Cảnh giác những tác hại nguy hiểm do táo bón lâu ngày gây ra
Nếu không được chữa trị sớm, táo bón có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Các vấn đề có thể gặp phải khi bị táo bón lâu ngày là bị trĩ, sa nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng, suy kiệt sức khỏe, tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính…
Táo bón lâu ngày có thể gây ra các tác hại gì?
Khó đi đại tiện, vùng bụng đau quặn, phân cứng và bị vón cục… là các biểu thường gặp khi bị táo bón. Đây là một bệnh lý phổ biến xảy ra khi hệ tiêu hóa bị rối loạn. Nếu không được chữa trị sớm, bệnh có thể gây ra những tác hại nguy hiểm hơn chúng ta tưởng. Khi bị táo bón lâu ngày, bạn có thể gặp phải các vấn đề như sau:
1. Thay đổi tâm lý
Khó đi cầu khiến cho người bệnh luôn trong tình trạng khó chịu, bực bội, căng thẳng, ăn ngủ không ngon… Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, khiến bệnh nhân luôn cảm thấy mệt mỏi.
2. Gây chán ăn, sợ ăn
Táo bón lâu ngày làm cho bụng của người bệnh bị đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng. Điều này làm mất cảm giác ngon miệng và thèm ăn. Do đó, khiến cho người bệnh mà nhất là đối tượng trẻ nhỏ chán ăn, sợ ăn.
3. Nứt kẽ hậu môn
Phân cứng, rắn sẽ làm tăng mức độ cọ xát với cơ vòng hậu môn, làm nứt các vùng da xung quanh hậu môn. Trong trường hợp này, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa, đau rát hoặc bị chảy máu hậu môn.
Đôi khi, nứt hậu môn có thể gây nhiễm trùng dẫn đến tình trạng bị áp xe, phải phẫu thuật để điều trị. Nứt kẽ hậu môn chỉ chữa khỏi khi tình trạng táo bón được chữa lành.
4. Bị bệnh trĩ
Dùng nhiều sức khi đi cầu hoặc làm gia tăng áp lực lên đại tràng khi bị táo bón sẽ khiến các tĩnh mạch vùng trực tràng, hậu môn bị sưng, gây bệnh trĩ. Nếu táo bón lâu ngày, bệnh trĩ sẽ ngày càng nặng. Hệ quả là việc điều trị sẽ ngày càng trở nên khó khăn.
Xem thêm: Dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ (giai đoạn đầu) và cách chữa
5. Sa trực tràng
Đây là tình trạng trực tràng ở phía trên hậu môn bị sa xuống, thoát ra ngoài hậu môn. Những biểu hiện khi bị sa trực tràng là hậu môn tiết nhiều chất nhầy, có cảm giác ngứa, đau rát hoặc bị chảy máu.
Nếu bị sa trực tràng, phương pháp điều trị bằng phẫu thuật sẽ được chỉ định.
6. Tắc ruột
Chất thải bị ứ đọng lâu ngày trong trực tràng khiến chúng càng ngày càng cứng và rắn lại. Tình trạng này sẽ gây ra hiện tượng bán tắc hoặc tắc ruột.
Các triệu chứng có thể gặp phải khi bạn bị tắc ruột bao gồm đau bụng từng cơn, chướng bụng, không thể đi tiêu…
7. Áp xe hậu môn, rò hậu môn
Các chất thải trong đường ruột sẽ bị cứng và khô lại khi bị táo bón lâu ngày. Tình trạng này gây sang chấn, nhiễm trùng trực tràng và ống hậu môn. Vì vậy nó sẽ làm gia tăng nguy cơ bị áp xe hậu môn, rò hậu môn…
8. Ung thư trực tràng, hậu môn
Táo bón lâu ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư hậu môn. Bởi tính chất của phân cứng và rắn có thể chứa độc tố gây ung thư nhiều hơn bình thường. Chúng bị ứ tắc lâu trong đại tràng sẽ tạo điều kiện cho các tế bào ung thư hình thành và phát triển.
9. Tăng biến chứng ở những người mắc bệnh mãn tính
Những người cao tuổi, người mang sẵn trong mình các bệnh như tim mạch, xơ gan cổ chướng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,… có thể mắc phải các biến chứng nghiêm trọng khi bị táo bón. Bởi việc dùng sức nhiều khi đi tiêu sẽ gia tăng áp lực lên các mạch máu, nguy cơ bị tắc mạch máu não, xuất huyết não cũng tăng theo.
10. Gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột thừa
Khi bị táo bón lâu ngày, áp lực trong ruột gia tăng, tình trạng ứ đọng phân và dịch ở ruột thừa dễ khiến cho cơ quan này bị viêm, gây đau ruột thừa. Ngoài ra, nếu bị táo bón lâu ngày cũng sẽ khiến cho ruột già bị suy yếu và giãn ra, làm tăng nguy cơ thủng ruột.
Xem thêm: 8 dấu hiệu đau ruột thừa bạn cần phải thuộc nằm lòng
Cần làm gì để ngăn ngừa táo bón?
Táo bón có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe. Do đó, cách tốt nhất để tránh khỏi nguy cơ gặp phải những vấn đề này là áp dụng các biện pháp ngăn ngừa táo bón cho bản thân. Dưới đây là một vài biện pháp mà bạn có thể áp dụng:
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, đặc biệt là các thực phẩm giàu chất xơ. Chúng thường có nhiều trong các thực phẩm như: Đậu và các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, các loại trái cây như táo, lê, chuối…
- Uống nhiều nước để kích thích đường ruột và làm mềm chất thải.
- Tránh xa những thực phẩm có hại cho dạ dày như: Đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng, thực phẩm được chế biến sẵn…
- Tạo thói quen đi đại tiện đúng giờ. Không được nhịn đi đại tiện mà cần phải đi ngay khi có nhu cầu.
- Nếu làm các công việc cần phải ngồi nhiều, dành thời gian để vận động, đi lại nhiều hơn. Điều này làm giảm áp lực cho các tĩnh mạch hậu môn và trực tràng, giảm nguy cơ bị trĩ.
- Xoa bóp vùng bụng thường xuyên để cải thiện hệ tiêu hóa.
- Uống các loại trà thảo dược giúp nhuận tràng.
Trên đây là những vấn đề mà bạn có thể gặp phải khi bị táo bón lâu ngày. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, không được mang thái độ chủ quan mà cần phải có những biện pháp xử lý kịp thời khi có các biểu hiện bất thường.
ThuocDanToc.vn không đưa ra bất kì lời khuyên, tham vấn, chẩn đoán y khoa.
BẠN NÊN TÌM HIỂU THÊM
- Cách chữa táo bón lâu ngày (kéo dài) nhanh khỏi nhất
- Cách đi ngoài nhanh khi bị táo bón cực hay?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!