Bệnh Dị Ứng Thực Phẩm
Bệnh dị ứng thực phẩm xảy ra khi cơ thể nhạy cảm quá mức với các loại protein có trong thức ăn. Tùy theo mức độ dị ứng, triệu chứng gặp phải có thể là mề đay, mẩn ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi, tiêu chảy cho đến khó thở và ngất xỉu. Dị ứng thực phẩm không nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến sốc phản vệ gây tử vong.
Tổng quan
Dị ứng thực phẩm (Food Allergy) hay dị ứng thức ăn thực chất là phản ứng dị ứng miễn dịch của cơ thể với các protein có trong thực phẩm. Tuy nhiên, phản ứng này chỉ xảy ra ở một số người với một số loại thực phẩm nhất định.
Dị ứng thực phẩm xảy ra ngay cả khi chỉ dung nạp một lượng nhỏ thức ăn. Ngay khi hấp thu vào cơ thể, protein trong thức ăn sẽ kích thích phản ứng miễn dịch quá mức. Phản ứng dị ứng sẽ làm giải phóng kháng thể IgE, histamin và các chất trung gian hóa học khác. Đây là tác nhân trực tiếp gây ra các triệu chứng dị ứng trên da, hệ hô hấp, tiêu hóa.
Những người có cơ địa dị ứng sẽ có nguy cơ cao bị dị ứng thực phẩm. Ngoài ra, người thường bị dị ứng thức ăn cũng dễ mắc đồng thời với các bệnh dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, hen phế quản, nổi mề đay, viêm da cơ địa, viêm kết mạc dị ứng…
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh là do dung nạp các loại thực phẩm chứa protein gây dị ứng. Thực tế, bất cứ loại thức ăn, đồ uống nào cũng có khả năng dị ứng. Tuy nhiên, dị ứng xảy ra phổ biến hơn ở những loại thực phẩm sau:
- Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ: Sữa bò, đậu phộng, lúa mì, trứng (thường là lòng trắng trứng) và đậu nành.
- Người lớn: Cá (các loại cá biển), tôm, cua, ghẹ, đậu phộng, mè, gà.
Dị ứng thực phẩm không phải là tình trạng chung đối với tất cả mọi người. Chỉ một số ít người có phản ứng dị ứng miễn dịch với protein trong các loại thực phẩm kể trên. Dù chưa tìm được nguyên nhân chính xác, nhưng các chuyên gia đã nhận thấy bệnh dị ứng thực phẩm có liên quan đến những yếu tố sau:
- Cơ địa dị ứng: Cơ địa dị ứng được hiểu là hệ miễn dịch nhạy cảm, phản ứng thái quá với các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Những người có dạng cơ địa này rất dễ bị dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn và thuốc. Đồng thời dễ mắc bệnh hen suyễn, viêm mũi, viêm xoang dị ứng…
- Tiền sử gia đình: Các bệnh dị ứng thường có tính chất gia đình. Điều này có nghĩa là nếu gia đình có người bị dị ứng thức ăn, nguy cơ dị ứng sẽ tăng lên. Ngoài ra, bạn cũng thể bị dị ứng thực phẩm nếu gia đình mắc các bệnh dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, bệnh nổi mề đay, viêm da cơ địa…
- Các vấn đề ở đường ruột: Dị ứng thức ăn khác với bệnh Celiac và hội chứng không dung nạp lactose. Tuy nhiên, tăng tính thấm của niêm mạc ruột có thể gia tăng nguy cơ dị ứng thức ăn. Tăng tính thấm niêm mạc ống tiêu hóa có thể do rượu bia, thuốc Aspirin hoặc do nhiễm virus, ký sinh trùng. Điều này lý giải một số người bị dị ứng với loại thực phẩm mà trước đây không hề bị dị ứng.
- Hệ miễn dịch suy giảm: Nguy cơ dị ứng thức ăn tăng lên vào thời điểm cơ thể suy nhược, mệt mỏi, miễn dịch kém do mang thai, rối loạn nội tiết… Sức đề kháng giảm khiến cho cơ thể trở nên nhạy cảm với các protein có trong thực phẩm. Kết quả là gây dị ứng với những biểu hiện ở da, hệ hô hấp và tiêu hóa.
- Tuổi tác: Dị ứng thực phẩm có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi. Ngoài ra, nguy cơ sốc phản vệ do dị ứng thức ăn cũng cao hơn so với người trưởng thành.
Nhìn chung, cơ địa dị ứng được xem là gốc rễ gây dị ứng thức ăn. Những người không có yếu tố cơ địa có thể dung nạp các loại thực phẩm một cách thuận lợi mà không gặp phải bất cứ triệu chứng nào.
Triệu chứng và chẩn đoán
Ngay sau khi ăn thực phẩm gây dị ứng, các triệu chứng sẽ bùng phát sau khoảng vài phút đến vài giờ. Triệu chứng cụ thể phụ thuộc vào mức độ dị ứng. Một số trường hợp nhẹ chỉ gặp phải biểu hiện trên da và có thể biến mất sau một thời gian ngắn. Trường hợp nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ - phản ứng dị ứng nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh dị ứng thực phẩm:
- Da nổi mề đay, ngứa ngáy
- Ngứa cổ họng, ngứa mắt
- Hắt hơi, chảy nước mũi
- Sưng niêm mạc miệng và lưỡi
- Có cảm giác khó chịu trong cơ thể
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Buồn nôn, nôn mửa
Trong một số ít trường hợp, dị ứng thức ăn có thể phát triển thành sốc phản vệ (phản ứng phản vệ). Đây là tình trạng dị ứng nặng có thể gây phù thanh quản dẫn đến nghẹt thở và tử vong.
Sốc phản vệ có những biểu hiện như sau:
- Phù mí mắt
- Sưng cổ họng
- Khó thở
- Thở khò khè
- Choáng, chóng mặt
- Lâng lâng
- Ngất xỉu do hạ huyết áp
Sốc phản vệ có thể gây tử vong nên không được tự ý dùng thuốc tại nhà. Cần gọi cấp cứu để được hỗ trợ, tránh gây nghẹt thở do phù thanh quản và co thắt phế quản.
Dị ứng thực phẩm thường có thể tự thuyên giảm hoặc giảm nhanh sau khi dùng thuốc không kê toa. Tuy nhiên, nếu triệu chứng có mức độ nặng, kéo dài dai dẳng, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám.
Bác sĩ sẽ khám lâm sàng, khai thác triệu chứng mà bạn gặp phải. Sau đó, đặt câu hỏi để xác định những yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình, bản thân có mắc các bệnh dị ứng hay không, thể trạng đang khỏe mạnh hay có các vấn đề sức khỏe nào.
Sau khi khám lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm IgE huyết thanh, test lẩy da… sẽ được chỉ định. Dị ứng thức ăn được chẩn đoán khá đơn giản. Tuy nhiên, bác sĩ cần phải loại trừ những vấn đề gây ra các triệu chứng tương tự như hội chứng không dung nạp lactose, ngộ độc thực phẩm, bệnh Celiac…
Biến chứng và tiên lượng
Dị ứng thực phẩm là tình trạng khá phổ biến ở cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trưởng thành. Phần lớn đều có mức độ dị ứng nhẹ đến trung bình. Sau khi ngưng dung nạp thức ăn, triệu chứng trên da, đường tiêu hóa và hô hấp sẽ thuyên giảm sau khoảng vài ngày. Trường hợp cần thiết có thể dùng thuốc không kê toa để giảm ngứa, mề đay.
Tuy nhiên, dị ứng thức ăn có thể kích hoạt các bệnh có cơ chế dị ứng bùng phát như mề đay mẩn ngứa, viêm da cơ địa, bệnh tổ đỉa, viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, viêm kết mạc, hen phế quản, viêm mao mạch dị ứng. Hơn nữa, thức ăn là một trong những tác nhân có thể gây sốc phản vệ, đe dọa trực tiếp đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Dị ứng thực phẩm đồng nghĩa với việc bạn không được dung nạp loại thực phẩm đó trong tương lai. Trường hợp dị ứng với quá nhiều loại thức ăn, bác sĩ sẽ cân nhắc liệu pháp giải mẫn cảm để có thể bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống.
Điều trị
Điều trị bệnh dị ứng thực phẩm tập trung chủ yếu vào việc cải thiện triệu chứng và phòng ngừa sốc phản vệ. Để kiểm soát hoàn toàn phản ứng dị ứng, cách duy nhất là không ăn các loại thực phẩm gây dị ứng.
Trường hợp cần thiết, liệu pháp giải mẫn cảm sẽ được cân nhắc để giảm dần sự nhạy cảm với các loại thực phẩm, từ đó có thể bổ sung những loại thức ăn này vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày.
Các phương pháp điều trị được cân nhắc cho bệnh dị ứng thực phẩm bao gồm:
Không dùng thức ăn gây dị ứng
Để triệu chứng được kiểm soát, cần loại bỏ các loại thực phẩm gây dị ứng ra khỏi chế độ ăn. Ngoài ra, nên xem xét nguy cơ dị ứng chéo. Chẳng hạn như người bị dị ứng tôm sẽ có nguy cơ dị ứng tép và các loại động vật có vỏ khác như cua, ghẹ, nghêu, hến.
Tránh tuyệt đối thức ăn gây dị ứng sẽ giúp điều trị và phòng ngừa bệnh một cách tốt nhất. Khi lựa chọn thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn, nên đọc kỹ bảng thành phần để chắc chắn sản phẩm không chứa các thành phần gây dị ứng như mè, đậu nành, dầu đậu phộng…
Sử dụng thuốc
Thuốc được sử dụng để giảm ngứa ngáy và cải thiện một số triệu chứng do dị ứng thức ăn gây ra. Trên thực tế, thuốc kháng histamin là loại thuốc thông dụng nhất. Trường hợp dị ứng nặng gây phù nề thanh quản sẽ được cân nhắc dùng các loại thuốc kháng viêm.
Các loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh dị ứng thực phẩm:
- Thuốc kháng histamin H1: Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế histamin ở thụ thể H1. Histamin là chất trung gian gây dị ứng - tác nhân trực tiếp làm tăng tính thấm mao mạch ở da, niêm mạc hô hấp và ống tiêu hóa. Thông qua ức chế histamin, thuốc giúp cải thiện tình trạng mề đay, mẩn ngứa, sung huyết mũi, viêm kết mạc…
- Tiêm epinephrine: Tiêm epinephrine được chỉ định trong trường hợp sốc phản vệ. Thuốc có tác dụng tăng huyết áp và nhịp tim cho các trường hợp dị ứng nặng. Bệnh nhân hen suyễn thường được khuyến khích mang theo epinephrine dạng hít để tránh nghẹt đường thở do dị ứng phấn hoa, thực phẩm.
- Cromolyn hay Cromoglicic: Cromolyn được sử dụng khá phổ biến trong điều trị các bệnh dị ứng. Cơ chế của thuốc là bảo vệ tế bào mastocyte khỏi phản ứng của kháng thể và kháng nguyên. Thông qua cơ chế này, thuốc giúp ngăn chặn giải phóng các chất trung gian dị ứng như leukotriene và histamin.
- Corticosteroid: Corticosteroid được chỉ định trong trường hợp dị ứng nặng gây mề đay trên diện rộng kèm theo phù mạch. Thuốc có tác dụng chống viêm và kháng dị ứng tốt. Tuy nhiên, do có nhiều tác dụng phụ, corticosteroid chỉ được sử dụng khi cần thiết trong thời gian ngắn.
Sử dụng thuốc giúp kiểm soát đáng kể các triệu chứng của bệnh dị ứng thực phẩm. Nhưng cần phải hiểu rõ, thuốc chỉ có thể giải quyết cơ bản các biểu hiện lâm sàng, không thể chữa dị ứng hoàn toàn. Do đó, phải kiêng các loại thực phẩm gây dị ứng để tránh tái phát.
Liệu pháp giải mẫn cảm
Liệu pháp giải mẫn cảm hay liệu pháp phơi nhiễm cũng được cân nhắc cho những trường hợp bị dị ứng thực phẩm. Liệu pháp này tốn nhiều thời gian và công sức nên ít được chỉ định, ngoại trừ trường hợp dị ứng với nhiều loại thức ăn và mắc đồng thời với nhiều bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng…
Liệu pháp giải mẫn cảm được thực hiện bằng cách xác định thực phẩm dị ứng. Sau đó, bác sĩ cho bệnh nhân tiếp xúc với một lượng nhỏ protein có trong thực phẩm và tăng dần liều lượng theo thời gian. Dần dần, hệ miễn dịch không còn nhạy cảm khi cơ thể dung nạp loại thực phẩm này.
Phòng ngừa
Dị ứng thực phẩm có thể phòng ngừa bằng cách không dung nạp thức ăn dị ứng và sản phẩm chứa chiết xuất từ loại thức ăn đó. Ngoài ra, nên tăng cường sức đề kháng để giảm sự nhạy cảm của cơ thể với protein có trong thức ăn.
Các biện pháp phòng ngừa dị ứng thực phẩm:
- Không ăn những loại thực phẩm từng bị dị ứng như tôm, cua, nghêu, cá, đậu phộng, mè, lòng trắng trứng, đậu nành…
- Đọc kỹ bảng thành phần các loại thức uống và thực phẩm chế biến sẵn.
- Một số loại thực phẩm có thể được ứng dụng để sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm. Vì vậy, bạn cũng cần chú ý xem bảng thành phần để tránh bị dị ứng da.
- Người bị hen suyễn nên mang theo Epinephrine dạng hít để ngừa co thắt phế quản và phù thanh quản khi bị dị ứng.
- Khi đến các nhà hàng, nên trao đổi với nhân viên về việc dị ứng thức ăn để tránh sử dụng món ăn chứa thành phần gây dị ứng.
- Cải thiện sức khỏe tổng thể bằng chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất. Tập thể dục thường xuyên, tránh thức khuya và căng thẳng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?
2. Dị ứng thức ăn xảy ra tạm thời hay lâu dài?
3. Với tình trạng của tôi, phương pháp điều trị tốt nhất là gì?
4. Điều trị dị ứng thức ăn mất bao lâu?
5. Khi bị dị ứng thực phẩm, cần phải kiêng gì và ăn gì để cải thiện?
6. Bị dị ứng thức ăn khi nào cần nhập viện?
7. Bệnh dị ứng thực phẩm có tái phát không? Làm sao để phòng ngừa?
8. Dị ứng thức ăn ở trẻ có cải thiện khi lớn lên hay không?
Bệnh dị ứng thực phẩm phổ biến ở cả trẻ em và người lớn, đặc biệt là người có cơ địa nhạy cảm. Với những trường hợp nhẹ, có thể tự chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu bị dị ứng nặng, cần nhập viện để tránh phản ứng phản vệ đe dọa đến tính mạng.