
7. Sử dụng thuốc để phòng ngừa bệnh
Bên cạnh những cách phòng ngừa bệnh hen suyễn kể trên, bệnh nhân còn được chỉ định các thuốc dự phòng như:
- Corticosteroid dạng hít: Thuốc Corticosteroid có tác dụng mạnh trong việc giảm viêm ở đường thở. Tuy nhiên do có nhiều tác dụng phụ nên bệnh nhân chỉ được dùng khi được bác sĩ chỉ định và không nên lạm dụng kéo dài.
- Thuốc kháng Leukotriene: Nhóm thuốc này có khả năng ngăn chặn quá trình sản xuất Leukotriene ở tế bào bạch cầu. Leukotriene được xác định là nhóm chất có khả năng gây viêm ở những bệnh nhân bị hen suyễn.
- Thuốc chủ vận beta ( thuốc giãn phế quản): Loại thuốc này giúp thư giãn đường thở và ngăn chặn các cơn co thắt phế quản.
Các chuyên gia cũng khuyên bạn luôn mang theo thuốc cắt cơn bên mình bởi bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào khi chúng ta tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Ngoài ra, để kiểm soát và phòng chống bệnh hen suyễn tốt nhất, bạn nên đi tái khám thường xuyên để theo dõi chức năng phổi. Bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị để đo lượng không khí chảy ra từ phổi. Xét nghiệm này có thể giúp phát hiện sớm tình trạng hẹp đường thở trước khi các triệu chứng bệnh hen suyễn bùng phát. Nhờ vậy, bạn có thể chủ động hơn trong việc ngăn ngừa bệnh.
Có thể bạn quan tâm:
- Các bài tập thở dành cho người bệnh hen suyễn
- Hiểu hơn về chứng hen suyễn nặng và cách điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!