Các loại tinh dầu có tác dụng điều trị bệnh hen suyễn
Hen suyễn là bệnh viêm mãn tính ở phế quản, gây viêm và sưng đường hô hấp, từ đó dẫn đến tình trạng khó thở ở bệnh nhân. Bệnh bao gồm các triệu chứng khò khè, khó thở, nặng ngực và ho khi đêm về hoặc vào sáng sớm. Ngoài việc dùng thuốc bệnh nhân có thể sử dụng một vài loại tinh dầu có nguồn gốc từ tự nhiên để kiểm soát triệu chứng hen suyễn.
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), số lượng người mắc phải hen suyễn ở Hoa Kỳ chiếm khoảng 8,3% , có nghĩa là nó ảnh hưởng đến khoảng 6,1 triệu trẻ em và 20,4 triệu người từ 18 tuổi trở lên.
Hầu hết các loại hen suyễn không dẫn đến khó thở liên tục nhưng khi tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng cơn hen suyễn như các loại thực phẩm (bò, đồ biển, gà,..) hoặc dị ứng khói bụi, phấn hoa, chó mèo,… có thể kéo dài triệu chứng của bệnh và gây ra nhiều biến chứng xấu.
Chính vì vậy, để điều trị được bệnh hen suyễn, ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân cũng cần chú ý tránh tiếp xúc với các dị ứng nguyên. Ngoài ra, hen suyễn còn được điều trị bằng các loại tinh dầu với chức năng như một phương pháp hỗ trợ.
Top 7 loại tinh dầu hỗ trợ điều trị hen suyễn
Trong thực tế, các loại tinh dầu có chứa các hợp chất tự nhiên mang lại lợi ích về sức khỏe cho những người mắc phải bệnh hen suyễn. Nó giúp giảm nhẹ và hạn chế các triệu chứng của bệnh hen suyễn.
Sau đây là một số loại tinh dầu giúp hỗ trợ điều trị hen suyễn.
1. Tinh dầu bạc hà (Peppermint)
Bạc hà là loại tinh dầu không thể thiếu trong bộ sưu tập hương liệu của bạn vì những công dụng hết sức đa dạng của nó. Với mùi hương thanh lọc và làm tăng sức sống, nó thường được sử dụng để làm thông mũi, mát họng, làm sạch phổi và mở rộng đường phế quản. Giúp cho việc hô hấp trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, bạc hà còn có tác dụng ngăn chặn sự sản sinh histamine khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng bạc hà, người bệnh nên lưu ý tránh ăn bạc hà ở dạng nguyên chất. Vì lúc này vị thuốc tự nhiên này chưa được tinh chế, còn chứa nhiều hoạt chất độc hại, có thể gây ngộ độc. Mặt khác, không sử dụng tinh dầu bạc hà để điều trị hen suyễn ở một số trường hợp bị dị ứng bạc hà. Bởi dị ứng có mối quan hệ mật thiết với hen suyễn, là yếu tố làm bùng phát cơn hen. Đồng thời, tinh dầu bạc hà chống chỉ định với người bị co giật, đang mang thai hoặc trẻ em dưới 6 tuổi.
2. Tinh dầu kinh giới (Oregano)
Tinh dầu kinh giới có tác dụng kích thích miễn dịch, kháng khuẩn và kháng vi-rút cực mạnh. Khi hít tinh dầu, tình trạng khó thở sẽ được khắc phục ngay lập tức. Vì lẽ đó, nó trở thành lựa chọn hữu ích cho một số người mắc phải bệnh hô hấp, giúp hỗ trợ điều trị nhiễm trùng hô hấp và ngăn ngừa hen suyễn khởi phát.
Kinh giới thường được sử dụng phổ biến trong bộ khuếch tán để aerosol hóa dầu. Đặc biệt, nó rất dễ bay hơi, nên khi chữa trị hen suyễn bằng tinh dầu này bạn phải sử dụng bằng phương pháp phun sương. Không sử dụng kinh giới nếu bạn đang có thai hoặc có phản ứng nhạy cảm với da.
3. Tinh dầu đinh hương
Dầu đinh hương có đặc tính kháng vi-rút cao và chứa các chất gây mê mạnh gọi là eugenol. Hoạt chất này có tác dụng làm giảm các cơn đau co thắt khi ho. Ngoài ra, nó còn có tác dụng giảm căng cơ bắp khi lên cơn hen suyễn. Đồng thời, đinh hương cũng chứa các chất có tính chống viêm, chống co thắt và tăng cường miễn dịch nên phần nào giảm bớt các triệu chứng hen suyễn như đau ngực, thở khò khè và khó thở,….
Tinh dầu đinh hương được dùng dưới dạng pha loãng để massage lên vùng ngực. Không được sử dụng tinh dầu này cho người có làn da nhạy cảm.
XEM THÊM: Các bài tập thở dành cho người bệnh hen suyễn đơn giản
4. Tinh dầu cây trà
Khi bị bệnh hen suyễn, người bệnh thường có đờm, các dịch nhầy trong mũi và họng. Nó là nguyên nhân gây cản trở đường hô hấp, cũng như làm cho bệnh nhân bị hen suyễn phải thở khò khè, khó thở. Trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Da liễu Anh, dầu cây trà được phát hiện là có tác dụng làm giảm viêm da khi xảy ra phản ứng histamine, giúp hạn chế cơn hen bùng phát. Do đó, người bệnh có thể sử dụng tinh dầu cây trà để loại bỏ đờm, các dịch nhầy trong mũi và họng, giúp việc hô hấp trở nên dễ dàng hơn.
Sử dụng tinh dầu cây trà đúng cách bằng 2 thao tác đơn giản sau:
- Dùng một chiếc khăn ấm, nhỏ vài giọt tinh dầu trà lên khăn
- Trùm khăn lên mũi và hít thở cho đến khi hơi thở bình thường trở lại.
5. Tinh dầu khuynh diệp
Tinh dầu khuynh diệp có chứa chất citronellal có tác dụng chống viêm, giảm đờm trong đường hô hấp và họng. Theo các nhà khoa học, dầu khuynh diệp có thể làm giảm các cơn đau co thắt đường hô hấp và cải thiện được các triệu chứng của bệnh hen suyễn. Nó thường được sử dụng cho người mắc phải bệnh về hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản và cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, không dùng tinh dầu này cho trẻ em vì nó có thể mang đến nguy hiểm cho chúng.
6. Tinh dầu hương thảo
Theo nghiên cứu năm 1999, tinh dầu hương thảo có tác dụng làm thư giãn cơ trơn của khí quản, giúp hơi thở thoải mái hơn. Đồng thời, nó cũng giúp cải thiện các triệu chứng hen suyễn như đau ngực, sản xuất đờm và thở khó ở những bệnh nhân sử dụng các phương pháp điều trị truyền thống nhưng không thấy bệnh chuyển biến tốt.
7. Tinh dầu hoa oải hương
Năm 2014, dựa vào nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học đã chứng minh rằng hít tinh dầu oải hương có thể ức chế viêm mũi dị ứng và giảm sản xuất chất nhầy. Nó giúp người bị hen suyễn giảm viêm đường thở và thở dễ dàng hơn.
Ngoài ra, khi sử dụng tinh dầu oải hương kết hợp với hít thở sâu có thể giúp người bệnh hen suyễn giảm đau, giảm căng thẳng và an thần.
Đặc biệt, cách điều trị hen suyễn bằng tinh dầu oải hương mang lại kết quả cao thường là phương pháp tắm hoặc xông hơi, cụ thể:
- Đổ đầy xô hoặc bát bằng nước ấm.
- Thêm 2 đến 3 giọt tinh dầu oải hương vào nước và khuấy nhẹ.
- Sau đó, đưa bát lại gần mặt, dùng khăn trùm kín đầu và hít lấy hơi nước bay lên. Hít sâu trong 5 đến 10 phút. Không nên đưa mặt gần bát, tránh hơi nóng gây bỏng.
- Nghỉ ngơi trong vài phút và lặp lại 2 đến 3 lần nữa.
Cách sử dụng tinh dầu trị triệu chứng hen suyễn
Thời gian tốt nhất để sử dụng tinh dầu điều trị hen suyễn đạt được kết quả là áp dụng biện pháp này ngay từ đầu khi bệnh mới khởi phát. Theo Birgitta Lauren, một nhà trị liệu bằng hương thơm có trụ sở tại Los Angeles cho biết, việc sử dụng tinh dầu có đạt hiệu quả mong muốn hay không còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh và cách sử dụng của mỗi người. Do đó, người bệnh nên lựa chọn loại tinh dầu phù hợp với bản thân, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ về cách dùng.
Các bước thực hiện:
- Trộn 2 đến 3 giọt tinh dầu với 1/4 chén dầu dẫn. Dầu dẫn là loại dầu trung tính giúp hòa tan tinh dầu và bám mùi lâu. Đây cũng là loại dầu giúp lan tỏa hương thơm xung quanh để bạn không bị choáng ngợp bởi mùi hương.
- Sau đó, thoa hỗn hợp dầu lên ngực và hít mùi hương trong 15 đến 20 phút.
- Tiếp đến, lau sạch sẽ và lặp lại hàng ngày.
Lưu ý
- Tùy vào cơ địa của mỗi người mà sẽ có các phản ứng khác nhau khi sử dụng các loại tinh dầu. Vì vây, bạn nên cân nhắc và thận trọng khi tích hợp dùng các loại tinh dầu với nhau.
- Ngoài ra, bạn nên hỏi thăm bác sĩ để đảm bảo bạn không bị dị ứng. Nếu bạn bị dị ứng với một loại tinh dầu, tốt nhất không nên dùng. Bởi chúng có thể gây ra các biến chứng xấu cũng như kéo dài triệu chứng bệnh.
- Đồng thời, mùi thơm nồng của tinh dầu có thể kích thích các cơn hen. Chính vì vậy, bạn nên tránh sử dụng các loại tinh dầu hoặc bất kỳ liệu pháp trị liệu bằng tinh dầu nếu bạn thường nhạy cảm với nước hoa.
- Hãy dừng ngay lập tức nếu các triệu chứng hen suyễn của bạn trở nên tồi tệ hơn sau khi bắt đầu sử dụng các loại tinh dầu. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bạn sử dụng phương pháp điều trị hỗ trợ này thêm một lần nữa.
- Đặc biệt, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thường khuyên chống sử dụng các loại tinh dầu bằng miệng. Bởi một số loại tinh dầu được cho là độc hại khi chưa qua tinh chế.
Tóm lại, tinh dầu có tác dụng giúp hỗ trợ điều trị triệu chứng hen suyễn. Tuy nhiên, người bệnh cần phải biết cách sử dụng đúng mới mang lại kết quả chữa trị tốt. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng, bởi không phải loại tinh dầu nào cũng phù hợp với bạn.
ThuocDanToc.VN không đưa ra bất kỳ lời khuyên, chẩn đoán cũng như phương pháp điều trị y khoa.
HỮU ÍCH
- Hen suyễn và chế độ ăn uống: Danh sách thực phẩm nên ăn và cần tránh
- Bỏ túi 8 cách giúp kiểm soát bệnh hen suyễn
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!